20/01/2021 8:05  

76,9% lao động không có chuyên môn kỹ thuật

Giai đoạn 2009 - 2019, lao động có việc làm dịch chuyển tích cực, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (từ 53,9% năm 2009 xuống 35,3% năm 2019), tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, tỷ trọng lao động có việc làm và có chuyên môn kỹ thuật chỉ chiếm 23,1%, trong khi lao động có việc làm nhưng không có chuyên môn chiếm 76,9%. Trong đó, các ngành nghề giản đơn chiếm tỷ lệ cao nhất (33,2%); nghề dịch vụ cá nhân, bảo vệ và bán hàng (18,3%); thợ thủ công và các thợ khác (14,5%); thợ lắp ráp và vận hành máy móc thiết bị (13,2%); nông, lâm ngư nghiệp (7,9%); chuyên môn bậc cao (7,5%); chuyên môn bậc trung: (2,8%); nhân viên (1,8%); quản lý (0,8%). Như vậy, lao động phổ thông, kỹ thuật đơn giản chiếm hơn 75% trong số lao động có việc làm.

Nguy cơ thất nghiệp đối với người lao động Việt Nam 

Cách mạng công nghiệp 4.0 làm thay đổi nhanh chóng mọi mặt kinh tế - xã hội, tự động hóa, rô bốt, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, công nghệ số sẽ thay đổi mô hình sản xuất, dịch vụ... Tuy nhiên, điều này cũng sẽ làm cho lao động Việt Nam có nguy cơ thất nghiệp cao. Trước hết, là do năng suất lao động Việt Nam thấp. Mặc dù tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2019 cao hơn các nước ASEAN-6, tính theo sức mua tương đương (PPP 2011), tăng bình quân 4,87%/năm, cao hơn mức tăng của Singapore (1,37%/năm), Malaysia (2,04%/năm), Thái Lan (3,17%/năm), Indonesia (3,59%/năm), Philippines (4,33%/năm), Brunei (giảm 0,32%/năm), nhưng năng suất lao động của Việt Nam năm 2019 vẫn chỉ bằng 7,6% của Singapore, 19,5% của Malaysia, 37,9% của Thái Lan, 45,6% của Indonesia, 56,9% của Philippines và 6,89% của Brunei. Để nâng cao năng suất lao động, doanh nghiệp phải đổi mới công nghệ dẫn đến người lao động chuyên môn kỹ thuật thấp sẽ thất nghiệp.
Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (2019), trong 10 năm tới, Việt Nam đối mặt với sự thay thế lao động khi ứng dụng công nghệ số, có tới 70% số việc làm ở mức rủi ro cao (xác suất bị thay thế trên 70%). Trong đó, lao động ngành nông, lâm và thủy sản bị máy móc, rô bốt thay thế là 83,3%, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo... bị thay thế là 74,4%, bán buôn, bán lẻ 84,1%, dệt may là 83% và điện tử là 75%.

Giải pháp để lao động đáp ứng yêu cầu

Trước hết, thực hiện chiến lược chuyển đối số phải lấy con người làm trung tâm, vì sự phát triển con người, không ai bị bỏ lại phía sau. Công nghệ số sẽ làm cho năng suất lao động cao hơn, nhưng nếu không quan tâm đến những người bị mất việc, thì công nghệ số sẽ tác động đến con người trầm trọng và lâu dài. Vì thế cần tăng cường thu hút đầu tư vào công nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp mạnh hơn để tạo ra nhiều công ăn việc làm.
Kế đến, nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật hoặc đào tạo nghề mới cho người lao động. Nhu cầu lao động có chuyên môn kỹ thuật rất lớn, nhất là các lĩnh vực then chốt như: internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, in 3D, kỹ thuật cao, công nghệ thông tin… Đào tạo để chuẩn bị lực lượng lao động đón đầu làn sóng đầu tư, chuyển dịch sản xuất của doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam thành công mục tiêu kép: phòng chống đại dịch và tăng trưởng kinh tế. Đào tạo chuyên môn kỹ thuật hướng tới mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp đạt trên 70% mà Nghị quyết số 23/NQ-TW ngày 22.3.2018 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Thứ ba, phát triển nguồn lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho thanh niên nông thôn, nông dân, người dân tộc thiểu số bởi lao động có việc làm nhưng không có chuyên môn kỹ thuật chủ yếu ở nông thôn. Khuyến khích doanh nghiệp mở trường dạy nghề ở khu vực nông thôn; liên kết đào tạo nghề giữa các trường dạy nghề với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện vùng nông thôn. Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nghề cho vùng ĐBSCL, Tây nguyên và trung du miền núi phía bắc.
Phát triển giáo dục và đào tạo đồng bộ từ phổ thông đến ĐH. Giáo dục phổ thông, triển khai hiệu quả chương trình giáo dục 2018, tăng cường giáo dục STEM, hoạt động trải nghiệm, nghiên cứu khoa học, ứng dụng kiến thức đã học vào cuộc sống; tăng cường giáo dục hướng nghiệp, thực hiện tốt phân luồng sau THCS và THPT theo mục tiêu quốc gia. Đối với giáo dục nghề nghiệp, đa dạng hóa các hình thức và ngành nghề đào tạo; chú trọng các ngành nghề liên quan đến tự động hóa, nghề kỹ thuật cao, các nghề dịch vụ, các ngành nghề STEM; mở rộng mô hình đào tạo cao đẳng nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS để tiếp nhận tỷ lệ lớn học sinh học nghề. Các trường ĐH và học viện đổi mới theo phương thức đào tạo kết hợp: vừa trực tiếp và trực tuyến, tăng cường lớp học đảo ngược để tận dụng ngay công nghệ số trong quá trình đào tạo. Mở nhiều ngành nghề mới liên quan đến STEM và các ngành dịch vụ mới như chăm sóc sức khỏe, dịch vụ gia đình; hợp tác, liên kết đào tạo với các trường ĐH quốc tế để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là các ngành nghề STEM; sinh viên tốt nghiệp có thể học thêm nghề để khởi nghiệp...

Nguồn tin: thanhnien.vn


Công nghệ   Giáo dục   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...