28/11/2020 13:25  
Quảng NamPhó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vai trò của du lịch nội địa trong bối cảnh hiện tại, cần mang lại trải nghiệm tốt nhất cho nhóm khách này.
Mới nhất Cũ nhất
  • 12h10

    Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tiếp thu ý kiến

    Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch thay mặt toàn ngành du lịch Việt Nam, tiếp thu những góp ý và giải pháp khắc phục khó khăn, phát triển du lịch nước nhà của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.

    Ông Thiện chia sẻ chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 là đón 10 triệu lượt khách quốc tế. Đến năm 2015, cả nước đã nỗ lực đạt được con số 7,9 triệu lượt khách. Chỉ trong bốn năm sau, con số đó đã tăng gần gấp đôi, thể hiện ý nghĩa vô cùng quan trọng.

    Đầu năm 2017, Bộ Chính trị lần đầu ra nghị quyết 08 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Con số tối thiểu được đề ra là đạt ít nhất 17 triệu lượt khách khách quốc tế. Tính đến năm 2019, cả nước đã đạt hơn 18 triệu lượt khách. Nếu năm 2020 không bị kìm hãm bởi Covid-19, đạt được thành quả trên là điều không hề khó tưởng tượng.

    Lần đầu tiên, chỉ trong tháng 1/2020, Việt Nam đón đến 2 triệu lượt khách quốc tế. Ngành du lịch Việt Nam đã làm được điều kỳ diệu. Đó là thành quả chung của tất cả ngành du lịch, người dân, chính phủ và cả các doanh nghiệp. Du lịch Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách và cần tiếp tục khắc phục.

  • 12h07

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ, vào năm 2015, khi nói về những nỗi sợ, yếu kém trong du lịch ở địa phương, có thể nhiều người cảm thấy không vui. Nhưng rõ ràng đến nay, những yếu kém đó đã dần cải thiện. Về visa, giao thông (đặc biệt là hàng không), sản phẩm du lịch, đã có bước tiến.

    Điều Phó thủ tướng ấn tượng là 4 năm vừa rồi có sự tăng trưởng tốt về năng lực du lịch Việt Nam, số lượng phòng, khách sạn... tăng gấp đôi. Người dân đã được tạo điều kiện, tham gia vào làm du lịch cộng đồng. Và một trong những lý do nhiều người nước ngoài đến Việt Nam là vì sự thân thiện của người dân Việt Nam.

    Phó thủ tướng gửi lời cám ơn, biểu dương sự nỗ lực của chính quyền các cấp, các doanh nghiệp, người dân cùng chung tay đóng góp, phát triển ngành du lịch Viêt Nam.

    Bên cạnh thành tựu đạt được, còn một số thách thức đặt ra với ngành du lịch, chất lượng chưa sâu, dù tìm cách kéo dài thời gian lưu trú, kích thích chi tiêu nhiều hơn tại Việt Nam.

    Về vấn đề chuyển đổi số, Phó thủ tướng đánh giá Việt Nam những bước tiến đáng mừng về vấn đề này, cần nhìn vào đó để hành động quyết liệt hơn. Du lịch hiện tại phải hướng đến chất lượng, các cơ sở lưu trú cần đồng đều về chất lượng.

    Phó thủ tướng nhấn mạnh cần tập trung khách du lịch nội địa, những du khách trung lưu và làm sao để người Việt được trải nghiệm du lịch cao cấp, cần mang đến sự an toàn trong du lịch. Tháng 6-7 ngành du lịch tăng trưởng rất tốt. Nhưng đại dịch bùng phát cuối tháng 7, thị trường gặp khó khăn.

    Theo Phó thủ tướng, điều quan trọng là cần giữ an toàn như hiện tại, chưa vội mở các đường bay quốc tế đón khách nước ngoài, chú trọng phát triển du lịch nội địa, vì việc phát triển những cái sẵn có để phục vụ cho khách du lịch trong nước sẽ tốt hơn nhiều so với việc mở cửa với những rủi ro khó lường.

    table widget
  • 11h35

    Giám đốc điều hành du lịch Nam Hội An: Việt Nam rất nỗ lực để trở thành "thiên đường an toàn"

    Ông nhận định du lịch Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng đã có cơ hội để khôi phục nền kinh tế giữa bối cảnh Covid-19 khiến cả thế giới tê liệt. Chính phủ Việt Nam đã làm tốt việc kiểm soát tình tình trạng Covid-19 và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông quảng bá du lịch của Việt Nam đến với các bạn bè thế giới.

    Trong khi thế giới đang đối mặt với những khó khăn, tổn thất nặng nề nhưng có thể thấy được tương lai tươi sáng đang mở ra với cả ngành du lịch nội địa và quốc tế của Việt Nam. Vị đại diện nói thêm rằng những gì chính phủ Việt Nam đã làm cho người dân nước mình, cũng như cách kiểm soát dịch bệnh, song song đó là bảo vệ môi trường và duy trì thiên nhiên bền vững, là việc làm vô cùng đáng trân trọng.

    Doanh nghiệp và cả người dân đã kết hợp với Chính phủ, dựa trên những lợi thế sẵn có, sẵn sàng chuẩn bị chào đón những cơ hội sắp tới. Việt Nam nói chung và ngành du lịch nói riêng có thể làm điều đó ngay hiện tại mà không cần chờ đến khi có vaccine Covid-19, để Việt Nam không chỉ trở thành "thiên đường an toàn" mà còn là điểm đến với nhiều tiện ích hiện đại tích hợp.

    Năm 2020 không chỉ là là thời điểm thử thách, song đó cũng là cơ hội để ngành du lịch Việt Nam thay đổi, từng bước phát triển, chuyển mình.

  • 11h30

    Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chỉ ra ba vấn đề của ngành du lịch

    Ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam - cũng đồng tình với những kiến nghị phát triển du lịch của Bộ Văn hóa, Thể Thao, Du lịch và lãnh đạo các tỉnh, ban ngành lẫn doanh nghiệp. Để tạo tiền đề cho du lịch trong nước phát triển, ông đưa ra thêm 3 đề xuất.

    Đầu tiên, phát triển du lịch nội địa là hướng đi quan trọng trong bối cảnh Covid-19 diễn biến khó lường. Khi chọn du lịch nội địa là "cứu cánh", Chính phủ cần phải có chính sách mạnh mẽ, rõ ràng. Theo ông, không nên để tình trạng tự phát không có kế hoạch cụ thể. Các ban ngành liên quan cần xem khách du lịch nội địa là đối tượng nghiên cứu, phân luồng từng đối tượng và thiết lập các sản phẩm du lịch tương ứng với họ.

    Thứ hai là nâng cao chuyển đổi số trong du lịch. Cần phân chia rõ ràng trách nhiệm của nhà nước (xây dựng Bigdata liên quan đến du lịch cho toàn tỉnh, nên chú trọng thông tin địa phương có thể dùng chung), trách nghiệm doanh nghiệp là cần xây dựng chuyển đổi số, marketing cho chính doanh nghiệp đó.

    Thứ ba là chú trọng liên kết - vấn đề đương nhiên và cốt lõi. Theo ông, bản chất của liên kết là liên ngành, liên vùng và cần hướng đến ở mức độ quốc gia. Tuy nhiên trước đây sự liên kết ấy còn manh mún, tự phát, chưa rõ ràng vấn đề ai hướng dẫn sự kết nối giữa các địa phương, vùng, kiểm tra và thúc đẩy mối liên kết ấy. Ông Vũ Thế Bình kiến nghị Chính phủ hình thành bộ phận chuyên ngành liên quan nhằm giám sát, ủng hộ, tập kết thường xuyên mối liên kết này.

  • 11h25

    Bamboo Airways nhấn mạnh tầm quan trọng của liên kết du lịch

    Trong phần tham luận thứ hai, đại diện hãng hàng không Bamboo Airways đề xuất một số kiến nghị. Đó là tiếp tục tăng trưởng giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp hàng không; tạo hành lang thông thoáng, cung cấp suất bay đến các vùng kinh tế trọng điểm cho những hãng hàng không non trẻ.

    Về phía doanh nghiệp, vị đại diện kêu gọi các doanh nghiệp lữ hành, du lịch, hàng không, dịch vụ... cần chủ động bắt tay tạo ra sản phẩm liên kết phong phú, đáp ứng nhu cầu, tạo ra nhiều giá trị, giúp kích thích, đẩy mạnh nhu cầu du lịch của du khách.

    Bamboo là hãng hàng không non trẻ, khai thác chuyên bay đầu tiên tháng 1/2019, trở thành hãng hàng không đầu tiên vận hành dòng tàu bay phản lực và máy bay thân rộng. Thời gian quan, hãng không ngừng đẩy mạnh các chiến lược cụ thể về mạng bay và dịch vụ. Trong đó, nổi bật là động thái khai thác ba đường bay thẳng đến Côn Đảo, trở thành hãng hàng không điều tiên làm được điều này.

    Bên cạnh đó, Bamboo Airways cũng kỳ vọng tạo được động lực thiết thực, giúp gia tăng liên kết vùng miền và dòng chảy kinh tế, từ đó thêm lựa chọn về lịch trình, dịch vụ, giá cả cho du khách trong và ngoài nước. Để làm được điều đó, các doanh nghiệp cần chung tay triển khai nhiều dịch vụ kích cầu du lịch, combo bay - nghỉ dưỡng - giải trí với chi phí thấp. Mở rộng hợp tác các doanh nghiệp lữ hành uy tín, kết nối các khu vực du lịch trọng điểm như Phú Quốc, Quy Nhơn, Nha Trang... Tiện ích gia tăng được cộng gộp, người tiêu dùng hưởng hiều lợi ích hơn.

    Hàng không và du lịch là mối quan hệ cộng sinh, mang lại lợi ích kép, chung tay thúc đẩy và phục hồi kinh tế Việt Nam.

  • 11h24

    Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam kêu gọi du lịch xanh

    Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam - chỉ ra nhiều vấn đề cấp thiết của du lịch, từ vấn đề an toàn sức khỏe người dân đến khó khăn của doanh nghiệp. Ông cho rằng trước mắt các doanh nghiệp mong Chính phủ có giải pháp phát triển du lịch, giảm giá điện, gia hạn nợ thuế VAT để có nguồn tài chính nhỏ giữ chân lực lượng lao động.

    Về lâu dài, Covid-19 khiến du lịch biến đổi không ngờ, vì thế cần định vị lại hướng đi và thông điệp marketing cho ngành du lịch trong bối cảnh mới.

    Ông Phan Xuân Thanh cho rằng liên kết vùng là hoàn toàn chính xác, nhưng cần có chiều sâu và thực tế hơn. Theo đó, Chính phủ cần ban hành quy chế, thể chế vùng và có hướng đi rõ ràng, trước hết là khơi nguồn du lịch, sau là phát triển kinh tế.

    Tỉnh Quảng Nam cũng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp phục dựng tài nguyên, theo đuổi du lịch xanh, trong đó có trồng cây gây rừng.

  • 11h15

    Ông Ngô Văn Quý, Phó chủ tịch UBND Hà Nội: Du lịch thủ đô nhiều tiềm năng phát triển

    Năm 2020, dù thực hiện nhiều giải pháp, ngành du lịch Hà Nội vẫn bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch. Theo thống kê, riêng tháng 7 năm nay, có hơn 80.000 người Hà Nội du lịch Đà Nẵng. Ước tính khoảng 5 triệu người Hà Nội đi du lịch quốc tế và nội địa mỗi năm.

    Các chuyên gia cũng nhận định rằng: dịch bệnh tăng thì du lịch sụt giảm và ngược lại. Năm 2021 dự báo ngành du lịch cả nước và Hà Nội tiếp tục gặp khó khăn. Vậy làm thế nào để phát triển du lịch khi đại dịch vẫn còn diễn biến phức tạp trên khắp thế giới. Ông đưa ra 5 đề xuất để phát triển du lịch Hà Nội:

    - Thực hiện phương châm chống dịch như chống giặc, không để dịch bùng phát bên trong, ngăn chặn dịch xâm nhập từ bên ngoài, phát triển du lịch nội địa.

    - Tăng cường quảng bá du lịch trong nước, đẩy mạnh liên kết du lịch với các khu vực trong cả nước.

    - Biến khó khăn thành cơ hội phát triển, các địa phương tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng, nâng câó cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn năng lực... để tạo tiền đề phát triển du lịch mạnh mẽ khi đại dịch được kiểm soát.

    - Tăng việc áp dụng công nghệ thông tin vào ngành du lịch như quảng bá, truyền thông để thúc đẩy du lịch.

    - Có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, trong đó có hai vấn đề chính là: giảm giá điện cho các doanh nghiệp lữu hành và giảm số tiền ký quỹ đối với các hãng lữ hành chuyên mảng du lịch quốc tế khi chuyển sang làm du lịch nội địa, giúp họ giảm bớt khó khăn.

  • 11h00

    8 đề xuất của Đà Nẵng

    Để giúp kết nối, trao đổi, khai thác nguồn khách du lịch, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở du lịch Đà Nẵng thay mặt địa phương đề xuất 8 giải pháp hỗ trợ ngành du lịch.

    Thứ nhất, đề xuất Chính Phủ hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong các nhu cầu thiết yếu như: giảm giá điện, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm VAT.

    Thứ hai, ưu tiên nguồn lực đầu tư công như sân bay, cảng biển, bến tàu, hàng không... kích thích đầu tư các sản phẩm du lịch mới.

    Thứ ba, thúc đẩy cơ chế chính sách phát triển, khuyến khích các loại hình kinh tế ban đêm, tạo điều kiện phát triển, góp phần khôi phục kinh tế du lịch.

    Thứ tư, quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ đẩy nhanh chuyển đổi số (ứng dụng công nghệ) trong dịch vụ du lịch.

    Thứ năm, nhờ chỉ đạo các bộ ngành xem xét cho phép hoạt động một số đường bay thương mại đến Đà Nẵng song vẫn phải đảm bảo phương pháp phòng chống dịch.

    Thứ sáu, chỉ đạo Bộ Công an thành lập văn phòng xuất nhập cảnh tại Đà Nẵng, cấp hộ chiếu cho công dân ở miền Trung, vì Đà Nẵng có 39 đường bay quốc tế trực tiếp, đón hơn 3 triệu lượt khách nước ngoài.

    Thứ bảy, nâng cấp cửa khẩu Đăc Tà Ốc thành cửa khẩu quốc tế, thúc đẩy du lịch địa phương, mở cửa đón du khách từ các quốc gia lân cận như Lào, Thái Lan, Campuchia...

    Cuối cùng là chú trọng công tác kiểm soát phòng chống dịch, đảm bảo điểm đến an toàn. Đề xuất yêu cầu bắt buộc với người nước ngoài, công dân nhập cảnh việt nam phải có kết quả xét nghiệm âm tính Covid-19 trong 3 ngày trước khi nhập cảnh, kiểm soát các cửa khẩu.

    Bên cạnh đó, các khách sạn làm điểm cách ly có thu phí có thể giảm áp lực cho lực lượng y tế và công an bằng cách thí điểm phương án được thuê dịch vụ bác sĩ, y tế, vệ sĩ tư nhân trực tại khách sạn. Ngành sẽ tập huấn cho hai dịch vụ này đồng thời kết nối camera bên ngoài và camera khách sạn để kiểm soát và theo dõi.

  • 10h25

    Lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa các tỉnh

    Trong khuôn khổ hội nghị diễn ra lễ ký kết hợp tác liên kết, phát triển du lịch giữa Hà Nội, TP HCM và năm tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Mục tiêu chung là kích cầu du lịch nội địa, góp phần phục hồi du lịch hậu Covid-19, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh, sức hấp dẫn của du lịch Việt Nam so với các nước trên thế giới.

  • 10h15

    Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM đề xuất 5 nội dung liên kết hợp tác phát triển du lịch

    Trên cơ sở định hướng chiến lược phát triển du lịch của cả nước, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã thông qua Chiến lược Phát triển du lịch Thành phố đến năm 2030. Những nhiệm vụ, giải pháp được xác lập trong Chiến lược hướng đến phát triển du lịch bền vững, đưa TP HCM trở thành một đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á.

    Để hiện thực hóa mục tiêu nói trên, Chiến lược phát triển du lịch TP HCM đến năm 2030 cũng xác định liên kết vùng là một trong chín nhóm giải pháp trọng tâm, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của TP HCM và các địa phương trong cả nước. Từ đó đa dạng hóa sản phẩm du lịch nội địa, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của các dịch vụ du lịch, mang lại giá trị gia tăng, tăng mức đóng góp trực tiếp và gián tiếp của ngành du lịch vào GRDP của TP HCM và các địa phương, góp phần nâng tầm, nâng chất và khẳng định thương hiệu của du lịch Việt Nam.

    Lãnh đạo TP HCM cũng đã và đang tập trung chỉ đạo ngành du lịch tăng cường mở rộng quan hệ, hợp tác phát triển du lịch với các địa phương trong cả nước. Song song với thỏa thuận chính, kế hoạch triển khai theo từng giai đoạn cũng được các địa phương xây dựng với những nội dung giải pháp cụ thể.

    Trong 9 tháng đầu năm, khách du lịch nội địa của cả nước là 37,5 triệu lượt (giảm 43,2% so cùng kỳ); khách quốc tế đến cả nước xấp xỉ 3,7 triệu lượt (giảm 67,4% so cùng kỳ); tổng thu từ khách du lịch đạt 233.000 tỷ đồng (giảm 54% so cùng kỳ). Tuy nhiên nếu tính trong 10 tháng đầu năm, lượng khách du lịch nội địa của cả nước bắt đầu tăng trưởng trở lại, đạt 42,5 triệu lượt (giảm 41% so với cùng kỳ năm 2019); tổng thu từ khách du lịch ước tính đạt 253.100 tỷ đồng (giảm 56% so với cùng kỳ năm 2019). Số liệu ghi nhận cho thấy hiệu ứng của liên kết phát triển du lịch và chương trình kích cầu du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương phát động.

    Ông Lê Thanh Liêm thay mặt TP HCM đề xuất nội dung liên kết hợp tác phát triển du lịch. Cụ thể như sau:

    Thứ nhất, việc hợp tác phát triển du lịch phải nhằm mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch chiếm tỷ trọng này càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực để phát triển kinh tế xã hội.

    Thứ hai, hợp tác phát triển du lịch phải theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, tận dụng và tranh thủ lợi thế của công nghệ số, chú trọng phát triển theo chiều sâu, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, khẳng định thương hiệu và khả năng cạnh tranh.

    Thứ ba, tập trung phát triển thị trường khách nội địa trong bối cảnh chưa mở cửa thị trường khách quốc tế. Khai thác tốt thị trường du lịch nội địa đáp ứng nhu cầu du lịch của nhân dân vừa đạt mục tiêu kinh tế vừa góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.

    Thứ tư, phát triển du lịch phải bền vững, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường, bảo đảm an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội; giảm thiểu tác động tiêu cực của hoạt động du lịch tới môi trường và văn hóa bản địa.

    Thứ năm, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế quốc gia và yếu tố tự nhiên, yếu tố văn hóa dân tộc, thế mạnh đặc trưng của các vùng, miền trong cả nước.

    TP HCM cam kết tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các nhóm giải pháp phát triển du lịch trong đó tổ chức thực hiện các hoạt động liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh, thành trong cả nước đi vào thực chất và hiệu quả, mang lại lợi ích cao nhất, đóng góp có hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Công an   HCM   Hiệp hội   Hà Nội   Lãnh đạo   Mục tiêu   Thể thao   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   hợp tác   kinh tế mũi nhọn   kiến nghị   sân bay   Đà Nẵng   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...