06/01/2021 19:35  
"Chúng ta cương quyết, xử lý nghiêm, kể cả hành chính và hình sự, những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng chống dịch. Thái độ dứt khoát như vậy để ngăn chặn có hiệu quả, không để dịch COVID-19 lây lan ra cộng đồng" – Thủ tướng nói.
Ngày 6/1, tại Hội nghị Y tế toàn quốc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với biểu hiện lơ là, chủ quan, coi thường lợi ích cộng đồng trong phòng, chống dịch COVID-19 để đón Tết lành mạnh, an toàn.
Đồng thời, Thủ tướng hoan nghênh quyết định của lãnh đạo Sở Y tế TP. Hà Nội tạm đình chỉ công tác Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ do chưa thực hiện đúng quy trình trong việc tổ chức cách ly tập trung khi cho một người ra khỏi nơi cách ly khi chưa đủ 14 ngày.
“Chúng ta cương quyết, xử lý nghiêm, kể cả hành chính và hình sự, những cá nhân, tổ chức vi phạm quy định phòng chống dịch. Thái độ dứt khoát như vậy để ngăn chặn có hiệu quả, không để dịch lây lan ra cộng đồng” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Vẫn còn tình trạng quá tải ở một số bệnh viện trung ương
Thủ tướng cho rằng, năm 2020 là một năm dài đối với những “chiến sĩ áo trắng”, những người đã nỗ lực, dấn thân, nhất là những người trực tiếp phòng chống đại dịch COVID-19 với tinh thần không quản khó khăn, sẵn sàng cống hiến, hy sinh, cùng với lực lượng quân đội, công an, ngoại giao… để bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân.
"Đầu nhiệm kỳ gặp sự cố Formosa, cuối kỳ gặp Corona (virus) hoành hành, nhưng chúng ta đã cố gắng vượt qua. Chống dịch COVID-19 thành công là một ví dụ đẹp về “ý Đảng, lòng dân”, là tổng hòa của ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị" – Thủ tướng nói và biểu dương, đồng thời gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến lãnh đạo Bộ Y tế, đến đội ngũ giáo sư, bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ sở cách ly, các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở khám, chữa bệnh trong suốt một năm qua với tinh thần làm việc không biết mệt mỏi, không ngừng nỗ lực, cống hiến cao cả, tận tâm hết mình vì một Việt Nam an toàn trước đại dịch.
Thủ tướng đánh giá cao những thành tựu mà ngành y tế đã đạt được trong năm qua, đặc biệt là trong chống dịch COVID-19, minh bạch và công khai giá dịch vụ, giá trang thiết bị, giá thuốc, tự chủ bệnh viện, năng lực điều trị ở các tuyến được nâng lên rõ rệt; hầu hết các kỹ thuật cao trên thế giới đã được thực hiện ở Việt Nam, như ghép tạng, phẫu thuật nội soi, can thiệp tim mạch, điều trị ung thư, góp phần điều trị hiệu quả, cứu sống được nhiều người bệnh...
"Tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam không ngừng tăng và đã đạt 73,7 tuổi, đứng thứ 56 trong tổng số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ; đứng thứ 2 khu vực ASEAN chỉ sau Singapore. Đây là những thành tựu đáng tự hào của đất nước, của ngành y tế, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng" – Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết từ hiệu quả của công tác chống dịch, thế giới đã biết đến Việt Nam nhiều hơn, thông qua khái niệm rất mới là "ngoại giao y tế".
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, tình trạng quá tải ở một số bệnh viện trung ương và tuyến cuối chưa khắc phục tốt, “giải pháp nào đặt ra trong năm 2021”. Cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh còn là vấn đề, “cần tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân về khám chữa bệnh”. Thủ tướng đề nghị bản thân ngành y tế cũng phải biến nguy cơ thành thời cơ để tạo chuyển biến cơ bản, toàn diện trong thời gian tới.
Đấu tranh biểu hiện lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch COVID-19
Năm 2021, Thủ tướng đề nghị nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của ngành y tế là tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng và trong các cơ sở y tế. Tết Nguyên đán sắp tới với nhiều sự kiện quan trọng, trong đó, Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ diễn từ 25/1 đến 2/2. Vì vậy, ngành y tế, lực lượng quân đội, công an và các địa phương phải nâng cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, không để dịch bệnh xâm nhập, bùng phát và lây lan; đồng thời đảm bảo công tác y tế phục vụ Đại hội Đảng tuyệt đối an toàn.
“Nhân dịp này, tôi cũng kêu gọi mỗi người dân hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh với biểu hiện lơ là, chủ quan, coi thường lợi ích cộng đồng trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đón Tết lành mạnh, an toàn” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cũng yêu cầu ngành y tế phải tiếp tục đổi mới, với trọng tâm là y tế cơ sở, phải có những giải pháp đột phá về chuyên môn, cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, trạm y tế xã, đặc biệt phải tiếp tục hoàn thành gói dịch vụ y tế cơ bản cho y tế công cộng, y tế dự phòng, tạo động lực cho hoạt động y tế cơ sở; sớm hoàn thành Đề án phát triển nguồn nhân lực y tế vùng khó khăn trình Chính phủ phê duyệt.
Không ngừng cải thiện chất lượng, lấy chất lượng và sự an toàn, sức khỏe của người bệnh, người dân là mục tiêu quan trọng nhất. Tăng cường quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm; trước mắt tập trung chỉ đạo bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Thực hiện công khai chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh để người dân được biết và có quyền lựa chọn cơ sở khám chữa bệnh. Phải thực hiện việc liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, liên thông kết quả chẩn đoán hình ảnh giữa các bệnh viện, hạn chế tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, góp phần tiết kiệm chi phí hàng trăm tỷ đồng trong hoạt động khám, chữa bệnh, tiến tới bệnh án dùng chung cho các tuyến.
Ngành y tế và chính quyền các địa phương phải chủ động nâng cao chất lượng, không để tình trạng người bệnh dồn về một số bệnh viện, gây quá tải cục bộ, dẫn đến giảm chất lượng điều trị, chăm sóc nhân dân.
Phải công khai, minh bạch trong quản trị ngành, trong mua sắm, đấu thầu; tập trung hoàn thành cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, không được để chậm trễ lâu hơn nữa.
Thủ tướng đồng ý với quan điểm của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về vấn đề xã hội hóa, kinh tế trong y tế cần phải phát huy mạnh mẽ trên cơ sở công khai, minh bạch, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, “để người dân không phải gánh chịu chi phí không cần thiết, không thể đưa giá thiết bị lên 5-7 lần để lấy chi phí của người bệnh cao hơn 5-7 lần so với bình thường”. Ngành y tế phải đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý cũng như cơ chế quản trị trong từng bệnh viện, cơ sở y tế; sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công cho ngành.
Chính phủ quyết tâm cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện, chất lượng dịch vụ y tế gắn với cơ chế tiền lương, giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế. Do đó, Bộ Y tế cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục triển khai lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế gắn với thực hiện bảo hiểm y tế, phấn đấu đạt mục tiêu hơn 95% vào năm 2025.
Nghiên cứu đề xuất tăng mức đóng BHYT phù hợp, bảo đảm phục vụ tốt nhất quyền lợi của người bệnh, sử dụng quỹ hợp lý và hiệu quả, bảo đảm cân đối quỹ BHYT; phối hợp giải quyết dứt điểm tình trạng treo, nợ quỹ. Ngành y tế phải có trách nhiệm bảo đảm hơn nữa tính minh bạch về viện phí, kiểm soát tốt hơn chi phí dược phẩm, phác đồ và thuốc chữa bệnh cũng như vật tư, thiết bị y tế.
Chống tiêu cực, tham nhũng và đẩy mạnh công khai, minh bạch hóa bằng ứng dụng công nghệ thông tin ở các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc. Đồng thời, phải khẩn trương hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nhấn mạnh vai trò nhân lực ngành y tế, Thủ tướng cho rằng, việc đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý, điều dưỡng phải được kiểm soát chặt chẽ hơn, tất cả các cơ sở đào tạo không đủ điều kiện phải xem xét cho dừng.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng chắc chắn rằng ngành y tế chúng ta tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và những kết quả đạt được, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh cao cả bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được Đảng, Nhà nước giao phó. 

Nguồn: Truyền hình Đồng Tháp 1.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Bệnh viện   Chính phủ   Hà Nội   Thái độ   Việt Nam   dịch vụ   dịch vụ y tế   sản xuất   thực phẩm   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...