22/01/2021 14:10  
Năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo tại Quảng Trị đạt 65,88% (hoàn thành 100% so với kế hoạch), năm tới ngành LĐ-TB&XH phấn đấu nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 68,5%.

Qua 10 năm thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn", tỉnh Quảng Trị đã đào tạo nghề cho hơn 97.300 người; trong đó, lao động nông thôn chiếm gần 57.500 người (dạy nghề nông nghiệp 33.424 người; dạy nghề phi nông nghiệp 24.058 người).

Những ngành nghề được lựa chọn đào tạo chính tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, dịch vụ mang tính ứng dụng cao trong cuộc sống gồm: trồng nấm; trồng rừng kinh tế; chăn nuôi gà, lợn, thú y; sửa chữa máy nông nghiệp; kỹ thuật trồng rau an toàn; sửa chữa điện dân dụng...

Các hình thức đào tạo nghề được thực hiện đa dạng hóa như tập trung tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lưu động tại các thôn bản, tại các trang trại... 

Công tác đào tạo nghề đã tạo sự chuyển biến rõ nét, thực chất cả về lượng và chất trong phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. 

Riêng trong năm 2020, đã thực hiện tuyển sinh, đào tạo nghề nghiệp cho hơn 14.500 lao động (đạt 86,2% kế hoạch). Trong đó, Cao đẳng 173 người; trung cấp 730 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên 13.665 người (trong đó đào tạo nghề cho lao động nông thôn 6.500 người); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 65,88% (đạt 100% kế hoạch); tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 47% (đạt 94% kế hoạch); lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 31% (đạt 96,88% kế hoạch).

Năm 2021, ngành LĐ-TB&XH phấn đấu thực hiện tuyển sinh đào tạo nghề nghiệp cho 8.500 người, trong đó, trình độ cao đẳng: 500 người; trình độ trung cấp: 1.000 người; sơ cấp và đào tạo thường xuyên: 7.000 người. 

Phấn đấu đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 68,5%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 48,5%, tỷ lệ lao động có bằng cấp chứng chỉ 32%.

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đào tạo nghề.

Tập trung vào công tác hướng nghiệp, phân luồng, liên thông đào tạo nhằm phát triển quy mô đào tạo; đẩy mạnh phân luồng học sinh từ trung học cơ sở và trung học phổ thông vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phát triển và đổi mới giáo dục nghề nghiệp; trọng tâm là hiện đại hóa, thực hiện chuyển đổi số trong đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp; chú trọng nâng cao chất lượng đầu ra; tăng cường việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động.

Tăng cường đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo thường xuyên và đào tạo lại cho người lao động, nhất là đào tạo các kỹ năng làm việc, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp. 

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của ngành làm công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp theo hướng hiện đại. Tiếp tục rà soát, triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, người dạy nghề tại các doanh nghiệp; đẩy mạnh kiểm định chất lượng trong giáo dục nghề  nghiệp.

Rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đa dạng hóa nguồn lực đầu tư nâng cao năng lực của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi được tổ chức, sắp xếp lại, đặc biệt là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quảng Trị, các trường có ngành, nghề trọng điểm theo các cấp độ, một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên cấp huyện.

Tăng cường liên kết đào tạo với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có uy tín trong và ngoài nước để đào tạo lao động có chất lượng cao nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên địa bàn và hội nhập quốc tế.

Đăng Đức

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cao đẳng   Giáo dục   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   quy hoạch  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...