15/10/2020 8:21  
Dạy con học bài không nên quá căng thẳng và tạo áp lực. Tôi luôn cố gắng tạo không khí vui vẻ, cùng con vừa học vừa chơi giúp con tự yêu thích việc học”, anh Nguyễn Ngọc Hà (Hà Nội) chia sẻ.

Con vào học lớp 1, nhiều phụ huynh rơi vào tình cảnh tối tối vật lộn cùng con học chữ. Một kịch bản chung diễn ra tại rất nhiều gia đình là bố mẹ la mắng, con khóc lóc, không khí rất căng thẳng mệt mỏi. Không phải bố mẹ nào cũng có chuyên môn và đủ kinh nghiệm để dạy con. Việc bố mẹ dễ nổi nóng dễ kéo theo việc trẻ sợ học.

Làm bạn với con

Vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Hà, chị Trần Phương Giang (Hà Đông, Hà Nội) có con gái năm nay học lớp 2. Ngay từ khi con bước vào học lớp 1 anh chị cũng rất lo lắng bởi kiến thức các con tiếp cận khó hơn, yêu cầu cao hơn. Bản thân anh cũng đã từng mất bình tĩnh khi dạy con học bài.

Anh Ngọc Hà cho biết: “ La mắng con không đem lại lợi ích gì. Trẻ con tuổi này đang ở tuổi ăn, tuổi chơi. Con chưa thể hiểu được tại sao mỗi tối nó phải ngồi vào bàn học viết chữ học số. Nếu phụ huynh mà mất bình tĩnh sẽ khiến con hoảng loạn và không thể tập trung học bài”.

Để tạo sự thích thú cho con trong mỗi buổi học, anh Ngọc Hà đã tạo cho con cảm giác học tập như một trò chơi thú vị. “ Mình có thể trở thành bạn của con được mà. Thay vì quát con ngồi vào bàn học tôi sẽ nói rằng “Bố con mình thi xem ai viết đẹp hơn đi” hay “Hôm nay cô giáo dạy đánh vần chữ gì vậy con? Con dạy bố đi”. Tôi đồng hành với con khiến cho buổi học trở nên nhẹ nhàng và gần gũi hơn.

Mỗi buổi học tại nhà của con gái anh Hà thường kéo dài trong khoảng 1 tiếng. Tuy nhiên anh đều chia nhỏ 20 phút học bé sẽ có 5 phút để giải lao. Với anh Hà việc bắt trẻ ngồi quá lâu tại bàn học và nhồi nhét quá nhiều kiến thức sẽ khiến trẻ không tiếp thu được. Bản thân cha mẹ cũng cần có thời gian nghỉ ngơi và bình tĩnh để cùng con hoàn thành hết bài tập.

Dạy con mọi lúc mọi nơi

Nhiều phụ huynh dùng sự áp đặt và máy móc để dạy con học bài. Chị Phương Giang cho rằng sự áp đặt sẽ khiến con không có sự sáng tạo và học tập một cách thụ động, lâu dần con sẽ không còn hứng thú với việc học.

Trẻ con luôn tò mò với tất cả mọi thứ xung quanh nếu biết cách tận dụng điều đó có thể giúp con học kiến thức một cách tự nhiên. “Mỗi ngày trên đường đón con đi học về hễ thấy đồ vật gì khiến con thích thú tôi đều sẽ đố con đánh vần được tên đồ vật đó. Hay lúc đi chợ mua củ quả tôi đưa ra những phép tính đơn giản cộng trừ để đố con. Từ những điều đơn giản đó sẽ tạo cho con phản xạ tự nhiên đối với việc học và giúp con không thấy học tập nhàm chán”.

Giúp con tự tin với chính mình

Rất nhiều đứa trẻ sợ bố mẹ la mắng khi mắc lỗi sai. Trẻ luôn dè chừng và thụ động khi học kiến thức khiến bố mẹ phải cầm tay chỉ bảo từng chút một. Cũng có nhiều bậc phụ huynh thường đem bạn cùng lớp của con để so sánh khiến trẻ tự ti và thu mình.

Anh Ngọc Hà cho biết đây sẽ là điều khiến con không dám tự học, tự tìm tòi kiến thức. Trong những buổi học, anh đều để bé tự tính toán còn bản thân chỉ ngồi cạnh quan sát, nếu nhận thấy con làm bài sai anh sẽ bảo rằng: “Hình như bố lại có kết quả khác con, hai bố con mình cùng nhau làm lại xem ai có kết quả đúng đi”.

Với phương pháp dạy học đó, con gái anh không chỉ vui vẻ làm lại bài toán mà kiến thức cũng sẽ được bé ghi nhớ lâu hơn. Anh chia sẻ: “Khi gặp một bài toán khó con sẽ tự tin và chủ động tìm ra phương pháp giải. Tôi nghĩ rằng dạy con không chỉ dạy con mỗi kiến thức mà cần giúp con hình thành nên những tính cách tốt sau này”.

Dạy con luôn là hành trình dài và rất vất vả. Cha mẹ hãy quan tâm đến cuộc sống hàng ngày của trẻ, từ sở thích, cảm xúc đến chuyện bạn bè. Kiểm soát và tạo áp lực không phải là cách tốt để giúp con phát triển thay vào đó hãy lắng nghe con, chia sẻ những điểm chung để tạo cho con những ký ức hạnh phúc.

Ngọc Linh

Nguồn tin: dantri.com.vn


Dạy con   Hà Nội   Trẻ con   căng thẳng   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...