04/12/2020 21:45  

Đại diện Văn phòng Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM vừa công bố danh sách 30 doanh nghiệp được Chính phủ nước này hỗ trợ nhằm tăng cường sản xuất ở khu vực Đông Nam Á trong đợt thứ hai của chương trình hỗ trợ nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng do Covid-19 và tình hình căng thẳng giữa Mỹ -Trung.

Đáng chú ý, một nửa công ty trong số này đăng ký mở rộng sản xuất hoặc có dự án đầu tư mới ở Việt Nam. Trong giai đoạn đầu tiên được công bố vào tháng 7 vừa qua, cũng có 15 trong số 30 công ty Nhật Bản đã chọn Việt Nam.

Như vậy, có 30 doanh nghiệp đến từ đất nước hoa anh đào đang tăng cường hoạt động tại Việt Nam với nguồn ngân sách hỗ trợ từ Chính phủ Nhật Bản, phần nào phản ánh sức hấp dẫn ngày càng tăng của thị trường lẫn môi trường đầu tư của Việt Nam.

Theo đại diện JETRO tại TPHCM, trong giai đoạn thứ hai, các doanh nghiệp Nhật Bản được hỗ trợ chủ yếu là các nhà sản xuất phụ tùng ô tô, thiết bị y tế, khẩu trang và quần áo bảo hộ,...

Bên cạnh những công ty nhỏ và vừa, lần này có cả những tập đoàn lớn cũng được hỗ trợ. Đơn cử như Fujifilm Corporation vừa được duyệt hưởng lợi từ các ưu đãi của chương trình hỗ trợ, sẽ sản xuất bộ kít xét nghiệm kháng nguyên để chẩn đoán nhiễm Covid-19.

Một thương hiệu phổ biến khác là Panasonic sẽ được hỗ trợ thực hiện việc sản xuất phụ tùng ô tô. Đây là tập đoàn đã có nhiều dự án sản xuất ở Việt Nam với vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Ngoài ra, Panasonic cũng đang trong giai đoạn đầu dịch chuyển nhà máy từ Thái Lan sang Việt Nam.

Trong khi đó, Mabuchi Motor Co Ltd cũng được chính phủ Nhật Bản hỗ trợ đa dạng hóa sản xuất trong đợt hai này với mục tiêu sản xuất phụ tùng ô tô; Tập đoàn Nitto Denko được hỗ trợ với dự án sản xuất vật liệu cho khẩu trang N95, hay Công ty TNHH Taiyo Holdings sản xuất chất chống hàn lỏng.

Các doanh nghiệp lớn khác như Sumitomo Wiring Systems, Sumida, SMC... cũng được hỗ trợ mở rộng sản xuất tại thị trường hơn 100 triệu dân tại Đông Nam Á.

Đại diện JETRO tại TPHCM cho rằng để giảm thiểu nguy cơ gián đoạn nguồn cung hàng hóa quan trọng trong trường hợp khủng hoảng không lường trước được, các nhà sản xuất Nhật Bản cần thiết lập một hệ thống cung ứng bền vững và đáng tin cậy thông qua đa dạng hóa cơ sở sản xuất, đặc biệt là ở khu vực châu Á. Trong số các nước ASEAN, Việt Nam là một ứng cử viên nặng ký vì nền kinh tế của nước này được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh sau khi hồi phục sau cú sốc Covid-19.

Trên thực tế, ngay cả trước khi có Covid-19, Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút nhiều sự quan tâm đối với các công ty Nhật Bản có ý định mở rộng kinh doanh ra nước ngoài vì quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng cũng như hội nhập quốc tế.

Trong bối cảnh Covid-19 tái bùng phát mạnh mẽ trên toàn cầu, những hoạt động kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam được các công ty Nhật Bản đánh giá cao, bên cạnh đó sự tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh cũng là yếu tố được nhà đầu tư quan tâm.


 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   MC   Nhật Bản   Panasonic   TPHCM   Việt Nam   căng thẳng   doanh nghiệp   khủng hoảng   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...