22/12/2020 9:40  
Đã thành thông lệ, cứ vào các tháng cuối năm khi dịp Tết cận kề, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, cũng là lúc hàng lậu, hàng giả được các đối tượng xấu tuồn vào thị trường.
Để ngăn chặn hoạt động này, các lực lượng chức năng đã tích cực kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng tình trạng buôn lậu hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại, nguyên nhân là do lực lượng còn mỏng và các quy định pháp luật chưa theo kịp với thực tế. 
Nhu cầu tăng cao, hàng giả dễ trà trộn

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại (BCĐ 389) TP Hà Nội, trong tháng 11/2020, lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 3.273 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách trên 340 tỷ đồng. Mới đây, ngày 3/11, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 (Cục QLTT Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất, gia công quần áo tại C14 Vinh Quang (KCN Ninh Hiệp, xã Ninh Hiệp) đã phát hiện cơ sở này sản xuất quần, áo giả mạo nhãn hiệu Adidas, Chanel, Burberry, Gucci với số lượng lên đến 124.101 chiếc quần, áo thành phẩm…
Trước đó, Đội 4, Phòng PC03, Công an TP Hà Nội phát hiện đối tượng Thạch Thị Tân (xã Đình Xuyên, huyện Gia Lâm) buôn bán bột ngọt giả nhãn hiệu Ajinomoto. Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Thạch Thị Tân và đồng phạm về tội buôn bán hàng giả. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Đỗ Tuệ Tâm cho biết: Việc hàng giả, hàng nhái tràn lan đã khiến người tiêu dùng mất niềm tin vào hàng Việt và làm uy tín DN giảm sút.

Đánh giá về tình trạng hàng giả lộng hành thị trường những tháng cuối năm, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Trần Việt Hùng chia sẻ: Nạn hàng giả diễn biến rất phức tạp, gia tăng về quy mô, số lượng, diễn ra ở nhiều mặt hàng, lĩnh vực. Thủ đoạn của các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, có sự phân công chặt chẽ, hình thành các đầu mối chuyên cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện, bao bì, tem nhãn. Hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh ở một nơi, sau đó chuyển bán sang địa phương khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm.
“Đối tượng sản xuất hàng giả không chỉ là người Việt Nam mà có cả người nước ngoài nên xảy ra tình trạng nhập lậu các loại hàng giả nhãn mác Việt Nam, hoặc thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài, hành vi này vừa buôn lậu, vừa sản xuất hàng giả” - ông Hùng chia sẻ.

Thông tin thêm về thủ đoạn kinh doanh hàng lậu, hàng giả mới, Phó Chánh văn phòng Tổng cục QLTT Nguyễn Kỳ Minh cho biết: Lợi dụng mạng xã hội để tiếp cận khách hàng, các đối tượng buôn bán hàng giả thường sử dụng hình thức livestream trên Facebook. Việc giao nhận hàng hóa thông qua bên thứ ba là dịch vụ chuyển phát nhanh. Đối tượng cũng liên tục thay đổi nội dung, địa chỉ trên website hoặc tài khoản mạng xã hội, nên rất khó xác định chủ thể vi phạm để xử lý.

Khoảng trống pháp lý

Thực tế cho thấy, để có thể ngăn chặn hàng giả bên cạnh việc nâng cao năng lực thực thi pháp luật của lực lượng chức năng, sự nỗ lực của DN thì việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý phải được xác định là giải pháp then chốt bởi một số quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tế.
Theo Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên, một số điều quy định của Bộ luật hình sự chưa được hướng dẫn rõ ràng, cụ thể, chẳng hạn quy định: Người sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng trong chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, vật nuôi với số lượng lớn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng… thì phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm. Nhưng đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là “số lượng lớn”, “gây hậu quả nghiêm trọng”. Đồng tình với ý kiến này, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Tổng cục QLTT Nguyễn Tiến Đạt cho biết: Điều 226 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017 quy định chi tiết về “quy mô thương mại”, “gây thiệt hại cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”.
Nhưng đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thế nào là “quy mô thương mại” và “tiêu chí, cách thức đánh giá, xác định mức thiệt hại gây ra cho chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý”. “Hiện nay có khoảng 35 văn bản quy định về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ... nhưng nhiều văn bản có tình trạng “đá nhau” gây khó khăn cho cơ quan chức năng và chưa tạo được sức răn đe đối với các đối tượng phạm tội” - ông Đạt thông tin.

Trong khi đó, nhiều DN sản xuất, kinh doanh hàng hóa có chung ý kiến: Hiện thủ tục khiếu nại, tố cáo sản xuất, buôn bán hàng giả còn khá phức tạp, nhiều phiền hà, tốn kém thời gian và tiền bạc, vì vậy DN “ngại” khiếu nại, tố cáo hành vi sản xuất hàng giả. Ngoài ra các văn bản quy phạm pháp luật liên quan là mới chủ yếu tập trung vào ngăn chặn trong khâu tiêu thụ, chưa chú trọng đúng mức đến phòng ngừa ngăn chặn sản xuất hàng giả.

Để đẩy lùi hàng giả, làm trong sạch thị trường đòi hỏi cơ quan quản lý phải sửa đổi, thống nhất các quy định, tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng kiểm soát tốt thị trường; DN mạnh dạn thông tin tới cơ quan pháp luật những hành vi sản xuất hàng giả.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Công an   Hà Nội   Tổng cục   Việt Nam   chuyển phát nhanh   dịch vụ   hành vi   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...