14/01/2021 6:15  
Bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19, lợi nhuận của nhiều ngân hàng (NH) tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong năm 2020. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm 2021 của các NH được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức hơn, ít nhất là có sự phân hóa đáng kể.

Áp lực lãi suất và nợ xấu

Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2021 vừa diễn ra, một trong những nhiệm vụ mà tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đặt ra với ngành NH, bao gồm các tổ chức tín dụng trong năm 2021 là phải xây dựng kế hoạch kinh doanh theo hướng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục siết chặt chi phí để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhất là đối với khoản vay cũ, khoản vay trung dài hạn.

Đây là một trong những thách thức quan trọng tác động đến lợi nhuận trong năm 2021 của các NH, khi định hướng tiếp tục giảm lãi suất cho vay sẽ càng thu hẹp biên lợi nhuận, nhất là khi lãi suất tiền gửi có thể đứng trước áp lực tăng trở lại trong thời gian tới, trước nỗi lo ngại lạm phát và thanh khoản hệ thống sẽ không còn dồi dào như năm 2020, khi NHNN khó có thể tiếp tục mua ròng ngoại tệ để bơm tiền đồng sau những cáo buộc thao túng tiền tệ mới đây từ phía Mỹ. 

Quy định về tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn sau khi được gia hạn một năm, thì từ tháng 10/2021 tới sẽ bắt đầu lộ trình giảm dần như kế hoạch trước đây. Điều này cũng sẽ buộc các NH phải tăng cường huy động nguồn vốn trung dài hạn với lãi suất cao hơn, từ đó làm tăng chi phí vốn đầu vào.

Nhưng nỗi lo lớn nhất là rủi ro nợ xấu có thể tăng mạnh trong năm 2021 khi Thông tư 01/2020/TT-NHNN sắp hết hiệu lực có thể làm gia tăng nợ xấu và trích lập dự phòng của các NH. Dù một số ý kiến gần đây cho rằng việc kiểm soát tốt dịch bệnh thời gian qua đã giúp nhiều khách hàng bắt đầu hồi phục sản xuất, kinh doanh, do đó tỷ lệ dư nợ tái cơ cấu chuyển thành nợ xấu sẽ ở mức thấp, nhưng với tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp trở lại khi xuất hiện chủng virus Corona biến thể, một số quốc gia phải tái giãn cách xã hội trở lại, nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng lại đứng trước những thách thức mới.

Đáng lưu ý là áp lực nợ xấu và lợi nhuận của các NH có thể phân hóa mạnh. Thực tế hầu hết NH đều có nợ xấu và chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh trong năm 2020, tuy nhiên trong khi một số NH đẩy mạnh trích lập để duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu >100%, chuẩn bị bộ đệm dự phòng vững chãi, thì cũng không ít NH khá dè dặt trong việc nâng cao trích lập do dư địa lợi nhuận không lớn. Theo đó, những NH này sẽ phải chịu áp lực trích lập đáng kể trong năm 2021 và do đó lợi nhuận sẽ bị ảnh hưởng mạnh. Ngược lại, những NH có lợi nhuận cao có thể tận dụng cơ hội để tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng.

Vì vậy, dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ diễn biến thuận lợi hơn trong năm 2021, cùng với việc các NH cởi mở hơn trong việc cho vay khi nền kinh tế được cải thiện giúp giảm thiểu rủi ro nợ xấu, nhưng trước khả năng biên độ lãi suất bị co lại và trích lập dự phòng lớn hơn cũng sẽ xóa nhòa tác động tích cực trên.

Thu nhập ngoài lãi và sức ép chi phí

Bên cạnh đó, nguồn thu nhập ngoài lãi của các NH cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức. 

Thứ nhất, nguồn thu nhập từ phí dịch vụ sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng khi mới đây NHNN đã ban hành thông tư hướng dẫn việc tiếp tục giảm 50% mức phí giao dịch thanh toán qua hệ thống thanh toán điện tử liên NH, áp dụng từ ngày 1/1 đến hết ngày 30/6/2021 để hỗ trợ nền kinh tế chống chọi với dịch bệnh. Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng , chi nhánh NH nước ngoài tiếp tục áp dụng chính sách giảm phí dịch vụ chuyển tiền, với mức giảm lớn hơn mức giảm phí của NHNN đã thực hiện.

Dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ diễn biến thuận lợi hơn trong năm 2021 nhờ cầu tín dụng phục hồi sau đại dịch, cùng với việc các NH cũng cởi mở hơn trong việc cho vay khi nền kinh tế được cải thiện giúp giảm thiểu rủi ro nợ xấu, nhưng trước khả năng biên độ lãi suất bị co lại và trích lập dự phòng lớn hơn cũng sẽ xóa nhòa tác động tích cực trên.

Thực tế trong thời gian qua, trước áp lực cạnh tranh quyết liệt với các công ty công nghệ tài chính, ví điện tử, nhiều NH đã phải giảm mạnh các loại phí chuyển tiền, quản lý tài khoản hoặc thậm chí có chính sách miễn phí để giữ chân khách hàng, với mục tiêu xa hơn là duy trì nguồn tiền gửi không kỳ hạn giá rẻ trên tài khoản thanh toán.

Thứ hai, sau hàng loạt thương vụ ký kết phân phối bảo hiểm độc quyền, số lượng các NH còn có thể ký hợp đồng này không còn bao nhiêu, do đó khó có thể phát sinh nguồn thu phí trả trước như giai đoạn trước. Thống kê cho thấy đã có đến 20 NH ký kết các hợp đồng bancassurance với các hãng bảo hiểm, thời hạn lên đến 15-20 năm. Do đó, nguồn thu phí từ bancassurance của các NH thời gian tới sẽ chủ yếu là phí hoa hồng khi bán thành công hợp đồng bảo hiểm cho khách hàng.

Thứ ba, nếu như nguồn thu nhập từ đầu tư trái phiếu trong hai năm vừa qua mang lại lợi nhuận lớn cho nhiều NH nhờ lợi suất trái phiếu chính phủ liên tục đi xuống, thì nếu thời gian tới, lợi suất trái phiếu đi lên trở lại theo xu hướng mặt bằng lãi suất thị trường, lợi nhuận từ hoạt động này có thể giảm sút hoặc không loại trừ khả năng có thể ghi lỗ trở lại. Trong khi đó, với Nghị định 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ đầu tháng 9/2020 cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể tới bán lẻ trái phiếu của một số NH vốn đã mang lại lợi nhuận không nhỏ trong những năm gần đây.

Song song đó, trước tiến trình số hóa NH sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn, ngay cả khi dịch Covid-19 được khống chế, vì hiện tại 95% NH đã có, đang xây dựng hoặc dự tính xây dựng chiến lược chuyển đổi số với kỳ vọng giúp tăng 10% doanh thu và 50% số lượng khách hàng trong 3-5 năm tới, cũng sẽ tạo sức ép lên chi phí đầu tư. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   NHNN   Nghị định   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Việt Nam   chiến lược   chính sách   dịch vụ   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...