08/12/2020 0:25  
Một tháng trước, tình hình Covid-19 ở hai bờ Đại Tây Dương đều ảm đạm, nhưng châu Âu dần trở nên khác biệt với Mỹ nhờ chống dịch nghiêm ngặt.

Khi các số liệu Covid-19 tăng vọt tại cả Mỹ và châu Âu hồi mùa thu, tỷ lệ ca nhiễm và tử vong ở nhiều nơi thuộc châu Âu thậm chí cao hơn so với phần lớn khu vực tại Mỹ. Những chính trị gia hàng đầu tại các nước đưa ra cảnh báo tương tự nhau, rằng nếu người dân muốn tận hưởng kỳ nghỉ mùa đông, trước hết họ phải hạn chế di chuyển và chấp nhận loạt biện pháp phòng dịch mới.

Bước sang tuần thứ hai của tháng 12, châu Âu dường như đang dần kìm hãm được đà lây lan của virus. Số ca nhiễm mới trung bình 7 ngày có chiều hướng giảm sau khi các quốc gia áp lệnh phong tỏa, hoặc những quy định giãn cách xã hội bắt buộc khác, bao gồm đóng cửa quán bar và nhà hàng.

Tại Pháp, sau khi chính quyền ban lệnh phong tỏa nghiêm ngặt và đóng cửa những doanh nghiệp không thiết yếu, số ca nhiễm nCoV mới hàng ngày đã giảm từ khoảng 50.000 xuống 10.000.

Một tháng trước, Bỉ ghi nhận tỷ lệ nhiễm nCoV tồi tệ nhất châu Âu, đến mức giới chuyên gia cảnh báo nguy cơ hệ thống y tế quốc gia sụp đổ. Nhưng nước này giờ đây báo cáo tỷ lệ nhiễm thấp thứ 5 châu Âu, đồng thời có kế hoạch bắt đầu phân phối vaccine Covid-19 vào tuần đầu tiên của tháng 1.

Hôm 4/12, chính phủ Italy tuyên bố nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch tại nhiều khu vực trên cả nước, do tỷ lệ nhiễm nCoV đã giảm tuần thứ hai liên tiếp. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết điều này chứng minh những biện pháp phòng dịch đã phát huy hiệu quả, đồng thời cảnh báo tình hình "vẫn vô cùng khó khăn".

Trong khi đó, diễn biến Covid-19 tại Mỹ được cho là vô cùng khác biệt. Số ca nhiễm mới hàng ngày đã tăng đột biến từ mức 100.000 lên khoảng 200.000 trong tháng qua. Tính đến cuối tuần trước, số trường hợp tử vong hàng ngày vì Covid-19 ở mức gần bằng số người chết trong vụ khủng bố ngày 11/9/2001. Dù Mỹ chỉ chiếm khoảng 4% dân số thế giới, gần 20% tổng số ca tử vong vì Covid-19 toàn cầu ở nước này. Theo dự báo, tính đến tháng 4 năm sau, Mỹ sẽ ghi nhận khoảng 539.000 người chết vì nCoV.

Hôm 6/12, California áp lệnh yêu cầu người dân ở nhà, trong bối cảnh công suất bệnh viện tại khu vực phía nam của bang đông dân nhất cả nước giảm xuống mức thấp nghiêm trọng. Chỉ trong ngày 5/12, California ghi nhận hơn 25.000 ca nhiễm nCoV mới, mức cao kỷ lục trong vòng 24 giờ.

Giới chuyên gia nhận định làn sóng Covid-19 đang càn quét khắp Mỹ dường như còn lâu mới chấm dứt. Đối với nhiều người dân nước này, cảm giác lo ngại ngày càng lớn hơn trong lúc chờ đợi vaccine. "Như thế nào mới được coi là khẩn cấp? Cảm giác như tôi đang ở trên tàu Titanic và tất cả đang chìm dần", Bruce MacGillis, cư dân tại một viện dưỡng lão chịu ảnh hưởng của đại dịch ở Ohio, cho hay.

Một số chuyên gia lo ngại viễn cảnh tồi tệ nhất vẫn chưa xảy ra, khi tình hình Covid-19 tại Mỹ có nguy cơ tiếp tục bị đẩy lên mức nguy hiểm hơn vào hai tuần tới, bởi hàng triệu người đã di chuyển và tụ tập đông người, phớt lờ hướng dẫn y tế trong dịp lễ Tạ ơn.

"Các con số đang ở mức đáng báo động, rồi bạn nhận ra nó có khả năng gia tăng hơn nữa sau kỳ nghỉ lễ Tạ ơn 2-3 tuần", cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci, giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ (NIAID), phát biểu trên kênh NBC hôm 4/12.

"Điều khiến tôi lo ngại là Giáng sinh diễn ra ngay sau kỳ nghỉ này, thời điểm mà mọi người bắt đầu di chuyển, mua sắm và tụ tập. Đó là lý do chúng tôi khẩn cầu công chúng đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ở mức tốt nhất có thể, tránh những đám đông. Hãy luôn đeo khẩu trang khi ở trong nhà", tiến sĩ Fauci cho biết.

Nhóm chuyên trách Covid-19 của Nhà Trắng hôm 6/12 cũng gửi cảnh báo tới thống đốc các bang, rằng "mối đe dọa từ Covid-19 đối với tất cả người dân Mỹ hiện ở mức cao kỷ lục", trong bối cảnh các số liệu đang vô cùng cao và năng lực của hệ thống bệnh viện bị hạn chế.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump, người vẫn không ngừng nỗ lực đảo ngược kết quả cuộc bầu cử mà ông đã thua, hầu như không đề cập gì đến các cảnh báo trên. Trong khi đó, những lời khẩn nài của Fauci phần lớn không được tiếp thu, thậm chí bị phe cánh hữu, bao gồm một số nghị sĩ Cộng hòa, mỉa mai suốt nhiều tháng. Đây bị coi là hành động mang tính đảng phái khi đất nước đang chia rẽ sâu sắc.

Mức độ nguy hiểm của Covid-19 được thể hiện qua việc nó khiến châu Âu cũng phải lao đao, ngay cả khi khu vực này có sự đồng thuận về chính trị lớn hơn. Sau khi được ca ngợi là quốc gia chống dịch thành công, Đức giờ đây ghi nhận tỷ lệ nhiễm trên đầu người cao hàng đầu trong những nước lớn nhất châu Âu.

Trong khi các nước láng giềng áp dụng những biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt hơn nhằm đối phó làn sóng Covid-19 thứ hai, Đức tỏ ra khá "nhẹ tay", bởi các tiệm làm tóc và nhiều loại hình kinh doanh khác vẫn được hoạt động. Thêm vào đó, thể chế liên bang đồng nghĩa với việc khó có thể thực hiện các biện pháp hạn chế một cách đồng nhất.

"Hiện nay, chúng tôi không thể hạ thấp các con số. Tình hình vẫn vô cùng căng thẳng", Lothar Wieler, chủ tịch Viện Robert Koch, cơ quan phụ trách kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Đức, cho biết hồi tuần trước.

Điều này còn phản ánh sự mệt mỏi lan rộng vì những biện pháp chống dịch. Các con số tăng vọt trong mùa thu được cho là hậu quả của một mùa hè lỏng lẻo, khi hoạt động du lịch được nối lại trên phần lớn châu Âu, cũng như sự thiếu kiên quyết của chính quyền trong việc tái áp đặt những yêu cầu bị người dân phản đối.

"Các chính phủ chắc chắn ngần ngại, bởi chúng ta đều biết những lệnh hạn chế sẽ ảnh hưởng đến kinh tế và xã hội. Tình hình đại dịch hiện nay khiến chúng ta buộc phải quay về những biện pháp đó, dù thế nào đi nữa. Nhưng cái giá phải trả đã quá đắt", Bruno Ciancio, người đứng đầu bộ phận giám sát dịch bệnh tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, cho biết.

Ánh Ngọc (Theo Washington Post)

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Donald Trump   Nhà Trắng   Trump   Tổng thống   chuyên gia   căng thẳng   doanh nghiệp   du lịch   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...