11/01/2021 8:45  

Ông Nguyễn Xuân Hoàng - Phó Chủ tịch HĐQT Công ty MISA cho biết, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa đã phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo trong những năm gần đây, khi biết tới các lợi ích, hiệu quả xu mà xu hướng này mang lại.

Nhưng phần lớn trong số các doanh nghiệp chưa nắm rõ cách thức để đổi mới và lường trước các khó khăn khi thực hiện đổi mới sáng tạo. Đồng thời, họ cũng chưa biết nên đổi mới công nghệ hay đổi mới sản phẩm.

"Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp quay về mô hình cũ sau 1-2 năm triển khai đổi mới sáng tạo", ông Hoàng chia sẻ tại một toạ đàm trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021.

Ông Nguyễn Quang Long - Giám đốc Kinh doanh khối khách hàng doanh nghiệp ngành hàng di động của Samsung Việt Nam – cho rằng, việc các doanh nghiệp nhỏ và vừa phải tạm dừng chuyển đổi chủ yếu do nguồn lực hạn chế và không nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư khi gặp khó khăn.

Cũng theo ông Long, việc lựa chọn phát triển theo mô hình đổi mới sáng tạo đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự thay đổi về tư duy con người và quyết tâm vượt qua thử thách.

Đề xuất giải pháp gỡ khó cho các doanh nghiệp, ông Nguyễn Phú Cường - Giám đốc marketing của Biti’s cho biết, yếu tố đầu tiên để gia tăng khả năng thành công khi tiến hành đổi mới sáng tạo là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Tiếp đó, cần bổ sung yếu tố mới lạ, độc đáo để sản phẩm dễ dàng được chấp nhận hơn. Cuối cùng, tính toán để đưa yếu tố công nghệ vào sản phẩm.

"Từ việc đổi mới kiểu dáng, chúng tôi dự định nghiên cứu và phát triển sản phẩm giày có thể đo lường chỉ số vận động cho trẻ em, giúp theo dõi sức khỏe hàng ngày", ông Cường chia sẻ.

Về chính sách, ông Lê Đăng Dũng - Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) cho rằng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) – đơn vị sẽ đi vào hoạt động sau vài năm tới - nên chọn một số ngành nghề có khả năng đóng góp lớn nhất cho quốc gia, rồi lựa chọn các doanh nghiệp phù hợp để kết nối và xây dựng mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn quốc.

Ông Dũng cũng cho rằng, chính phủ cần có chính sách hỗ trợ những yếu tố mà các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo cần, gồm: thủ tục hành chính, đào tạo, nhân lực, tiếp cận thị trường, nguồn vốn. Bên cạnh đó là hỗ trợ về thuế, phí và khung khổ pháp lý để cấp phép cho những sản phẩm, dịch vụ mới.

“Những vấn đề mới hiện nay được tiếp nhận chậm, trong khi chuyển đổi số thì cái gì cũng mới”, ông Dũng chia sẻ.

Cuối cùng, vị Quyền Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho rằng cần thúc đẩy những tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam – những đơn vị sở hữu hệ sinh thái sản phẩm về công nghệ và tiềm lực lực tài chính, nhân lực dồi dào - tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo.

Ông Dũng cho biết doanh nghiệp do ông lãnh đạo mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp trong mạng lưới này, thậm chí sẵn sàng nhận vai trò tiên phong trong quá trình xây dựng xã hội số tại Việt Nam.

Ông Marcin Miller - Phó giám đốc hợp danh của McKinsey Việt Nam cho rằng cần xây dựng môi trường để các chủ thể, các bên liên quan, gồm: Chính phủ, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ có thể kết nối và phối hợp với nhau, nếu muốn thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo đó, Chính phủ và các cơ quan quản lý sẽ thúc đẩy cơ chế chia sẻ kinh nghiệm giữa các đơn vị tham gia. Còn các doanh nghiệp Việt Nam phải thực sự tham gia đầu tư vào các giải pháp khoa học công nghệ.

“Điều quan trọng đó là tất cả các bên liên quan đều phải có vai trò bằng nhau trong việc định hình trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia”, ông Marcin Miller cho biết

Theo Phó giám đốc hợp danh của McKinsey Việt Nam, mô hình này đã được áp dụng thành công tại Singapore. Cụ thể, hệ sinh thái khởi nghiệp và sáng tạo Block71 với sự kết hợp giữa Đại học quốc gia Singapore, Tập đoàn SingTel và Chính phủ Singapore đã tạo ra khoảng 65% số doanh nghiệp khởi nghiệp thành công tại quốc gia này.
 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Chính phủ   Kinh doanh   Tập đoàn   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...