23/01/2021 10:40  
Để thu hút và trọng dụng nhân tài, không chỉ ở vấn đề đãi ngộ mà cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó môi trường làm việc để họ thể hiện được năng lực, tài năng rất quan trọng, bởi “dụng nhân như dụng mộc”, đó là quan điểm được PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội nhấn mạnh khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị.
“Thảm đỏ” chưa đủ sức hút

Câu chuyện thu hút người tài lại luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Bà đánh giá thế nào về các chính sách, cơ chế đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao hiện nay?

- Trước hết phải thấy rằng, vấn đề thu hút, trọng dụng nhân tài rất được các cấp, các ngành quan tâm. Thực tế từ trước đến nay đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, đề án rồi về việc thu hút, trọng dụng nhân tài. Đơn cử như Nghị định số 140/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ… Nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng... cũng đã có các chương trình, đề án riêng về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút nhân tài. “Thảm đỏ” được trải ra rộng mở với ưu đãi về chế độ chính sách, học bổng… đã tạo cơ hội cho nhiều người trưởng thành và có triển vọng phát triển tốt, được kỳ vọng là nguồn nhân lực quan trọng đóng góp cho sự phát triển của các địa phương.
Nhưng từ thực tế, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, “thảm đỏ” sức hút vẫn chưa đủ mạnh, nên việc "chảy máu chất xám" vẫn còn diễn ra. Do đó, dù có chính sách, cơ chế nhưng rồi vẫn loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán cho vấn đề này. Rõ ràng còn những điều hạn chế, bởi chưa giải quyết một cách đồng bộ các giải pháp để thực sự thu hút và giữ được nhân tài. Việc xây dựng thể chế, chính sách, trong đó tạo môi trường làm việc cho người tài, đồng thời thu hút người tài từ các khu vực khác về khu vực công là một vấn đề rất quan trọng đang đặt ra.

Hiện, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo đề án “Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng người tài”, nhiều ý kiến nhận định, khi thực thi, đây sẽ là một bước tiến mới để tạo đột phá cho vấn đề này. Quan điểm của bà ra sao?

- Ngoài các quy định hiện có, Luật bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức vừa qua cũng có quy định rõ chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ. Và với Dự thảo Đề án Bộ Nội vụ đang xây dựng và lấy ý kiến, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam hoạch định một chiến lược thu hút người tài ở cấp quốc gia. Điều đó cho thấy mức độ trọng thị với trí thức, với nhân tài, nhưng vấn đề thực thi các quy định, chính sách ấy mới là điều cần chú trọng hơn nữa.

Nói đến người tài rất rộng, không chỉ là người giỏi kiến thức, nghiên cứu, mà có người tài trong khoa học công nghệ, nhân văn, quản lý, lãnh đạo… Như tôi đã nói, các quy định về thu hút nhân tài hiện chủ yếu mới chỉ ưu tiên về tuyển dụng đầu vào mà chưa tạo cơ chế, môi trường làm việc cạnh tranh, sáng tạo để người tài có điều kiện phát huy tài năng, sở trường trong công tác.
Tôi kỳ vọng dự thảo đề án "Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài" lần này với cách làm bài bản, có lộ trình, sẽ rà soát, hoàn thiện các chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài, để đưa vào áp dụng sẽ dần loại bỏ các "điểm nghẽn" hiện nay. Và chúng ta cũng nên đánh giá lại thời gian đã làm tốt ở đâu, chưa làm tốt ở đâu, nguyên nhân là gì và trên cơ sở đó đề xuất xử lý những vấn đề bất cập. Phải đưa ra những giải pháp mang tính đột phá về thu hút và phát huy trình độ, năng lực của nhân tài, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, mới đạt được mục tiêu phát triển bền vững

Cần tổng thể các cơ chế, chính sách

Như bà đã đề cập đến tình trạng “chảy máu chất xám”, không giữ chân được nhân tài, đặc biệt là khu vực công. Vậy theo bà, để thu hút nhân tài, đâu là vấn đề quan trọng nhất trong các cơ chế, chính sách?

- Tôi nghĩ thu hút người có tài năng không chỉ là một khâu của quy trình quản lý nguồn nhân lực, mà phải là tổng thể các cơ chế, chính sách tạo sức hấp dẫn nhằm kêu gọi, giữ chân được họ. Trong đó, các cơ chế, chính sách phải đưa ra được những giải pháp cụ thể mang tính chất đột phá và có sự giám sát, chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên khi thực hiện. Trong đó, việc đảm bảo chế độ đãi ngộ chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là môi trường làm việc. Họ cần được tôn trọng, có điều kiện làm việc để phát triển tài năng và kiến thức, theo tôi, điều này rất quan trọng đối với những người tài, bất kể già hay trẻ.

Bởi thế, lần này chúng ta nên có chiến lược cả về tài chính, cơ chế tuyển dụng, đặc biệt là phải tạo môi trường làm việc. Nếu chúng ta tuyển dụng về mà không tạo môi trường làm việc thì cũng không giữ được nhân tài, bởi với những người có tài thực sự, quan trọng là điều kiện làm việc, sau đó mới tính đến chính sách đãi ngộ.

Hơn thế nữa, việc phát hiện, sử dụng nhân tài nên dựa trên kết quả thực tiễn, tránh chỉ dựa vào bằng cấp, hay nói cách khác phải lấy hiệu quả thực tiễn để đánh giá người tài, sử dụng người như một sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, việc tôn vinh, chăm sóc về tinh thần cho đội ngũ này cũng cần quan tâm kịp thời, thường xuyên để thúc đẩy đồng thời có cơ chế phát huy năng lực sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy khát vọng, niềm tin. Thực tế cho thấy, đối với nhân sự trình độ cao, tính chất công việc có ý nghĩa quan trọng, họ muốn được phát huy tối đa những tri thức mà mình có. Đôi khi những giá trị vật chất không còn ý nghĩa quan trọng nếu người trí thức thỏa mãn được những kỳ vọng lớn lao của mình như được cống hiến và thấy mình hữu ích.

Trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng như Nghị quyết Đại hội Đảng của nhiều địa phương, việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đều được đưa ra như một khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới. Cùng với chiến lược, cơ chế đang được xây dựng, thực thi, đây chắc chắn sẽ là cơ sở vững chắc, qua đó truyền đi thông điệp về “chiêu hiền đãi sĩ”, thưa bà?

- Đúng vậy. Việc đưa vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao vào khâu đột phá trong Nghị quyết của Đảng cũng như các cấp ủy sẽ giúp kiến tạo đội ngũ tinh hoa cho đất nước, bởi nguồn nhân lực là vấn đề sống còn cho sự phát triển của các lĩnh vực. Tôi rất chú ý trong Nghị quyết của các cấp ủy đã nói đến phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nhân lực quản trị xã hội, quản trị kinh tế… xây dựng cơ chế phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội…

Theo tôi, để thực hiện được khâu đột phá này, cũng nên xác định rõ những giải pháp mang tính chiến lược, từ đó xây dựng cơ chế thu hút nhân tài cả trong và ngoài nước, phát huy được chất xám, tiềm năng sẵn có tại mỗi địa phương. Nếu làm được, trong giai đoạn 5 năm tới, chắc chắn sẽ góp phần phát triển và nâng cao chuỗi giá trị kinh tế có hàm lượng trí tuệ cao, tạo sự phát triển đột phá.

Xin cảm ơn bà!

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Hà Nội   Kinh tế   Nghị định   Việt Nam   chiến lược   chính sách   sáng tạo   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...