23/01/2021 7:40  
Ông Joe Biden đã chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của Mỹ sau lễ nhậm chức ngày 20/1, giữa bối cảnh đất nước đầy khó khăn vì đại dịch và chia rẽ nghiêm trọng về chính trị.
Trả lời báo giới trong lần đầu có mặt tại Phòng Bầu dục với tư cách là Tổng thống, ông Biden tuyên bố: “Với tình hình như hiện tại, chúng ta không có thời gian để lãng phí. Phải bắt tay vào làm việc ngay lập tức”. 
Không chỉ là phá bỏ “di sản Trump”

Đúng như dự báo của truyền thông Mỹ trước đó, Tổng thống Biden đã nhanh chóng hủy bỏ nhiều quy định dưới thời người tiền nhiệm Donald Trump ngay sau lễ nhậm chức, với việc ký 15 sắc lệnh hành pháp và 2 văn bản “hành động” trong chiều 20/1 (giờ Mỹ). Trong đó, có sắc lệnh chấm dứt hạn chế nhập cảnh với công dân nước có Hồi giáo chiếm đa số - một trong những sắc lệnh đầu tiên được ông Trump ký sau khi nhậm chức năm 2017. Một sắc lệnh khác đáng chú ý là bắt buộc đeo khẩu trang tại các tòa nhà công sở liên bang và đất thuộc liên bang. Tổng thống Biden cũng chấm dứt “tình trạng khẩn cấp an ninh quốc gia” mà ông Trump đã ban bố, nhằm huy động tiền xây dựng bức tường biên giới với Mexico.
Thông thường, “Ngày đầu tiên” (cầm quyền) là một khái niệm khoa trương với bất kỳ chính quyền mới nào, khi các hành động thực tế thường sẽ được triển khai trong nhiều ngày hoặc lâu hơn sau đó. Nhưng trong suốt chiến dịch tranh cử và kể từ khi đắc cử, ông Biden đã nhiều lần hứa sẽ hành động ngay vào ngày đầu tiên nhậm chức để giải quyết mối nguy với nước Mỹ lúc này - tình trạng mà Nhà Trắng hiện tại gọi là “4 cuộc khủng hoảng kép và chồng chéo”: Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của gần 400.000 người Mỹ, dẫn đến suy thoái kinh tế, biến đổi khí hậu và sự chia rẽ quốc gia về công bằng chủng tộc sau phong trào Black Lives Matter.

“Trong 10 ngày đầu cầm quyền, Tổng thống Biden sẽ có hành động quyết định để giải quyết 4 cuộc khủng hoảng này, ngăn chặn những tác hại khẩn cấp và không thể đảo ngược khác, đồng thời khôi phục vị thế của Mỹ trên thế giới” - Chánh Văn phòng Chuyển tiếp Ron Klain nói hôm 16/1, sau khi công bố một bản kế hoạch hành động trong 10 ngày đầu tiên tại Nhà Trắng của ông Biden, “Tổng thống Biden sẽ hành động - không chỉ để đảo ngược những thiệt hại nặng nề nhất do chính quyền Trump gây ra - mà còn để bắt đầu đưa đất nước tiến lên”.

Giáo sư Andrew Rudalevige tại ĐH Bowdoin, đồng thời là chuyên gia về các mệnh lệnh hành pháp, đánh giá: “Rõ ràng, điều này là dành cho người dân Mỹ”. Ông Rudalevige cho rằng, vị tân Tổng thống có lẽ rất háo hức muốn chứng tỏ một Nhà Trắng có tổ chức hơn sau một nhiệm kỳ điều hành hỗn loạn của ông Trump và trấn an các nhóm bầu cử Dân chủ chủ chốt rằng, chính quyền mới sẽ hành động theo các ưu tiên của họ.

Diện mạo mới của Mỹ tại châu Á?

Xa hơn, với chương trình nghị sự trong 100 ngày đầu tiên lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã cam kết sẽ nhanh chóng thực hiện nhằm chứng minh cho thế giới thấy rằng “nước Mỹ đã trở lại” sau 4 năm qua có nhiều xáo trộn. Đặc biệt, ông hứa hẹn sẽ đẩy mạnh các cải cách trong nước và tái thiết vai trò dẫn đầu của Mỹ trên trường quốc tế, trong đó có khu vực châu Á. “Nước Mỹ sẽ khẳng định vai trò của mình trên thế giới và trở thành người xây dựng các liên minh”, ông Biden tuyên bố ngay sau khi được dự báo chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11/2020.

Chìa khóa để thực hiện các cam kết này chính là việc hối thúc Quốc hội, do phe Dân chủ chiếm đa số, nhanh chóng thông qua việc đề cử những nhân vật giữ vị trí cấp cao trong chính quyền và thay thế một loạt nhân sự dưới thời ông Trump trong bộ máy an ninh quốc gia. Mục tiêu của chính quyền Biden là tránh những lỗ hổng trong hoạch định chính sách và lấp đầy những vị trí từng bị bỏ trống dưới thời tiền nhiệm.
Chính quyền mới được cho chủ yếu sẽ dựa vào các nhà hoạch định chính sách kỳ cựu và các chuyên gia dày dặn kinh nghiệm để thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ tại các khu vực chiến lược. Nền tảng của các gương mặt được ông Biden đề cử có thể giúp họ nhanh chóng nhận được sự phê chuẩn của Quốc hội.

Kế hoạch xây dựng nội các “cựu binh” được thể hiện mạnh mẽ nhất ở việc ông Biden bổ nhiệm ông Kurt Campbell - cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, làm người phụ trách vấn đề châu Á trong chính quyền mới. Đề cử này nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng Mỹ và các đồng minh lớn như Nhật Bản, Australia.
Chuyên gia chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa Michael Green đã ca ngợi ông Kurt Campbell là “kiến trúc sư quan trọng nhất trong chính sách về châu Á của đảng Dân chủ ở thế hệ của ông”. Kurt Campbell từng đóng vai trò quan trọng trong chính quyền Tổng thống Barack Obama với nỗ lực “đẩy lùi sự cưỡng ép từ Trung Quốc”.

Trong một bình luận gần đây, ông Campbell đã chỉ trích chính quyền Tổng thống Trump “tạo cớ” cho Bắc Kinh “viết lại một số quy tắc” trong khu vực do những chính sách đơn phương của Washington, từ việc phát động cuộc chiến thương mại đến việc đưa ra các luận điệu về một “cuộc Chiến tranh Lạnh mới”.
Thay vào đó, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải tái kết nối Mỹ với khu vực qua việc thúc đẩy các sáng kiến ngoại giao và thương mại đa phương, cũng như tạo ra cơ chế hợp tác phù hợp với Trung Quốc để tránh một cuộc xung đột không cần thiết. Mỹ được cho nên dựa vào các quốc gia có cùng chí hướng, bao gồm cả các thành viên khác trong nhóm “Bộ Tứ kim cương” như Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và các cường quốc châu Âu như Anh, Pháp, Đức.

Trở lại nội bộ nước Mỹ, với việc đảng Dân chủ đã kiểm soát cả Nhà Trắng và lưỡng viện Quốc hội, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden được cho đã bắt đầu một cách thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thế đa số của đảng Dân chủ ở Thượng viện vẫn mong manh - 50/50 với lợi thế là vị trí Chủ tịch thuộc về Phó Tổng thống Kamala Harris. Đảng Cộng hòa có thể không chặn được việc thông qua các dự luật và đề xuất bổ nhiệm nhưng hoàn toàn có thể cố ý làm chậm tiến trình, bằng cách kéo dài thời gian tranh luận.
Hơn nữa, khả năng hợp tác lưỡng đảng vẫn mờ mịt, đặc biệt khi đảng Cộng hòa thua ở 2 nhánh hành pháp và lập pháp đang có dấu hiệu theo đuổi mục tiêu làm lại vào kỳ bầu cử giữa kỳ 2022. Từ đó, ABC News dự báo, con đường phía trước của ông Biden với chương trình làm việc đầy tham vọng vẫn sẽ còn nhiều phức tạp.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Barack Obama   Covid   Covid-19   Donald Trump   Joe Biden   Mục tiêu   Nhà Trắng   Nhật Bản   Trump   Trung Quốc   Tổng thống   chiến lược   chuyên gia   chính quyền Trump   chính sách   hành vi   hợp tác   khủng hoảng   Đề cử  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...