17/01/2021 15:45  

Dòng vốn ngoại tệ trong nước có bị hút vào thị trường chứng khoán?

Sau năm năm đưa cơ chế tỷ giá trung tâm đi vào hoạt động, lần đầu tiên tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) niêm yết đi xuống khi kết thúc năm, với mức giảm 0,1% của năm 2020 vừa qua. Thực tế tiền đồng đã đứng trước sức ép tăng giá so với đô la Mỹ trong nửa cuối năm 2020 và hầu hết dự báo cho thấy áp lực này sẽ tiếp tục duy trì trong năm 2021.

Trước triển vọng đô la Mỹ trên thị trường quốc tế sẽ tiếp tục suy yếu, nguồn cung ngoại tệ trong nước tiếp tục dồi dào nhờ hoạt động thương mại và thu hút vốn đầu tư, xu hướng tiền đồng mạnh lên so với đô la Mỹ có lẽ là tất yếu, nhất là khi mới đây Bộ Tài chính Mỹ cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ khiến công cụ mua ngoại tệ của nhà điều hành để điều tiết tỷ giá sẽ thêm phần bị hạn chế.

Điều này, trong khi khiến hoạt động xuất khẩu rơi vào thế bất lợi, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, nhưng đồng thời cũng có thể mang lại những ảnh hưởng tích cực, như giúp giá các mặt hàng nhập khẩu rẻ hơn, giảm bớt gánh nặng thanh toán nợ nước ngoài, hay thị trường chứng khoán cũng có thể hưởng lợi trước xu hướng tiền đồng mạnh lên.

Thứ nhất, dù trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ đã giảm về 0% kể từ cuối năm 2015, cộng thêm tình trạng đô la hóa đã giảm xuống đáng kể trong thời gian qua, dẫn đến tiền gửi ngoại tệ tại nhiều ngân hàng cũng giảm dần so với thời kỳ đỉnh cao trước đây, nhưng không ít người trong năm năm qua vẫn duy trì việc nắm giữ đô la Mỹ với kỳ vọng một đồng ngoại tệ mạnh như đô la Mỹ sẽ chống lại sức xói mòn của lạm phát và xu hướng mất giá xuyên suốt của tiền đồng trong nhiều năm qua.

Thực tế quá khứ cũng cho thấy tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ do NHNN niêm yết luôn duy trì xu hướng đi lên trong nhiều năm qua và có những thời điểm đô la Mỹ tăng giá khá mạnh so với tiền đồng, đặc biệt trên thị trường tự do, trước những ảnh hưởng địa chính trị, nhu cầu đầu tư an toàn nơi đô la Mỹ hay chính sách phá giá của Trung Quốc đối với nhân dân tệ.

Nhưng từ cuối năm 2020 đến nay, mọi diễn biến dường như đang đi ngược lại, khi đô la Mỹ đã, đang và sẽ có khả năng tiếp tục giảm giá trên thị trường quốc tế lẫn trong nước, trong khi chính sách trần lãi suất tiền gửi đô la Mỹ vẫn sẽ duy trì xuyên suốt ở 0% và nhà điều hành cũng kiểm soát chặt chẽ việc huy động tiền gửi đô la lách lãi suất của các ngân hàng. Có lẽ động lực giữ đô la không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, nguồn vốn tiền gửi ngoại tệ hoặc sẽ chuyển sang tiền đồng hoặc có thể chạy vào các kênh đầu tư khác như chứng khoán để tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn. Với mặt bằng lãi suất tiền đồng quá thấp như hiện nay, trong khi thị trường chứng khoán bứt phá thời gian qua và được dự báo vẫn tích cực trong dài hạn, kênh chứng khoán rõ ràng đang hấp dẫn hơn nhiều.

Khối ngoại trở lại và sự hưởng lợi của doanh nghiệp từ tỷ giá

Tiền đồng tăng giá cũng giúp thu hút dòng vốn ngoại trở lại với thị trường chứng khoán Việt Nam khi rủi ro tỷ giá không còn. Nhà đầu tư nước ngoài đã có một năm 2020 bán ròng kỷ lục, nếu không tính những giao dịch thỏa thuận khủng diễn ra tại một số doanh nghiệp lớn, nhưng hầu hết giới phân tích đều dự báo dòng vốn của khối ngoại sẽ quay trở lại trong năm 2021.

Ngoài các yếu tố như Việt Nam được nâng tỷ trọng trong chỉ số MSCI Frontier Market 100, hay có cơ hội sớm được nâng hạng trong thời gian tới, cũng như những thay đổi về tình hình địa chính trị, chính sách quản lý, đánh thuế dòng vốn đầu tư của các nền kinh tế lớn có thể tiếp tục thúc đẩy dòng vốn quốc tế dịch chuyển, thì rủi ro tỷ giá của tiền đồng xuống thấp hơn cũng là một trong những động lực quan trọng ảnh hưởng lên quyết định rót vốn đầu tư của nhà đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, với rủi ro tiền đồng mất giá không còn, các doanh nghiệp đang vay ngoại tệ cũng sẽ hưởng lợi. Đơn cử như trường hợp của Tổng công ty Phát điện 3 (PGV), với nợ vay gần 51.685 tỉ đồng tính đến cuối quí 3-2020 và trong đó chủ yếu là nợ dài hạn bằng đô la Mỹ. Trước đây, mỗi khi tỷ giá đô la Mỹ biến động là công ty ghi nhận lỗ từ chênh lệch tỷ giá rất lớn, cụ thể là hơn 2.600 tỉ đồng trong năm 2018. Trong năm 2019 công ty chỉ lỗ gần 987 tỉ đồng nhờ tiền đồng bớt mất giá hơn.

Riêng trong năm 2020, doanh nghiệp này khả năng sẽ lãi lớn khi chín tháng đầu năm 2020 đã lãi hơn 1.200 tỉ đồng, với quí 3-2020 lãi 545 tỉ đồng, tăng mạnh 426 tỉ đồng, trong đó chủ yếu nhờ lỗ từ chênh lệch tỷ giá thấp hơn 465 tỉ đồng so với cùng kỳ quí 3-2019. Hệ quả là giá cổ phiếu PGV đã tăng khá tốt từ đầu tháng 11 đến nay, với mức tăng hơn 80%.

Ngoài ra, có thể kể đến một số doanh nghiệp khác cũng có tỷ trọng nợ vay bằng đô la Mỹ khá cao, chủ yếu là trong nhóm năng lượng, như Công ty Nhiệt điện Hải Phòng (HND), Thủy điện Sê San 4A (S4A), Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (POW) đều có tỷ trọng này xấp xỉ 60%, thậm chí như Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) lên đến 80%.

Kết quả là lợi nhuận trong năm 2020 của các doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ có sự cải thiện đáng kể nhờ giảm lỗ từ đánh giá lại tỷ giá cuối kỳ và xu hướng này có thể tiếp tục trong năm 2021, thậm chí có thể chuyển từ lỗ sang lãi từ tỷ giá. Diễn biến giá cổ phiếu những doanh nghiệp này đi lên tích cực trong thời gian qua cũng đã phần nào phản ánh niềm tin và triển vọng này.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


NHNN   Trung Quốc   Việt Nam   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...