14/01/2021 8:20  
Để hái được rau mứt biển, được ví là đặc sản mọc ở gành đá trơn trượt vào mùa đông, nhiều người dân ở vùng ven biển huyện Bình Sơn, TP. Quảng Ngãi… phải chịu giá buốt và canh sóng dữ để tránh rủi ro bị sóng cuốn, mới có thể hái, bán thu về 200.000 - 350.000 đồng/ngày.

Hàng năm khi tiết trời Quảng Ngãi chuyển sang thời điểm mưa lạnh, giá buốt nhất (khoảng cuối tháng 10 âm lịch), cũng là lúc bước vào mùa đi hái rau mứt biển của người dân sống gần các ghềnh đá ven bờ ở Quảng Ngãi.

Gọi là rau nhưng đây là một loại rong biển có màu nâu sậm, thân sụn mềm, tạo thành chùm ở phần ngọn. Rau mứt biển là một trong ba loại rong biển được ưa chuộng nhất được sử dụng chế biến làm thức ăn rất ngon, đặc biệt là nấu canh với các loại cá, thịt, tôm.

Theo người dân nơi đây, việc đi hái rau mứt hàng ngày thường diễn ra khi nước thủy triều ở khu vực các gành đá bắt đầu rút xuống, đến khi nào thủy triều dâng lên lại thì về. Vụ thu hoạch rau mứt biển ở Quảng Ngãi kéo dài đến tháng chạp là chấm dứt.

Cách thu hoạch rau mứt biển chủ yếu là dùng tay nhổ, hoặc một mảnh nhựa nhỏ để lấy. Tùy thuộc vào vị trí cào hái và năm rau mứt biển mọc nhiều ít, mà số lượng thu hoạch rau mứt hàng ngày của từng người khác nhau, dao động từ 1-3 kg/người/ngày, với số tiền bán thu về từ 200-350.000 đồng/người/ngày.

Tuy được ví là lộc trời nhưng do chỉ mọc ở gành đá trơn trượt vào mùa đông, vì vậy để thu hoạch nhiều người dân ở vùng ven biển ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn; xã Tịnh Kỳ, TP.Quảng Ngãi… phải chịu giá buốt và canh sóng dữ để tránh rủi ro bị sóng cuốn, mới có thể hái, bán.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Loading…
Bấm để xem thêm ...