08/01/2021 9:20  
Các trường mở hàng loạt ngành học mới, thậm chí có những trường dự kiến mở mới đến 10-16 ngành để thu hút thí sinh ứng tuyển.

Những năm gần đây, từ định hướng tự chủ đại học (ĐH), việc tuyển sinh, trong đó có việc mở mới các ngành đào tạo vì thế cũng được cởi trói hơn.

Chỉ tính riêng tại TP.HCM, trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021 mà các trường ĐH đã công bố, hầu như các trường đều mở mới thêm nhiều ngành học. Có trường mở 5-6 ngành, cũng có những trường mở hơn chục ngành mới, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Có trường mở thêm 16 ngành học mới

Dự kiến mở thêm nhiều ngành học nhất để tuyển sinh từ năm 2021 tính đến thời điểm hiện tại có lẽ là Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TP.HCM), đến 16 ngành học mới, nâng tổng số ngành đào tạo của trường lên đến 68 ngành.

Trong đó có tới tám ngành thuộc khối sức khỏe. Đáng chú ý, lần đầu tiên xuất hiện các ngành học như sức khỏe răng miệng, chăm sóc bệnh trẻ em, hoạt động trị liệu, kỹ thuật hình ảnh y học… Mặc dù trước đó nhà trường đang đào tạo các ngành tương tự như răng hàm mặt, điều dưỡng, phục hồi chức năng, y khoa…

Nói về vấn đề này, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường mở mới nhiều ngành khối sức khỏe vì đây là nhóm ngành trường tuyển sinh khá tốt trong năm 2020. Nhu cầu xã hội và sự quan tâm của thí sinh khá lớn nên trường muốn chuẩn bị đào tạo nhân lực cho 4-5 năm sau.

Hơn nữa, theo PGS-TS Phong, với những ngành trường đang đào tạo là bác sĩ có thời gian đào tạo là sáu năm nên trường muốn mở một số ngành theo hướng đào tạo cử nhân với thời gian học là bốn năm, để các em ra trường có thể làm việc được ở những lĩnh vực liên quan.

Tương tự, trong kế hoạch tuyển sinh dự kiến của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho năm 2021, trường này cũng dự kiến sẽ mở thêm 10 ngành đào tạo và hai chuyên ngành tại TP.HCM. Riêng phân hiệu Vĩnh Long sẽ mở tuyển thêm bốn ngành mới, chủ yếu thuộc khối kinh tế theo hướng đào tạo của trường như bất động sản, quản trị nhân lực, kinh doanh nông nghiệp, quản lý bệnh viện, thương mại điện tử, kiến trúc đô thị… 

Trước đó, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng cho biết dự kiến bổ sung đến bảy ngành mới, thuộc các nhóm ngành kỹ thuật - công nghệ (robot & trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu), kinh tế - quản trị (quản trị nhân sự) và khoa học xã hội (quan hệ công chúng, quan hệ quốc tế).

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng dự kiến mở một số ngành với những tên gọi khá lạ như hóa dược và hợp chất thiên nhiên, kinh doanh thời trang và dệt may, quản trị kinh doanh thực phẩm.

Tăng cường quản lý, quy hoạch ngành nghề đào tạo

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, kiến nghị Nhà nước nên tăng cường công tác quản lý, đánh giá và quy hoạch lại các ngành, nghề đào tạo, thu gọn những ngành không còn tuyển sinh được, tránh việc các trường tuyển không được lại chuyển sang học ngành khác cũng sẽ vất vả cho thí sinh. 

Ngành nghề quá nhiều, thí sinh sẽ gặp khó

Với việc mỗi năm các trường mở mới thêm nhiều ngành học theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực khiến hệ thống ngành đào tạo ĐH hiện nay khá đa dạng. Chỉ tính riêng ở bậc ĐH có hơn 380 ngành, hệ cao đẳng (CĐ) cũng ngày một tăng theo khi lên đến hơn 520 ngành, nghề.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng năm 2021 trường này cũng dự kiến mở thêm sáu ngành học mới.

Cụ thể là các ngành kinh tế tài nguyên thiên nhiên, kỹ thuật hóa phân tích, quản trị nguồn nhân lực, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, quản lý đô thị thông minh và bền vững, robot và hệ thống điều khiển thông minh. 

Theo TS Nhân, mỗi ngành trường dự kiến tuyển khoảng 80 chỉ tiêu. Những ngành mà trường muốn mở ra nhằm đào tạo nhân lực đón đầu sự phát triển kinh tế - xã hội trong nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng. 

Theo TS Nhân, việc mở ngành hiện nay dễ dàng hơn, quan trọng là đảm bảo chất lượng đào tạo.

“Tôi nghĩ các ngành đào tạo cũng phải chấp nhận quá trình đào thải tự nhiên của thị trường lao động. Mở ngành nhưng chất lượng đào tạo không đảm bảo, sinh viên ra trường không làm việc được hoặc doanh nghiệp không có nhu cầu thì sẽ tự thất bại. Ngay cả những ngành khó tuyển hiện tại của trường ở nhóm ngành về môi trường… thì trường vẫn phải giữ vì nhu cầu xã hội có nhưng do thí sinh chưa đủ thông tin nên ít lựa chọn. Do đó, trường sẽ tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tư vấn để các em hiểu rõ hơn” - TS Nhân nói.

Bàn về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, chuyên gia dự báo nguồn nhân lực và thị trường lao động, cho rằng việc mở ngành mới là phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập và đáp ứng cách mạng công nghiệp 4.0.

Các trường muốn mở ngành thường dựa theo nhu cầu xã hội, nhất là theo hướng tích hợp công nghệ ở tất cả lĩnh vực. 

Ông Tuấn cũng cho rằng việc chuyển đổi đào tạo hiện nay chủ yếu mới theo lý luận định hướng là chính, chứ chưa nhiều trường chuyển đổi về cơ cấu để phù hợp với phát triển công nghệ như đầu tư về trang thiết bị…

“Nhiều ngành mở mới chỉ phù hợp cho giai đoạn đặc thù trước mắt, nhu cầu nhất định nào đó nhưng nếu mở quá nhiều và quảng bá nhiều, đặt tên “hot” khiến thí sinh bị lầm tưởng và cuốn hút vào các ngành này mà quên đi năng lực bản thân. Việc này sẽ dễ khiến dư thừa lao động đầu ra, chọn ngành không phù hợp bản thân” - ông Tuấn cảnh báo.

Nên bình tĩnh chọn ngành nghề

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM, khuyên phụ huynh, thí sinh cần bình tĩnh khi chọn ngành nghề theo học. “Các em không nên chú tâm vào những ngành nghề tên tuổi hay sự hào nhoáng của ngành đó mà quan trọng là năng lực của mình sẽ phù hợp với ngành nào.

Học ngành nào các em cũng cần không ngừng học tập và rèn luyện. Bởi giá trị lao động không phải ở tên ngành đào tạo mà tạo nên từ năm yếu tố là có công việc phù hợp; kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, chịu áp lực công việc; tính kỷ luật; am hiểu công nghệ và vốn ngoại ngữ” - ông Tuấn nói. 

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Công nghệ   Giáo dục   HCM   Kinh tế   Vĩnh Long   chuyên gia   doanh nghiệp   kiến nghị   logistics   quy hoạch   thực phẩm   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...