09/12/2020 9:40  
Câu chuyện Grab tăng giá cước và tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe đối với tài xế, sau khi bị áp 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Vậy, động cơ thật sự của Grab đằng sau động thái bất thường này là gì?
Tiền thu từ tài xế có được nộp thuế VAT?
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Việt – Mỹ Nguyễn Thanh Phúc cho biết, động thái mới nhất của Grab cần được nhìn nhận trên hai phương diện. Thứ nhất là việc tăng cước và thứ hai là tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe đối với tài xế. Cả hai sự điều chỉnh này đều được Grab đưa ra nhằm đối phó với Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 126), mà nội dung quan trọng nhất là tăng thuế VAT từ 3% lên 10% đối với xe công nghệ.

Phân tích sâu hơn về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, có thể Grab đang tìm cách tăng thu từ người tiêu dùng và tài xế để bù vào 10% thuế VAT theo quy định trong Nghị định 126. Đối với việc tăng phần trăm khấu trừ trên mỗi chuyến xe của tài xế, chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, thực chất Grab đã tự ý tăng thêm một phần thu từ thu nhập của tài xế, đó là thuế thu nhập cá nhân. Ví dụ, một cuốc xe Grabbike 100.000 đồng tiền cước thì Grab khấu trừ của tài xế 20% tương đương 20.000 đồng. Còn lại 80.000 đồng là thu nhập của tài xế (chưa bao gồm chi phí xăng xe, hao mòn, hư hỏng xe cần sửa chữa nếu có...). Việc Grab tăng phần trăm khấu trừ từ 20% lên 27,273% đối với Grabbike trên thực tế chính là thu thêm 10% thuế thu nhập cá nhân trên tổng số 80.000 đồng số tiền còn lại của tài xế. “Theo quy định, thuế thu nhập cá nhân được tính cho lao động không thường xuyên, nếu có thu nhập trên 2 triệu đồng/tháng, phải chịu mức thuế thu nhập cá nhân khấu trừ tại nguồn là 10%. Vậy thì họ phải thu hơn 7% trong tổng số mức thu của Grab trong tổng số 100.000 đồng. Nghĩa là họ thu 10% của số tiền lái xe còn lại sau khi khấu trừ 20%, tương đương với hơn 7% trên tổng giá trị cước xe” – chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc phân tích.

Dù đồng ý Grab có quyền tăng phần trăm khấu trừ mỗi chuyến xe của tài xế, song chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc cho rằng, trên thực tế Grab hoàn toàn có một cách làm khác mang lại lợi ích cho tất cả các bên, đó là áp dụng tính thuế VAT trực tiếp trên doanh thu để được hưởng mức thuế suất VAT 3%. Đặc biệt, việc này sẽ không làm tăng giá cước, từ đó sẽ tăng yếu tố cạnh tranh của Grab so với những hãng khác. Chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc khẳng định, trước đây, Grab không đánh thuế người tiêu dùng ở ứng dụng Grab. Vấn đề này thuộc về trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. "Cơ quan chức năng cần phải xem xét lại đã thu được thuế VAT từ dịch vụ vận tải của Grab hay chưa? Và đến bây giờ, khi Grab tăng giá cước và tăng phần trăm khấu trừ trên mỗi chuyến của tài xế, cơ quan chức năng cũng phải làm rõ số tiền Grab thu được từ việc này có thực chất được đem đi nộp thuế VAT, hay lại chui vào túi họ?” – chuyên gia Nguyễn Thanh Phúc nhận định.

Người tiêu dùng cần tỉnh táo

Trong khi đó, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia tài chính cho rằng, nếu để ý kỹ thì người tiêu dùng Việt Nam đang bị Grab thu rất nhiều khoản vô lý và trên thực tế giá cước của Grab sau lần điều chỉnh lần này đang cao hơn cả taxi truyền thống. Cụ thể, đối với dịch vụ Grabcar, ngoài tiền cước cho mỗi chuyến đi (gồm giá mở cửa tính cho 2km đầu tiên và giá tính theo các cây số tiếp theo), Grab còn thu thêm của người tiêu dùng phí thời gian di chuyển (khoảng 400 đồng/phút) và phí nền tảng (2.000 đồng/chuyến). Trong khi đó, taxi truyền thống hiện nay chỉ tính tiền cước dựa trên quãng đường di chuyển. “Những khoản tiền như phí thời gian di chuyển hay phí nền tảng là rất vô lý. Tuy nhiên, người tiêu dùng lâu nay lại không để ý đến điều đó mà cứ nghĩ rằng đi Grab là rẻ hơn taxi truyền thống” – PGS.TS Ngô Trí Long nhìn nhận.

Theo chuyên gia tài chính này, taxi truyền thống hay xe công nghệ như Grab đều là loại hình dịch vụ vận tải bằng ô tô, do đó sẽ chịu những quy luật sàng lọc và đào thải rất khắt khe của thị trường. Vấn đề nằm ở chỗ, người tiêu dùng có đủ tỉnh táo và thông minh để nhận ra ai mới là đối tượng móc túi mình nhiều nhất hay không. “Việc tăng giá cước thuộc quyền của DN và nằm trong chiến lược kinh doanh của Grab. Tuy nhiên, nếu Grab không có sự tính toán kỹ lưỡng với những bước đi hợp lý thì sẽ phản tác dụng. Lần tăng giá cước này hoàn toàn có thể khiến Grab giảm lợi nhuận và đánh mất thị phần một khi bị người tiêu dùng và cả tài xế tẩy chay” – PGS.TS Ngô Trí Long nói.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Kinh tế   Nghị định   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chuyên gia tài chính   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...