31/12/2020 19:05  
Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam xuất hiện tour trải nghiệm làm phi công nên nhiều khách hàng không ngại ngần chi tiền triệu để được thử một lần ngồi vào ghế cơ trưởng, tự lái máy bay cho hành trình của chính mình.
Vì trải nghiệm tour được thực hiện ở BAA Training Việt Nam (Công ty con thuộc BAA Training - trung tâm đào tạo hàng không hàng đầu tại Bắc Âu nằm ở Q.9, TP.HCM) - nơi thực hành các bài huấn luyện bay cho đội ngũ phi công của Hãng hàng không Vietravel Airlines cùng các hãng bay khác nên tôi phải đặt lịch trước đó nhiều ngày mới được sắp xếp trải nghiệm.
Sau khi có mặt ở BAA Training Việt Nam, tôi được lên buồng lái giả định (SIM) Airbus A320ceo để bắt đầi hành trình trải nghiệm làm phi công trên chuyến bay Airbus A320 với cảm giác thật lên đến 96%.
Ông Đặng Quốc Khương - Phụ trách kinh doanh Công ty BAA Training Việt Nam cho biết 2 mô hình máy bay giả định của dòng Airbus A320 này được đưa vào khai thác phục vụ khách du lịch cùng với Vietravel, kết hợp đào tạo học viên trở thành phi công khi có nhu cầu. Bên trong SIM được thiết kế giống buồng lái thật 99% với giá hơn 400 tỉ đồng.

Trên một chuyến bay bình thường, trước khi cất cánh, hành khách sẽ được nghe tiếp viên hướng dẫn an toàn bay. Còn với chuyến bay đặc biệt này, trong một vai trò hoàn toàn khác, tôi được ông Phạm Văn Hải - Trưởng phòng Huấn luyện bay Vietravel Airlines cùng một phi công người nước ngoài giới thiệu an toàn trên SIM, những vị trí thoát hiểm, cách thức vận hành của SIM.
Ông Hải cho hay, trong trạng thái bình thường, cầu thang nối SIM với khu vực chờ vẫn đi lại được, còn lúc huấn luyện hoặc khách bay trải nghiệm thì cầu thang rút vào, SIM trở nên hoàn toàn tách biệt. Trường hợp người ngồi trong SIM muốn dừng khẩn cấp thì nhấn nút màu đỏ đặt bên ngoài cửa buồng lái, sau đó lấy thang được chuẩn bị sẵn thả ra và trèo xuống đất.
Đi vào buồng lái, ông Hải tiếp tục hướng dẫn chúng tôi cách thoát hiểm từ bên trong khi gặp sự cố. Dưới cửa ra vào có lỗ thoát hiểm, trong trường hợp buồng lái gặp sự cố thì tiến đến cửa rồi đạp mạnh phía dưới để chui ra ngoài.
Bên trong buồng lái giả định có 4 ghế: ghế bên trái của cơ trưởng, bên phải của cơ phó, phía sau có một ghế phụ và một ghế của giáo viên - người điều chỉnh các thông số liên quan đến những gì hiển thị trên màn hình 4D, vị trí sân bay, các loại thời tiết mà chuyến bay gặp phải.
Trước khi được trải nghiệm ngồi bay ở vị trí cơ trưởng, tôi sẽ ngồi ở ghế bên phải của cơ phó để được ông Hải hướng dẫn về chức năng, cách điều chỉnh một số thiết bị trên bảng điều khiển trước mặt, cách cất cánh, hạ cánh cũng như việc thắt dây an toàn và điều chỉnh ghế ngồi cho phù hợp với từng người.
Sau khi thực hiện các thao tác an toàn và xác nhận thông tin chuyến bay, ông Hải thực hiện cất cánh theo quy trình của một phi công thực sự. Khi ấy SIM cũng được bật chức năng motion (chuyển động) nên chúng tôi có thể cảm nhận rõ máy bay của mình đang lăn bánh trên đường băng, từ từ tăng tốc rồi vút lên trời.
Màn hình 4D phía trước, cộng với sự rung lắc của SIM cho tôi cảm giác như đang ở trên một chuyến bay thật sự. Sau khi nhắc lại một số nút điều khiển cơ bản, vị huấn luyện bay mời tôi ngồi thử làm cơ trưởng.
Điều thú vị nhất có lẽ là khi khách muốn khởi hành từ sân bay nào, người hướng dẫn đều có thể nhớ và chọn tọa độ để màn hình phía trước tái hiện giống hệt như trên sân bay. Thậm chí, khách còn có thể chọn cất cánh trong điều kiện thời tiết tuyết rơi, nắng đẹp hay mưa to. Quả là một trải nghiệm thú vị.
Tôi nhờ chàng phi công ngồi ghế giáo viên chọn giúp điểm khởi hành từ sân bay Incheon (Hàn Quốc). Dù được hướng dẫn bay liên tục hướng dẫn, nhưng khi ngồi vào ghế cơ trưởng, tôi vẫn bị mất thăng bằng đôi chút. Ngay khi cất cánh, máy bay đã lăn ra khỏi đường băng, rồi đi cả vào đám cỏ xanh.
Cả huấn luyện bay và phi công cười an ủi: “Chuyện thường thôi, ai bắt đầu cũng vậy” rồi cho máy bay về lại vị trí ban đầu để tôi thử lại lần nữa. Lần này tốt hơn, sau khi kéo từ từ tay cầm, máy bay thẳng lên bầu trời.
Hiện lên phía trước mặt lúc là rừng xanh bạt ngàn, lúc lại là những dãy núi liên tiếp nhau, hay mây trắng phủ cả bầu trời. Thậm chí, khi tôi bất chợt hỏi: “Mình có thể thấy Landmark81 được không nhỉ”, chàng phi công cũng nhớ tọa độ và điều khiển về đúng góc để tôi vừa làm phi công mà vừa nhìn thấy được tòa nhà cao tầng của TP.HCM.
Huấn luyện bay của Hãng hàng không Vietravel Airlines giới thiệu, cất cánh và hạ cách là hai thao tác quan trọng nhất khi bay, sau đó máy bay được cài chế độ tự động lái. Như vậy, nhiệm vụ của phi công trong lúc bay khá “nhẹ” nếu mọi việc đều diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên, khi gặp sự cố, phi công phải nắm rõ, xử lý và kiểm soát tình huống để bảo đảm an toàn cho chuyến bay.
Trong lúc máy bay ở chế độ bay tự động, ông Hải giới thiệu cho chúng tôi biết thêm về hệ thống động cơ máy bay và nguyên lý bay. Toàn bộ định vị, thông tin gió, tốc độ, áp suất, hệ thống điện, thủy lực,… được hiển thị trên màn hình. Khi bay, phi công chỉ dựa vào đó và những dữ liệu bay đã nhập để điều khiển, hoàn toàn không bay “bằng mắt thường” như nhiều người vẫn nghĩ.

Tôi hỏi: “À vì vậy nên người ta nói phi công có thể ngủ trên chuyến bay đúng không ạ?”. Ông Hải giải thích: “Phi công sẽ được ngủ nếu đó là chuyến bay dài, nhưng phải thông báo với tổ bay, sau đó đến chỗ nghỉ ngơi. Và phải có phi công khác thay vào vị trí đó để xử lý tình huống đột xuất. Ghế cơ trưởng và cơ phó hai bên đều giống nhau, nhưng cũng cần cả 2 người là vì vậy”.
Kết thúc 60 phút trải nghiệm làm phi công, tôi hơi nhức đầu vì màn hình 4D mang lại cảm giác quá thật, nhưng quả thật rất thú vị khi được ngồi vào ghế cơ trưởng, được tự điều khiển trên chuyến bay của mình.
Đây là lần đầu tiên Công ty Vietravel kết hợp với một trung tâm đào tạo phi công đưa mô hình bay giả định khai thác tour phục vụ khách du lịch. Giá tour 4,39 triệu bao gồm xe đưa đón, phí trải nghiệm buồng lái A320, hướng dẫn viên, nước uống, chứng nhận hoàn thành khóa huấn luyện do BAA Training cấp.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Airbus   Airlines   HCM   Việt Nam   du lịch   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...