30/11/2020 17:20  
Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước dự kiến sẽ không được gia hạn hỗ trợ lệ phí trước bạ giống nhiều đối tượng khác.

Người tiêu dùng lẫn các hãng ô tô đón tin không vui khi Bộ Tài chính vừa kiến nghị Chính phủ không xem xét tiếp gia hạn thời gian giảm lệ phí trước bạ ô tô. Bởi khi không còn được giảm loại phí này, người mua xe sẽ phải trả tiền nhiều hơn.

Lo giá xe tăng trở lại

Ngày 28-6-2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 70/2020 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định. Chính sách này được áp dụng từ ngày 29-6 đến hết 31-12-2020, nghĩa là sẽ hết hiệu lực vào đầu năm 2021.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính vừa gửi văn bản lên Chính phủ đề xuất dừng, không gia hạn chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định 70/2020 như với nhiều ngành nghề khác. Tức là đến hết ngày 31-12, ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước sẽ không được giảm 50% phí trước bạ nữa mà phải chịu 100% mức thuế này. Một trong những lý do khiến Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là do giảm phí trước bạ làm ngân sách hụt thu 3.700 tỉ đồng.

Thông tin trên khiến các hãng ô tô và người tiêu dùng hụt hẫng. Bởi lẽ thời gian qua, nhờ được giảm phí trước bạ mà thị trường ô tô Việt Nam nhận được những tín hiệu tích cực. Tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường liên tục tăng trưởng khá cao.

Bằng chứng rõ nhất là trong tháng 9-2020, tổng sức mua ô tô trên toàn thị trường tăng đến 32% so với tháng 8-2020, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA). Đến tháng 10-2020, doanh số bán ô tô đạt gần 33.300 xe, tăng 22% so với tháng 9 và tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, sau khi được giảm phí trước bạ, hàng loạt hãng xe tung ra các chương trình giảm giá, khuyến mãi khủng dành cho khách hàng. Thậm chí có hãng xe giảm giá đến 800 triệu đồng cho dòng xe sang, với dòng xe bình dân giảm giá trung bình 50-100 triệu đồng/xe.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc hệ thống đại lý Hiền Toyota (TP.HCM), cho hay nhiều hãng xe tung ra chính sách giảm giá, ưu đãi khách hàng như giảm thêm 50% phí trước bạ. Ngoài ra, chính sách này kích thích cho một cuộc đua giảm giá, khuyến mãi trên toàn thị trường khiến các nhà nhập khẩu ô tô chính hãng cũng phải lao vào cuộc đua khuyến mãi.

“Một số hãng xe thậm chí đã hỗ trợ toàn bộ lệ phí trước bạ đối với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc. Cá biệt có vài dòng xe nhập khẩu hạng sang được giảm giá, khuyến mãi với tổng trị giá vài trăm triệu đồng, có mẫu xe giảm cả tỉ đồng” - bà Hiền dẫn chứng.

Chính cuộc cạnh tranh này giúp khách hàng hưởng lợi. Ông Quốc Minh (quận 3, TP.HCM) phân tích: Nhờ giảm 50% phí trước bạ, ngay chiếc xe có giá bình dân là Kia Morning với giá gần 300 triệu đồng, người mua cũng tiết kiệm được khoảng 14-17 triệu đồng. Với mẫu xe sản xuất, lắp ráp trong nước có giá bán cao nhất là Mercedes-Benz S 450, hiện lệ phí trước bạ người mua phải nộp từ 420 triệu đồng đến gần 600 triệu đồng. Vì thế, khi phí trước bạ giảm 50%, người mua xe sẽ tiết kiệm được 210-298 triệu đồng.

Thị trường ô tô sẽ ảm đạm?

Giới kinh doanh ô tô có chung nhận định, nếu phí trước bạ ô tô không được tiếp tục giảm trong năm 2021 sẽ khó kích cầu thị trường, thậm chí thị trường sẽ ảm đạm trở lại. Từ đó, các doanh nghiệp và người lao động ngành này thêm khó khăn vì đang chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, chủ một đại lý ô tô tại TP.HCM, lo lắng tới đây nếu không giảm phí trước bạ nữa sẽ không tạo được sự cạnh tranh nhau trên thị trường và các hãng xe sẽ giữ giá, người tiêu dùng không được hưởng lợi.

“Nếu không tiếp tục gia hạn giảm 50% phí trước bạ thì các hãng xe, đại lý sẽ sụt giảm doanh thu. Khi đó, doanh nghiệp buộc phải giảm nhân sự, giảm chi phí, giảm lương người lao động để duy trì hoạt động” - ông Dũng lo ngại.

Giám đốc hệ thống đại lý Hiền Toyota (TP.HCM) - bà Nguyễn Thị Hiền cũng đề xuất Chính phủ nên tiếp tục gia hạn thời gian áp dụng chính sách hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ ô tô trong năm 2021 như các loại phí, lệ phí khác. Vì chính sách giảm phí trước bạ đối với các loại xe sản xuất, lắp ráp trong nước đã giúp thị trường ô tô Việt Nam phục hồi.

Bà Hiền phân tích: “Việc ban hành chính sách hỗ trợ này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng, doanh nghiệp mà cả nền kinh tế. Bởi trong bối cảnh cả nước đang bước vào thời kỳ bình thường mới sau dịch thì chính sách có tác động kích cầu tốt, tạo điều kiện cho tiêu thụ hàng hóa, đẩy mạnh sản xuất và phục hồi nền kinh tế”.

Ông Nguyễn Minh Đồng, chuyên gia ô tô, cho rằng Chính phủ nên tiếp tục gia hạn giảm 50% phí trước bạ ô tô cho cả xe trong nước lẫn xe nhập khẩu để tạo sự cạnh tranh công bằng. Khi kích cầu thị trường, doanh thu các hãng xe tăng, số thuế nộp tăng thì ngân sách mới có nguồn thu. Quan trọng nữa là người lao động có việc làm, doanh nghiệp ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn.

Phía đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cũng khuyến nghị nên giảm 50% phí trước bạ cho tất cả doanh nghiệp nhập khẩu, lắp ráp và phân phối ô tô mới. Ngoài ra, EuroCham đề xuất giảm 50% với thuế giá trị gia tăng.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Chính phủ   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   Nghị định   Toyota   Tài chính   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   kiến nghị   sản xuất   Ô tô  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...