27/10/2020 6:20  
Cơ quan vũ trụ của Mỹ vừa có tiết lộ chấn động khi thông tin phát hiện chính thức ra nước trên bề mặt Mặt trăng. NASA coi đây là một "khám phá mới thú vị".

Thông tin này đánh dấu một sự thúc đẩy lớn đối với kế hoạch của NASA đưa các phi hành gia lên Mặt trăng một lần nữa.

Các nhà khoa học cho biết, nghiên cứu dựa trên các phát hiện được mô tả vào năm 2009. Hiện nay, bằng cách sử dụng một bước sóng khác dành riêng cho nước, các nhà khoa học báo cáo phát hiện đầu tiên rõ ràng nhất.

Sự nghi ngờ nảy sinh vì các phát hiện năm 2009 được thực hiện trong dải hồng ngoại 3 micromet. Ở bước sóng này, có hai khả năng xảy ra là nước hoặc một hợp chất hydroxyl khác bao gồm hydro và ôxy.

Dẫn đầu bởi nhà thiên văn học Casey Honniball thuộc Trung tâm Không gian Goddard của NASA, một nhóm các nhà khoa học đã quyết định xem xét bước sóng có thể xác nhận hoặc lật ngược những phát hiện trên.

Dải hồng ngoại 6 micromet sẽ hiển thị kết quả chỉ có thể được tạo ra bởi hai nguyên tử hydro và một nguyên tử ôxy.

Nhưng trên thực tế, việc phát hiện rõ ràng trong băng tần đó rất khó. Nó yêu cầu phải sử dụng Đài quan sát Tầng bình lưu (SOFIA), một kính thiên văn đặc biệt độc nhất vô nhị được bay trên một mặt phẳng phía trên phần lớn bầu khí quyển của Trái đất.

"SOFIA là đài quan sát hiện tại và đã được lên kế hoạch duy nhất có khả năng thực hiện những quan sát này. Các tàu vũ trụ trên Mặt Trăng hiện tại không có các thiết bị có thể đo ở 6 micromet từ mặt đất, bầu khí quyển của Trái đất chặn ánh sáng 6 micromet, do đó, điều này không thể thực hiện được từ các đài quan sát trên mặt đất. Trong khi SOFIA bay trên 99,9% hơi nước của Trái đất cho phép ánh sáng 6 micromet đi qua và được quan sát. May mắn là thiết bị FORCAST của SOFIA có thể thực hiện các phép đo 6 micromet với Mặt Trăng”, Honniball nói.

Sử dụng FORCAST, nhóm nghiên cứu cẩn thận xem xét một khu vực trong đó các phát hiện 3 micromet đã được thực hiện các vĩ độ cao phía nam, xung quanh cực nam. Ở đó, họ tìm thấy vạch phát xạ mà họ mong đợi.

Dựa trên các phát hiện của mình, nhóm nghiên cứu ước tính lượng nước dồi dào vào khoảng 100 đến 400 phần triệu phù hợp với các phát hiện 3 micromet trước đó.

Tất nhiên, không có hồ chất lỏng nào chảy xung quanh trên bề mặt Mặt Trăng hay bất kỳ vùng nước đóng băng nào cũng sẽ thăng hoa ngay khi ánh sáng Mặt trời chiếu vào. Nhưng có nhiều cách mà Mặt trăng vẫn có thể chứa nước trên bề mặt.

Honniball thông tin: “Chúng tôi nghĩ rằng nước ở trong thủy tinh. Khi một vi thiên thạch va chạm vào Mặt trăng, nó sẽ làm tan chảy một số vật chất của Mặt trăng, nhanh chóng nguội đi và tạo thành thủy tinh. Nếu đã có nước được hình thành trong quá trình va chạm, một phần nước có thể được giữ lại trong cấu trúc của thủy tinh khi nó nguội”.

Trong một bài báo riêng do nhà thiên văn học Paul Hayne của Đại học Colorado Boulder dẫn đầu, các nhà khoa học đã khám phá một khả năng khác ở các vùng có bóng tối vĩnh viễn trong các miệng núi lửa ở vùng cực. Ở vĩ độ cao, các vành miệng núi lửa cao tạo ra các vùng mà ánh sáng Mặt trời không bao giờ chạm tới.

Ở những điểm này, nhiệt độ không bao giờ đạt trên khoảng -163 độ C tạo ra những cái bẫy lạnh giá có thể ẩn chứa những mảng băng nước.

Hayne nhận định: “Nhiệt độ trong bẫy quá thấp đến mức băng sẽ như một tảng đá. Nếu nước tràn vào đó, nó sẽ không đi đến đâu trong một tỷ năm”.

Cả hai nghiên cứu mới này đều có ý nghĩa rất quan trọng đối với các sứ mệnh lên Mặt trăng trong tương lai. NASA đang có kế hoạch thiết lập một căn cứ trên Mặt Trăng như một phần của sứ mệnh Artemis. Nếu một nguồn nước dồi dào có thể được tìm thấy ở gần đó, cư dân Mặt Trăng có thể tận dụng nó để uống, trồng trọt, thậm chí tách nó ra bằng cách sử dụng điện phân để lấy hydro làm nhiên liệu cho tên lửa.

"Chúng tôi đã được cấp thêm hai giờ trên SOFIA và đang yêu cầu thêm 72 giờ Với nhiều quan sát hơn, sẽ có thể mô tả hành vi của nước trên bề mặt Mặt trăng và hiểu được nguồn gốc của nó, nơi nó cư trú và nếu nó di chuyển quanh bề mặt Mặt trăng”, Honniball nhấn mạnh.

Trang Phạm

Theo Science Alert

Nguồn tin: dantri.com.vn


Không gian   Mặt Trăng   hành vi   tàu vũ trụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...