14/12/2020 8:45  

Điều ngạc nhiên là tỉ lệ vỡ nợ tăng mạnh trên khắp thế giới, nhưng tỉ lệ này ở các công ty Mỹ và châu Âu lại gấp nhiều lần Trung Quốc. Số vụ vỡ nợ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2021.

Mỹ chiếm 64% số vụ vỡ nợ trên thế giới

Hãng S&P khảo sát đối với các công ty đã được xếp hạng tín dụng. Theo đó, có 143 công ty vỡ nợ ở Mỹ trong năm 2020, tăng 80% so với năm trước. Trong khi con số này ở châu Âu là 42, tăng 2,8 lần. Trong khi đó, con số vỡ nợ ở các thị trường mới nổi bao gồm luôn Trung Quốc là 28, tăng 30%. Trong khi tổng số công ty vỡ nợ trên toàn cầu thấp hơn mức độ của năm 2009, lần đầu tiên tỷ lệ vỡ nợ đã vượt quá 5%  kể từ năm 2010 – một năm sau khi khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Số vụ vỡ nợ tập trung ở bốn ngành chính chiếm tới 60%, bao gồm năng lượng, hàng tiêu dùng, giải trí và bán lẻ. Các nhà phân tích tin rằng ngay cả đại dịch chấm dứt, mức độ hồi phục về lợi nhuận ở các ngành này thật sự thấp.
Robert Sharps, chuyên viên đầu tư chính của hãng đầu tư T. Rowe Price, chỉ ra rằng: “Quá trình số hóa ở một số ngành công nghiệp gia tăng mạnh trong mùa dịch. Chỉ có các công ty cung cấp hạ tầng cho nền kinh tế trực tuyến đạt được mức tăng trưởng do nhu cầu bùng nổ”.

Một trong những lý do chính yếu là khối nợ của doanh nghiệp tăng như hỏa tiễn. Dữ liệu của QUICK-Factset bao gồm 34.000 công ty niêm yết trên toàn thế giới, trừ lĩnh vực ngân hàng, cho thấy: Trong năm tài khóa 2020, tỉ lệ các công ty đã trả tiền lãi nhiều hơn so với lợi nhuận trước thuế và lãi suất (EBIT) trong ba năm liên tiếp là 26,5%. Đây là mức cao kỷ lục so với thập niên trước khi tỉ lệ các công ty “nợ như chúa chổm” chỉ khoảng 20%.

Tại Mỹ, tỉ lệ này tăng 0,2 điểm phần trăm từ cuối năm tài khóa 2019 lên 34,5%, tức tăng 12 điểm phần trăm so với thập niên trước. Tại Trung Quốc, tỉ lệ này tăng vọt lên 11%, tăng 0,5 điểm phần trăm so với cuối năm tài khóa 2019. Con số ở Nhật Bản thấp hơn mức Trung Quốc và Mỹ, nhưng cũng vượt quá 4% lần đầu tiên trong 9 năm qua.

Mặc dù lãi suất thấp đến mức kỷ lục trong lịch sử, sự tăng vọt này là hệ quả của tình trạng gia tăng số công ty có khối nợ lớn ở Mỹ và châu Âu trong các năm qua. Nếu thị trường trái phiếu lo ngại trước sức khỏe các công ty này và lợi suất gia tăng, số vụ phá sản sẽ gia tăng.

Sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ đã giảm còn 1,6 điểm phần trăm, tương đương như mức trước khi dịch bùng phát. Và khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2020 đã tăng kỷ lục. Các chính sách tài khóa và các gói cứu trợ kinh tế của các nước thực hiện từ tháng 3 vừa rồi đã giúp lãi suất ổn định ở mức thấp. Trong khi đó, số lớn công ty lại lâm tình trạng vỡ nợ.

Mọi ánh mắt lo âu đổ dồn về Trung Quốc

Từ tháng 11 rồi, tổng giá trị số trái phiếu bị dời ngày mở bán hoặc hủy bỏ đã vượt 200 tỉ nhân dân tệ, khoảng trên 30,5 tỉ đô la.  Công ty Shanxi International Energy – một hãng quốc doanh của Trung Quốc – đã lên kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 3,5 tỉ tệ, nhưng các nhà đầu tư chỉ đăng ký mua 500 triệu tệ.

Các cây đại thụ của ngành tài chính và công nghệ cũng phải hủy các kế hoạch gọi vốn khẩn cấp. Ping An International Financial Leasing đã hủy kế hoạch phát hành đợt trái phiếu có thời hạn chỉ 240 ngày trị giá 2,6 tỉ nhân dân tệ vào cuối tháng 11. 

Hãng con của tập đoàn tài chính, đầu tư và ngân hàng Ping An - đứng thứ 7 trong danh sách Forbes Global 2000 – viện dẫn lý do “biến động tương đối lớn trên thị trường gần đây”. Trong khi đó, hãng công nghệ TCL Technology Group đã hủy kế hoạch gọi vốn 1 tỉ nhân dân tệ với trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lý do tương tự.

Shaun Roache, nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương của S&P Global Ratings, đã chỉ ra các lý do thắt chặt quản lý thị trường tài chính của chính phủ Trung Quốc. “Sự siết chặt quản lý này đã kích hoạt tâm lý bất an cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chính sách này thật sự hiệu quả, cần thiết đối với nền kinh tế trong dài hạn nhưng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm nay và năm tới”, nhà phân tích nói.

Trong khi đó, nhà phân tích Chang Li của hãng S&P Global Ratings, dự báo rằng: “Số vụ vỡ nợ sẽ càng tăng khi chính phủ Trung Quốc lại chuyển sang chú ý đến mảng doanh nghiệp nhà nước một khi tình trạng tồi tệ nhất của đại dịch đã qua”.

Chang nói vụ vỡ nợ ngày 10-11 của tập đoàn Yongcheng là bước ngoặc với thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Trung Quốc: chính sách của chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước mang nợ xấu đã đảo ngược.

Thật ra, chính phủ Trung Quốc đã can thiệp khi bơm 800 tỉ nhân dân tệ bằng các công cụ cho vay trung hạn hồi giữa tháng 11 vừa rồi. “Nhưng cần nhiều hành động hơn nữa để ngăn chặn làn sóng vỡ nợ lan rộng ra toàn hệ thống tài chính, làm tổn thương nền kinh tế. Nguy cơ cần phải được khoanh vùng và ngăn chặn, và chính phủ cần có vai trò chính yếu trong việc bảo đảm cho các ngân hàng và doanh nghiệp tiếp cận nguồn thanh khoản cần thiết”, Michelle Lam, nhà kinh tế chính của Societe Generale có trụ sở ở Hồng Kông, nhận định với Nikkei Asia.

Cho dù ngân hàng trung ương đã bơm tiền giải cứu, tình trạng các doanh nghiệp quốc doanh vỡ nợ vẫn là nỗi lo ngại và sợ sệt của nhà đầu tư bởi họ đang bán hết trái phiếu chính phủ để có tiền mặt. “Vấn đề chính hiện tại đối với chính phủ trung ương là sự suy giảm tín dụng của các cấp chính quyền địa phương.

Đây là nguy cơ tài chính hoàn toàn mới và thị trường đang tính toán giá trị của khối nợ này. Vỡ nợ dây chuyền sẽ tiếp tục. Niềm tin vào các doanh nghiệp nhà nước cùng chính quyền địa phương đang bị đánh dấu hỏi”, Logan Wright, giám đốc nghiên cứu thị trường Trung Quốc của hãng Rhodium Group, nhận định.

Phá sản tăng nhẹ trong năm 2021

Hãng đánh giá tín dụng Fitch ước tính khoảng 21 tỉ đô la nợ nước ngoài do chính quyền địa phương phát hành sẽ đến hạn vào năm 2021, cao gấp đôi năm nay. Trong khi đó, trái phiếu đáo hạn trong nước của các doanh nghiệp quốc doanh giảm nhẹ xuống 677 tỉ nhân dân tệ, tức 103,54 tỉ đô la trong năm tới. Fitch dự báo số lượng doanh nghiệp quốc doanh Trung Quốc vỡ nợ sẽ tăng nhẹ vào năm 2021. Trong khi đó, nhu cầu đầu tư vào những doanh nghiệp này cũng sụt giảm.

"Chúng ta cần đặt những vụ vỡ nợ này vào bối cảnh Bắc Kinh đang siết chặt kỷ luật thị trường vốn. Họ sẵn sàng loại bỏ các doanh nghiệp cần tái cấu trúc và cảnh báo giới đầu tư", Jonathan Liang, nhà phân tích chiến lược Jonathan Liang thuộc hãng Alliance Bernstein nhận định.

Tình trạng này sẽ không gây tác động tức thì đến thị trường tài chính trị giá 50.000 tỉ đô la của Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách Bắc Kinh có thể thực hiện mục tiêu tạo dựng một nền kinh tế vững mạnh hơn mà không tạo tác động lan tỏa quá lớn.

"Bắc Kinh đang quyết tâm xóa bỏ mối hoài nghi về sự đảm bảo của nhà nước với những khoản nợ của doanh nghiệp quốc doanh. Khó khăn tài chính của Tsinghua Unigroup là minh chứng điển hình", Trưởng bộ phận Chiến lược Ngoại hối châu Á của Royal Bank of Canada nhận xét.

Đối với Mỹ và châu Âu, hãng S&P Global Ratings nhận định: “Nếu một quốc gia tiếp tục hỗ trợ quá mức cần thiết các doanh nghiệp nợ đầy mình, các con nợ này sẽ trở thành gánh nặng cho nền kinh tế quốc gia. Tỉ lệ tăng trưởng đối với chi phí tài sản cố định, số nhân viên và lợi nhuận của các công ty có khối nợ lớn trong 5 năm qua chỉ bằng một nửa so với các công ty có ít nợ hơn”.

Cả Mỹ và châu Âu vừa tung các gói kích thích kinh tế mới trong mùa đông khi dịch bùng phát. Nhưng S&P Global Ratings nói rằng: “Hỗ trợ tài chính đối với các công ty được áp dụng từ hồi dịch bùng phát đang được các nước và ngân hàng trung ương thu nhỏ dần. Sự tập trung vào nửa năm cuối 2021 có thể khiến các nước dần dần mở lại các hỗ trợ tài khóa đặc biệt. Chính phủ và ngân hàng trung ương cần tránh cản trở các hoạt động kinh doanh trong khi khuyến khuyến tái cấu trúc nền kinh tế và các ngành công nghiệp”.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Nhật Bản   Technology   Trung Quốc   chiến lược   doanh nghiệp   khủng hoảng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...