11/12/2020 7:45  

Niềm tin của giới đầu tư bị xòi mòn

Theo Fitch Ratings, các DNNN ở Trung Quốc đã vỡ nợ trái phiếu với giá trị kỷ lục 40 tỉ nhân dân tệ (6,1 tỉ đô la Mỹ) trong 10 tháng đầu năm nay. Con số này tương đương tổng giá trị trái phiếu vỡ nợ của DNNN Trung Quốc trong hai năm trước đây.

Một loạt công ty nhà nước tuyên bố phá sản hoặc vỡ nợ trái phiếu vào tháng trước bao gồm Tập đoàn ô tô Brilliance Auto Group, Tập đoàn công nghệ Tsinghua Unigroup và Tập đoàn Điện lực và than Yongcheng. Thông tin xấu này gây sốc cho thị trường nợ doanh nghiệp gần 4.000 tỉ đô la của Trung Quốc, khiến giá trái phiếu doanh nghiệp lao dốc. Cơn hoảng loạn lan rộng trên thị trường chứng khoán, nơi cổ phiếu của nhiều DNNN bị giảm giá mạnh.

Vấn đề nợ xấu của DNNN ở Trung Quốc gây báo động vì hai yếu tố. Thứ nhất, mối quan hệ chặt chẽ giữa các doanh nghiệp này với các chính quyền địa phương thường giúp họ được xem nơi đầu tư an toàn trong những thời kỳ bất ổn. Do vậy, trái phiếu của họ sẽ trở thành tài sản rủi ro hơn nếu giới đầu tư lo ngại nhà nước không sẵn sàng hỗ trợ họ nữa.

Thứ hai, thành công của khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc. Dù các DNNN đóng góp chưa đến 1/3 GDP của Trung Quốc, họ chiếm đến hơn 50% dư nợ cho vay của các ngân hàng ở Trung Quốc và chiếm khoảng 90% giá trị trái phiếu doanh nghiệp được phát hành ở nước này, theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và Công ty môi giới chứng khoán Huachuang Securities.

Đà phục hồi kinh tế có thể bị kìm hãm vì vấn đề nợ của DNNN

Lịch sử cho thấy Bắc Kinh thường không để các DNNN lớn sụp đổ. Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ các khu vực rộng lớn của nền kinh tế và mối quan hệ khăng khít giữa DNNN và chính phủ được xem là yếu tố quan trọng để duy trì sự kiểm soát đó.

Giờ đây, các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh dường như sẵn sàng để ít nhất một số DNNN sụp đổ. Nhưng quá nhiều vụ vỡ nợ vay ngân hàng và trái phiếu doanh nghiệp sẽ khiến hệ thống tài chính Trung Quốc bị tổn thương.
“Dù giới chức trách muốn siết chặt kỷ luật thị trường đối với một số công ty rủi ro, họ không thể biết được rủi ro tín dụng ở mức nào có thể khiến tác động xấu lan tỏa rộng hơn.

Không ai có thể biết được chính xác ngưỡng này vì rủi ro này chưa từng có tiền lệ trong hệ thống tài chính của Trung Quốc”,  Logan Wright viết trong một báo cáo gửi cho khách hàng gần đây.

Nếu khả năng quản lý nợ của DNNN của Trung bị hoài nghi, Wright cảnh báo điều này có thể gây căng thẳng cho thị trường tài chính, dẫn đến tín dụng và thanh khoán suy giảm. Một số hậu quả đã xảy ra: giá trị phát hành hành trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc giảm sâu trong tháng 11, theo số liệu mà PBoC công bố hôm 9-12.

Các vấn đề này rốt cục sẽ kìm hãm đà phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Dù Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm nay, tốt hơn nhiều so với các nền kinh tế lớn khác trên toàn cầu, đây là mức tăng trưởng hàng năm thấp nhất của Trung Quốc trong hơn bốn thập kỷ qua.

Trong báo cáo gửi cho khách hàng hôm 9-12, Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế ở Công ty tư vấn Capital Economics, cho rằng các nỗ lực kiểm soát hoạt động vay nợ rủi ro của Bắc Kinh sẽ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của tín dụng phi ngân hàng

“Dù không làm chệch hướng đà phục hồi tăng trưởng của Trung Quốc ngay lập tức, điều này sẽ dần làm suy yếu các tác động tích cực gần đây của gói kích thích chính sách tài khóa của Trung Quốc”, Julian Evans-Pritchard nói khi ám chỉ đến những biện pháp của chính phủ Trung Quốc trong năm nay bao gồm cắt giảm lãi suất và chi tiêu hàng tỉ đô la để thúc đẩy tăng trưởng.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Goldman Sachs cho rằng số vụ vỡ nợ tăng lên ở khu vực kinh tế nhà nước của Trung Quốc có thể gây tác động xấu lan vào hệ thống ngân hàng, khiến họ phải cắt giảm cho vay hoặc tăng lãi suất.

Không thể tránh khỏi vỡ vợ

Giá trị vỡ nợ trái phiếu kỷ lục của DNNN ở Trung Quốc trong năm nay có thể liên quan đến nhiều đại dịch Covid-19 nhưng vấn đề sâu xa nằm ở chỗ họ đã tích lũy nợ trong nhiều năm nhưng kinh doanh kém hiệu quả.

Các nhà phân tích ở Ngân hàng Nomura nhận định: “Chúng tôi xem các vụ vỡ nợ này là điều không thể tránh khỏi”. Họ lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc đã vực dậy các DNNN bằng cách bơm hàng ngàn tỉ đô la vào khu vực kinh tế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Những các khoản đầu tư này không mang lại lợi nhuận tốt như kỳ vọng.

Các yếu kém của DNNN là điều đã được ghi nhận rộng rãi. Ning Gaoning, Chủ tịch Tập đoàn hóa chất nhà nước Sinochem Group, cho rằng các doanh nghiệp này thường có sức cạnh tranh kém hơn và có hệ số thu nhập trên đầu tư (ROI) thấp hơn so với các doanh nghiệp tư nhân.

Đồng thời, Trung Quốc cũng thường ưu ái các DNNN quan trọng và tạo điều kiện cho họ tiếp cận các nguồn vốn vay dễ dàng hơn so với doanh nghiệp tư nhân. Xu hướng này tăng tốc trong những năm gần đây khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi xây dựng khu vực kinh tế nhà nước mạnh mẽ hơn, chi phối hơn.

Để giúp các công ty phục hồi từ cuộc khủng hoảng Covid-19, Trung Quốc đã nới lỏng các hạn chế về tín dụng, một quyết định mà giới chức trách ghi nhận rằng sẽ khiến nợ xấu tăng lên. Và không có gì ngạc nhiên khi các DNNN chiếm phần lớn giá trị phát hành trái phiếu trong chín tháng đầu năm nay ở Trung Quốc. Họ huy động được 8.500 tỉ nhân dân tệ (1.300 tỉ đô la Mỹ), so với con số 857 tỉ nhân dân tệ (131 tỉ đô la) của khu vực tư nhân, theo dữ liệu của hãng xếp hạng tín dụng Pengyuan International (Trung Quốc).

Cùng lúc đó, số các vụ vỡ nợ trái phiếu tăng mạnh. Các nhà phân tích ở Ngân hàng Nomura ước tính đến giữa tháng 11, các doanh nghiệp Trung Quốc đã vỡ nợ 178 tỉ nhân dân tệ (27 tỉ đô la) giá trị trái phiếu. 43% của con số này đến từ các DNNN, cao hơn mức trung bình hàng năm 30%. Họ nhận định: “Nhiều khả năng chúng ta sẽ chứng kiến thêm nhiều vụ vỡ nợ trái phiếu của DNNN trong những năm tới”.

 

Theo CNN
 
 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Capital Economics   Covid   Covid-19   Trung Quốc   Xu hướng   căng thẳng   doanh nghiệp   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...