21/01/2021 20:45  

Ông Đinh Việt Thanh – chuyên gia pháp chế của Tổng công ty May 10 – cho biết doanh nghiệp nơi ông làm việc thường gặp khó khăn khi làm việc tới các cơ quan quản lý Nhà nước.

“Chúng tôi đến làm việc với bộ này thì thường được hướng dẫn sang gặp bộ khác. Thậm chí, doanh nghiệp đã gửi vấn đề tới Chính phủ, nhưng cơ quan này lại giao cho các bộ trả lời bằng văn bản”, ông Thanh nói tại cuộc hội thảo “Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh: Kết quả, bài học và định hướng 2021-2025”.

Bà Trịnh Tú Anh – Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nông nghiệp Văn Đô (Công ty Nông nghiệp Văn Đô - PV) – cho biết việc chậm triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và áp dụng hóa đơn điện tử khiến doanh nghiệp do bà điều hành gặp nhiều khó khăn.

“Hôm Chủ nhật vừa rồi tôi đi từ Bắc Giang về Lạng Sơn, qua bốn cây xăng nhưng không có nơi nào chấp nhận thanh toán bằng thẻ. Thậm chí, tôi đi qua nhiều nơi họ còn nói máy quẹt thẻ bị hỏng để không xuất hóa đơn”, bà Tú Anh chia sẻ.

Bên cạnh đó, vị Giám đốc của Công ty Nông nghiệp Văn Đô còn bày tỏ lo ngại trước động thái kéo dài thời hạn áp dụng hoá đơn điện tử của Tổng cục Thuế, dù hình thức này mang lại sự minh bạch và ngăn hành vi gian lận thuế của các chủ thể kinh doanh.

Trước đó, báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2020” của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra một số quy định ngăn cản sự phát triển của hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, Thông tư số 48/2018 của Bộ Y tế đã phân loại nông sản, thực phẩm phổ biến được dùng trong đời sống hằng ngày, gồm bạc hà, húng chanh, húng quế, ngải cứu, kinh giới, lá lốt, diếp cá, đinh lăng… vào danh mục dược liệu, khiến chủ thể kinh doanh các loại hàng hóa này phải chịu cơ chế quản lý của pháp luật về dược.

Thậm chí, những cá nhân bán các loại thực phẩm này phải có địa điểm, kho bảo quản, phương tiện vận chuyển, hệ thống quản lý chất lượng, tài liệu chuyên môn kỹ thuật và nhân sự đáp ứng thực hành tốt nguyên liệu làm thuốc.

Còn Nghị định số 57/2016 và Nghị định số 16/2019 của Chính phủ lại đưa ra quy định về điều kiện nhân lực để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động thông tin tín dụng.

Theo đó, nhân sự giữ vị trí chủ tịch Hội đồng quản trị, chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty phải có bằng đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành gồm: kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin. Đồng thời họ phải có ít nhất ba năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin.

“Yêu cầu trình độ chuyên môn chưa thực sự phù hợp. Lý do là những người này không tham gia trực tiếp vào hoạt động cung cấp dịch vụ chuyên môn nên yếu tố lợi ích công cộng bị ảnh hưởng là rất ít”, báo cáo của VCCI cho biết.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế của VCCI – chia sẻ: “Trong số hơn 50% số điều kiện kinh doanh được cắt giảm tính tới cuối năm 2019, theo báo cáo của các Bộ, ngành thì chỉ có 10% số điều kiện kinh doanh được cắt giảm, còn 40% được đơn giản hóa”.

TS Nguyễn Đình Cung – thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng – cho biết thành quả cải cách những năm gần đây có thể bị đẩy lùi, còn các rào cản kinh doanh có nguy cơ tái lập do thiếu đơn vị tiên phong với vai trò ‘giữ lửa’ - đi đầu thúc đẩy quá trình cải cách. Ngoài ra, quá trình cải cách hiện thiếu nguồn lực từ các nhà tài trợ và thiếu các nghiên cứu có chất lượng để bổ trợ cho các giải pháp cải cách.

Đề xuất giải pháp, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng Chính phủ, bộ ngành, địa phương phải có tinh thần “các nước làm được, ta cũng làm được”. Bên cạnh đó, vai trò giám sát và phản biện của các doanh nghiệp và tổ chức độc lập phải được phát huy.

Ông Tuấn cho biết động lực cải cách từ địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong việc tạo ra chuyển biến, do thực tiễn hơn 30 năm đổi mới của Việt Nam cho thấy các ý tưởng cải cách tốt đẹp hầu hết đi từ dưới lên.

“Mô hình trung tâm hành chính công tại Quảng Ninh thể hiện sự chuyên nghiệp rất rõ, tương tác người dân và doanh nghiệp với chính quyền công khai, minh bạch, phối hợp sở ngành rõ ràng”, ông Tuấn nói tại hội thảo.

Theo Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, Quảng Ninh có một quy chế nội bộ về nhân sự là công chức phải có thời gian phục vụ ở trung tâm hành chính công nếu muốn được bổ nhiệm giữ những vị trí cao hơn. Vì vậy số lượng trưởng và phó phòng ở trung tâm hành chính công cấp huyện và tại Quảng Ninh rất nhiều, thậm chí họ còn phải cạnh tranh nhau để được làm việc tại trung tâm.

“Chỉ cần một chính sách nhân sự vậy thôi mà chất lượng cán bộ tại trung tâm một cửa khác hẳn”, ông Tuấn nhận xét.

Ngoài ra, mô hình giúp cải thiện môi trường kinh doanh ở các địa phương cũng được ông Tuấn đề cập gồm cà phê doanh nhân, bác sĩ doanh nghiệp.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Kinh tế   Nghị định   Tổng cục   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...