19/11/2020 9:20  
Làng quê yên bình có đến hàng trăm giáo sư, tiến sĩ nằm ven bờ tả của dòng sông Mã với sự học ngày đêm vẫn cuộn chảy, bồi đắp tinh hoa cho bao thế hệ tinh anh.

Nguyệt Viên - Làng đại khoa bên dòng sông Mã

Vốn có tên là làng Nguyệt Nổ, vào năm 1680 làng được đổi tên lại là làng Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, thành phố Thanh Hóa). Xưa kia, làng Nguyệt Viên nổi tiếng ở xứ Thanh, được nhiều người biết đến là “làng khoa bảng” hay “làng đại khoa”.

Theo lý giải của nhiều đời, Nguyệt Viên có nghĩa là trăng đến độ tròn nhất - tên gọi hàm chứa sự thanh cao, viên mãn.

Ngôi làng cổ là vùng đất hội tụ bao thế hệ tinh anh, nhìn ra phía xa có cửa Lạch Trào nơi nhiều con nước hợp lưu. Ngược dòng sông Mã về phía Tây Bắc không xa, có núi Hàm Rồng chầu về, có núi Ngọc sừng sững như đài tháp bút.

Sử sách ghi lại, tại các chiều đại phong kiến Việt Nam xưa, việc có đến 18 người đỗ đầu trong các kỳ thi tuyển là điều hiếm gặp tại một làng quê trên dải đất hình chữ "S" này.

Nguyệt Viên mười tám ông nghèÔng cỡi ngựa tía, ông che tán vàng.

Cũng chẳng biết tự khi nào, truyền thống học tập của ngôi làng cổ này đã vang danh khắp nơi, được dân gian ca tụng với hai câu thơ trên.

Hương ước của làng Nguyệt Viên trong nhiều thời đại phong kiến còn được lưu giữ, đã đề cao sự học và khuyến khích việc học hành.

Theo khoán ước của làng được soạn lại năm Bảo Đại thứ 9 (năm 1934) còn quy định rõ từng điều khoản ưu tiên với người đang đi học, đề cao trọng vọng và có những ưu đãi đặc biệt với người đã đỗ đạt... Những người con quê hương đã thành danh, làm quan ở xứ người, cũng phải có trách nhiệm, hỗ trợ và có sự quan tâm trở lại với sự nghiệp khuyến học, khuyến tài của làng.

Ngoài ra, vẻ đẹp của người con trai cũng được quy kết vào việc có thành công trong khoa cử hay không. Muốn được tôn vinh, mến mộ, đấng nam nhi ở đây phải là người chuyên tâm đèn sách, thông thạo kinh sử, trí tuệ.

Người đỗ đại khoa cuối cùng trong nền giáo dục phong kiến Việt Nam là cụ Lê Viết Tạo - chính là người con của làng Nguyệt Viên (sau khi đậu tú tài và giải nguyên, đến kỳ thi Hội năm Kỷ Dậu 1909, ông đậu tiến sĩ, được triều đình nhà Nguyễn bổ nhiệm làm Thừa phái bộ Hình, rồi dần thăng các chức: Hàn lâm viện thừa chỉ, Quang lộc tự khanh).

Nhiều người dân nơi làng bảng khoa còn có quan niệm rằng, ngoài yếu tố truyền thống thì vị trí, hình sông cũng góp phần đến sự đỗ đạt của biết bao thế hệ làng Nguyệt Viên.

Theo thống kê từ UBND xã Hoằng Quang, từ mốc thời điểm Cách mạng tháng 8/1945 thành công đến nay, làng Nguyệt Viên đã có hàng trăm người được phong học hàm, học vị giáo sư, tiến sĩ và đỗ thạc sĩ.

Làng Nguyệt Viên hiện tại gồm 4 thôn của xã Hoằng Quang, phân bổ chạy dài khoảng hơn 1 km ven sông.

Làng có 27 dòng họ, trong đó có dòng họ Lê Viết được công nhận là dòng họ hiếu học cấp tỉnh. Các dòng họ khác như: Lê Văn, Cao Văn, Ngô Thọ… trong làng đều đã được công nhận là dòng hóa hiếu học cấp thành phố. Các dòng họ này đều có quỹ khuyến học riêng, hàng năm hoạt động rất hiệu quả.

Từ thời phong kiến đến nay, dòng họ Lê Viết luôn đóng góp nhiều nhân tài nổi tiếng cho đất nước. Trong suốt thời kỳ đổi mới của đất nước, các giáo sư, tiến sĩ của dòng tộc như: Lê Viết Lân, Lê Viết Ly, Lê Viết Bình, Lê Viết Kim Phượng, Lê Viết Khuyến, Lê Viết Dư Khương... đều có những đóng góp to lớn cho các ngành khoa học Việt Nam khi công tác tại các trường đại học, các viện nghiên cứu...

Những tài năng là con cháu của dòng họ còn gặt hái nhiều thành công và thành đạt ở nước ngoài, hiện nhiều người đang giảng dạy và công tác ở các trường đại học của các nước Nga, Pháp.

Cô Trâm Anh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Hoằng Quang, tính từ đầu những năm 2000 đến nay, làng Nguyệt Viên có gần 300 em đỗ đại học, cao đẳng.

Để làm tốt phong trào khuyến học của địa phương trong những năm qua, hội khuyến học xã Hoằng Quang đã phải vượt qua mọi khó khăn. Trong đó, việc vận động người dân tham gia công tác hội là một trong những trở ngại lớn nhất.

Bên cạnh quỹ khuyến học của làng, các dòng họ cũng có quỹ khuyến học riêng, có dòng họ gây dựng được nguồn quỹ hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Quỹ khuyến học dòng họ Lê Viết từng hỗ trợ huyện Hoằng Hóa xây dựng trường THPT Lê Viết Tạo, ngôi trường lấy tên của người đỗ đại khoa cuối cùng trong nền giáo dục phong kiến Việt Nam là cụ Lê Viết Tạo.

Những người con thành đạt của làng cũng không ngừng phát huy nghĩa cử cao đẹp, hỗ trợ cho sự nghiệp giáo dục địa phương.

Cụ thể, gia đình giáo sư Lê Viết Ly đã hỗ trợ nhiều tỷ đồng để xây dựng trường Tiểu học xã Hoằng Quang 2 tầng kiên cố và những trang thiết bị hiện đại thời bấy giờ và hằng năm đều có hỗ trợ vật chất và kinh phí cho việc dạy và học.

Cô Trâm Anh cũng cho biết thêm, suốt nhiều năm nay, trường Tiểu học xã Hoằng Quang luôn đạt thành tích cao trong khối giáo dục tiểu học.

Sự học nơi làng quê cổ kính này đã trở thành truyền thống như dòng sông Mã vẫn ngày đêm cuộn chảy, bồi đắp tinh hoa cho các thế hệ người con Nguyệt Viên.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Làng quê   Tiểu học   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...