20/11/2020 11:05  
Đó là lý do mà thầy Dương Chánh Tâm (29 tuổi), giáo viên dạy môn tin học của Trường tiểu học Trương Định, Q.12 (TP.HCM) luôn canh cánh trong lòng, phải tìm ra những phương pháp hiệu quả truyền đạt những kiến thức, kỹ năng cần thiết giúp học sinh có được một nền tảng công nghệ thông tin vững chắc ngay từ khi còn học ở bậc tiểu học.
“Bên cạnh đó mình cũng cố gắng trang bị thêm cho học sinh những kỹ năng mềm khác, giúp các em hoàn thiện hơn”, thầy Tâm chia sẻ.
Thầy Tâm là gương “Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2020” do Thành đoàn TP.HCM trao tặng nhận dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.

"Dạy học theo dự án"

Thầy Tâm đã có sáng kiến: Ứng dụng các phần mềm trong bộ công cụ Office 365 trong tổ chức “Dạy học theo dự án”.
Theo thầy Tâm, trước đây việc dạy và học tin học với phương pháp truyền thống chỉ chủ yếu tập trung cung cấp cho học sinh những kiến thức nền và từ đó học sinh áp dụng vào các bài tập thực hành tại lớp. Điều đó ít nhiều ảnh hưởng đến sự sáng tạo của học sinh, các em không có nhiều cơ hội để thể hiện được bản thân cũng như chưa phát huy hết được những năng lực, phẩm chất của mình.
“Qua tìm hiểu về những phương pháp dạy học tích cực, tôi nhận thấy 'Dạy học qua dự án' là một trong những phương pháp hiệu quả có thể phát huy tối đa khả năng sáng tạo của học sinh, giúp học sinh tiếp cận được kiến thức một cách nhẹ nhàng và vận dụng những kiến thức đó vào giải quyết những vấn đề thực tế trong cuộc sống”, thầy Tâm nói.
Thầy Tâm cho biết: “Để thực hiện được các hoạt động của dự án, học sinh sẽ cùng nhau cộng tác, làm việc nhóm để hoàn thành các nhiệm vụ được giao thông qua sự hỗ trợ của các phần mềm. Trong đó, các công cụ trong bộ ứng dụng văn phòng Office 365 đóng vai trò quan trọng giúp các em có thể triển khai thực hiện các hoạt động một cách nhịp nhàng, hiệu quả. Bộ công cụ Office 365 cũng giống như các bộ Office ứng dụng văn phòng khác, bao gồm các công cụ như (Word, Excel, Powerpoint, Sway, Onedrive, Onenote…). Tuy nhiên đối với Office 365, các phần mềm được kết nối trực tuyến mọi lúc mọi nơi giúp học sinh có thể tương tác, trao đổi, cộng tác làm việc nhóm tại bất kỳ thời điểm nào và bất kỳ nơi đâu có mạng internet”.
Thầy Tâm giới thiệu: “Một số ứng dụng của các phần mềm trong bộ Office 365 học sinh sử dụng để thực hiện các hoạt động của dự án như: Microsoft Word giúp các em soạn thảo các loại văn bản, xây dựng kịch bản thuyết trình, soạn thảo báo cáo. Excel giúp các em thực hiện các bản danh sách, thực hành các báo cáo thống kê cơ bản từ các hàm tính toán đã học. Powerpoint, Sway giúp các em thiết kế bài thuyết trình nhóm, các bài báo cáo tổng kết dự án. Onenote giúp các em ghi chép, quản lý được tiến độ thực hiện dự án của nhóm. Onedrive giúp lưu trữ lại các hình ảnh, video, tài liệu trong suốt quá trình thực hiện dự án”.
Chia sẻ về biện pháp thực hiện, thầy Tâm cho rằng: “Giáo viên sẽ hướng cho học sinh cách sử dụng các phần mềm của bộ công cụ Office 365 để thực hiện các hoạt động, nhiệm vụ. Học sinh sẽ tham gia vào các nhóm, mỗi nhóm có những nhiệm vụ cụ thể và được cung cấp một tài khoản Office 365 để đăng nhập vào các phần mềm”.
Với cách học như thế, thầy Tâm cho biết đã mang đến những hiệu quả tích cực cho học sinh so với dạy học theo phương pháp truyền thống. Cụ thể như: Học sinh phát triển kỹ năng “Giao tiếp và hợp tác” khi tham gia làm việc nhóm, biết chia sẻ trách nhiệm cùng nhau, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ. Kỹ năng “Giải quyết vấn đề và sáng tạo” cũng được hình thành, học sinh được tổng hợp tất cả những kiến thức từ các môn học khác nhau để giải quyết các vấn đề theo một cách sáng tạo nhất.
“Nếu như trước đây, học sinh chỉ được thực hành các phần mềm đã học dưới dạng những bài tập nhỏ thì qua hình thức 'Dạy học theo dự án', học sinh được vận dụng những kiến thức công nghệ thông tin để tạo ra những sản phẩm cụ thể, có thể ứng dụng cao trong cuộc sống”, thầy Tâm đúc kết.

Học theo mô hình câu lạc bộ

Ngoài việc dạy học sinh học theo dự án, trong những năm học vừa qua, thầy Tâm còn giúp học sinh học theo các mô hình.
“Mình có phụ trách 1 câu lạc bộ STEM-Robotics. Đây là nơi tập hợp các em học sinh đam mê thiết kế lập trình sáng tạo cùng Robot. Là một sân chơi cho các em sau những giờ học căng thẳng. Các con được làm quen với những ngôn ngữ lập trình cơ bản từ đó hình thành cho các con những kỹ năng tư duy máy tính, tư duy về lập trình….”, thầy Tâm chia sẻ.
Với cách dạy học theo mô hình câu lạc bộ, thầy Tâm vui mừng cho biết: “Mình đã phát hiện ra rất nhiều nhân tố mà mình nghĩ rằng các em sẽ là nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố sau này để tiến tới xây dựng thành phố thông minh, đô thị thông minh".

Nguồn tin: thanhnien.vn


Giao tiếp   HCM   Kỹ năng   Việt Nam   căng thẳng   hợp tác   lập trình   sáng tạo   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...