05/01/2021 15:30  
Một năm qua đi với nhiều cái tên đã biến mất để lại bất ngờ và nuối tiếc cho dân công nghệ trên toàn cầu.  

Năm 2020 chứng kiến Covid-19 càn quét qua tất cả mọi mặt của đời sống, và công nghệ cũng không nằm ngoài cơn cuồng phong đó. Tất nhiên, một số vấn đề đã xảy ra từ trước mùa dịch và virus corona chỉ là tác nhân đẩy nhanh tiến trình đi đến thất bại của những thương hiệu này. 

Essential Phone 

Essential Phone là sản phẩm của Essential Products, startup do cựu Giám đốc Google ông Andy Rubin sáng lập năm 2015. Andy Rubin được biết đến với vai trò là một trong những kỹ sư sáng tạo ra hệ điều hành Android trứ danh, trong khi bản thân ông cũng được gọi bằng biệt danh này.

Essential Products từng được xem là một trong những startup hứa hẹn nhất ở Thung lũng Silicon khi kêu gọi được 330 triệu USD tiền góp vốn và được định giá tới 1 tỷ USD (kỳ lân công nghệ). Nhưng chiếc Essential Phone ra mắt năm 2017 lại không có được doanh số bán ra khả quan, chủ yếu do giá bán và thời điểm lên kệ không hợp lý. 

Kết quả là Essential Products đã phải tuyên bố đóng cửa vào 12/02, kéo theo cái chết của Essential Phone khi không còn nhận được bất cứ hỗ trợ nào nữa.

Mixer

Ra mắt năm 2016 dưới tên gọi Beam, dịch vụ livestream này đã mau chóng được ông lớn Microsoft thâu tóm và đổi tên thành Mixer với nhiều kỳ vọng to tát. 

Trong giai đoạn đầu phát triển, để cạnh tranh với những nền tảng lớn như Twitch, Mixer đã chi tiền tấn để mời những streamer đình đám nhất thế giới thời điểm đó như Ninja hay Shroud với một bản hợp đồng độc quyền trị giá nhiều triệu USD. 

Nhưng kết quả tăng trưởng chậm chạp trong mùa dịch buộc Microsoft phải đóng cửa Mixer vào 22/07 và đi đến một thỏa thuận điều hướng người dùng sang nền tảng Facebook Gaming. 

Thất bại của Mixer là một đòn giáng mạnh vào tham vọng và công nghệ mà Microsoft nhìn thấy triển vọng ở đó. Thực tế, Mixer gặp nhiều vấn đề về kết nối và chất lượng đường truyền quá tệ so với công nghệ độ trễ thấp mà được quảng cáo là nhanh hơn ánh sáng (FTL). 

Quibi

Với tham vọng trở thành Netflix mới, Quibi chọn cách tự xây dựng kho nội dung là các đoạn phim ngắn chỉ từ 10-20 phút, khá gần với khái niệm web drama trên YouTube. Nhưng nền tảng xem video thời lượng ngắn này đã không trụ nổi quá 6 tháng sau khi chính thức ra mắt hồi tháng 04/2020.

Thực tế, trước khi Covid-19 nổ ra, Quibi chỉ phải cạnh tranh với kho nội dung khổng lồ miễn phí của YouTube với giá 4,99 USD/tháng. Nhưng khi Covid-19 buộc người dân phải ở nhà và có nhiều thời gian rảnh rỗi, trong bối cảnh có vô vàn lựa chọn xem series phim chất lượng cao từ Disney+, Apple TV+ cho đến Netflix, thực sự là một lựa chọn xa xỉ nếu phải bỏ thêm 4,99 USD/tháng cho Quibi. 

Kết quả, Quibi đốt sạch 1,75 tỷ USD gọi vốn được từ các nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực điện ảnh. Cho đến ngày thông báo đóng cửa hôm 21/10, Quibi chỉ còn khoảng 500.000 thuê bao trả phí, so với kỳ vọng đạt được 7,4 triệu thuê bao trong năm đầu hoạt động. 

Segway PT

Thương hiệu xe điện cân bằng hai bánh Segway PT đã chính thức bị xóa sổ vào tháng 7/2020, sau 19 năm có mặt trên thị trường. Dòng xe này là thương hiệu được cấp bằng sáng chế của Mỹ, nhưng những năm gần đây đã bị làm nhái bởi vô số các sản phẩm với mẫu mã và giá cả đa dạng đến từ Trung Quốc. 

Trong suốt vòng đời của nó, giá bán đắt đỏ khiến Segway PT chỉ đóng góp vào 1,5% tổng lợi nhuận công ty. Sản phẩm này còn vướng vào những vụ tai nạn nổi tiếng liên quan đến vận động viên điền kinh Usain Bolt hay cựu Tổng thống George W. Bush. Những năm gần đây, dòng xe điện hai bánh này dần được thay thế bởi xe điện scooter vốn có giá chỉ dưới 10 triệu đồng, so với từ 6.000 - 8.000 USD cho một chiếc xe Segway PT chính hãng. 

Toshiba

Toshiba là tập đoàn đa ngành của Xứ sở Hoa anh đào, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực điện tử điện lạnh. Ít ai biết rằng, Toshiba từng có thời kỳ hoàng kim thống trị thị trường máy tính xách tay vào khoảng thập niên 1990s và đầu thập niên 2000s. 

Tuy vậy, việc chậm cập nhật công nghệ cùng với những khoản đầu tư thua lỗ và gian lận báo cáo tài chính đã khiến Toshiba chìm trong khủng hoảng nghiêm trọng kể từ giữa thập niên 2010s trở lại đây. 

Toshiba buộc phải bán đứt nhiều mảng kinh doanh chủ lực để giãn nợ. Trong đó, năm 2018, hãng phải bán mảng PC cho Sharp với chỉ 19,1% cổ phần nắm giữ. Đến tháng 8/2020, số cổ phần còn lại cũng được Toshiba chuyển giao nốt cho Sharp, chấm dứt 35 năm tồn tại của một đế chế laptop từng thống trị cả thế giới.  

Play Music

Trong 9 năm phát hành, Google Play Music là thư viện cho phép lưu trữ nhạc miễn phí hoặc nghe nhạc bản quyền mất phí với một kho 40 triệu bài hát. Tùy chọn trả phí trong Play Music còn giúp người dùng được quyền sử dụng YouTube Premium để né quảng cáo ‘nhà tôi ba đời trị sỏi thận’.

Nhưng tất cả đã biến mất khi Google thông báo vào tháng 8 rằng sẽ đóng cửa Play Music vào tháng 12 và thay thế bằng YouTube Music. Hệ quả là người dùng Android giờ đây phải vất vả tìm những ứng dụng nghe nhạc thay thế trên Play Store. 

Flash

Cái chết của Flash đã được dự báo từ rất lâu khi cố lãnh đạo Steve Jobs từng thẳng thừng chê bai nền tảng này từ cả chục năm trước. Nhưng cuối cùng Adobe chỉ chốt ngày đóng cửa vào 31/12 vừa qua, chấm dứt 24 năm tồn tại của nền tảng hỗ trợ nội dung đa phương tiện này. 

Cùng với sự ra đi của Flash, kho nội dung khổng lồ các ứng dụng có liên quan cũng sẽ đột tử theo. Nổi tiếng nhất phải kể đến game nông trại FarmVille cùng loạt game của Zynga cũng ngừng hỗ trợ kể từ ngày 31/12.

Phương Nguyễn (lược dịch từ USAToday)

Nguồn tin: ictnews.vietnamnet.vn


Apple   Covid   Covid-19   Silicon   Trung Quốc   Tổng thống   dịch vụ   khủng hoảng   laptop   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...