14/01/2021 7:05  
Rạng sáng 14.1 (theo giờ Việt Nam), Hạ viện Mỹ đã thông qua nghị quyết luận tội Tổng thống Trump với 232 phiếu thuận và 197 phiếu chống, chính thức đưa ông Trump thành tổng thống đầu tiên trong lịch sử Mỹ bị luận tội tới 2 lần trong một nhiệm kỳ.
Lần này, ông Trump bị cáo buộc tội một tội danh duy nhất là "xúi giục bạo loạn", liên quan vụ những người ủng hộ ông xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ giữa lúc đang diễn ra phiên họp chứng nhận chiến thắng cho ông Joe Biden. Vụ bạo loạn khiến cuộc họp bị gián đoạn, 5 người chết và tạo ra một dấu ấn đen tối đối với nước Mỹ.
Cuộc luận tội lần này được xem là chưa từng có tiền lệ bởi lẽ chưa tổng thống nào bị luận tội nhiều hơn một lần; việc luận tội tổng thống cũng chưa từng diễn ra trong ngày cuối nhiệm kỳ và phiên xét xử ở Thượng viện cũng chưa bao giờ diễn ra khi tổng thống đã rời nhiệm sở.
Thêm vào đó, việc 10 hạ nghị sĩ Cộng hòa đã bỏ phiếu đồng ý luận tội Tổng thống Trump đã cho thấy sự chia rẽ trong nội bộ đảng của ông Trump, đồng thời phản ánh sự "mất điểm" của chủ nhân Nhà Trắng.

Tại sao lại là bây giờ?

Nhưng tại sao lại là lúc này, khi ông Trump chỉ còn đúng một tuần làm tổng thống. Khi tham gia tranh luận trước bỏ phiếu luận tội, một số nghị sĩ Cộng hòa đã nêu vấn đề này. Họ - không bảo vệ ông Trump rằng ông vô tội, nhưng cho rằng luận tội lúc này là không nên và có thể tác động xấu tới xã hội Mỹ, đặc biệt là người dân.
Phía Dân chủ thì không nghĩ vậy. Họ quyết tâm luận tội ông Trump nhanh nhất có thể, thậm chí muốn phế truất nhà lãnh đạo này trước khi ông chính thức chuyển giao quyền lực cho ông Joe Biden.
Nhiều khả năng phiên xử ông Trump tại Thượng viện sẽ diễn ra vào chiều 20.1 - sau khi ông Joe Biden nhậm chức và ông Trump đã trở thành cựu tổng thống. Điều này có nghĩa ông Trump có thể sẽ không bị phế truất chức tổng thống. Đảng Dân chủ dĩ nhiên đã đoán định được điều này, nhưng họ vẫn theo đuổi việc xét xử ông Trump.
Theo giới chuyên gia, họ có lý do để làm như thế. Thứ nhất, việc xúc tiến luận tội ông Trump lúc này sẽ ngăn chặn những hành động trong những ngày cuối nhiệm kỳ mà theo phía Dân chủ là nguy hiểm. Thứ hai, phía Dân chủ muốn ông Trump "hết đường" tái tranh cử tổng thống. Điều này đã thể hiện rõ trong phát biểu của lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer ngay sau cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện. Ông Schumer nói nếu Tổng thống Trump bị kết tội tại phiên xét xử ở Thượng viện, viện này sẽ tổ chức bỏ phiếu riêng về việc cấm ông Trump tái tranh cử lần nữa, theo Reuters.
Mục tiêu của đang Dân chủ khá rõ ràng. Ngoài việc xem ông Trump là mối đe dọa thì phe Dân chủ dường như còn coi ông là đối thủ trong tương lai. Bởi lẽ ông Trump đã tỏ rõ ý định tranh cử vào năm 2024 và vẫn còn nhiều người Mỹ muốn ông trở lại Nhà Trắng vào 4 năm sau. Không thể phủ nhận dấu ấn cá nhân quá đậm nét của ông Trump trong lòng nước Mỹ, thậm chí truyền thông còn đề cập "chủ nghĩa Trump". Do đó,  Dân chủ dè chừng và muốn chặn đường quay lại của ông Trump cũng là điều dễ hiểu.

Bài toán của ông Biden

Không ai dám chắc lần luận tội này sẽ có kết quả thế nào, ông Trump có bị kết tội hay không, nhưng những diễn biến này sẽ khiến nước Mỹ thêm phần chia rẽ. Đây sẽ là bài toán dành cho ông Biden, người sẽ nhậm chức trong một tuần tới và đã nêu rõ thông điệp hàn gắn nước Mỹ.
Ở phía tiêu cực, ông Biden sẽ phải nỗ lực hàn gắn khi vẫn còn quá nhiều người giận dữ và tin theo "chủ nghĩa Trump". Họ vẫn coi kết quả bầu cử là gian lận.
Ở phía tích cực, việc xác định được những kẻ làm nước Mỹ loạn, phá hoại nền dân chủ Mỹ đồng thời làm rõ trách nhiệm của Tổng thống Trump có thể giúp ông Biden có được nền tảng vững chãi hơn cho những bước đi tiếp theo của mình sau khi nhậm chức. 

Nguồn tin: thanhnien.vn


Donald Trump   Joe Biden   Mục tiêu   Nhà Trắng   Reuters   Trump   Việt Nam   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...