15/01/2021 6:10  
Đã quá thời gian xuống giống vụ mùa mới, thế nhưng nhiều diện tích tại vùng chuyên canh lúa lớn nhất Đắk Nông vẫn chưa thể gieo sạ. Nguyên nhân là kênh thủy lợi tiền tỷ không thể dẫn nước tới nơi.

Hàng trăm hecta "lỡ hẹn" mùa vụ

Xã Buôn Chóah (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là vùng chuyên canh lúa, vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, dù đã bước sang nửa cuối tháng 1, nhiều diện tích của người dân vẫn chưa thể gieo sạ do không đủ nước.

Theo người dân địa phương, ruộng đồng nằm ngay cạnh sông Krông Nô nên chưa năm nào người dân thiếu nước sản xuất. Thế nhưng năm nay, dù mới được đầu tư hàng tỷ đồng để lắp đặt máy bơm mới và xây dựng hệ thống kênh nước nhưng nước không thể dẫn về tận ruộng.

Bà Nguyễn Thị Duyến (thôn Ninh Giang) cho biết, gia đình bà có 4 ha dự kiến gieo trồng lúa. Thế nhưng ngoài 1 ha nằm ngay cạnh bờ sông thì 3 ha còn lại bà phải dùng máy bơm nước để tự bơm nước về ruộng.

"Hàng năm dùng trạm bơm cũ thì nước đầy đủ để gieo cấy. Bây giờ có kênh mương mới, máy bơm mới thế nhưng phía cuối kênh thì lại cao hơn phía nguồn nên nước không thể đẩy về được. Cuối kênh khô rang, đầu kênh thì nước tràn ra cả ngoài đường", bà Duyến bức xúc

Tương tự, anh Phạm Huy Thuần (thôn Bình Giang) có 10 ha trồng lúa. Đến thời điểm hiện tại, phần lớn ruộng nhà anh vẫn chưa đủ nước để xuống giống nên chắc chắn đã bị "trễ hẹn". Mới đây, anh Thuần phải bỏ ra gần 20 triệu đồng mua máy bơm về tự bơm nước.

"Kênh dẫn nước này chỉ dẫn được một đoạn rồi đổ ngược lại trạm bơm vì dốc quá, nước không đẩy lên được. Chúng tôi làm lúa mấy chục năm nay, chưa bao giờ thấy người ta làm kênh dẫn nước mà cuối kênh lại cao hơn đầu kênh cả 40-50 phân. Đến cuối kênh dẫn nước này, nước chỉ khoảng 1-2cm, có chỗ còn chưa đủ thấm nền", anh Thuần nói và cho biết, năm ngoái đến thời điểm này, lúa đã lên xanh tốt.

Anh Ngô Văn Sỹ (thôn Ninh Giang, xã Buôn Chóah) là người thường xuyên túc trực trạm bơm số 3 để bơm nước cho người dân. Anh Sỹ bức xúc cho biết, hai chiếc máy bơm mới vừa được lắp đặt nhưng không thể vận hành cùng một lúc do… "không đủ điện".

Tuy nhiên, theo anh Sỹ, nguyên nhân không đủ điện để chạy máy bơm chỉ là 1 phần, vì nếu vận hành cùng lúc 2 máy bơm, nước sẽ tràn cả ra ngoài kênh vì kênh mới rất cạn, phía cuối con kênh lại cao hơn phía đầu kênh nên nước không đẩy lên được.

Vùng trọng điểm lương thực "khát nước"

Theo UBND huyện Krông Nô, vụ Đông xuân năm 2020-2021, huyện này dự kiến gieo trồng hơn 4500 ha, trong đó diện tích lúa là gần 2000 ha. Được xác định là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh Đắk Nông nên xã Buôn Choah sẽ gieo trồng khoảng 600 ha lúa.

Theo lịch thời vụ, đến thời điểm hiện tại 100% diện tích lúa của xã phải được gieo sạ. Tuy nhiên, dù đã ngâm ủ lúa nhưng diện tích xuống giống chỉ đảm bảo khoảng 60-70% và khoảng 200ha lúa thiếu nước trắng mặt và chăm sóc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất và chất lượng.

Trong văn bản số 11/UBND-NN của UBND huyện Krông Nô gửi UBND tỉnh Đắk Nông, huyện này cho biết, nguyên nhân là trạm bơm số 1 và số 3 không đảm bảo nước tưới. Qua kiểm tra tại trạm bơm số 1, dù có 2 máy bơm nhưng chỉ chạy được 1 máy (thiếu khoảng 40% nước); trạm bơm số 3 cũng chỉ chạy được 1 máy, thiếu khoảng 50% nước.

Ông Trần Đăng Ánh, Phó chủ tịch UBND huyện Krông Nô cho biết, trạm bơm 1 và 3 thuộc Dự án Nâng cấp các công trình thủy lợi phòng, chống hạn hán trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Công trình do Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư.

Lãnh đạo UBND huyện Krông Nô thông tin, khoảng 30-40% diện tích của người dân bị ảnh hưởng. Trước tình hình không đủ nước sản xuất cho vùng trọng điểm lương thực của tỉnh, huyện đã làm việc với các bên liên quan của tỉnh Đắk Nông để tháo gỡ.

"Thế nhưng sự vào cuộc của các đơn vị liên quan chưa thực sự quyết liệt, các khó khăn vướng mắc chưa được tháo gỡ", UBND huyện Krông Nô cho hay.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phan Vận, Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đầu tư xây dựng Công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, dự án thủy lợi trên có tổng mức đầu tư gần 200 tỷ đồng từ nguồn vốn trung ương hỗ trợ (166 tỷ) và các nguồn vốn khác. Dự kiến hoàn thành ngày 31/12/2020, nhưng sau đó được UBND tỉnh Đắk Nông đồng ý gia hạn đến 31/5/2021.

Dương Phong

Nguồn tin: dantri.com.vn


Lãnh đạo   Nông nghiệp   sản xuất   Đầu tư   Đắk Nông  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...