27/12/2020 16:20  
Sau khi 4 thành viên trong gia đình tại Hà Nội bị bắt do liên quan đến vụ buôn hàng lậu cực lớn tại Quảng Ninh, Tổng cục Hải quan vừa tạm đình chỉ chức vụ hàng loạt cán bộ hải quan do có liên quan.

6 cán bộ Hải quan bị đình chỉ công tác

Cụ thể, 6 cán bộ công chức Cục Hải quan Quảng Ninh bao gồm: Chi cục trưởng, Phó Chi cục trưởng của Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh bị đình chỉ chức vụ 15 ngày. Ngoài ra còn có Đội trưởng Đội Nghiệp vụ Hải quan thuộc Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh và 3 công chức thừa hành nhiệm vụ tại chi cục nói trên.

Các cán bộ hải quan này bị tạm đình chỉ để xem xét trách nhiệm và phục vụ công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng liên quan tới vụ việc xảy ra tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh ngày 17/12/2020.

Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ xử lý vụ việc nói trên với tinh thần không bao che và xử lý kỷ luật nghiêm cán bộ có sai phạm. Sau khi có kết quả xác minh, làm rõ trách nhiệm cụ thể từng cá nhân có liên quan của cơ quan điều tra, Tổng cục Hải quan sẽ tiếp tục thông tin tới báo chí.

Trước đó, ngày 24/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 10 bị can về tội Buôn lậu theo quy định tại khoản 4 Điều 188 Bộ luật Hình sự năm 2015, ra Lệnh khám xét, Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 10 bị can.

Tập đoàn Nhật Bản sản xuất bộ xét nghiệm Covid-19 tại Việt Nam

Theo Kyodo News, một lãnh đạo Fujifilm cho biết tập đoàn này sẽ đầu tư vào Công ty TNHH Fujifilm Yuwa Medical Products Việt Nam từ năm 2021 đến tháng 4/2022. Mục tiêu là sản xuất 2 triệu bộ xét nghiệm Covid-19 mỗi tháng để xuất khẩu trên phạm vi toàn cầu.

Fujifilm khẳng định bộ xét nghiệm này sẽ phát hiện kháng nguyên của virus corona chủng mới dễ dàng và nhanh chóng. Ở Nhật Bản, Fujifilm cũng sẽ sản xuất bộ xét nghiệm tại nhà máy ở tỉnh Kanagawa, phía tây thủ đô Tokyo.

Công ty TNHH Fujifilm Yuwa Medical Products Việt Nam là liên doanh giữa Fujifilm và Yuwa, tập đoàn sản xuất khuôn đúc có trụ sở ở tỉnh Nagano (Nhật Bản).

Công ty được thành lập vào tháng 5/2020 tại tỉnh Bình Dương. Trong đó, Fujifilm góp 51% vốn, Yuwa góp 49% vốn. Công ty bắt đầu sản xuất các loại thuốc chẩn đoán từ tháng 11/2020.

Dự báo GDP tăng 2,8%

Theo Bộ Tài chính, 2020 là năm có dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) cao nhất từ trước đến nay. Trong đó, dự toán thu được tính dựa trên nền tảng thực hiện cao của năm 2019 (thu ngân sách vượt hơn 9% dự toán).

Tuy nhiên, dịch Covid bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến nền kinh tế thế giới khó khăn, đến nay các dự báo vẫn chỉ ra kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng âm. Trong nước, Việt Nam cũng chịu nhiều tác động khác như cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn, tình hình thiên tai, bão lụt… Điều này đã tác động đến sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn đó, điểm đáng mừng là đến nay, kinh tế Việt Nam vẫn dự kiến tăng trưởng khoảng 2,8% so với năm 2019.

Trong bối cảnh này, NSNN gặp nhiều khó khăn về cân đối. Trong đó, thu khó do tăng trưởng kinh tế thấp, nhưng chi lại tăng lên do phải chi phòng chống dịch, thiên tai.

Xây dựng kế hoạch phát triển các doanh nghiệp nhà nước

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đang lấy ý kiến dự thảo đề án phát triển doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là tập đoàn kinh tế Nhà nước đa sở hữu nhằm phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng trong thời kỳ mới.

Theo cơ quan soạn thảo, các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) quy mô lớn được xác định phát triển thành "sếu đầu đàn" sẽ phải phát huy vai trò mở đường, dẫn dắt trong việc hình thành và mở rộng các chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới ứng với mỗi ngành.

Các DNNN quy mô lớn theo lựa chọn của đề án cũng phải có hệ thống quản trị tốt, đạt được yêu cầu tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, áp dụng trình độ khoa học công nghệ tiên tiến.

Nhóm các doanh nghiệp này phải hoạt động trong những ngành có tính chất lan tỏa, dẫn dắt (không thuộc ngành, lĩnh vực Nhà nước độc quyền) như kết cấu hạ tầng kinh tế, công nghiệp, năng lượng, viễn thông, tài chính ngân hàng…

Bộ Tài chính siết kiểm soát để bình ổn giá dịp Tết

Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 06/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo Chỉ thị, nhằm tăng cường công tác quản lý điều hành, bình ổn giá cả thị trường, chống buôn lậu và hàng giả trong dịp Tết Nguyên đán 2021, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Cục Quản lý giá chủ trì, phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính có liên quan tổ chức nắm bắt thông tin, theo dõi sát diễn biến cung cầu, thị trường, giá cả; nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu.

Đồng thời, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị cần có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp trong thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp tết cũng như tham mưu kịp thời cho Bộ các biện pháp quản lý, điều hành giá phù hợp nhằm ổn định mặt bằng giá cả thị trường và kiểm soát lạm phát.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Covid   Covid-19   Công an   Hà Nội   Mục tiêu   Nhật Bản   Tài chính   Tập đoàn   Tổng cục   Việt Nam   công nghệ tiên tiến   doanh nghiệp   hành vi   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...