20/01/2021 21:10  
Cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.149.226 người. 100% đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh được trợ giúp...

Đó là số liệu được báo cáo trong Hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch công tác năm 2021 của Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) diễn ra ngày 20/1. Đến dự và chỉ đạo có Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cùng nhiều đại diện các cục, vụ liên quan.

Bảo trợ xã hội được mở rộng

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng đánh giá cao những thành tích của Cục Bảo trợ xã hội đã đạt được trong năm qua, nhất là việc hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chăm sóc người cao tuổi, triển khai đề án xây dựng nghề xã hội...

Thứ trưởng nhấn mạnh: "Năm 2020 là một năm rất đặc biệt với nhiều sự kiện lớn, chúng ta đạt được nhiều thành tích như phát triển kinh tế - xã hội, sự nhạy bén về bảo trợ xã hội, Công tác bảo trợ xã hội ngày càng được mở rộng, hoàn thành tốt các thể chế, nhiều kế hoạch của ngành đạt chỉ tiêu".

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, trong năm qua, Cục Bảo trợ xã hội đã làm việc tích cực, xây dựng tốt qua hệ trong và ngoài Bộ LĐ-TB&XH. Giữ quan hệ tốt với các tổ chức nước ngoài.

Thứ trưởng chỉ đạo, trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội cần có tầm nhìn, dự báo về thiên tai, lũ lụt, tai nạn lao động… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người yếu thế để chủ động ứng phó, trợ giúp người dân.

"Cục Bảo trợ xã hội cần tập trung công tác phòng chống thiên tai, việc trợ giúp cần được kịp thời, nhanh chóng, xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa, quan tâm đến công tác y tế lao động xã hội…" - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chỉ đạo.

Ông Nguyễn Văn Hồi - Cục Trưởng Cục Bảo trợ xã hội - cho biết: "Trong năm qua là một năm hết sức khó khăn, chưa từng có tiền lệ, dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới Việt Nam".

Trước những khó khăn đó, Cục Bảo trợ xã hội đã nỗ lực bảo đảm 100% người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói, dịch bệnh được trợ giúp đột xuất kịp thời, không người dân nào bị đói; hướng dẫn các địa phương chủ động phòng chống, khắc phục hậu quả do thiên tai.

Bảo đảm 95% người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn được chăm sóc và được trợ giúp xã hội; 85% người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp xã hội, chăm sóc và phục hồi chức năng. 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.

 Trợ cấp xã hội gần 3.150.000 người

Báo cáo tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Toản - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội - cho biết: "Trong năm 2020, Cục Bảo trợ xã hội đã chủ trì tham mưu, trình Bộ nhiều văn bản quan trọng, hoàn thành kế hoạch văn bản được giao, xây dựng kế hoạch chăm lo Tết Canh Tý 2020 cho người nghèo và các đối tượng xã hội, ước tính kinh phí hơn 1.930 tỷ đồng".

Tính đến tháng 12/2020, cả nước đang thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng cho 3.149.226 người, trong đó: 51.229 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng, 1.812.372 người cao tuổi; 1.096.027 người khuyết tật đang hưởng trợ cấp và 189.598 đối tượng bảo trợ xã hội khác với tổng kinh phí hơn 18,050 nghìn tỷ đồng.

Ngân sách Nhà nước đã bố trí nguồn lực phù hợp, đảm bảo đạt 95% người cao tuổi có thẻ BHYT. Trợ cấp xã hội hàng tháng cho hơn 1,8 triệu người cao tuổi, chúc thọ, mừng thọ cho hơn 1,068 triệu người cao tuổi, hơn 112.276 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường bộ...

Hiện nay, cả nước có trên 106 bệnh viện cấp trung ương và cấp tỉnh có khoa Lão khoa, gần 1.000 khoa khám bệnh có buồng khám riêng hoặc bố trí bàn khám riêng cho người cao tuổi và  hơn 1,57 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

 "Trên cả nước đã thành lập được 425 cơ sở trợ giúp xã hội. Trong đó, có 86 cơ sở chăm sóc người cao tuổi, 67 cơ sở chăm sóc người khuyết tật. Ngoài ra, còn có hàng trăm cơ sở tổng hợp chăm sóc, phục hồi chức năng cho người cao tuổi, người khuyết tật" - ông Nguyễn Ngọc Toàn cho biết thêm.

Theo ông Nguyễn Ngọc Toàn, bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn tồn tại những hạn chế và thách thức như: Công tác trợ giúp đột xuất tại các cấp tuy kịp thời nhưng chưa được đồng bộ. Các thủ tục, quy trình cấp xuất gạo từ Trung ương mất nhiều thời gian do đó địa phương không thể chủ động, linh hoạt khi triển khai và mất đi tính kịp thời.

Mức trợ cấp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội tuy đã được nâng lên nhưng vẫn còn thấp so với mức sống tối thiểu của người dân. Nhiều địa phương chưa bố trí kinh phí thực hiện một số quy định của Luật Người cao tuổi. Cơ sở vật chất tại các cơ sở trợ giúp còn thiếu thốn, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức...

Phạm Công 

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Việt Nam  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...