21/01/2021 18:10  
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, quá trình ngân hàng số ở Việt Nam còn chậm, gọi vui là "nửa chừng xuân", nếu có thang điểm 10 chỉ đạt điểm 4.

Sáng nay 21/1, báo điện tử VTC News đã tổ chức Hội thảo "Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc".

Bàn về ý kiến cho rằng chuyển đổi số là cuộc đua của những "gã nhà giàu", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay: Mấu chốt của ngân hàng số là đầu tư công nghệ. Đầu tư cho công nghệ thường rất lớn và dài hạn. Đầu tư phải chuyên sâu, sử dụng các ứng dụng mới nhất nên thực chất vẫn là câu chuyện về cuộc cách mạng về công nghệ. Vì vậy, số tiền để bỏ ra đầu tư cho ngân hàng số là rất lớn.

Đề cập về thời gian cần thiết để quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng thành công, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Giả sử chúng ta có thang điểm từ 1 đến 10 (thang điểm 1 là mọi việc bằng tay hết, thang điểm 10 là khách hàng không cần đến ngân hàng, vào điểm giao dịch cũng không có người, chỉ có computer), thì mặt bằng chung của các ngân hàng Việt Nam đang ở thang điểm 4.

"Tôi thấy một số ngân hàng dùng chữ ký điện tử song quy trình nội bộ ngân hàng vẫn bằng tay, nhất là việc thẩm định tài sản. Với trình độ tiến về điểm 10 tuyệt đối, Việt Nam chúng ta vẫn còn chậm", ông Hiếu khẳng định. Ông Hiếu vui vẻ gọi đây là quá trình "nửa chừng xuân".

Ông Nguyễn Trí Hiếu cho hay, thực tế là các ngân hàng nhỏ không có tiền đầu tư về công nghệ sẽ gặp khó khăn khi chuyển đổi số. Do đó, chúng ta cần phải có các công ty công nghệ rất lớn để tạo ra các phần mềm cho các ngân hàng.

Ông Hiếu thông tin thêm: Ở Việt Nam, phần mềm chủ yếu được mua từ Ấn Độ và Singapore với giá hàng triệu USD. Ở bên Mỹ, họ không mua một phần mềm nào cả mà họ thuê.

Các công ty lớn ở bên Mỹ mà làm về ngân hàng thì họ cho các ngân hàng thuê các phần mềm này, các ngân hàng sẽ trả tiền thuê cho các công ty công nghệ. Các công ty công nghệ lớn tại Mỹ sẽ cập nhật các phần mềm từng giờ, từng ngày. Trong khi các ngân hàng ở Việt Nam không thể cập nhật như vậy được.

Trả lời câu hỏi "Ngân hàng số với ngân hàng điện tử khác nhau thế nào?", chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ngân hàng điện tử ở Việt Nam có khoảng 20 năm nay, bao gồm 3 cấu phần: Thứ nhất là các dữ liệu được lên trên máy tính, thứ hai là các dữ liệu được truyền tải qua internet, thứ ba là điện thoại di động.

Trong khi đó, ngân hàng kỹ thuật số bao gồm tất cả giao dịch, quản lý của ngân hàng như quản trị nhân lực, quản trị tài chính… trên nền tảng kỹ thuật số.

Ở Việt Nam, 5 năm gần đây, nhiều ngân hàng chuyển sang kỹ thuật số, các dữ liệu được lưu trữ, xử lý, từ đó đưa ra chính sách quản lý rủi ro cho từng ngân hàng.

"Ngân hàng điện tử là ngân hàng truyền thống, dùng computer truyền tải đến khách hàng. Nhưng ngân hàng số là ngân hàng sử dụng digital banking. Đối với ngân hàng, nói kĩ thuật số phải nói chuyển đổi toàn diện quản trị, quan hệ với khách hàng", ông Hiếu nhấn mạnh.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, cho hay: "Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh và mạnh mẽ trên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, là sự phát triển đột phá về công nghệ. Trong cuộc cách mạng đó, cụm từ "chuyển đổi số" được nhắc đến nhiều hơn như một xu hướng tất yếu. Chuyển đổi số đang là một trong những mối quan tâm lớn nhất của các quốc gia trên toàn thế giới. Chuyển đổi số được đánh giá là động lực mới của tăng trưởng, là chìa khóa để biến nguy thành cơ, nắm bắt cơ hội tăng trưởng nhanh và bền vững".

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, việc chuyển đổi số sẽ giúp cho ngân hàng phát triển các sản phẩm dịch vụ điện tử như các công ty công nghệ tài chính. Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng sẽ làm giảm nhân sự, giảm bớt giấy tờ giao dịch…; do đó sẽ làm giảm chi phí xử lý trên hệ thống số.

Tại Việt Nam, theo Ngân hàng nhà nước, hiện nay có 94% ngân hàng bước đầu triển khai hoặc đang nghiên cứu, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, trong đó 59% ngân hàng đã bắt đầu triển khai chuyển đổi số trên thực tế.

An Hạ

Nguồn tin: dantri.com.vn


Ngân hàng   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   chính sách   dịch vụ   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...