22/11/2020 8:10  
Cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do.

Lời thề “Độc lập hay là chết!”

Nhằm kỷ niệm 75 năm ngày Nam bộ kháng chiến (1945-2020), ngày 21/11 tại TPHCM, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp cùng Thành ủy TPHCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo tướng lĩnh, nhà nghiên cứu hàng đầu và các nhân chứng lịch sử.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam Bộ đã kịp thời phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Thứ trưởng khái quát lại tình thế lúc ấy: “Với sự thỏa hiệp của quân Anh, đêm 22 rạng sáng ngày 23/9/1945, quân Pháp nổ súng tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn. Ngay lập tức, quân và dân Sài Gòn đã đứng dậy tổ chức chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa giành được”.

Theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, mặc dù không thể đánh bại được kế hoạch mở rộng đánh chiếm của thực dân Pháp do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nhưng cuộc chiến đấu của quân và dân Nam bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, khẳng định ý chí bảo vệ độc lập, tự do, thể hiện hình ảnh cao đẹp của “Nam bộ thành đồng Tổ quốc”.

Có mặt tại hội thảo, nhà lão thành cách mạng Võ Anh Tuấn (94 tuổi, nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục Nam bộ trong kháng chiến chống Pháp) kể lại: “Đã 75 năm trôi qua kể từ “mùa thu rồi, ngày hăm ba…” năm 1945 lịch sử, nhưng ký ức của một trong những thanh niên Nam bộ đi theo “tiếng kêu sơn hà nguy biến” những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn còn nguyên vẹn trong tôi”.

Là một người trong cuộc, trực tiếp tham gia những sự kiện quan trọng của Nam bộ kháng chiến, ông nhớ mãi hình ảnh những thanh niên Sài Gòn hô vang lời thề “Độc lập hay là chết! Tổ quốc hay là chết!” trong ngày lễ mừng độc lập 2/9/1945, sự vụ các kiều dân Pháp nổ súng vào hàng vạn thanh niên Sài Gòn đang tuần hành sau buổi mít tinh…

Còn tiến sĩ Hà Minh Hồng (Hội Khoa học lịch sử TPHCM) khiến cả hội trường xúc động khi kể về hình ảnh Bí thư Xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu “tay nắm chặt dằn xuống bàn” tại hội nghị Cây Mai trước tình hình khẩn bách: “Tướng biên cương phải biết tự quyết định theo đường lối bảo vệ đất nước mình… Tôi quyết định đánh! Đánh lại ngay”.

Tại cột cờ Thủ Ngữ ngày 23/9/1945, khi đại đội quân Anh xông vào chiếm cột cờ để hạ lá cờ đỏ sao vàng xuống, treo lá cờ tam tài lên, tiểu đội thanh niên cách mạng chốt giữ cột cờ đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và người lính cuối cùng. Khi chiếm được cột cờ, quân Anh cho cả đại đội xếp hàng, bồng súng chào thể hiện sự cảm phục trước tinh thần quyết tử dù đó là đối phương của họ.

Ông Võ Anh Tuấn xúc động: “Có thể nói, thời gian đã qua đi hơn 7 thập niên, nhưng với tôi, những ngày Cách Mạng Tháng Tám và Nam Bộ kháng chiến vẫn còn nguyên vẹn trong tâm thức”.

Phát huy ý chí tự lực, tự cường

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam nhận định: “75 năm trôi qua, trang sử “Nam Bộ kháng chiến” đã hòa chung với chiến công hiển hách của quân và dân ta, đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước vào mùa Xuân lịch sử 1975”.

Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thì nhận xét: “15 tháng kháng chiến là khoảng thời gian không dài, nhưng cuộc chiến đấu ở Nam bộ và cực Nam Trung bộ đã tạo tiền đề cho việc xác định đường lối kháng chiến sau này, đồng thời khẳng định những quy luật của chiến tranh cách mạng trong điều kiện và bối cảnh lịch sử mới”.

“Nam Bộ trở thành tiền tuyến của cả nước, thể hiện khí phách anh hùng, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, dũng cảm chiến đấu chống lại kẻ thù xâm lược, tạo điều kiện cho Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài”, ông nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Trần Lưu Quang cho biết: “Tiếng súng kháng chiến ở Sài Gòn – Chợ Lớn – Gia Định đã gây chấn động cả nước… Tinh thần dũng cảm chiến đấu, khí phách hiên ngang, quật cường, anh dũng, sẵn sàng hy sinh vì tổ quốc của đồng bào Nam bộ đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc”.

“Tiếp nối truyền thống yêu nước, phát huy hào khí Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”, TPHCM hôm nay luôn nỗ lực, phấn đấu, xứng đáng với những gì mà thế hệ cha anh đã làm được”, ông Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Ông cũng cho biết: “Từ cuộc Hội thảo khoa học này, TPHCM sẽ tiếp thu được nhiều nội dung sâu sắc, nâng cao nhận thức về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh; khát vọng độc lập, tự do của miền Nam “đi trước, về sau”; sự ủng hộ của cả nước với miền Nam ruột thịt”.

“Đảng bộ và nhân dân TPHCM nguyện tiếp tục phấn đấu “đi trước, về đích trước” trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát huy ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo, xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, xứng đáng với thành phố mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thành phố Anh hùng”, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM nói.

Tùng Nguyên – Quốc Anh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Giáo dục   HCM   TPHCM   Tổng cục   Việt Nam   chiến lược   dân Sài Gòn   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...