03/12/2020 11:40  
Quý cuối cùng của năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của nhiều DN, VinCommerce (VCM) đang ráo riết hướng đến mục tiêu hòa vốn trong năm 2020, hướng tới có lợi nhuận vào năm 2021.
 Quyết liệt tái cơ cấu toàn diện, tạo đà bứt phá
Thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp quyết liệt tái cơ cấu một cách toàn diện đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giúp VCM cải thiện 2,4% lợi nhuận gộp trong Quý III/2020, trên đà đạt EBITDA hòa vốn trong Quý IV/2020 và đạt lợi nhuận vào năm 2021. Cụ thể, VCM tập trung cải thiện những vấn đề cốt lõi còn tồn tại ở mô hình VinMart+ và coi đây là thành tố quan trọng để tích hợp mô hình online với mặt hàng tươi sống.
Với mô hình VinMart+, Ban Điều Hành tiếp tục có những điều chỉnh mô hình hoạt động và hình thức bày trí bằng việc khai trương các cửa hàng thí điểm mới tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Mô hình mới khi được thực thi sẽ nâng cao trải nghiệm khách hàng, qua đó giúp thấu hiểu hành vi người tiêu dùng và mang đến hình thức trưng bày cửa hàng bắt mắt hơn cho đợt mở rộng tiếp theo.
Tối ưu hóa danh mục sản phẩm, đưa ra chính sách giá mới và đàm phán lại điều khoản với nhà cung cấp. Tháng 11 vừa qua, VCM đã công bố hợp tác với Top 100 nhà cung cấp chiến lược với nhiều đặc quyền vượt trội, nhằm tạo ra sân chơi công bằng cho các nhà sản xuất, cùng hướng tới mục tiêu “phụng sự người tiêu dùng” bằng những sản phẩm và dịch vụ chất lượng tốt nhất.
Trong 9 tháng năm 2020, VCM đã mạnh tay đóng cửa các siêu thị và cửa hàng không đạt hiệu quả hay mở sai vị trí. Bên cạnh đó, mở cửa 1 siêu thị VinMart và 57 cửa hàng VinMart+ trong 3 quý đầu của năm 2020.
Kết thúc 9 tháng, doanh thu thuần của Masan đạt 55.618 tỷ đồng, trong đó, mảng bán lẻ VinCommerce (VCM) đóng góp nhiều nhất - 23.678 tỷ đồng - chiếm 42,6% doanh thu thuần của Tập đoàn. Nhờ những biện pháp tái cơ cấu mạnh tay, biên EBITDA trong Quý III/2020 cải thiện 3,7% so với Quý III/2019.
 Đầu tư vào đội ngũ nhân sự
Cùng với các biện pháp cải tổ nêu trên, VCM cũng chú trọng vào việc thu hút nhân tài. Chủ tịch Hội đồng Quản trị Masan Group, Nguyễn Đăng Quang cho biết: “Chúng tôi tin rằng chỉ những thay đổi bứt phá mới có thể mang đến giá trị vượt trội cho người tiêu dùng.” Đầu tư vào đội ngũ chính là nền tảng để tập đoàn tạo ra những giá trị đột phá, trở thành tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ hàng đầu Việt Nam và hướng đến quy mô khu vực.
Ngày 2/12/2020, Masan Group đã chính thức công bố bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Phương đảm nhiệm vị trí Phó Tổng Giám Đốc thường trực của VinCommerce. Trước khi gia nhập Masan, bà Phương có hơn 17 năm kinh nghiệm làm việc tại các chuỗi bán lẻ Central Retail Việt Nam, Big C Việt Nam và Metro Cash & Carry ở những vị trí chủ chốt.
Theo thống kê mới nhất của Masan, Masan Group và các công ty thành viên có tổng cộng gần 40.000 nhân viên, nữ giới chiếm 57% tổng số nhân viên và 33% lãnh đạo cấp cao của tập đoàn là nữ giới. Đại diện Masan cho biết: “Chúng tôi hỗ trợ các nữ lãnh đạo có năng lực tốt được cơ hội thăng tiến và đảm nhận các vị trí cao hơn. Chính các nữ lãnh đạo tài năng là lợi thế cho việc kinh doanh bền vững trong dài hạn.”
Những cải cách quyết liệt trong khâu vận hành và bổ sung đội ngũ nhân sự, VCM bước đầu cho thấy những tiền đề vững chắc tạo cơ hội bứt phá vào năm 2021 và giai đoạn 5 năm sắp tới. Mục tiêu đến năm 2025, VCM sẽ sở hữu 300 siêu thị VinMart, gần 10.000 cửa hàng VinMart+ tại 63 tỉnh/thành với 10 triệu khách hàng thân thiết. Hệ thống siêu thị/cửa hàng VinMart và VinMart+ được kỳ vọng là lựa chọn số 1 của các đối tác, cùng phục vụ hàng triệu khách hàng Việt và tăng trưởng doanh thu vượt trội.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Covid   Hà Nội   Hội đồng Quản trị   Mục tiêu   Top 10   Tập đoàn   Việt Nam   chiến lược   chính sách   dịch vụ   hành vi   hợp tác   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...