24/12/2020 8:40  
Tôi thuộc vào dạng bệnh nhân Covid-19 nặng nhất trong bệnh viện. Những bệnh nhân chung phòng với tôi, hoặc là nằm chục ngày hoặc là hai tuần được xuất viện, những bệnh nhân mới lại thay thế chỗ của họ. Còn tôi phải nằm đằng đẵng 35 ngày, mà mỗi ngày không phải 24 giờ với các động tác hàng ngày tập thở, đo mạch, tiêm, truyền thuốc, lấy máu; mà dài bằng cả trăm giờ đau đớn, vật vã, mệt mỏi và chờ đợi!
Bài 1: Bỏ giãn cách, tăng nguy cơ nhiễm SASR-CoV-2
Bài 2: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Những bác sĩ Nga chưa bao giờ hết tận tình
Hồi còn học dưới thời Xô Viết, tôi cũng đã từng nằm trong bệnh viện của trường MGU; sau này cũng tới ba lần nằm các bệnh viện khác nhau, có khi gần hai tuần lễ, tôi tận mắt chứng kiến sự tận tụy, mẫn cán và lòng nhân ái của những y, bác sĩ người Nga. Có một câu chuyện lâu lắm rồi nhưng tôi không thể nào quên được, ấy là khi tôi bị tai nạn gẫy chân ngoài phố vào lúc chiều muộn, những người qua đường lập tức gọi xe cấp cứu. Chỉ sau mấy phút, xe cấp cứu đến nơi, sau khi sơ cứu, tiêm phòng uốn ván và thuốc giảm đau, xe đưa thẳng tôi tới Bệnh viện Botkin ở phía Bắc TP. Dù đã chiều muộn, ca trực vẫn cấp tốc chụp phim, tiếp máu và mổ cho tôi ngay trong đêm đó.

Sau hậu phẫu, họ đưa về phòng và tôi được chăm sóc hết sức chu đáo. Chân bó bột, tôi không thể đi lại, tất cả mọi việc ăn uống, sinh hoạt, hoàn toàn do nhân viên bệnh viện đảm nhận. Suốt một tháng ròng rã, tôi được xuất viện để chờ ngày liền xương sẽ tiếp tục vào bệnh viện kiểm tra, gỡ bột. Ca mổ của tôi hoàn toàn mỹ mãn. Tất cả chi phí mổ, ăn uống, nằm viện, thuốc thang cho đến ngày bình phục, bệnh viện cung cấp hết, tôi không phải trả một đồng nào. Ngày rời bệnh viện, theo truyền thống Nga, tôi chỉ mang đến một bánh ga tô, một bó hoa và một cân chè xanh Việt Nam để cảm ơn các bác sĩ.

Lần này cũng vậy, tôi được đón nhận những sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của bạn bè, những người thân thuộc không chỉ ở Nga mà cả trong và ngoài nước. Tôi không hề đăng một dòng lên Facebook nhưng tin tôi nhập viện, bị bệnh nền, rất nặng, dường như mọi người đều biết. Sự chia sẻ tự nguyện của mọi người đã giúp tôi vượt qua được những khó khăn về tài chính, điều mà tôi rất lo sợ khi quyết định chọn chế độ chăm sóc đặc biệt. Hàng ngày, điện thoại của tôi nhận được hàng chục tin nhắn thăm hỏi từ khắp mọi nơi, tôi không thể trả lời hết, chỉ có khi bác sĩ không cấm hoặc khi giơ nổi tay, tôi mới nhắn tin lại.

Hơn một tháng ròng, kể từ khi tôi nhập viện, không một ngày nào là tôi không nhận được bữa cơm với đủ món khác nhau từ bè bạn thay nhau ship vào. Họ sợ tôi bị mất máu nhiều, sốt cao, uống toàn kháng sinh, sẽ bị kiệt sức. Quả thật những bữa cơm Việt ngon miệng đã góp phần giúp tôi trụ vững trong những thời điểm nguy kịch nhất. Suất ăn trong bệnh viện dường như tôi không đụng đến, tôi chia cho các bệnh nhân cùng phòng.

Nhưng điều mà tôi ghi lòng tạc dạ nhất là tấm lòng của những người Nga, từ những vị bác sĩ đáng kính, đến người lao công trong bệnh viện.

Cần mẫn và kiên cường chống dịch Covid-19

Khi tôi nằm viện, có nhiều bè bạn trong nước nhắn tin hỏi, trong bệnh viện có bị phân biệt đối xử không? Tôi khẳng định là không hề có một sự phân biệt nào. Khi vào viện chữa Covid-19, những người làm thủ tục đăng ký ngoài những câu hỏi về tuổi, tên, bệnh lý, địa chỉ, điện thoại, không hề hỏi một câu nào về quốc tịch và bảo hiểm. Vào nằm viện đây thì người Nga cũng như bất cứ người nào khác giống nhau ở chỗ, đều là bệnh nhân. Những bệnh nhân nhẹ được bố trí một đơn nguyên khác, còn như tôi và những người trong phòng, bệnh nhân nặng được bố trí một khu vực riêng. Mỗi ngày ba lần, căn phòng được quét dọn sạch sẽ, sau đó giường, tủ được lau bằng khăn khử khuẩn.

Như tôi đã kể trên, cứ 6 giờ sáng trở đi, đội ngũ y tá đo nhiệt độ, thử máu, đo huyết áp, lấy máu ven, kiểm tra chỉ số oxy phổi cho tất cả mọi người. Ăn sáng lúc 8 giờ. Bà cấp dưỡng đẩy xe mang cơm đến, cũng khăn áo trùm kín mít, đeo găng tay, nói với bệnh nhân qua bộ đàm gắn ngoài. Mỗi phòng có bốn người nhưng bốn suất cơm không giống nhau; những người ăn kiêng có suất riêng, người tiểu đường có suất riêng. Các món ăn đều nóng, chất lượng chẳng khác gì ở xtalovaia (nhà ăn tập thể) của sinh viên, thậm chí có phần hơn. Ngoài nước chè, sữa, nước hoa quả, hàng ngày mỗi người có hai chai nước suối. Hết bữa ăn, cấp dưỡng lại đến thu dọn, lau chùi sạch sẽ.

Hôm tôi bị xuất huyết, cứ vài giờ máu lại ra ướt đẫm chăn và vải trải giường. Bà hộ lý to béo thận trọng đỡ tôi ra ghế bành, lặng lẽ lau chùi mặt giường và xếp lại bộ ga, chăn, thay vào bộ khác. Cứ mỗi lần thay băng, máu lại ứa ra và bà lại tiếp tục làm các động tác mẫn cán của mình, không một chút bực bội, phàn nàn.

Mấy bệnh nhân bên cạnh không đi lại được, việc vệ sinh cá nhân cũng do bà hộ lý đảm nhận. Bà không làm qua chuyện mà cẩn trọng, sạch sẽ như chăm sóc cho người thân thuộc. Bà y tá tiêm cho ai, mang thuốc cho ai cũng không quên động viên họ, kiên nhẫn lắng nghe họ trình bày về bệnh tình và các yêu cầu giúp đỡ. Tối tối, trước giờ bênh nhân đi ngủ, bà y tá đi từng phòng kiểm tra bình oxy, kiểm tra lại nhiệt độ từng bệnh nhân và khi ra khỏi phòng không quên vặn nút hạ thấp ánh sáng trong phòng.

Quan sát mấy hôm, tôi nắm được quy trình của họ, đó là y tá sẽ mang tất cả những bệnh phẩm xét nghiệm cho phòng tổng hợp; sau khi phân tích, từng bệnh nhân sẽ được chỉ định uống, hoặc tiêm hoặc truyền các loại thuốc gì. Bệnh nhân nào cần đưa đi chụp, bệnh nhân nào cần siêu âm. Những trường hợp nặng là bác sĩ tới ngay lập tức thăm khám. Khi tôi bị xuất huyết, 5 bác sĩ chuyên khoa huyết học đến kiểm tra, chẩn đoán và có quyết định ngay. Khi có vấn đề gì, chỉ cần chọn bấm nút bác sĩ, y tá, hộ lý là họ đến ngay lập tức bất cứ giờ nào.

Những người làm việc trong bệnh viện Covid-19 là những người chịu nhiều rủi ro và hiểm họa luôn rình rập. Chỉ cần một chút bất cẩn là bị lây nhiễm ngay lập tức. Hàng ngày họ tiếp xúc với đủ loại bệnh nhân, từ người chớm nhiễm, đến những ca rất nặng, chẳng biết thứ virus chết người này đến tự phía nào. Ngay cả việc mặc đồ bảo hộ kín mít, chịu đựng sự bí bách này suốt ròng rã 8 tiếng một ngày cũng là một thứ cực hình. Hàng ngày, sau khi cởi bỏ bộ “áo giáp trắng” này, họ lại tất tả ra phương tiện công cộng để về với gia đình, có khi xa tới 70 - 80km.

Mà đồng lương của họ, tất nhiên tôi tra trên Yandex, mới biết là bác sĩ trưởng mỗi tháng cũng chỉ hơn 1.000 USD; y tá chỉ 550 - 600 USD. Cuộc sống của họ cũng hết sức chật vật, khó khăn trong bối cảnh chung của nước Nga hiện nay. Thế nhưng đưa bất cứ món quà gì họ cũng đều từ chối một cách lịch sự. Văn hóa và tính cách Nga không cho phép họ lấy bất cứ một thứ gì của bệnh nhân, cũng như không cho phép thầy giáo lấy quà của học sinh mình. Nể nang lắm, họ chỉ lấy một gói kẹo, hoa quả hay gói cà phê cho phải phép.

Ngày tôi xuất viện, bà bác sĩ nhìn qua tấm kính bảo hộ chào tiễn đưa tôi; còn bà hộ lý và y tá xách hộ túi xách, dẫn tôi ra tận thang máy, đưa lên chiếc xe bệnh viện chờ sẵn. Xe chạy rồi, qua tấm kính mờ, nước mắt tôi trào ra, khi nhìn thấy bên cánh cửa bệnh viện bóng hai chiếc áo bảo hộ trắng toát đưa bàn tay ra vẫy.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Bệnh viện   Covid   Covid-19   Cuộc sống   Việt Nam   thuốc giảm đau   tiểu đường  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...