07/01/2021 16:25  
Ông Mai Hồng Anh, đại diện MobiFone cho rằng mọi sáng kiến thúc đẩy 5G cần theo đuổi lợi của người dùng cuối, tạo giải pháp tiện lợi, an toàn nhất.
Mới nhất Cũ nhất
  • 16h14

    Hành trình tiếp cận 5G của Oppo

    Ông Văn Bá Luýt - Giám đốc Sản phẩm Oppo Việt Nam chia sẻ về hành trình nghiên cứu 5G cũng như thử nghiệm 5G tại Việt Nam của Oppo. Theo đó, Oppo có 7 năm nghiên cứu tại thị trường Việt Nam, cam kết phủ rộng hệ thống 5G tại thị trường này.

    Ông Văn Bá Luýt cho biết Oppo dành nhiều năm để nghiên cứu 5G. Trước đó năm 2018 Oppo đã thử nghiệm 3D đầu tiên và cuộc gọi video call đầu tiên trên thiết bị 5G. Tháng 5/2019, Oppo đã thương mại hóa sản phẩm 5G tại thị trường châu Âu, xây dựng hệ thống cho khách hàng trải nghiệm hệ thống khách sạn trên thế giới, hợp tác với nhiều doanh nghiệp thử nghiệm sản phẩm 5G. Oppo còn thực hiện phổ cập 5G trên smartphone cũng như nhiều thiết bị khác, trong đó có kính thực tế ảo AR (Oppo AR Glass). Theo đó, Oppo ra mắt phiên bản đầu tiên năm 2019, phiên bản thứ hai ra mắt năm 2020. Với sản phẩm này, ông Văn Bá Luýt kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu của người dùng trong thời gian tới khi sử dụng 5G.

  • 16h05

    Đại diện Huawei Việt Nam chia sẻ số liệu, qua giai đoạn phòng chống Covid-19, các ứng dụng phòng chống dịch dựa trên 5G đã được triển khai tại nhiều địa phương tại Trung Quốc, góp phần tăng hiệu quả phòng chống dịch. Quá trình xây dựng bệnh viện dã chiến chỉ diễn ra trong 16 ngày, hình ảnh về quá trình được truyền về các cơ quan truyền thông bằng 5G, giúp người dân xem trực tiếp được quá trình xây dựng bệnh viện. Điều này chỉ diễn ra nhờ 5G tạo kết nối nhanh chưa từng có.

    Trong lĩnh vực giao thông, 5G được ứng dụng vào xe tự hành, xe điều khiển từ xa, đã được ứng dụng tại Nội Mông, Trung Quốc, một mỏ đất hiếm, nơi điều kiện đường sá khó khăn. Nếu sử dụng xe tải thông thường chở quặng ra ngoài thì đường đi rất xấu, môi trường độc hại. Đến khi triển khai mô hình xe không người lái, vận tốc xe đạt đến 30 km/h, gấp ba lần thông thường và không cần tài xế, giảm thiểu rủi ro đến sức khỏe của con người khi tham gia những môi trường độc hại, khó khăn.

    Trong khi đó tại Việt Nam, xây dựng thành phố thông minh cũng là lĩnh vực phù hợp để triển khai 5G. Trong lĩnh vực năng lượng, 5G phù hợp triển khai đo lường mức độ tiêu thụ điện năng. Chẳng hạn tại một nhà máy điện, có thể sử dụng thiết bị bay không người lái để giám sát vận hành đường dây cao thế. Mỗi ngày có thể kiểm tra 14,5 km một ngày, cao hơn gấp ba lần so với quãng đường 4 km một ngày của một nhân viên điện lực.

    Hay trong lĩnh vực giải trí, 5G hiện thực hóa những công nghệ như TV 4K, 8K. Một số sự kiện văn hóa giải trí đã ứng dụng 5G để phát sóng trực tiếp ở tốc độ truyền tải cực nhanh, độ trễ cực thấp. Nhà đài có thể đặt camera ở sự kiện để quay các góc độ khác nhau, camera truyền tín hiệu qua thiết bị 5G và phát đi, mô hình này đã được triển khai thực tế với mức độ tiết kiệm chi phí, công sức rất cao.

    Vậy làm thế nào để tận dụng cơ hội mà 5G mang lại? Với 4 chủ thể trong một hệ sinh thái, trước hết, Chính phủ đã rất chủ động, sẵn sàng cho công nghệ 5G. Đề án chuyển đổi số quốc gia hay chiến lược quốc gia về công nghiệp 4.0 đã được ban hành. Danh mục 90 sản phẩm công nghệ cao được ưu tiên phát triển có nhiều công nghệ về 5G.

    Ở góc độ người tiêu dùng, qua triển khai 5G thương mại, có thể thấy người tiêu dùng đang rất háo hức. Trong tương lai khi thiết bị đầu cuối 5G được phổ cập với giá rẻ, mức độ sẵn sàng của người dùng sẽ tăng cao. Trên góc độ nhà cung cấp công nghệ như Huawei, 5 năm trước khi 5G đang được nghiên cứu, ông Đặng Kim Long từng hỏi: 5G khác gì thế hệ trước? Câu trả lời là khi triển khai 5G, các nhà cung cấp công nghệ hay thiết bị sẽ phải làm việc cùng nhà mạng và đối tác để xây dựng phát triển ứng dụng. Điều này chưa từng có với 4G hay các thế hệ trước. Thực tế hiện tại Huawei đã kết hợp xây dựng những "open lab" để cùng các nhà mạng, nhà phát triển ứng dụng, đối tác ICT cùng tham gia tìm hiểu mô hình ứng dụng cho các ngành, lĩnh vực khác nhau. Câu chuyện sẵn sàng ứng dụng đòi hỏi sự kết hợp của các bên.

    Trong khi đó các nhà mạng đã nhận ra phải cởi mở. 5G chỉ có thể thành công khi có những dịch vụ sáng tạo dựa trên 5G, khi được nhúng vào các ngành khác nhau, khi các bên hợp tác chặt chẽ.

  • 16h00

    Theo ông Đặng Kim Long, 5G mới bắt đầu triển khai thương mại từ năm 2020, ứng dụng trong mảng sản xuất thông minh gồm robot thông minh. Ở mảng y tế, 5G góp phần phòng chống Covid-19 qua thiết bị robot đo, cảnh báo thân nhiệt từ xa, có thể di chuyển và đo thân nhiệt tự động, phát ra cảnh báo, nhắc nhở những người không đeo khẩu trang trong đám đông...

    Trong y tế, 5G còn hỗ trợ bác sĩ hội chẩn bệnh nhân nhiễm Covid-19. Cụ thể, nhờ hệ thống 5G, bác sĩ sẽ hội chẩn từ xa dựa trên những tấm phim chụp cắt lớp bộ phận của bệnh nhân; người thân cũng có thể thăm viếng bệnh nhân từ xa thông qua các ứng dụng 5G, từ đó giúp bệnh nhân yên tâm điều trị.

  • 15h57

    Trong triển khai 5G, bài toán lớn nhất của nhà mạng là kiếm tiền từ đâu. Suất đầu tư công nghệ 5G rất lớn so với công nghệ di động thế hệ trước. Bên cạnh đó triển khai khó khăn do mật độ mạng dày đặc, không dễ triển khai khu vực ngoài đô thị. Vậy làm thế nào kiếm được tiền? Đại diện Huawei Việt Nam cho rằng có nhiều mảng thu về lợi nhuận. 5G mở ra công nghệ kết nối tốc độ cực cao, độ trễ cực thấp, cho phép ứng dụng hiệu quả vào nhiều lĩnh vực tương lai. 5G là kết nối giữa máy và máy, mở ra thế giới kết nối rất rộng mở không chỉ dành cho người dùng mà còn dành cho nhiều lĩnh vực khác.

    Trong các mảng kinh doanh B2B, B2C, các tổ chức nghiên cứu thị trường dự báo đến 2026, cơ hội mở ra cho B2B trong 5G rất lớn, tạo 620 tỷ USD doanh thu, bao gồm các lĩnh vực giao thông, sản xuất thông minh, năng lượng, dịch vụ công, an ninh công cộng, camera giám sát, y tế, truyền thông - giải trí, dịch vụ tài chính, ngành hàng bán lẻ... Do đó mảng B2B chiếm tỷ trọng rất lớn về cơ cấu doanh thu và khả năng kiếm tiền từ 5G cho các nhà mạng.

  • 15h53

    Chuẩn bị tâm thế chào đón kỷ nguyên kết nối mới

    Bắt đầu phần trình bày, ông Đặng Kim Long - Giám đốc truyền thông Huawei Việt Nam chia sẻ về số liệu nghiên cứu của Huawei về 5G trên thế giới. Cụ thể, đại diện Huawei cho biết rên toàn cầu có 409 nhà mạng viễn thông tham gia xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn cho 5G, trong đó 118 nhà mạng thương mại triển khai 5G, 62 nhà mạng sử dụng thiết bị 5G của Huawei.

    Lý giải về việc nhiều nhà mạng sử dụng thiết bị của Huawei, ông Đặng Kim Long cho biết Huawei đã đầu tư nghiên cứu 5G từ nhiều năm trước. Đồng thời, công ty cũng dành 15% tổng doanh thu cho hoạt động R&D, đầu tư 4,5 tỷ USD cho công nghệ 5G, nắm giữ 20% tổng số lượng bằng sáng chế về 5G trên thế giới. Cùng với đó, khi bắt đầu nghiên cứu công nghệ 5G, Huawei nghiên cứu từ công nghệ về chip, tiêu chuẩn, vật liệu mới cho công nghệ 5G.

  • 15h50

    Độc giả tiếp tục đặt câu hỏi về khả năng tiếp cận của người dùng phổ thông với thiết bị 5G. Ông Nguyễn Minh Quân cho rằng người dùng phân khúc trung bình khá năng động với đa số là người dùng trẻ, sẵn sàng tiếp cận công nghệ, sản phẩm mới. Do đó Samsung sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đó với những sản phẩm, thiết bị thuộc mọi phân khúc. Trong quý I sẽ có những thiết bị 5G phù hợp nhiều đối tượng người dùng hơn, đại diện Samsung Vina nói.

  • 15h49

    Chúng ta đã khai thác hết sức mạnh của 4G chưa, liệu có nên thay đổi 5G thời điểm này hay không là câu hỏi tiếp theo của khán giả dành cho các diễn giả tại sự kiện. Trả lời vấn đề, ông Mai Hồng Anh cho rằng mạng 4G Việt Nam đã được triển khai từ năm 2015, các nhà mạng hiện vẫn đang đầu tư 4G để tiếp tục phủ sóng. Với dịch vụ hiện tại và các công nghệ hiện tại, mạng 4G vẫn được sử dụng tốt. Do đó, mạng 4G sẽ tiếp tục phát huy trong giai đoạn dài nữa. Năm 2025 Việt Nam vẫn sử dụng 80% mạng 4G và tiếp tục phát triển 5G.

  • 15h40

    Một khán giả tham gia tại diễn đàn đặt vấn đề về "địa phương hóa sản xuất" cho ông Mai Hồng Anh. Trả lời vấn đề này, ông Mai Hồng Anh đánh giá tốc độ của 5G rất cao, độ trễ thấp, giúp người dùng có khả năng thực hiện công việc ở những vùng xa, kết nối vạn vật bằng IoT, thực tế ảo... Theo đó, địa phương hóa sản xuất chính là việc các địa phương có thể tận dụng 5G để tự sản xuất, chẳng hạn các bệnh viện địa phương cũng có thể mổ từ xa mà không cần đưa bệnh nhân đến các bệnh viện lớn nữa.

  • 15h35

    Trước những cơ hội lớn, làm sao đẩy nhanh tiến trình phủ sóng 5G? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Minh Quân từ Samsung Vina cho rằng trải nghiệm người dùng là ưu tiên hàng đầu. Từ tháng 1, Samsung giới thiệu hàng loạt thiết bị mới sử dụng được 5G để người dùng đam mê cái mới có trải nghiệm vượt trội, 5G kèm theo những trải nghiệm về giải trí, công việc... Bên cạnh đó không chỉ dòng sản phẩm cao cấp, tập đoàn cũng sẽ mở rộng phân khúc trung cấp. Lượng lớn người dùng trung cấp cần có cơ hội tiếp cận 5G với chi phí vừa phải.

    Còn ông Mai Hồng Anh cho rằng, 5G có ba điểm mạnh, ba đặc tính để cung cấp các mảng dịch vụ như đã nói. Nhưng hạn chế của 5G là khả năng chuyển sóng. Để phủ sóng diện tích tương đương các thế hệ trước, cần đầu tư trạm nhiều hơn. Nói thế không có nghĩa doanh nghiệp không thực hiện. 5G là xu thế tất yếu. Đặc biệt trong năm 2020 có hai quyết định quan trọng của Chính phủ, bao gồm quyết định về chương trình chuyển đổi số quốc gia, và quyết định về chương trình quốc gia công nghiệp 4.0.

    Chính phủ đã đặt ra vấn đề Chính phủ điện tử, Chính phủ số, trong đó 5G là nền tảng, là cơ sở hạ tầng cho những dịch vụ chuyển đổi số số ở cấp độ quốc gia. Do đó tiến trình của nhà mạng phụ thuộc chỉ đạo sát sao của Chính phủ. Làm sao đến 2025, lượng phủ sóng 4G, 5G ở mức 80%. Mỗi doanh nghiệp sẽ tùy tình hình, chiến lược kinh doanh, sẽ có sự phát triển tương thích theo lộ trình của Chính phủ, đạt yêu cầu của xu hướng 4.0 cũng như chuyển đổi số quốc gia. Doanh nghiệp cam kết đồng hành để thúc đẩy phát triển 5G xứng đáng với vị thế tiên phong.

  • 15h30

    Về phần dự đoán 5G sẽ phủ sóng tại Việt Nam trong bao lâu, vượt qua những khó khăn gì, ông Lương Phạm Nam Hoàng - đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng 5G không còn là dự đoán mà đã nằm trong chính sách của Chính phủ. 5G hiện đã trở nên phổ biến, đến năm 2030 sẽ phổ cập đến tất cả người dùng, ai ai cũng được dùng 5G. Đây cũng là cam kết của Chính phủ.

    Về dự đoán, trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, ông Nam Hoàng cho rằng nếu có những sự kiện nào khác đặc biệt hơn Covid-19, thì có thể Việt Nam sẽ triển khai 5G nhanh hơn nữa.

    Tuy nhiên, gánh nặng hiện tại vẫn đè lên nhà mạng. Để bắt đầu 5G thật sự, một doanh nghiệp phải cần từ 1-1,5 tỷ USD để phát triển cơ sở hạ tầng. Do đó, về phía người dùng (bao gồm cả người dùng cá nhân và người dùng doanh nghiệp), cần có sự ủng hộ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn nếu doanh nghiệp không sử dụng sensor hoặc người dân không chịu chuyển sim 5G thì nhà mạng sẽ rất khó để triển khai 5G.

    "Để triển khai, cần có sự đồng hành từ phía nhiều chủ thể, phối hợp một cách chặt chẽ, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Đây là cơ hội để Việt Nam tận dụng vượt lên", đại diện đại diện Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định.

    table widget

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Huawei   Trung Quốc   Việt Nam   chiến lược   chính sách   diễn đàn   doanh nghiệp   dịch vụ   hợp tác   khán giả   sáng tạo   sản xuất   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...