17/11/2020 11:10  
Mấy hôm trước chị về quê, thả mình xuống cánh võng, chị nói rằng chị sắp ly hôn. Dì tôi ngạc nhiên lắm.

Vì chị nói cả đời này chị cũng không bao giờ ly hôn, dù chồng chị có từng phản bội chị, dù chị có căm hận anh vì đã chà đạp lên tình yêu và niềm tin của chị, và dù bao lần anh cầu xin chị, nếu không còn chút niềm tin nào dành cho anh, không còn thương anh, chi bằng giải thoát cho cả hai nhẹ lòng.

Chị từng thốt lên trong uất nghẹn: “Anh ấy muốn ly hôn để đến với người đàn bà khác, hay là anh ấy không chịu nổi sự giày vò này? Anh ấy phải trả giá cho tội lỗi của mình. Chị vẫn sẽ có chồng, các con chị vẫn sẽ có cha. Nếu anh ấy thực sự lỡ sai lầm thì hãy dùng cả cuộc đời mình mà hối lỗi”.

Khi ấy chị mới ngoài ba mươi tuổi, giờ đây chị đã gần năm mươi tuổi rồi. Sau bao lần khuyên can không được, mọi người trong nhà cũng mặc kệ những lựa chọn của chị. Thời gian đi qua, thấy anh chị vẫn sống bên nhau, ai cũng nghĩ chắc sóng gió đã qua rồi. Vợ chồng sống với nhau đôi khi không hẳn vì tình yêu, mà còn vì trách nhiệm và sự ràng buộc con cái.

Bao nhiêu năm qua, dù vợ có đối xử lạnh nhạt thế nào anh ấy vẫn sống như vậy. Chị không chịu ly hôn, dần dần anh cũng không đòi ly hôn nữa. Cảm giác của anh như thế nào chị không hiểu rõ, nhưng bản thân chị thì ngày càng nhiều suy tư mệt mỏi. Họ, trong con mắt người ngoài vẫn là một gia đình. Buồn, vui, ấm, lạnh thế nào chỉ có người trong cuộc mới tỏ tường.

Vậy mà khi đã gần kề tuổi năm mươi, khi tuổi già đã mấp mé bên cuộc đời, chị lại đề nghị ly hôn. Cả thanh xuân chị cố gắng là vì cái gì, cố gắng chịu đựng là vì cái gì, để đến lúc này lại chọn cho mình một kết cục như vậy?

Dì nói với tôi: “Thật ra, sức chịu đựng của con người có hạn. Nó chắc mệt mỏi rồi. Dì chỉ đau lòng vì nó nhận ra điều này muộn quá, đã tự hoài phí cả một cuộc đời. Đáng lẽ nó nên buông sớm hơn khi biết rằng mình sẽ không bao giờ còn có thể hạnh phúc”. Tiếng thở dài thật khẽ của dì nghe dài mênh mông, nặng trĩu.

Hồi sinh viên, một thầy giáo của tôi đã từng nói về sự “Buông” bằng một câu chuyện như thế này:

“Một con rắn bò vào cửa hàng làm mộc và bò đến góc nhà. Khi bò ngang qua một cái cưa, nó vô tình bị lưỡi cưa làm bị thương. Lập tức nó quay lại và cắn cái cưa. Càng cắn nó càng bị thương ở miệng.

Con rắn nghĩ rằng cái cưa đang tấn công mình, nó quyết định quấn lấy cái cưa với ý định làm cho cái cưa ngạt thở với toàn bộ sức mạnh của mình như nó từng làm với những con mồi trước đây. Thật không may, con rắn cuối cùng bị chết bởi cái cưa vô tri vô giác”.

Đôi khi chúng ta phản ứng với nỗi đau với ý định sẽ làm tổn thương những người đã đối xử tệ với mình nhưng thực ra chúng ta đã làm tổn thương chính bản thân ta. Nuôi thù hận trong lòng và tìm cách đáp trả thì những điều đã xảy ra vẫn không thể nào đảo ngược. Cuối cùng, tổn thương càng thêm tổn thương, hận thù càng thêm thù hận. Cuối cùng, đối phương sống khổ sở, chính mình cũng không thể bình yên.

Từ bỏ không phải lúc nào cũng có nghĩa là sợ hãi, yếu đuối. Biết từ bỏ cũng chính là một sự thông minh, mạnh mẽ.

Giống như chị tôi, cả cuộc đời chị quyết không tha thứ, cả cuộc đời chấp nhận sống chung để giày vò người mình đã rất thương yêu. Cuối cùng, chị mới là người mệt mỏi và tổn thương nhiều nhất.

Nếu chị có thể tha thứ, anh chị có thể lại vui vẻ hạnh phúc. Nếu chị có thể chấp nhận ly hôn, chị đã có thể tìm cho mình một niềm hạnh phúc khác. Nhưng chị đã không lựa chọn cả hai điều ấy. Chị chọn cách làm khổ đối phương nhưng không hề biết đã lãng phí cả cuộc đời mình.

Hôn nhân, suy cho cùng cũng chỉ là một mảnh ghép trong bức tranh cuộc đời rộng lớn. Nếu mảnh ghép này không phù hợp, ta có thể tìm một mảnh ghép khác để thay thế. Cảm xúc bản thân của mỗi người cũng bị chi phối bởi nhiều người khác. Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là lúc cần thiết phải biết làm chủ cảm xúc của chính mình. Đày đọa cuộc đời mình chỉ vì sai lầm của người khác, có đáng không?

Lê Giang

Nguồn tin: dantri.com.vn


Hôn nhân  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...