07/01/2021 15:25  
Samsung cam kết đưa 5G vào tất cả phân khúc từ cao cấp đến phổ thông nhằm thúc đẩy phổ cập mạng hiện đại nhất đông đảo người dùng, theo ông Nguyễn Minh Quân đại diện Samsung Vina.
Mới nhất Cũ nhất
  • 15h14

    Giám đốc chiến lược Samsung cho biết mỗi người luôn có mong muốn cải tiến những công nghệ mới. Để đáp ứng, Samsung cũng đã bắt tay nghiên cứu về siêu tần số. Trong 10 năm trở lại đây, Samsung đã có những thành tựu về lĩnh vực này. Trong năm 2019, Samsung lần đầu tiên giới thiệu thiết bị di động 5G đầu tiên trên thế giới. Năm 2020, xuất xưởng 6,7 triệu sản phẩm 5G.

    Tại Việt Nam, từ tháng 12/2020, Samsung ra mắt dòng sản phẩm máy tính bảng trải nghiệm 5G. Trong năm 2021, Samsung dự kiến tung ra sản phẩm 5G thuộc phân khúc cao cấp. Tiếp đó, Samsung cũng sẽ giới thiệu những sản phẩm trung cấp có thể trải nghiệm 5G cho người dùng.

  • 15h10

    Samsung đón đầu xu thế 5G

    Tiếp nối phiên chiều, ông Nguyễn Minh Quân - Giám đốc chiến lược sản phẩm, ngành hàng thiết bị di động của Công ty Điện tử Samsung Vina dẫn số liệu đến 2025, 5G sẽ chiếm khoảng 25% thị phần toàn cầu. Trên thế giới, 42% người dùng trải nghiệm 5G nói công nghệ mới thực sự ảnh hưởng lớn đến đời sống. Tuy nhiên vẫn còn nhiều người hoài nghi về bảo mật của nền tảng kết nối mới. Để triển khai 5G phổ biến, cần trải qua ba giai đoạn: giới thiệu tại các thị trường, triển khai kỹ thuật và cuối cùng là chính sách phổ cập. Qua ba giai đoạn, người dùng có thể trải nghiệm 5G trên tất cả thiết bị, trong một hệ sinh thái sản phẩm dịch vụ công nghệ trên nền tảng kết nối mới.

    Trên hành trình đó, Samsung với tư cách tập đoàn dẫn đầu thế giới về công nghệ, bên cạnh sở hữu những công nghệ chipset 5G, thiết bị mạng, hệ sinh thái... tập đoàn còn sở hữu công nghệ về camera 8K, chipset hỗ trợ thiết bị tuy nhỏ gọn nhưng công suất ngang tầm máy tính. Hãng cam kết cung cấp thiết bị thuộc phân khúc giá đa dạng để mang 5G đến với đông đảo người dùng. Tập đoàn cũng hợp tác đối tác lớn như Google, Netflix, Microsoft, Spotify... để mang đến trải nghiệm công việc, giải trí tối đa.

  • 15h05

    Bộ Thông tin và Truyền thông cần đẩy mạnh tham gia các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn của thế giới về 5G, theo ông Ngô Vũ Đức. Việt Nam có thể sản xuất thiết bị 5G tuy nhiên không sở hữu bất kỳ bằng sáng chế nào. Bằng sáng chế phải xuất phát từ khoa học cơ bản, chế tạo hàn lâm và sản xuất thử nghiệm. Việt Nam không thể bỏ qua những pha cơ bản để có thể làm chủ công nghệ thực thụ trong triển khai 5G.

    "Đây chính là cơ hội của Việt Nam. Không bao giờ là muộn để Việt Nam tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này", ông Ngô Vũ Đức nói.

    Đại diện MobiFone khẳng định doanh nghiệp sẽ nỗ lực khơi nguồn doanh thu đồng hành cùng đối tác. Doanh nghiệp có những công cụ đo đạc chất lượng dịch vụ, khả năng phòng chống gian lận hiệu quả. Doanh nghiệp cũng có khả năng đồng bộ hóa dữ liệu. Hiện tiêu chuẩn áp dụng đã rất tốt nhưng còn một khoảng cách với thực tế thị trường. Với những mô hình kinh doanh hiện tại, với những dịch vụ truyền thống, nhà mạng sẽ đưa dịch vụ đến thẳng thuê bao. Tuy nhiên với những mô hình, lĩnh vực mới, MobiFone cũng sẽ linh hoạt thiết lập hợp tác sao cho phù hợp nhu cầu các bên và diễn biến thị trường.

    "5G với chúng tôi là nền tảng cho vận hành số", đại diện MobiFone khẳng định.

  • 14h57

    Với góc độ của một nhà mạng, ông Ngô Vũ Đức cho rằng 5G có nhiều hứa hẹn, song nó vẫn còn nhiều vấn đề để trao đổi. Theo đó, nếu có nhiều dung lượng lớn về mặt dung truyền, nếu số lượng dữ liệu sử dụng của người dùng Việt Nam tiệm cận với thế giới, thì với dung lượng hiện tại có đủ cho các doanh nghiệp viễn thông hay không. Đồng thời, các chuẩn đổi mới sáng tạo hiện tại có đủ chuẩn để các doanh nghiệp sử dụng 5G như một nền tảng chung cho xã hội hay không.

    Với các dịch vụ từ nền tảng số đưa ra, ai sẽ là người định nghĩa, cơ quan Nhà nước có đứng ra hay không, liệu doanh nghiệp có tự phấn đấu trở thành doanh nghiệp số, cung cấp dịch vụ số, có sở hữu toàn bộ nền tảng số đó hay sẽ chia sẻ để phát triển... là những vấn đề ông Ngô Vũ Đức đặt ra. Ông Đức cũng đặt ra vấn đề các nhà cung cấp rất thích các giải pháp của CHính phủ, thành phố thông minh, song nhà mạng có đáp ứng được hay không, làm thế nào để tích hợp nền tảng kinh tế vào 5G...

    table widget
  • 14h50

    5G sẽ thay đổi cuộc sống như thế nào 

    Với chủ đề "Nền tảng kết nối mới sẽ thay đổi cuộc sống", ông Ngô Vũ Đức - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển MobiFone trình bày bài thuyết trình thứ hai trong phiên chiều Diễn đàn Công nghệ VnExpress, Tech Awards 2020. Là một nhà mạng viễn thông, MobiFone hướng tới trở thành một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số để phù hợp với kỷ nguyên số đang diễn ra hiện nay. Ông Ngô Vũ Đức cho rằng, những nền tảng kết nối mới sẽ chuyển đổi toàn diện cuộc sống của tất cả chúng ta.

    Giai đoạn 2021-2025, theo một khảo sát của Gartner, 5G sẽ là xu hướng chủ đạo, khơi thông tất cả công nghệ đi cùng, ví dụ, dữ liệu lớn, IoT, AI, điện toán đám mây, lượng tử... Là một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ số, các xu hướng công nghệ, kinh doanh tạo ra những thay đổi đáng kể trên toàn cầu. Do đó doanh nghiệp và cả Nhà nước cần quan tâm mô hình phát triển bền vững, thay đổi mô hình kinh doanh từ mô hình tập trung, cần hướng tới mô hình phân tán. Trong mô hình này, dữ liệu là tài sản, là "vàng" trong kỷ nguyên số, đòi hỏi doanh nghiệp phải trân trọng và bảo vệ.

    Trong thế giới dữ liệu là trung tâm, vô tuyến mở ra thời kỳ có thể trao đổi dữ liệu mọi lúc mọi nơi với tốc độ cao. Dịch vụ 5G chia thành ba phần, trong đó có những dịch vụ nghiễm nhiên thừa hưởng từ 3G, 4G là nền tảng chia sẻ tài nguyên dữ liệu. Đại diện MobiFone cho rằng chưa bao giờ có một công nghệ giàu triển vọng như vậy trước đây. 5G một khi trưởng thành có thể hỗ trợ rất nhiều lĩnh vực kể cả khu vực công lẫn tư nhân chuyển đổi số mạnh mẽ, từ quản lý công, đến nông nghiệp, công nghiệp, giáo dục, y tế...

    Những công nghệ mà chúng ta tưởng như chỉ xuất hiện trong phim khoa học viễn tưởng có thể được xuất hiện trong thế giới thực nhanh hơn, nhờ công nghệ 5G. Chẳng hạn kết nối 3D từ xa hay đo đạc, chẩn đoán về sức khỏe từ xa... Tất cả những chủ đề mà khoa học đặt ra rất lâu rồi sẽ có thể được hiện thực hóa bằng 5G.

  • 14h47

    Kết luận phần trình bày, ông Lương Phạm Nam Hoàng cho rằng các đơn vị quản lý, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh chuyển đổi số để tăng hiệu quả hiệu lực của Nhà nước, theo sát doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

    Đối với các doanh nghiệp, ông Hoàng cho rằng doanh nghiệp nên tìm cách ứng dụng để tăng hiệu quả sản xuất thì mới đáp ứng được sự dịch chuyển sản xuất từ quốc tế vào Việt Nam. Các doanh nghiệp viễn thông cần chú trọng vào hạ tầng, đầu tư để tạo cơ sở, kết nối với các đơn vị cung cấp giải pháp, đưa ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực thành phố thông minh, giao thông thông minh...

  • 14h45

    Với triển khai VoLTE, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để tăng cường triển khai hạ tầng, công nghệ, thiết bị 5G ra thị trường, từ đó có điều chỉnh kế hoạch triển khai phù hợp định hướng của Nhà nước và nhu cầu của người dân.

    Một trong những khó khăn lớn nhất khi triển khai 5G là mật độ hạ tầng dày đặc. Đầu tiên là phát triển trạm, Cục Viễn thông đã xử lý giải quyết tháo gỡ khó khăn cho lắp đặt tài sản công. Cùng với các Sở ban ngành, cơ quan tham mưu của tỉnh để phối hợp đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông triển khai mạng lưới.

    kết lại, ông Lương Phạm Nam Hoàng khẳng định Việt Nam đã chủ động phát triển cùng thế giới, bên cạnh đó còn nhiều băn khoăn về mức đầu tư và hiệu quả của 5G. Quan điểm của Bộ Thông tin và Truyền thông là triển khai theo pha, không làm ồ ạt, không lãng phí nguồn lực, nhưng cũng không làm quá chậm. Cần đi đúng nhịp để đảm bảo đón được cơ hội mà công nghệ mang lại với chi phí hợp lý, với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. Muốn thế, một trong những việc cần làm là làm chủ công nghệ sản xuất thiết bị. Sản xuất được thì mới có chi phí rẻ được chứ không thể tiếp tục mua linh kiện thiết bị nước ngoài.

    Qua đợt thử nghiệm thương mại vừa rồi, khi có sự đồng hành của doanh nghiệp, đâu đó từ động lực từ chính sách, bản thân doanh nghiệp cũng đã nhận thấy lợi ích khi triển khai 5G. Ban đầu doanh nghiệp còn e ngại và cho rằng 5G là cao siêu, to tát, khó khăn, nhưng nay chính các đơn vị doanh nghiệp viễn thông khi triển khai đã thấy rằng mình có thể triển khai được.

    table widget
  • 14h35

    Về thử nghiệm thương mại, ông Lương Phạm Nam Hoàng cho biết Nhà nước đã ban hành quyết định về chuyển đổi số quốc gia, trong đó 5G là một trong các tiêu chí được định lượng.

    Đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng ban hành chính sách quản lý đối với tài nguyên, thiết bị, hạ tầng và an toàn an ninh mạng để các nhà mạng có đầy đủ pháp lý, tài nguyên trong triển khai 5G. Cụ thể, Bộ xây dựng quy hoạch phát triển viễn thông giai đoạn 2021-2025; quy hoạch các băng tần dùng cho 5G; xây dựng nghị định đấu giá chuyển nhượng quyền sử dụng tần số vô tuyến điện; chỉ đạo đảm bảo an toàn an ninh thông tin mạng 5G; cấp phép thử nghiệm kỹ thuật, thử nghiệm thương mại 5G; chỉ đạo cho các doanh nghiệp nghiên cứu sản xuất...

    Trong đó, Cục Viễn thông là đơn vị trực tiếp triển khai các chính sách mà Bộ ban hành. Cụ thể, Cục nghiên cứu, đề xuất hướng xử lý đối với việc dừng các công nghệ lạc hậu; chỉ đạo phối hợp cùng doanh nghiệp sản xuất thiết bị và nhà mạng đối với chương trình phổ cập smartphone... Chương trình đã thúc đẩy sản xuất smartphone giá rẻ 500.000-600.000 đồng một máy. Bộ cũng ban hành các tiêu chuẩn sản xuất, lưu thông ở Việt Nam phải hỗ trợ các công nghệ mới 4G, 5G.

    Với các chương trình nay, kết quả tương đối khả quan. Theo ông Nam Hoàng, hiện Việt Nam có 88 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ lệ thuê bao băng rộng di động trên 100 dân đạt 72,24% tăng 17,96% so với cùng kỳ năm 2019. Số lượng thuê bao sử dụng thiết bị hỗ trợ 4G tăng lên mức hơn 83 triệu. Chỉ còn hơn 10 triệu thuê bao sử dụng thiết bị 2G only, Cục Viễn thông đang xây dựng chính sách hỗ trợ chuyển đối hướng đến nhóm đối tượng này.

  • 14h32

    Còn tại Việt Nam, Chính phủ đã cấp phép thử nghiệm 3G từ tháng 1/2019 và thử nghiệm thương mại từ tháng 10/2020, để lại kết quả ấn tượng cho thấy thử nghiệm kỹ thuật đã cho hiệu quả sát thực tế. Chúng ta cũng có cơ hội để đánh giá mức độ phù hợp của hạ tầng, công nghệ, thiết bị... Mới đây nhất trong quý IV vừa qua, Chính phủ đã cấp phép cho Viettel, MobiFone thử nghiệm tại một số tỉnh thành để cung cấp dịch vụ 5G đến người dân.

  • 14h28

    Ông Lương Phạm Nam Hoàng đưa ra một số dự báo, đến 2026 dự kiến có 3,5 tỷ thuê bao di động 5G trong tổng số 9 tỷ thuê bao. So sánh với 4G, tính từ thời điểm bắt đầu triển khai, tốc độ tăng trưởng thuê bao của 5G nhanh hơn nhiều. Mức độ tiêu dùng về dữ liệu tại thị trường Việt Nam vẫn ở mức thấp, ở mức 7,6GB trong khi toàn cầu là 9,4GB. Đến 2026, mức tiêu thụ trung bình của khu vực Đông Nam Á tiệm cận thế giới.

    Tính đến tháng 12/2020, 140 nhà mạng đã triển khai 5G trên cả nước, 412 nhà mạng đầu tư phát triển 5G dưới các hình thức như thử nghiệm, nghiên cứu... trong phạm vi giới hạn. Hiện 61 nhà mạng đầu tư mạng 5G cấu trúc SA tại các pha khác nhau: đánh giá, thử nghiệm kỹ thuật hoặc thương mại...

    Đầu tư cho 5G tăng gấp đôi năm 2019 và chiếm 21,3% tổng đầu tư cho mạng vô tuyến, đến 2022 đầu tư cho 5G sẽ vượt mức cho LTE-A. Đến 2023, khoảng 15% nhà mạng trên toàn cầu khai thác mạng 5G SA và không phụ thuộc vào 4G. Đầu tư cho 2G, 3G giảm mạnh, cho 2G giảm nhiều hơn, phù hợp xu thế dừng công nghệ cũ do tiêu tốn năng lượng, sử dụng tần số không phù hợp.

    table widget

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Công nghệ   Tập đoàn   Việt Nam   an ninh mạng   chiến lược   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   quy hoạch   sáng tạo   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...