10/10/2020 13:30  
Doanh nhân ngoài làm kinh tế còn mang trọng trách chia sẻ và lan tỏa những kinh nghiệm thương trường và giá trị đạo đức trong kinh doanh thông qua việc viết sách.

Với chủ đề “Doanh nhân viết sách, giá trị để lại...”, sáng 10/10 buổi tọa đàm đã diễn ra với sự  tham dự của các doanh nhân từng tham gia viết sách và đông đảo bạn đọc.  Đây là sự kiện nằm trong chuỗi các hoạt động Tuần lễ Doanh nhân và Sách 2020 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn phối hợp với Công ty TNHH Đường Sách TP.HCM và Hội xuất bản VN - chi nhánh phía Nam tổ chức.

Với mục đích giới thiệu và lan tỏa những cuốn sách hay có giá trị do chính doanh nhân viết đến với cộng đồng và các bạn trẻ, các diễn giả tham gia tọa đàm-đại diện cho các doanh nhân viết sách đã chia sẻ nhiều câu chuyện về trải nghiệm cũng như gía trị những cuốn sách mà họ đã viết và mang lại cho bạn đọc. 

Chia sẻ lý do viết sách, cụ thể là cuốn sách thứ hai vừa xuất bản "Phép màu vượt lên chính mình" bà Nhan Húc Quân - Tổng giám đốc Công ty New Toyo cho biết: "Thông qua những câu chuyện thật đã trải qua trong quá trình kinh doanh, cách thức vượt qua khó khăn đó, tôi muốn truyền lại những kinh nghiệm đó trong những cuốn sách của mình, xem đó như một  chiếc gương để nhìn lại, đồng thời là tư liệu tham chiếu để các bạn trẻ và độc giả tham khảo".

Chia sẻ lý do ra đời cuốn sách "Sáng tạo không giới hạn,  ông Phan Minh Thông - Tổng giám đốc Công ty CP Phúc Sinh thì cho rằng, viết sách là một trải nghiệm giảm stress cho bản thân, có thể chia sẻ những nỗi tâm tư trong cuộc sống. Cuốn “Sáng tạo không giới hạn” không hề mang tính dạy dỗ giáo điều mà là những trải nghiệm thực tế trên thương trường nên rất dễ tiếp thu và lĩnh hội. Ông Thông mong muốn sách là thông điệp và ký ức thực tế kinh doanh giúp thế hệ trẻ cảm nhận và đồng hành cùng trải nghiệm của doanh nhân.

Ông cũng kể về trải nghiệm khi làm ăn với khách Colombia, ngay khi công ty trung gian và cũng là phiên dịch rút, đối tác mua hàng thì chỉ biết tiếng Tây Ban Nha, trong khi đó ông lại dùng tiếng Anh để giao dịch, thời điểm đó Google dịch vẫn còn rất sơ khai. Thế là ông cặm cụi thức đến 2-3h sáng mỗi ngày, dùng một phần mềm dịch, dịch thư của đối tác sang tiếng Việt, rồi dịch thư mình hồi đáp sang tiếng Tây Ban Nha, kéo dài vài tháng thì đòi được nợ, đó là những trải nghiệm đáng nhớ.

Gắn với ngành xây dựng gần như cả cuộc đời, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Công ty xây dựng Hòa Bình lại nhận ra cơ hội để ngành xây dựng Việt Nam bứt phá và xuất khẩu thành công ra thị trường nước ngoài. Ông cho biết: 'Cuốn sách "Thập kỷ vàng- trang sử mới" được thực hiện khi tôi đã nhận thấy thị trường xây dựng trong nước chỉ khoảng 16 tỷ USD trong khi nước ngoài có đến 12.000 tỷ USD nên các doanh nghiệp trong nước cần phải tìm cách để chiếm lĩnh và gia tăng thị phần, vì ngành xây dựng  bao phủ rất nhiều loại công trình và chúng ta có đủ tự tin lợi thế cạnh tranh  để vươn ra thế giới".

Theo ông Hải, ngành xây dựng Việt Nam tuy có năng lực cạnh tranh rất cao, giá thành xây dựng mỗi mét vuông chỉ 1/3 thậm chí là 1/4 so với các nước phát triển như Mỹ  và các nước khác, nhưng thường có tâm lý không tự tin, ngại vươn ra biển lớn nên không khai thác hết lợi thế cạnh tranh - bao gồm vật liệu xây dựng giá rẻ nhưng đạt chuẩn quốc tế vì máy móc thiết bị sản xuất được mua sau này nên đều hiện đại và các phương thức thi công quản lý tốt nhất - lợi thế của người đi sau. Có lợi thế cạnh tranh thì các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam sẽ bù đắp cho kinh nghiệm  non nớt khi bước ra thị trường quốc tế, và các doanh nghiệp cần bắt tay nhau để cùng đi. Chính vì thế, ông quyết định viết sách để có thể truyền tải và định hướng tốt hơn cho các doanh nghiệp Việt đặc biệt là ngành xây dựng, giúp doanh nhân ngành này nhận thức rõ vị trí và vai trò của mình.

Giới doanh nhân viết sách đã nhận được nhiều sự quan tâm của độc giả và cộng đồng. Bà Quân cho biết, sau khi xuất bản được gần 15.000 cuốn đến tay người đọc và thế hệ doanh nhân trẻ, bà đã nhận được rất nhiều lời mời hợp tác và tư vấn khởi nghiệp. Ông Hải cũng cho biết, sau khi giới thiệu sách đến báo chí và truyền thông, sách của ông cũng đã tái bản đến 10.000 cuốn. Còn ông Thông sau khi bán sách thì số lượng nhân sự ứng tuyển vào công ty tăng đột biến.

Chia sẻ về cách thức viết sách trong khi khả năng viết của doanh nhân còn một số giới hạn, bà Quân nói: "Khi tôi viết sách, rất nhiều bạn bè ngạc nhiên về khả năng viết và diễn đạt. Song, tôi vẫn tự tin vì tôi viết sách bằng chính cảm xúc , kinh nghiệm có thật của mình nên văn viết cũng ...tự nhiên chảy về để diễn đạt. Để bắt đầu, tôi đã rút ra từ những báo cáo và trải nghiệm thực tế, sau đó nhờ nhà báo Lê Minh Quốc chỉnh sửa để tạo ra một cuốn sách hoàn chỉnh.

Ông Hải thì lại đúc kết từ các sự kiện tổng kết cuối năm rồi chuyển thành các bài viết, sau đó nhiều lần chỉnh sửa chỉn chu mới ra được cuốn sách như ý.

Với bà Phan Thị Tuyết Mai - Tổng giám đốc Công ty Tài Nguyên, lần đầu tập viết sách bằng tay trên trang giấy ô li, chia sẻ trải nghiệm ẩm thực Việt Nam của mình cho thế giới. Đằng sau quyển sách của bà là cả một hành trình dài 8 năm trải nghiệm và chia sẻ cùng người nông dân.

Cuốn sách đã được phát hành trên cửa hàng sách trực tuyến Amazon. Thông qua cuốn sách, bà Mai mong muốn bạn bè quốc tế biết đến nhiều hơn nữa ẩm thực Việt Nam, đồng thời giúp người nông dân định hướng cách tốt nhất để có thể bán sản phẩm do chính mình làm ra đến với thị trường nước ngoài.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Doanh Nhân   HCM   Việt Nam   doanh nghiệp   hợp tác   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...