05/12/2020 11:10  
Tối ngày 4/12, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Cà Mau đã diễn ra Lễ Bế mạc "Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc 2020" sau tám ngày tranh tài.

Phát biểu tại Lễ Bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh: "Sau gần mười ngày đua tài hào hứng và sôi nổi của các nghệ sĩ, "Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Cải lương toàn quốc 2020" đã diễn ra thành công tốt đẹp.

Tại cuộc thi lần này, mặc dù chưa quy tụ được đầy đủ các đơn vị nghệ thuật có bề dày hoạt động nghệ thuật của sân khấu Cải lương trong cả nước tham gia, đây thực sự là điều đáng tiếc, đòi hỏi các đơn vị cùng với các cơ quan chức năng quan tâm hơn nữa, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để phát hiện, đào tạo, giữ được diễn viên trẻ yên tâm làm nghề và phát triển tài năng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý tại cuộc thi lần này đó là số lượng đông đảo của đội ngũ diễn viên trẻ, cũng như sự có mặt của các đơn vị ngoài công lập. Qua cuộc thi, chúng ta thấy, các trích đoạn về cơ bản được dàn dựng kỹ càng, công phu, có sự đầu tư về nghệ thuật và kỹ năng biểu diễn, điều này khẳng định ý nghĩa quan trọng của cuộc thi, nơi được coi như một Ngày hội - để các nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, học hỏi bạn bè đồng nghiệp.

Cuộc thi cũng cho thấy lòng say mê nghề nghiệp của các nghệ sỹ trẻ thật đáng trân trọng, giúp chúng ta có thêm niềm tin vào lớp nghệ sỹ kế cận cũng như những giá trị của nghệ thuật sân khấu truyền thống nói chung và của nghệ thuật Cải lương nói riêng trong đời sống xã hội hôm nay".

Thay mặt Hội đồng Giám khảo, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo NSƯT Lê Chức cũng đánh giá: "53 thí sinh khi đã bước ra sân khấu, dưới ánh đèn "màu nhiệm" thì chỉ còn là cảm giác của vai diễn với trạng thái biểu cảm mạnh nhất và có giây phút như trạng huống "hóa thân" và không ít những giọng ca được đánh giá là "đúng chuẩn", mỗi bài thi là một dấu ấn của tâm nguyện cá nhân và để bừng cháy khát vọng.

Tính chuyên nghiệp trong các yếu tố tổng hợp của nghệ thuật sân khấu nói chung và Cải lương nói riêng luôn bộc lộ rất rõ trong mỗi bài thi, từ cấu trúc câu chuyện và những mâu thuẫn, xung đột của nội tâm nhân vật và cả hình thái đối đầu về quyền lực và quyền lợi, về lòng trung quân ái quốc, yêu nước thương nòi, kiên trung với lý tưởng cách mạng, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, tệ tham ô tham nhũng, đánh mất niềm tin, tệ nạn xã hội, điều đó còn thể hiện trách nhiệm công dân - nghệ sĩ trước cuộc sống".

Tuy nhiên, NSƯT Lê Chức cũng chỉ ra điểm hạn chế của cuộc thi: "Mỗi thí sinh là một cá nhân riêng biệt với vóc dáng, giọng ca, kỹ thuật biểu diễn, trong đó có cả yêu cầu về kiến thức hiểu biết với nhân vật - vai thi của mình. Khoảng cách về tuổi đến trí - lực, vóc dáng của các nhân vật có trường hợp còn chưa thật sự hài hòa nhau. Từ đó mà thiếu sự thể hiện được "chiều sâu tâm trạng" nhân vật. Thay vào đó là sự "phải làm ra", "phải diễn ra" nhân vật bằng hình thức bên ngoài với tạo hình luôn chuyển động cùng với sự la hét, tiếng cười lớn,...mà thiếu sự tiết chế để lắng đọng những "nỗi niềm riêng" làm cơ sở cho ca sao phải "ngầu", phải "mầu" để tạo ra tính "duy cảm" (lụy cảm) đặc sắc của Cải lương; cùng với chất thơ, tính tự sự - trữ tình cần phải có với kịch hát truyền thống, mà ở đây là Ca Kịch Cải lương.

Vẫn còn đâu đó những câu chữ chưa được chọn lọc kỹ càng, làm cho "cứng" lời ca, làm cho diễn viên thi phải đổi cách hát chưa hợp lý (có chữ của nghề là: Hát ăn gian, hát "hơi gió"; hát không có nhạc đàn; hát đâm, hát chồng, hát dựng không hẳn đã chuẩn mực…".

Kết quả, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng gồm: 6 Huy chương Vàng cho Nguyễn Thị Luận (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; vai Diệu trong trích đoạn "Thời con gái đã xa"); Nguyễn Hoài Thanh (Nhà hát Thế giới trẻ, Trường Đại học  Sân khấu, Điện ảnh TP. Hồ Chí Minh, vai Hồ Nguyệt cô trong trích đoạn "Người Cáo"); Nguyễn Thị Thủy (Nhà hát Cải lương Việt Nam, vai Đát Kỷ trong trích đoạn "Khát vọng Đát Kỷ"); Nguyễn Thị Kỷ (Huyền Trân) (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật  tỉnh Đồng Tháp, vai Trần Thị Dung trong trích đoạn "Dấu ấn giao thời"); Nguyễn Thị Thu Mỹ (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Long An, vai Mị Cơ trong trích đoạn "Mưu kế Mị Cơ"); Nguyễn Phước Dư (Khánh Dư) (Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai, vai Trần Bình Trọng trong trích đoạn "Khí tiết Trần Bình Trọng").

18 Huy chương Bạc; 2 giải Khen thưởng khác bao gồm: Diễn viên trẻ nhất trao cho Lê Hồng Giang (Đoàn Cải lương Hương Tràm tỉnh Cà Mau, vai Bé Hiếu trích đoạn "Tình phụ tử"); Nữ diễn viên triển vọng trao cho Đỗ Thị Ngọc Gấm (Nhà hát Thế giới trẻ, Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh TPHCM, vai Thị Mầu trong trích đoạn "Thị Màu bỏ con").

Nguyễn Hằng

Nguồn tin: dantri.com.vn


Diễn viên   HCM   Khát vọng   Nghệ thuật   TPHCM   Thể thao   Việt Nam   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...