07/01/2021 16:05  
1">
Ông Biden chính thức thắng cử
Theo xác nhận mới nhất tại phiên họp lưỡng viện, ông Joe Biden đã nhận được 270 phiếu, chính thức trở thành tổng thống kế tiếp của Mỹ. Tuy nhiên, quá trình xác nhận sẽ vẫn được tiếp tục cho đến khi hoàn tất toàn bộ 50 tiểu bang.
Kết quả ngã ngũ tại Pennsylvania
Lưỡng viện quốc hội Mỹ hôm 7.1 đã bỏ phiếu bác bỏ đơn khiếu nại kết quả bầu cử tại bang Pennsylvania, cũng là nỗ lực thứ hai nhưng thất bại của đảng Cộng hòa nhằm lật lại kết quả bầu cử tại bang này. Với 38 tiểu bang đã xác nhận kết quả bầu cử tính đến giờ phút này, quốc hội Mỹ tiếp tục phiên họp xuyên đêm nhằm hoàn tất việc xác nhận toàn bộ kết quả tại 50 tiểu bang, chính thức mang lên chiến thắng cho ông Joe Biden.
Thượng viện bác khiếu nại kết quả bầu cử tại bang Pennsylvania
Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu bác bỏ đơn khiếu nại kết quả bầu cử tại bang Pennsylvania, với 92 phiếu bác bỏ và 7 phiếu ủng hộ đơn.
Lại thêm phản đối, lại tranh luận
Kết quả kiểm phiếu đại cử tri tại bang Pennsylvania bị phản đối tại cuộc họp lưỡng viện. Phó tổng thống Mike Pence đã xác nhận việc phản đối đủ điều kiện khi đáp ứng yêu cầu tối thiểu có một thượng nghị sĩ và một hạ nghị sĩ ký đơn phản đối. Như vậy thượng viện và hạ viện sẽ có phiên tranh luận riêng và bỏ phiếu đối với đơn phản đối, với thời gian tối đa trong 2 giờ.
Trước đó, việc phản đối kết quả tại bang Michigan và Nevada có phản đối từ hạ nghị sĩ, nhưng không được chấp nhận do thiếu điều kiện phải có tối thiểu một thượng nghị sĩ tham gia phản đối.
Văn phòng Chủ tịch Hạ viện như ‘bãi chiến trường’ sau vụ náo loạn
Theo CNN, những người xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ đã gây thiệt hại và xáo trộn tại văn phòng của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi. Những kẻ náo loạn đã tháo bảng tên trước cửa văn phòng của bà Pelosi. Bên cạnh đó, các trợ lý cho hay những kẻ đó còn đập vỡ một tấm gương trong văn phòng. Nhiều giấy tờ cũng bị vứt ngổn ngang trên sàn.
 
Trước khi bị gián đoạn vì người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội, lưỡng viện Mỹ mới đếm được 12 phiếu đại cử tri. Hiện số phiếu dành cho ông Joe Biden đã tăng lên 88 và 47 cho Tổng thống Trump.
Lưỡng viện quốc hội tiếp tục họp thông qua kết quả kiểm phiếu
Sau khi Thượng viện và Hạ viện có phiên tranh luận và bỏ phiếu riêng, bác bỏ phản đối kết quả bầu cử tại bang Arizona, phiên họp lưỡng viện lại tiếp tục. Các bang Arkansas (bầu cho Tổng thống Trump) và California (bầu cho ông Biden) đã được thông qua mà không có sự phản đối nào.
Người phụ nữ bị bắn là cựu chiến binh?
Truyền thông Mỹ đưa tin người phụ nữ bị bắn chết tại tòa nhà Quốc hội Mỹ là Ashli Babbitt đến từ San Diego (California). Bà Babbitt là cựu binh từng phục vụ trong Không quân Mỹ và bị bắn khi xông vào cùng những người khác. Bà được đưa đến bệnh viện nhưng đã không qua khỏi. Fox5 dẫn lời mẹ chồng bà Babbitt cho rằng cựu binh này là người ủng hộ Tổng thống Trump.
4 người chết, 52 người bị bắt
Cảnh sát trưởng thủ đô Washington Robert J. Contee thông báo 4 người thiệt mạng và 52 người bị bắt trong vụ nhiều người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào trụ sở quốc hội, theo Reuters.
Nghị sĩ lưỡng viện trở lại phiên họp
Sau cuộc bỏ phiếu về việc phản đối kết quả bầu cử ở Arizona, các nghị sĩ Hạ viện và thượng viện tiếp tục trở lại cuộc họp chung của lưỡng viện để đếm phiếu đại cử tri.
Thượng viện Josh Hawley thuộc đảng Cộng hòa vẫn sẽ tiếp tục ý định phản đối kết quả bầu tổng thống ở bang chiến địa Pennsylvania. Theo đó, hạ viện và thượng viện sẽ tiếp tục vòng tranh luận thứ 2 và sẽ bỏ phiếu về việc phản đối này, theo CNN.
Toàn bộ mật vụ Mỹ được điều động
Theo CNN dẫn nguồn thạo tin, lực lượng mật vụ Mỹ đang được điều động thêm đến các khu vực ở Nhà Trắng, Đài quan sát Hải quân và trụ sở mật vụ sau tình trạng hỗn loạn tại tòa nhà Quốc hội.
Theo đó, mật vụ cũng chính là lực lượng liên bang đầu tiên được điều động khi cảnh sát tại điện Capitol đề nghị các lực lượng địa phương và liên bang hỗ trợ. Trong số lực lượng bổ sung, có nhiều mật vụ mặc thường phục tăng cường bảo vệ Phó tổng thống Pence và Phó tổng thống tân cử Kamala Harris tại điện Capitol.
Hạ viện bác bỏ nỗ lực phản đối kết quả bầu cử
Hạ viện bác bỏ nỗ lực của phe Tổng thống Trump phản đối kết quả bầu cử tổng thống ở bang chiến địa Arizona, với 303 phiếu chống và 121 phiếu ủng hộ, theo Reuters.
Washington D.C. sẽ gia hạn tình trạng khẩn cấp
Thị trưởng thủ đô Washington D.C Muriel Bowser thông báo bà sẽ gia hạn việc ban bố tình trạng khẩn cấp tới 15 ngày, sau khi những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào trụ sở quốc hội. Theo đó, việc ban bố tình trạng khẩn cấp có hiệu lực cho tới ngày 21.1, một ngày sau khi Tổng thống tân cử Joe Biden nhậm chức.
Thượng viện bác bỏ phản đối kết quả ở Arizona, điều gì xảy ra tiếp theo?
Sau khi Thượng viện bác bỏ phản đối kết quả bầu cử ở Arizona, lãnh đạo đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho hay quốc hội sẽ phải chờ Hạ viện bỏ phiếu.
“Chúng ta còn vài phát biểu phải chờ tại Hạ viện để kết thúc tranh luận của họ và bỏ phiếu. Dự kiến Hạ viện sẽ hoàn tất bỏ phiếu về Arizona từ 23 giờ 30 đến nửa đêm (giờ địa phương, 11 giờ 30 – 12 giờ theo giờ VN)”, ông cho hay.
Thượng viện bác phản đối kết quả bầu cử Arizona
Thượng viện vừa bỏ phiếu về việc phản đối phiếu bầu đại cử tri bang Arizona. Có 93 phiếu bác bỏ yêu cầu này, và chỉ 6 phiếu thuận.
Hạ viện vẫn còn đang tranh luận về yêu cầu phản đối này.
Nếu đa số nghị sĩ lưỡng đảng bác bỏ phản đối, phiên họp chung của quốc hội sẽ tiếp tục kiểm phiếu của cử tri đoàn tại hạ viện.
Sẽ có thêm phản đối kết quả bầu cử?
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Josh Hawley vẫn có kế hoạch phản đối kết quả bầu cử tại bang Pennsylvania, theo văn phòng của ông Hawley.
Thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện kêu gọi phế truất Tổng thống Trump
Các thành viên Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ đang kêu gọi Phó tổng thống Mike Pence và các thành viên nội các của Tổng thống Trump kích hoạt Tu chính án 25 nhằm phế truất ông Trump, theo CNN dẫn thông báo tối 6.1 từ các thành viên của ủy ban.
Chánh văn phòng Đệ nhất phu nhân Melania Trump từ chức
Bà Stephanie Grisham, cựu giám đốc truyền thông Nhà Trắng và hiện là chánh văn phòng của đệ nhất phu nhân Melania Trump, vào sáng 7.1 (giờ Việt Nam), nộp đơn từ chức có hiệu lực ngay lập tức, sau khi đám đông xông vào tòa nhà quốc hội trong lúc các nghị sĩ tranh luận.
Một số thành viên nội các tính chuyện “trục xuất” ông Trump?

Nhiều thành viên nội các Mỹ đang thảo luận việc kích hoạt Tu chính án 25 nhằm phế truất Tổng thống Trump, theo Đài CNN dẫn nguồn từ đảng Cộng hòa.

Ông Trump "cấm cửa" Chánh văn phòng Phó tổng thống
Tổng thống Trump nói với mọi người rằng ông đã cấm Chánh văn phòng Marc Short của Phó tổng thống Mike Pence đến Cánh Tây (có Phòng Bầu dục) ngay từ ngày 6.1.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bình luận gì?
Phản ứng về cuộc náo loạn ở trụ sở quốc hội Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên Twitter rằng ông “có niềm tin vào sức mạnh của nền dân chủ ở Mỹ”.
3 trợ lý Nhà Trắng đang cân nhắc từ chức sau bạo loạn Capitol
Trong khi đó, nhiều cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump, kể cả Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien, đang tính chuyện từ chức nhằm phản ứng về vụ náo loạn tại tòa nhà Quốc hội.
Bên cạnh ông O’Brien, các quan chức khác dự định từ chức gồm phó cố vấn an ninh quốc gia Matt Pottinger, phó chánh văn phòng Nhà Trắng Chris Liddell. Cả 3 quan chức trên đều dự định từ chức ngay trong đêm 6.1 (giờ địa phương).
Tổng thống Trump kêu gọi nghị sĩ tiếp tục phản đối
Tổng thống Trump đang kêu gọi các thượng nghị sĩ tiếp tục với việc phản đối chứng nhận chiến thắng của cựu Phó tổng thống Joe Biden, theo một nguồn thạo tin tiết lộ với CNN. Nguồn tin cho rằng rất có khả năng thượng nghị sĩ Josh Hawley sẽ tiếp tục phản đối kết quả bầu cử tổng thống ở bang chiến địa Pennsylvania.
Tổng thống Brazil tiếp tục ủng hộ Tổng thống Donald Trump
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro ngày 6.1 lặp lại cáo buộc gian lận bầu cử Mỹ và tiếp tục ủng hộ Tổng thống Donald Trump, theo Reuters. Ông Bolsonaro cho biết thêm ông đã theo dõi vụ nhiều người biểu tình ủng hộ Tổng thống Trump xông vào trụ sở quốc hội. Ông Bolsonaro lâu ngay ngưỡng mộ Tổng thống Trump và là một trong những nhà lãnh đạo công nhận muộn chiến thắng của ông Joe Biden.
Thêm 2 thượng nghị sị Cộng hòa đổi ý, không phản đối kết quả bầu cử
Hai thượng nghị sĩ Cộng hòa Steve Daines và James Lankford cho hay họ sẽ bỏ phiếu ủng hộ kết quả bầu cử, sau tình trạng hỗn loạn ở tòa nhà Quốc hội. Cả 2 ra thông cáo cho rằng ngày 6.1 là “một ngày buồn cho đất nước chúng ta”.
“Giờ đây chúng ta cần toàn bộ Quốc hội hợp lại cùng nhau và chứng nhận kết quả bầu cử. Chúng ta phải đứng với nhau như những người Mỹ. Chúng ta phải bảo vệ Hiến pháp và luật lệ”, theo thông cáo.
Thượng nghị sĩ Loeffler: "Sau sự kiện hôm nay, tôi không phản đối kết quả nữa"
Thượng nghị sĩ bang Georgia Kelly Loeffler (đảng Cộng hòa) tuyên bố tại cuộc họp đếm phiếu đại cử tri của lưỡng viện quốc hội rằng sau khi chứng kiến sự náo loạn tại tòa nhà quốc hội, bà không còn phản đối việc chứng nhận kết quả cho ông Biden đắc cử nữa.
Thống đốc New York gửi 1.000 Vệ binh Quốc gia đến Capitol
Thống đốc New York Andrew Cuomo nói ông đang điều 1.000 lính Vệ binh Quốc gia đến thủ đô Washington, theo đề nghị của Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ, nhằm “hỗ trợ và tạo điều kiện chuyển giao quyền lực hòa bình".
“Trong 244 năm, nền tảng dân chủ của chúng ta là việc chuyển giao quyền lực ôn hòa, và New York sẵn sàng giúp đảm bảo ý chí của người dân Mỹ được thực hiện, một các an toàn và quả quyết”, theo ông Cuomo.
Các vệ binh quốc gia sẽ được điều động trong thời gian lên đến 2 tuần. Ông Cuomo khẳng định sự điều động này không ảnh hưởng đến nỗ lực đối phó đại dịch Covid-19 tại New York.
Thắng ở Georgia, Dân chủ kiểm soát cả Hạ viện và Thượng viện
Với việc hai thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ là ông Jon Ossoff và ông Raphael Warnock giành chiến thắng tại bang Georgia, đảng Dân chủ hiện kiểm soát được thượng viện. Đảng Dân chủ cũng đã kiểm soát hạ viện Mỹ.
Lại tiếp tục có phản đối kết quả bầu cử
Sau khi trở lại cuộc họp, Quốc hội Mỹ tiếp tục tranh luận về đơn phản đối kết quả đếm phiếu đại cử tri tại bang Arizona. Một nhóm thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ có kế hoạch phản đối thêm đối với kết quả phiếu đại cử tri tại ít nhất tại 2 bang nữa.
Nghị sĩ Dân chủ: Không gọi kẻ bạo loạn là người biểu tình
Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer nói rằng “chúng ta giờ đây thêm ngày 6.1 vào danh sách rất ngắn những ngày trong lịch sử Mỹ sẽ còn mãi về tiếng xấu”. Ông cho rằng không nên gọi những kẻ xông vào điện Capitol là người biểu tình mà nên gọi là “khủng bố nội địa” và “không đại diện cho nước Mỹ”. Ông khẳng định việc đếm phiếu sẽ hoàn tất trong đêm 6.1 (giờ địa phương).
Lãnh đạo Cộng hòa tại Thượng viện: Nhiệm vụ quan trọng là công nhận tổng thống tiếp theo
Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnel cho rằng Quốc hội Mỹ đã đối diện “những mối đe dọa lớn hơn nhiều so với đám đông mất phương hướng” vào hôm nay. “Họ cố gắng gây gián đoạn nền dân chủ của chúng ta. Họ đã thất bại”. Ông cho biết nhiệm vụ quan trọng về việc công nhận chính thức tổng thống tiếp theo sẽ được hoàn tất.
Ông Pence: Ai phá hoại Điện Capitol hôm nay đã không chiến thắng
Phó tổng thống Mike Pence chỉ trích vụ nổi loạn tại điện Capitol. “Những ai đã phá hoại tại điện Capitaol hôm nay đã không chiến thắng. Bạo lực không bao giờ thắng. Tự do thắng. Đây vẫn là ngôi nhà của mọi người. Khi chúng ta tập trung trở lại trong gian phòng này, thế giới sẽ lại chứng kiến sự kiên trì và sức mạnh của nền dân chủ của chúng ta”.
Ông Obama: Vụ bạo loạn là do Tổng thống Trump kích động
Cựu Tổng thống Brack Obama khẳng định vụ xông vào trụ sở quốc hội vào ngày 6.1 là do Tổng thống Trump kích động. “Lịch sử sẽ nhớ vụ bạo lực của ngày hôm nay tại Capitol, bị kích động bởi một tổng thống đương nhiệm liên tục nói dối một cách vô căn cứ về kết quả của một cuộc bầu cử hợp pháp, là sự ô danh và xấu hổ của đất nước chúng ta”, ông Obama nhấn mạnh trong thông báo, theo Reuters.
Thượng viện bắt đầu nhóm họp để tiếp tục quy trình đếm phiếu đại cử tri.
Tổng chưởng lý quận Columbia Karl Racine kêu gọi Phó tổng thống Mike Pence tổ chức cuộc họp nội các để kích hoạt Tu chính án 25 nhằm phế truất Tổng thống Trump.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, người giữ chức bộ trưởng quốc phòng đầu tiên dưới thời Tổng thống Trump, nói rằng cuộc tấn công vào tòa nhà quốc hội Mỹ là do “ông Trump kích động”.
Hàng không Mỹ sẽ không cho người xông vào tòa nhà quốc hội bay
Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên Hàng không-CWA, liên đoàn lao động đại diện cho tiếp viên tại hơn 10 hãng hàng không Mỹ cho biết những người xông vào tòa nhà quốc hội sẽ không được phép rời Washington trên các chuyến bay thương mại.
Nghị sĩ Mỹ quay về phòng họp
Một nhóm các thượng nghị sĩ từ cả hai viện đã rời khỏi chỗ trú ẩn an toàn trong khuôn viên tòa nhà Quốc hội và hiện đang tiến về các phòng họp để tiếp tục quá trình kiểm phiếu đại cử tri.
13 người bị bắt giữ
Đến nay, cảnh sát thủ đô Washington D.C đã bắt giữ ít nhất 13 người biểu tình quá khích và thu giữ nhiều vũ khí.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham kêu gọi khởi tố những kẻ bạo loạn đã xông vào tòa nhà Quốc hội “ở mức tối đa của pháp luật”.
Quan chức Nhà Trắng từ chức
Một quan chức Nhà Trắng cho hay bà Stephanie Grisham, chánh văn phòng của đệ nhất phu nhân Melania Trump, nộp đơn từ chức và có hiệu lực lập tức, sau biểu tình bạo lực. Bà Grisham là cựu thư ký báo chí Nhà Trắng và là một trong những quan chức phục vụ lâu nhất trong chính quyền của Tổng thống Trump.
Người trúng đạn tại Điện Capitol đã chết
Các phòng của Hạ viện và Thượng viện đang được dọn dẹp để toàn bộ Thượng viện và Hạ viện có thể tiếp tục phiên họp ngay sau 20 giờ ngày 6.1 (giờ Mỹ, tức 8 giờ ngày 7.1, giờ VN), theo tờ The Hill.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã trở lại thượng viện sau khi được sơ tán do quan ngại về an toàn của ông sau khi nhiều người biểu tình xông vào tòa nhà quốc hội, theo tờ The Guardian.
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer cho hay việc đếm phiếu đại cử tri dự kiến bắt đầu vào lúc 20 giờ ngày 6.1 (8 giờ sáng nay 8.1, theo giờ Việt Nam).

Ông Trump đang làm gì?
Một cố vấn tại Nhà Trắng tiết lộ với CNN rằng có những trợ lý của Tổng thống Trump đang trở nên giận dữ vì tổng thống không chịu làm nhiều hơn nữa để chấm dứt cuộc nổi loạn. Họ gần như phải cầu xin ông Trump xuất hiện, ra tuyên bố để xoa dịu tình hình nhưng ông Trump “không muốn làm” nhiều hơn những gì ông đã làm lúc này.
Twitter khóa tài khoản của Tổng thống Trump
Công ty Twitter Inc thông báo tài khoản Twitter của Tổng thống Donald Trump sẽ bị khóa 12 giờ đồng hồ sau khi đã tháo gỡ những dòng tweet của nhà lãnh đạo trước đó trong ngày 6.1 (giờ Mỹ), theo Reuters.
Twitter còn cảnh báo tài khoản @realDonaldTrump của Tổng thống Trump sẽ bị khóa vĩnh viễn nếu có thêm những sự vi phạm quy định của mạng xã hội này. Một nghị sĩ đảng Dân chủ vừa đề nghị Twitter và Facebook gỡ bỏ tài khoản của Tổng thống Donald Trump, theo Reuters.
Nhân viên Nhà Trắng nói lỗi là của ông Trump
Một trợ lý Nhà Trắng tiết lộ với CNN rằng nhiều đồng nghiệp của ông làm việc từ xa và không đến Nhà Trắng trong ngày 6/1. Người này và các đồng nghiệp cho rằng vụ bạo loạn ở tòa nhà quốc hội Mỹ là lỗi của Tổng thống Trump và hành động của những người ủng hộ ông Trump là không thể biện hộ.
Cuộc họp chứng nhận chiến thắng của ông Biden tiếp tục
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi thông báo Quốc hội quyết định tiếp tục phiên họp vào tối 6.1 (tức sáng 7.1 theo giờ Việt Nam) để chứng nhận chiến thắng của Tổng thống tân cử Biden khi tòa nhà Quốc hội được đảm bảo an toàn.
Ngoại trưởng Mỹ lên án vụ nổi loạn ở Quốc hội
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, một đồng minh trung thành của Tổng thống Trump, đã lên án vụ nổi loạn tại Quốc hội Mỹ và khẳng định Mỹ luôn lên án bạo lực chính trị. "Tôi đã đi đến nhiều quốc gia và luôn ủng hộ quyền của mỗi con người được biểu tình trong ôn hòa vì niềm tin và chính nghĩa của họ. Tuy nhiên, bạo lực gây nguy hiểm cho những người khác là không thể chấp nhận được ở trong lẫn ngoài nước”, ông Pompeo viết trên Twitter.
Nghị sĩ Cộng hòa Romney: cuộc nổi dậy do Tổng thống Trump xúi giục
Trong một tuyên bố, thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Mitt Romney mô tả vụ nổi loạn ở Quốc hội là "cuộc nổi dậy do Tổng thống Trump xúi giục". Ông Romney kêu gọi các đồng nghiệp không nên phản đối và sớm hoành thành kiểm phiếu đại cử tri và công nhận Tổng thống tân cử Joe Biden là người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3.11.2020.
Đài CNN dẫn lời nguồn tin tiết lộ Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ đạo các cơ quan ngoại giao ở nước ngoài tạm ngừng hoạt động đăng tải bình luận, bài đăng trên mạng xã hội. Đây là chỉ thị thường được đưa ra trong tình huống có một vụ tấn công khủng bố và thảm họa tự nhiên quy mô lớn.
Facebook và Youtube lần lượt gỡ bỏ video của Tổng thống Trump với lý do kích động bạo lực ở quốc hội Mỹ.
Cú tweet của ông Trump
“Đây là những việc và sự kiện xảy ra khi cuộc chiến thắng bầu cử áp đảo, quan trọng bị tước đi một cách thô lỗ và xấu xa khỏi những người yêu nước bị đối xử tệ hại và không công bằng. Hãy về nhà với tình thương và trong hòa bình. Hãy nhớ mãi ngày hôm nay (6.1)”, Tổng thống Trump viết trên Twitter sau khi nhiều người ủng hộ ông xông vào tòa nhà quốc hội.
Không phải ông Trump mà Phó tổng thống là người điều động Vệ binh quốc gia?
Tờ The New York Times đưa tin chính Phó tổng thống Pence ra lệnh điều động lực lượng Vệ binh Quốc gia, chứ không phải ông Trump.
Cựu Tổng thống George W. Bush vừa ra thông báo lên án vụ những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump xông vào trụ sở quốc hội, gọi đó là vụ việc “gây thất vọng” và “làm đau lòng”, theo CNN.
Người "nổi loạn" vẫn bám trụ ngoài tòa nhà quốc hội
Nhiều người “nổi loạn” vẫn còn ở bên ngoài trụ sở quốc hội khi lệnh giới nghiêm áp đặt cho toàn thủ đô Washington từ 18 giờ ngày 6.1 đến 6 giờ ngày 7.1 (giờ Mỹ) vừa có hiệu lực, theo CNN. Lệnh giới nghiêm được thị trưởng Muriel Bowser đưa ra sau khi những người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump tràn vào trụ sở quốc hội, khi các nghị sĩ họp để đếm phiếu đại cử tri và chứng nhận kết quả bầu cử tổn thống Mỹ năm 2020.
Giới lãnh đạo Hạ viện Mỹ đang nỗ lực hoàn tất quá trình chứng nhận kết quả bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vào tối 6.1 (sáng nay 7.1, giờ Việt Nam), theo một số nguồn thạo tin tiết lộ với CNN.
Trong khi đó, một số thượng nghị sĩ đang cố thuyết phục những thượng nghị sĩ định phản đối kết quả bầu cử ở những bang chiến địa như Georgia và Pennsylvania rút lui sau khi họ hoàn tất cuộc tranh luận về sự phản đối kết quả bầu cử ở bang Arizona, theo hai nguồn tin từ thượng viện tiết lộ với CNN.
Bang cận thủ đô ban bố tình trạng khẩn cấp
Cảnh sát thủ đô Washington D.C cho hay đã có 13 người bị bắt liên quan cuộc “bạo động” tại trụ sở quốc hội Mỹ, theo tờ The Guardian.
Thống đốc bang Virginia Ralph Northam cho hay ông sắp ban bố tình trạng khẩn cấp và áp đặt lệnh giới nghiêm từ 18 giờ tại hai khu vực Arlington và Alexandria, giáp với thủ đô Washington D.C, theo CNN.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cho hay ông lên án hành động bạo lực tại trụ sở quốc hội Mỹ và hy vọng có cuộc chuyển giao chính quyền trong hòa bình, theo Reuters.
Trước đó, có một người bị bắn tại tòa nhà quốc hội Mỹ và theo phóng viên NBC, nạn nhân đã không qua khỏi.
Cảnh sát đang giải tán người biểu tình khỏi tòa nhà quốc hội và giới chức khẳng định tòa nhà này hiện được đảm bảo an toàn, theo Reuters.
Đã có kêu gọi phế truất ông Trump
Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội các nhà sản xuất quốc gia Jay Timmons kêu gọi các quan chức cấp cao Mỹ xem xét phê truất Tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ Trump, theo Reuters. Ông Timmons chỉ trích Tổng thống Trump "kích động bạo lực trong nhằm duy trì quyền lực, vi phạm lời tuyên thệ, bác bỏ nền dân chủ và ủng hộ chế độ vô chính phủ". Các hiệp hội doanh nghiệp cũng yêu cầu Tổng thống Trump chấm dứt vụ nổi loạn tại quốc hội, theo Reuters.
Hạ nghị sĩ Mỹ Ilhan Omar cho hay bà đang soạn thảo đề nghị luận tội Tổng thống Donald Trump. “Donald J. Trump phải bị các hạ nghị sĩ luận tội và bị Thượng viện phế truất. Chúng tôi không thể cho phép ông ấy tiếp tục tại vị. Đây là vấn đề của việc bảo vệ nền cộng hòa của chúng ta và chúng tôi cần làm theo tuyên thệ của mình”, bà Omar viết trên Twitter, theo CNN.
Twitter đã hạn chế người sử dụng tweet lại đoạn video hay dòng tweet từ Tổng thống Donald Trump vào ngày 6.1 (giờ Mỹ) vì lo ngại “nguy cơ bạo lực”, khi hàng trăm người biểu tình tràn vào trụ sở quốc hội, theo Reuters. Trong nhiều dòng tweet, Tổng thống Trump tiếp tục khẳng định cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có gian lận. Mặt khác, trong một đoạn video, ông Trump kêu gọi người biểu tình về nhà.
Ông Trump kêu gọi người biểu tình về nhà nhưng vẫn nói bị cướp chiến thắng
Trong đoạn video được ghi hình sẵn tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump lặp lại cáo buộc cuộc bầu cử có gian lận và ông đã bị cướp mất chiến thắng. Tuy nhiên, ông kêu gọi người biểu tình về nhà. "Chúng ta cần hòa bình. Chúng ta cần tôn trọng lực lượng hành pháp", Tổng thống Trump nói.
Có bom đặt trong khuôn viên Điện Capitol
Cảnh sát tháo gỡ an toàn 2 quả bom bên ngoài tòa nhà Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa và bên trong khuôn viên tòa nhà quốc hội.
Ông Biden hối ông Trump lên truyền hình kêu gọi chấm dứt vây hãm
Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer và Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đưa ra tuyên bố chung, đề nghị Tổng thống Trump yêu cầu những người nổi loạn rời khỏi tòa nhà quốc hội ngay lập tức.
Phản ứng trước vụ nổi loạn ở quốc hội, Tổng thống tân cử Joe Biden lên án cái ông lại là "cuộc tấn công chưa có tiền lệ" chống lại nền dân chủ.
Ông Biden hối thúc Tổng thống Trump phát biểu trên truyền hình để kêu gọi chấm dứt cuộc vây hãm tại quốc hội.
Ông Biden cho rằng cuộc tấn công này đe dọa an toàn của các quan chức dân bầu. “Đây không phải là biểu tình, đây là dấy loạn. Thế giới đang theo dõi. Như nhiều người Mỹ, tôi bị sốc và buồn khi đất nước bước đến thời điểm đen tối này sau một thời gian rất lâu đóng vai trò là ngọn đèn tiên phong và hy vọng của dân chủ”, ông Biden nói.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho rằng những kẻ thù của dân chủ sẽ mừng rõ về tình cảnh bạo lực tại quốc hội Mỹ. Ông Maas kêu gọi Tổng thống Trump và người ủng hộ nên chấp nhận quyết định cuối cùng của cử tri và ngừng chà đạp lên nền dân chủ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg miêu tả cuộc biểu tình bạo lực tại Washington D.C là cảnh gây sốc, đồng thời kêu gọi tôn trọng kết quả bầu cử dân chủ tại Mỹ, theo Reuters.
FBI tới hỗ trợ
Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) triển khai lực lượng đến hỗ trợ cảnh sát bảo vệ các tòa nhà liên bang, theo Reuters.
Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jonathan Hoffman xác nhận lực lượng Vệ binh Quốc gia ở Washington D.C đã được điều động để ứng phó tình huống bạo lực tại quốc hội.
Vệ binh Quốc gia được điều động
Nhà Trắng thông báo Vệ binh Quốc gia đã được huy động để giải tán cuộc biểu tình, theo AFP.
Trên Twitter, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết Tổng thống Trump đã chỉ đạo lực lượng Vệ binh Quốc gia hỗ trợ ứng phó những người nổi loạn ở quốc hội Mỹ.
”Chúng tôi tái khẳng định Tổng thống Trump yêu cầu chấm dứt bạo lực và giữ ôn hòa”, bà McEnany nhấn mạnh.
Đài CNN cho biết nhiều sĩ quan cảnh sát bị thương tại quốc hội Mỹ, ít nhất 1 người phải nhập viện.
Ái nữ Ivanka của Tổng thống Trump viết trên Twitter gọi những kẻ gây rối là "người yêu nước", nhưng sau đó nhanh chóng xóa tweet.
"Người Mỹ yêu nước - bất kỳ sự xâm phạm an ninh hay không tôn trọng lực lượng hành pháp đều không thể chấp nhận. Bạo lực phải chấm dứt ngay lập tức. Xin hay giữ ôn hòa", bà Ivanka viết trên Twitter. Sau khi bị nhiều người phản ứng, bà Ivanka đã xóa bài viết và đăng một bài khác giải thích rằng bà không gọi những kẻ gây rối là người yêu nước. "Biểu tình ôn hòa là yêu nước. Bạo lực là điều không thể chấp nhận và phải bị lên án mạnh mẽ nhất", bà Ivanka viết.
Người biểu tình đã được giải tán hoàn toàn khỏi khu vực thượng viện nhưng hiện chưa rõ tình hình tại hạ viện, theo CNN.
Phó tổng thống Pence cảnh báo những người nổi loạn ở quốc hội Mỹ sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật và yêu cầu họ rời khỏi đó.
“Biểu tình ôn hòa là quyền của mỗi người dân Mỹ nhưng hành động tấn công tòa nhà quốc hội là không thể dung thứ”, ông Pence nhấn mạnh.
Thượng nghị sĩ Cộng hòa kỳ cựu Mike Gallagher, người ủng hộ ông Trump, nói gọi những kẻ bạo loạn ủng hộ Trump xông vào quốc hội là "điên rồ".
“Tôi chưa từng thấy bất cứ điều gì như thế này kể từ khi tôi được điều động đến Iraq vào năm 2007 và 2008”, ông Gallagher nói với đài CNN.
Có người bị bắn trong tòa nhà quốc hội
Đài CNN dẫn lời một nguồn tin cho biết một phụ nữ bị thương nghiêm trọng sau khi bị bắn trúng ngực trong khuôn viên tòa nhà quốc hội. Tuy nhiên, nguồn tin không mô tả chi tiết vụ việc.
An ninh tại Nhà Trắng được tăng cường
Theo CNN, an ninh tại Nhà Trắng đã được tăng cường, nhân viên an ninh được trang bị súng trường đang tuần tra bên ngoài. Trong khi đó, Tổng thống Trump cũng đã trở về Nhà Trắng sau khi phát biểu tại cuộc biểu tình.
Tổng thống Trump: "Hãy tôn trọng pháp luật"
“Tôi yêu cầu mọi người tại tòa nhà quốc hội Mỹ giữ ôn hòa. Không bạo lực! Hãy nhớ rằng chúng ta là một đảng có pháp luật và trật tự - hãy tôn trọng pháp luật…”, ông Trump viết trên Twitter.
Tổng thống Trump đưa ra lời kêu gọi sau khi cựu thượng nghị sĩ Joseph McCarthy kêu gọi ông đưa ra một tuyên bố nhằm trấn an đám đông người biểu tình, theo Reuters.
Trên Twitter, một nhà báo của tờ The Washington Post cho rằng Bộ Quốc phòng Mỹ từ chối yêu cầu của cảnh sát Washington D.C về việc triển khai lính Vệ binh Quốc gia đến tòa nhà Quốc hội.



Cảnh sát lăm lăm súng, hạ nghị sĩ có thể phải trốn dưới gầm bàn
Nghị sĩ Gerry Connolly xác nhận các nghị sĩ đã được cấp mặt nạ chống độc trước khi được sơ tán khỏi hạ viện và cảnh sát đã sử dụng hơi cay đối phó người biểu tình, theo The Guardian.
Phóng viên chuyên mảng quốc hội của tờ Huffington Post Matt Fuller viết trên Twitter rằng một số thành viên hạ viện đang phải cố thủ bên trong phòng họp. Những bức ảnh trên Twitter của ông Fuller cho thấy một cánh cửa bước vào phòng bị khóa lại, một số cảnh sát đứng chĩa súng ra phía ngoài.
Theo CNN, một số nhân viên hạ viện nói với các hạ nghị sĩ rằng họ có thể cần phải nấp xuống gầm bàn và sẵn sàng để sơ tán sang nơi khác. Hạ nghị sĩ Adam Kinzinger của đảng Cộng hòa gọi đây là cuộc đảo chính.
Quốc hội tạm dừng chứng nhận phiếu đại cử tri
Cảnh sát cho biết quốc hội tạm dừng chứng nhận phiếu đại cử tri vì tòa nhà quốc hội đang bị phong tỏa, theo CNN.
"Âm mưu đảo chính"!
Trên Twitter, Nghị sĩ đảng Cộng hòa Adam Kinzinger gọi việc người biểu tình ủng hộ ông Trump xông vào quốc hội là “âm mưu đảo chính”.
Hạ nghị sĩ, Phó Tổng thống Pence sơ tán
Cảnh sát hộ tống và đưa các nghị sĩ khỏi hạ viện. Phó tổng thống Mike Pence cũng đã được sơ tán đến nơi an toàn, theo Reuters.
Tổng thống Trump kêu gọi biểu tình ôn hòa.
Trên Twitter, Tổng thống Trump kêu gọi những người ủng hộ ông biểu tình ôn hòa.
Washington sẽ giới nghiêm
Thị trưởng Washinton D.C, bà Muriel Bowser, tuyên bố ban hành lệnh giới nghiêm toàn thủ đô từ 18 giờ tối 6.1 đến 6 giờ sáng 7.1 (giờ địa phương), sau khi những người biểu tình ủng hộ ông Trump xông vào tòa nhà quốc hội Mỹ.
Cảnh sát yêu cầu tăng cường chi viện để đảm bảo an ninh và phát hiện một số thiết bị khả nghi bên ngoài tòa nhà quốc hội, theo CNN.
Người biểu tình ủng hộ Trump được cho là tiến vào bên trong tòa nhà quốc hội.
Tổng thống Trump chỉ trích Phó Tổng thống Pence
Trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Trump chỉ trích Phó tổng thống Pence “không dũng cảm để làm điều nên làm nhằm bảo vệ đất nước và hiến pháp, trao cho các tiểu bang một cơ hội để chứng nhận sự thật”.
Trước đó, Tổng thống Trump kêu gọi Phó tổng thống Pence chỉ cần gửi phiếu đại cử tri tại các bang bị tố có gian lận lại cho viện lập pháp các bang này xem xét. Tuy nhiên, trong phiên kiểm phiếu, Phó tổng thống Pence quyết định làm đúng theo thủ tục được quy định trong Đạo luật Kiểm phiếu đại cử tri năm 1887, đó là mở phong bì chứa kết quả bỏ phiếu và lắng nghe ý kiến phản đối của các nghị sĩ.
Hạ nghị sĩ Cộng hòa cấp cao kêu gọi người biểu tình bình tĩnh
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại hạ viện Kevin McCarthy viết lời cảm ơn cảnh sát trên Twitter vì đã giúp bảo vệ hạ viện. Ông McCarthy nói rằng người biểu tình có quyền hiến định để cất lên tiếng nói của mình và được lắng nghe, nhưng cũng kêu gọi họ giữ ôn hòa.
Con trai Tổng thống Trump là Donald Trump Jr. cũng lên án người biểu tình, nói rằng "chuyện này là sai và không phải con người thật của chúng ta".
Thượng viện bất ngờ tạm nghỉ
Những người biểu tình ủng hộ ông Trump đụng độ với cảnh sát và thượng viện bất ngờ tạm nghỉ. Các nhân viên quốc hội và phóng viên được lệnh “tìm chỗ trú ẩn an toàn”.
Theo AFP, cảnh sát đã ra lệnh sơ tán nhiều tòa nhà thuộc quốc hội Mỹ do nhiều người biểu tình vượt qua hàng rào an ninh bên ngoài.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện: "Không có gian lận bầu cử"
Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Dân chủ Chuck Schumer cáo buộc các nhà lập pháp đảng Cộng hòa có kế hoạch phản đối việc chứng nhận chiến thắng của ông Biden là âm mưu đảo chính. “Họ không có bất kỳ bằng chứng nào về gian lận bầu cử trên diện rộng để làm cơ sở phản đối. Đó là bởi vì không có gian lận bầu cử", ông Schumer nói.
Nhân viên tại Đồi Capitol được yêu cầu "ẩn trú tại chỗ" vì có bạo lực, gói hàng đáng ngờ
Fox News đưa tin nhân viên tại khu vực Đồi Capitol đã nhận được một thông báo yêu cầu "trú ẩn tại chỗ" do bạo lực gia tăgn bên ngoài tòa nhà.
“Để phục vụ hoạt đông của cảnh sát, mọi nhân sự được khuyến cáo nên chuyển từ tòa nhà văn phong Cannon House sang các tòa nhà văn phòng Rayburn và Longworth qua đường hầm ngầm... và nên trú ẩn tại chỗ tại những nơi này"
Người biểu tình ẩu đả với cảnh sát bên ngoài Điện Capitol
Trong bối cảnh các nghị sĩ tranh luận gay gắt trong quốc hội, người biểu tình đang ẩu đả với cảnh sát bên ngoài Điện Capitol. Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Nancy Mace đăng một đoạn video về cảnh ẩu đả trên Twitter và gọi đây là hành động sai lầm. "Đây không phải là bản chất của chúng ta. Tôi đau lòng cho đất nước ta ngày hôm nay", bà Mace viết.
Lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện: "Học trò lớp 2" cũng biết phải chuyển giao quyền lực hòa bình
Chỉ trích việc các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản đối kết quả phiếu bầu cử tri đoàn tại Arizona, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Chuck Schumer nói sự chuyển giao quyền lực hòa bình "được tụng ca cả bởi những học trò lớp 2, nhưng có những người ở đây lại không như vậy"
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện bác cáo buộc gian lận diện rộng
Lãnh đạo đảng Cộng hòa tại thượng viện Mitch McConnell bác bỏ những cáo buộc của Tổng thống Trump về gian lận trên diện rộng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Trong phiên tranh luận tại thượng viện, ông McConnell nói không có bằng chứng nào chứng minh đã có những vi pham pháp luật quy mô lớn, khiến xoay chuyển toàn bộ kết quả bầu cử.
Ông nói nếu bầu cử bị xoay chuyển chỉ vì có những cáo buộc thì nền dân chủ sẽ rơi vào "vòng xoáy tử thần".
Theo ông McConnell, cuộc bầu cử năm nay thậm chí không sít sao như năm 2000 hay 2004. Ông McConnell nhấn mạnh sự ủng hộ quyền sử dụng hệ thống pháp lý của Tổng thống Trump nhưng “hàng chục đơn kiện đã bị các tòa án bác bỏ, bao gồm những thẩm phán cấp cao do chính Tổng thống Trump đề cử”.
Lãnh đạo phe đa số Thượng viện: "sẽ làm tổn hại nền cộng hòa mãi mãi"
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số thuộc đảng Cộng hòa tại Thượng viện, trong bài phát biểu tại phiên tranh luận, nói rằng việc không xác nhận kết quả "sẽ làm tổn hại nền cộng hòa của chúng ta mãi mãi"
"Hiến pháp cho chúng ta tại quốc hội này một vai trò có giới hạn. Chúng ta không thể đơn giản tự tuyên bố mình là một siêu ủy ban bầu cử quốc gia. Cử tri, tòa án và tiểu bang đều đã lên tiếng. Họ đều đã lên tiếng. Nếu chúng ta bác bỏ họ, điều đó sẽ làm tổn hại nền cộng hòa của chúng ta mãi mãi", ông nói.
Sơ tán 2 tòa nhà tại Đồi Capitol, có đe dọa bom
Theo Fox News, cảnh sát khu vực Capitol đã sơ tán tòa nhà Madison tại Thư viện Quốc hội. Dường như người ủng hộ ông Trump đang có đụng độ với cảnh sát bên ngoài trụ sở Quốc hội.
Một tòa nhà khác, cao ốc Cannon, cũng được sơ tán sau khí cảnh sát thông báo đang điều tra một "kiện hàng đáng ngờ" tại đây.
Bạn biết gì về quy định công bố phiếu đại cử tri?
Theo quy định, Chủ tịch thượng viện - Phó Tổng thống Mike Pence sẽ tháo các phong bì chứa kết quả phiếu đại cử tri được chứng nhận từ các bang, theo trình tự tên mỗi bang dựa theo bảng chữ cái. Phó tổng thống sẽ trao các lá phiếu cho ban kiểm phiếu, gồm 2 người từ thượng viện và 2 người từ hạ viện chọn. Những người này sẽ đọc và công bố kết quả phiếu đại cử tri từ các bang.
Quá trình này sẽ bị dừng lại nếu có sự phản đối từ phía các nghị sĩ đối với kết quả tại một bang nào đó. Văn bản phản đối phải do ít nhất 1 hạ nghị sĩ cùng 1 thượng nghị sĩ ký tên và nộp lên Phó tổng thống.
Phiên họp chung sẽ tạm ngưng. Thượng viện và hạ viện sẽ họp riêng để tranh luận về ý kiến phản đối. Quá trình này bị giới hạn trong 2 giờ sau đó từng viện sẽ bỏ phiếu để chấp nhận hoặc bác bỏ sự phản đối.
Sau khi quay lại phiên họp chung, kết quả của từng viện sẽ được công bố. Trong trường hợp cả hai viện đều đồng ý với sự phản đối thì số phiếu đại cử tri tại bang đó sẽ không được đếm. Sau đó, quá trình kiểm phiếu sẽ tiếp tục với các bang kế tiếp.
Năm nay, do các biện pháp phòng chống Covid-19, chỉ có một số lượng nhất định nghị sĩ được tham gia tranh luận và bỏ phiếu/lần, vì thế họ sẽ chia thành từng nhóm và chờ đến phiên mình.
Tổng thống Trump: Hy vọng ông Mike Pence có dũng khí

Ngay trong lúc Phó Tổng thống Mike Pence khẳng định quan điểm của mình rằng ông không thể lật ngược kết quả bầu cử, Tổng thống Trump tiếp tục gây áp lực buộc cấp phó của mình phải hủy chứng nhận kết quả bầu phiếu đại cử tri.

“Ông Mike Pence, tôi hy vọng ông sẽ đứng lên vì lợi ích của Hiến pháp và lợi ích tổ quốc. Nếu ông không làm vậy thì tôi sẽ cực kỳ thất vọng về ông”.

Ông bày tỏ hy vọng “ông Mike có dũng khí làm được những điều phải làm” và “không nghe lời những kẻ Cộng hòa trên danh nghĩa, và những kẻ ngu ngốc”.
Sẽ có tranh luận 2 giờ về kết quả phiếu đại cử tri Arizona
Trong tuyên bố, Phó tổng thống Pence nhấn mạnh sẽ tuân thủ quy định kiểm phiếu được nêu trong Đạo luật Kiểm phiếu đại cử tri 1887. Theo đó, việc phản đối phải do ít nhất một thượng nghị sĩ cùng một hạ nghị sĩ đề đạt, và Phó tổng thống phải tuân thủ quy trình kiểm phiếu, ngay cả khi kết quả khiến bản thân ông hoặc đảng phái của ông bị thất bại.
Phó tổng thống Pence xác nhận quy trình hợp pháp theo luật định và cuộc tranh luận sẽ diễn ra trong 2 giờ.
"Pháo đầu" của nghị sĩ Cộng hòa: bang Arizona
Các nghị sĩ Cộng hòa đã "khai trận" phản đối kết quả phiếu đại cử tri tại bang Arizona. 
Hạ nghị sĩ Paul Gosar lên tiếng phản đối việc xác nhận kết quả tại bang Arizona và thư phản đối đã nhận được đồng chữ ký của Thượng nghị sĩ Ted Cruz.
Sau khi không có phản đối kết quả phiếu đại cử tri cho ông Trump thắng tại hai bang Alabama và Alaska, ông Gosar đứng lên phản đối kết quả tại bang nhà Arizona, nơi Tổng thống tân cử Joe Biden thắng sít sao phiếu phổ thông.
Phó Tổng thống Pence không bác bỏ phiếu đại cử tri
Ông Pence bác bỏ ý kiến cho rằng Phó tổng thống nên có quyền đơn phương chấp nhận hoặc bác bỏ phiếu đại cử tri.
Phó Tổng thống Pence: Lời phản đối sẽ được lắng nghe
Phó tổng thống Mike Pence vừa ra tuyên bố chia sẻ quan ngại của hàng triệu người Mỹ về tính toàn vẹn trong bầu cử sau một cuộc bầu cử với nhiều cáo buộc về bất thường trong phiếu bầu và nhiều trường hợp các quan chức không tuân thủ luật bầu cử của bang.
Ông Pence nói rằng với cương vị là chủ tọa phiên kiểm phiếu tại quốc hội, ông sẽ đảm bảo những lo ngại được lắng nghe công khai và công bằng tại quốc hội. "Lời phản đối sẽ được lắng nghe, bằng chứng sẽ được trình ra và các nghị sĩ do người dân Mỹ bầu ra sẽ đưa ra quyết định", ông Pence tuyên bố.
Tổng thống Trump: "Chúng ta sẽ không bao giờ nhận thua”
Tổng thống Trump đã bắt đầu phát biểu trước đám đông người ủng hộ tại cuộc tuần hành “Cứu nước Mỹ” tại thủ đô Washington D.C.
Mở đầu bài phát biểu, Tổng thống Trump chỉ trích truyền thông Mỹ không phản ánh thực tế hàng trăm ngàn người ủng hộ từ khắp nơi ở nước Mỹ đang tập trung tại thủ đô.
Tổng thống Trump nói rằng những người xuất hiện tại cuộc biểu tình không muốn để phe Dân chủ và "truyền thông tin giả" cướp đi chiến thắng. “Chúng ta sẽ không bao giờ từ bỏ, chúng ta sẽ không bao giờ nhận thua”, Tổng thống Trump nói.
"Hôm nay, tôi đưa ra một số chứng cứ chứng minh chúng ta giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Hơn 75 triệu người bỏ phiếu cho chúng ta, con số cao nhất dành cho một tổng thống đương nhiệm trong lịch sử Mỹ. Liệu có ai tin được rằng ông Biden đã giành chiến thắng  với hơn 80 triệu lá phiếu phổ thông", ông Trump nói.
Tổng thống Trump còn cho rằng ông Biden chỉ có "80 triệu lá phiếu trên máy tính", đồng thời khẳng định quy trình cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 kém hơn các nước thế giới thứ 3.
Tổng thống Trump thúc giục Phó tổng thống Mike Pence không xác nhận chiến thắng cho ông Joe Biden tại quốc hội.
Tổng thống Trump hy vọng Phó tổng thống Mike Pence sẽ “làm điều đúng đắn”. Theo Tổng thống Trump, các tiểu bang đã bị lừa gạt, nhận được thông tin sai và giờ họ muốn bỏ phiếu lại, chứng nhận lại kết quả. “Điều Phó tổng thống Pence cần làm chỉ là gửi kết quả lại cho các bang để chứng nhận lại. Và tôi trở thành tổng thống và các bạn sẽ trở thành những người hạnh phúc nhất”, Tổng thống Trump nói.
"Nếu ông Pence không hành động thì đây là một ngày buồn cho đất nước bởi vì ông đã tuyên thệ sẽ thực hiện nhiệm vụ theo hiến pháp. Do đó, chúng ta sẽ tiếp tục tuần hành ở Washington D.C", ông Trump nói.
Ông chỉ trích những đảng viên Cộng hòa không ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử là những người "kẻ yếu ớt".
Trước đám đông đang reo hò, Tổng thống Trump tuyên bố: “Chúng ta sẽ ngăn chặn hành vi cướp bóc (cuộc bầu cử) này”.
Một lần nữa Tổng thống Trump gọi giới truyền thông là “kẻ thù của nhân dân” vì không phản ánh sự thật.
Tổng thống Trump nhắc lại thành tựu về kinh tế trong nhiệm kỳ của mình bao gồm tái xây dựng quân đội, cắt giảm thuế và tăng cường chính sách hỗ trợ cựu chiến binh...
Ông gửi cảm ơn đến 13 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa và khoảng 140 nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Hạ viện đã tuyên bố sẽ không xác nhận chiến thắng của ông Biden tại quốc hội.
Ông nhắc lại cáo buộc về cuộc bầu cử bị gian lận, mà theo ông rất nhiều phiếu bầu đã đổ về cho ông Biden trong đêm. 
“Chúng ta đang dẫn trước ở Pennsylvania, Michigan, Georgia, vượt hàng trăm nghìn phiếu, mà rồi tới đêm khuya về sáng, những thứ nhảm nhí bùng lên”, ông nói, tiếp tục kêu gọi Phó Tổng thống Pence “phải làm đúng bổn phận vì chúng ta”.
Tổng thống Trump cho rằng các quan chức phụ trách bầu cử tại các bang chiến trường đã thay đổi quy trình bầu cử mà không được nghị viện bang thông qua, điều này dẫn đến gian lận lá phiếu phổ thông.
Ông Trump còn cho rằng hàng chục ngàn lá phiếu ở bang Pennsylvania có tên tuổi cử tri, ngày tháng năm sinh trùng hợp với những người đã chết.
“Chỉ sau một ngày, đột nhiên 400.000 lá phiếu xuất hiện theo kiểu từ trên trời rơi xuống ở Pennsylvania, mà chẳng ai biết nguồn gốc của chúng”, theo Tổng thống Trump.
Ông nhắc đến nhiều bang như Michigan, Wisconsin, Georgia, Pennsylvania, Nevada và cho rằng mỗi bang có hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm ngàn lá phiếu phổ thông bị gian lận để giúp ông Biden giành chiến thắng.
Tổng thống Trump khẳng định những gì ông nói trong bài phát biểu này là sự thật mà truyền thông Mỹ không muốn nhắc đến.
Mạng xã hội Twitter cũng trở thành mục tiêu chỉ trích của ông Trump vì đã gắn nhãn cảnh báo thông tin sai lệch vào các tweet của ông, dù ông cho rằng mình chỉ nói lên sự thật.
Ông Trump tham gia biểu tình trước cửa Nhà Trắng

Đài Fox News dẫn lời một số nguồn tin cho hay nghị sĩ Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số thuộc đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ, sẽ khiển trách nỗ lực của các nghị sĩ đảng Cộng hòa nhằm thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri mà theo đó ông Joe Biden đã đắc cử. Nếu việc này xảy ra, đây sẽ là tuyên bố công khai đầu tiên của ông McConnell chống lại người ủng hộ ông Trump tại quốc hội về vấn đề này.

 

Những đồng minh của ông Trump không "lật kèo"
Cần nói rõ rằng vẫn có nhiều nghị sĩ Cộng hòa không đồng tình với nỗ lực bác bỏ phiếu đại cử tri tại phiên họp quốc hội Mỹ hôm nay. Họ xem đây là hành động gây mất tính hợp pháp của cơ chế đại cử tri đoàn, và sẽ có hậu quả lâu dài với chính đảng Cộng hòa.
Trong số những người này có Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một đồng minh của ông Trump. Trong một tuyên bố, ông Cotton viết việc lật ngược kết quả “gây nguy cơ lớn cho Cử tri Đoàn, một cơ chế giúp những tiểu bang nhỏ như Arkansas có tiếng nói trong bầu cử tổng thống. Phe Dân chủ có thể đạt được mục tiêu lâu dài của mình là xóa bỏ Cử tri Đoàn trên thực tế bằng cách từ chối đếm phiếu đại cử tri dành cho tổng thống tân cử Cộng hòa”.
Trong một tuyên bố chung khác, 7 hạ nghị sĩ Cộng hòa cũng nói rõ:
“Xét từ góc độ thuần túy đảng phái, các ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Cộng hòa chỉ thắng phiếu phổ thông được 1 lần trong suốt 32 năm qua. Họ vì vậy phải dựa vào phiếu đại cử tri để đắc cử. Nếu chúng ta cứ một mực khẳng định rằng Quốc hội có thể bỏ qua phiếu đại cử tri đã được chứng nhận - mà chỉ dựa trên đánh giá của chính mình rằng một hay nhiều tiểu bang đã mắc lỗi trong tổ chức bầu cử tổng thống - thì chúng ta sẽ làm mất tính hợp pháp của chính hệ thống đã đưa ông Donald Trump đến thắng lợi năm 2016, và cũng có thể là con đường duy nhất giúp đảng Cộng hòa chiến thắng năm 2024”.
Ông Joe Biden: "Đã đến lúc sang trang"
Ông Joe Biden ngày 6.1 ca ngợi chiến thắng gần kề của các ứng viên đảng Dân chủ trong cuộc đua giành 2 ghế thượng nghị sĩ tại bang Georgia, cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy người Mỹ muốn hành động, theo AFP. “Đã đến lúc sang trang. Người Mỹ yêu cầu hành động và họ muốn đoàn kết. Tôi đang lạc quan hơn bao giờ hết về việc chúng ta có thể mang lại cả 2 điều này”, ông Biden nói.
Cuộc họp bắt đầu lúc 1 giờ sáng 7.1
Con trai ông Trump đe dọa đảng viên Cộng hòa
Cũng tại cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump ở thủ đô Washington D.C ngày 6.1, ông Donald Trump Jr, con trai cả của Tổng thống Trump, cảnh báo các đảng viên Cộng hòa rằng nếu họ không ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử của cha mình ngày hôm nay thì "chúng tôi sẽ tìm đến bạn".

Ông Donald Trump Jr thậm chí còn nói rõ hơn nếu các đảng viên Cộng hòa không ủng hộ nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử thì "đây không phải là đảng Cộng hòa của họ nữa. Đó là đảng Cộng hòa của Donald Trump".

Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Madison Cawthorn chỉ trích các đồng nghiệp tại Quốc hội là “những kẻ hèn nhát” vì không ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Trump về gian lận bầu cử.
Kết quả tại Georgia đang nghiêng về đảng Dân chủ
Trong cuộc đua 2 ghế thượng nghị sĩ tại bang Georgia, ứng cử viên đảng Dân chủ Raphael Warnock đang dẫn trước thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Kelly Loeffler khoảng 54.000 phiếu (khoảng 1,2 điểm phần trăm) sau khi 98% số phiếu được kiểm, theo hãng khảo sát Edison Research.
Trong cuộc đua thứ 2, ứng viên Dân chủ Jon Ossoff tạm dẫn trước thượng nghị sĩ Cộng hòa David Perdue hơn 17.000 phiếu (0,4 điểm phần trăm). Theo Reuters, hầu hết số phiếu chưa được kiểm đếm đều thuộc các khu vực thiên về đảng Dân chủ.
Nếu cả hai ghế này thuộc về đảng Dân chủ thì Thượng viện sẽ do đảng Dân chủ chiếm đa số. Hiện nay Hạ viện Mỹ cũng đang do đảng Dân chủ kiểm soát.
Luật sư của ông Trump tiết lộ bằng chứng?
Phát biểu tại cuộc biểu tình ở thủ đô Washington D.C ngày 6.1, luật sư Rudy Giuliani, người đứng đầu cuộc chiến pháp lý của Tổng thống Trump, cho rằng các chuyên gia trong đêm qua đã phát hiện thuật toán trong máy bỏ phiếu thay đổi hoặc hủy bỏ lá phiếu một cách cố ý giúp ông Biden giành được nhiều lá phiếu phổ thông.
Trước đó, công ty Dominion (Đức) và một công ty công nghệ bỏ phiếu khác Smartmatic hôm 4.1 cảnh báo sẽ khởi kiện ông Trump vì cho rằng họ bị nêu đích danh trong những thuyết âm mưu vô căn cứ.
Trả lời phỏng vấn The Hill, Hạ nghị sĩ Jim Jordan thuộc đảng Cộng hòa, một đồng minh trung thành của Tổng thống Trump, nói hiện vẫn chưa rõ các nhà lập pháp đảng này sẽ chính thức thách thức kết quả phiếu đại cử tri của bao nhiêu bang. Trong khi giới hạ nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa dự kiến sẽ phản đối kết quả tại 6 bang, thì các đảng viên Cộng hòa tại Thượng viện đến nay chỉ cam kết ủng hộ nỗ lực này tại 3 bang.
Nghị sĩ Cộng hòa xuống đường đấu tranh cho ông Trump
Phát biểu tại cuộc biểu tình “Save America Rally” (Tuần hành Bảo vệ Nước Mỹ) ủng hộ ông Trump ở thủ đô Washington D.C, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Mo Brooks nói: “Hôm nay là ngày dành cho những người yêu nước… Ngày hôm nay là thời điểm lựa chọn và ngày mai là thời điểm để đấu tranh!”. Ông Brooks đồng thời chỉ trích những đảng viên Cộng hòa không bác bỏ việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden "đã biến nước Mỹ thành một đất nước độc tài, đang trên đà suy tàn".
Người ủng hộ ông Trump xuống đường
Chủ tịch Hạ viện yêu cầu nghị sĩ ở lại phòng trường hợp phải bỏ phiếu

Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đã gửi thư cho các nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện trước phiên họp chung của Quốc hội ngày 6.1. Theo đó, bà Nancy nhấn mạnh ngoài việc công bố kết quả phiếu đại cử tri của các bang thì các nghị sĩ không có vai trò gì phải lên tiếng phát biểu. Bà cũng đề cập khả năng phía Cộng hòa thách thức kết quả tại bang nào đó, mỗi viện sẽ phải họp riêng để bỏ phiếu.

Ngoài ra, bà Nancy yêu cầu các thành viên Hạ viện ở lại văn phòng của mình phòng khi bị triệu tập để bỏ phiếu.
Ngoài viện có thể phải bỏ phiếu với các phản đối được đưa ra, Hạ viện còn có vai trò quan trọng nếu như không có ứng viên nào đạt từ 270 phiếu đại cử tri trở lên. Khi đó, Hạ viện sẽ phải bỏ phiếu bầu tổng thống.
Tổng thống Trump tweet liên tục trước giờ G
Trong vòng 30 phút vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đưa ra bình luận gây áp lực Phó tổng thống Mike Pence nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử tổng thống tại Quốc hội.

“Các bang muốn điều chỉnh kết quả kiểm phiếu vì bây giờ họ biết nó là dựa trên sự bất thường và gian lận, cộng với quy trình tham nhũng không bao giờ được chấp thuận theo pháp luật. Tất cả những gì Phó tổng thống Mike Pence phải làm là trả lại chứng nhận kiểm phiếu cho các bang, và chúng tôi chiến thắng. Hãy làm đi Mike, đây là thời điểm cho sự dũng cảm tột độ!”, ông Trump viết trên Twitter.

Bên cạnh đó, ông Trump lặp lại những cáo buộc rằng có nhiều bất thường và gian lận lá phiếu phổ biến như: “Thậm chí người Mexico dùng số căn cước công dân Mỹ”.

“Họ chỉ tình cờ tìm thấy 50.000 lá phiếu đêm qua. Nước Mỹ bị xấu hổ vì những kẻ ngu ngốc. Quy trình bầu cử của chúng ta kém hơn các nước thế giới thứ 3!”, ông Trump viết trên Twitter.

Ngay lập tức, Twitter gắn nhãn cảnh báo thông tin sai lệch vào một loạt tweet của Tổng thống Trump vì cho rằng chúng chứa thông tin sai lệch, gây tranh cãi hoặc gây hiểu lầm.
Ai chủ trì cuộc họp "ngày phán quyết"?
Chủ tịch thượng viện, vị trí luôn do đương kim phó tổng thống đảm nhiệm, sẽ chủ trì phiên họp lưỡng viện, được tổ chức tại hội trường của hạ viện. Do đó, Phó tổng thống Mike Pence là người chủ trì cuộc họp được chờ đợi này.
Nếu phó tổng thống không thể tham dự vì bất cứ lý do gì, chủ tịch thượng viện tạm quyền sẽ chủ trì chứ không phải chủ tịch hạ viện. Vị trí chủ tịch tạm quyền khi đó sẽ do thượng nghị sĩ Cộng hòa Chuck Grassley đảm nhiệm.
Ông Pence đang gặp áp lực trước cuộc họp do Tổng thống Trump "gửi gắm" phó tướng của mình sẽ tham gia nỗ lực "lật kèo". Bản thân ông Pence chưa công khai nói rằng mình sẽ không chứng nhận kết quả chiến thắng cho ông Joe Biden và bà Kamala Harris, nhưng ông đã bày tỏ "hoan nghênh" nỗ lực của các nghị sĩ Cộng hòa.
Dù vậy, tờ The New York Times ngày 6.1 dẫn các nguồn thạo tin cho hay Phó tổng thống Mike Pence đã nói với Tổng thống Donald Trump rằng mình không có quyền chặn quốc hội chứng nhận chiến thắng của ứng viên Dân chủ Joe Biden.
Trong khi đó, Tổng thống Trump khăng khăng cho rằng ông Pence kiêm chức Chủ tịch Thượng viện và sẽ chủ trì cuộc họp lưỡng viện ngày 6.1 để đếm phiếu đại cử tri, nên sẽ có quyền chặn việc chứng nhận.
Theo các nguồn tin, thông điệp của ông Pence được đưa ra tại bữa ăn trưa hằng tuần với Tổng thống Trump, diễn ra vài giờ sau khi ông chủ Nhà Trắng tiếp tục gây áp lực để phó tổng thống hỗ trợ nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử.
Cần nói rõ, hiến pháp không quy định quyền hạn của phó tổng thống hay chủ tịch thượng viện có quyền tự thay đổi kết quả các phiếu đại cử tri được các bang gửi đến quốc hội.
Kịch bản có gián đoạn
Vào ngày 3.1, cả thượng viện lẫn hạ viện đều thông qua một loạt quy định về đếm phiếu đại cử tri, với các nội dung giống như tại các kỳ bầu cử trước. Theo đó, quy trình kiểm phiếu có thể bị gián đoạn nếu xảy ra phản đối và quốc hội buộc phải tiến hành phiên tranh luận trong 2 giờ nếu có ít nhất 1 thượng nghị sĩ và 1 hạ nghị sĩ phản đối.
Sau đó, lưỡng viện cần bỏ phiếu riêng về việc chấp nhận phản đối đó hay không. Theo ông Aseem Mulji, chuyên gia tại tổ chức Campaign Legal Center (Mỹ), nếu việc bỏ phiếu tại Thượng viện và Hạ viện về sự phản đối trên đem lại kết quả khác nhau, hoặc lưỡng viện đều bác bỏ, phản đối sẽ trở nên vô hiệu và tất cả các lá phiếu đại cử tri sẽ được đếm.
Còn nếu lưỡng viện đều bỏ phiếu ủng hộ sự phản đối (quá bán ở mỗi viện), những lá phiếu đại cử tri bị phản đối sẽ không được tính.
Chuyên gia nghiên cứu về chính trị Steven Smith tại Đại học Washington ở St. Louis cho biết mỗi viện có tối đa 2 giờ để tranh luận và bỏ phiếu về một đơn phản đối. “Nếu thực hiện đối với nhiều đơn phản đối (tại từng bang), quy trình này có thể mất rất nhiều thời gian”, ông giải thích.
Trình tự cuộc họp
Theo trang Politifact, quy trình của ngày 6.1 sẽ bắt đầu với việc chủ tịch thượng viện chủ trì cuộc họp, bắt đầu tháo các phong bì chứa kết quả phiếu đại cử tri được chứng nhận từ các bang, theo trình tự tên mỗi bang dựa theo bảng chữ cái. Chủ tịch sẽ trao các lá phiếu cho ban kiểm phiếu, gồm 2 người từ thượng viện và 2 người từ hạ viện. Những người này sẽ đọc và công bố kết quả phiếu đại cử tri từ các bang.
Chủ tịch thượng viện sẽ thông báo kết quả sau cùng. Nếu không có gì thay đổi, quy trình này thường chỉ mất 20-25 phút. Quy trình hoàn tất sau khi chủ tịch thượng viện công bố người chiến thắng. Thời điểm đó, kết quả bầu cử chính thức được quyết định và chỉ còn chờ đến ngày tuyên thệ nhậm chức.
Ngày 6.1.2021, dưới sự chủ trì của Chủ tịch thượng viện Mỹ - Phó tổng thống Mike Pence, quốc hội sẽ họp mặt để đếm phiếu đại cử tri. Phó tổng thống sẽ mở phong bì chứa kết quả bỏ phiếu đại cử tri của từng bang và giao cho người kiểm phiếu để đọc to kết quả và kiểm đếm, theo đài NPR.
Nếu không bị phản đối, việc này cứ lặp đi lặp lại cho đến khi kết quả của toàn bộ 50 tiểu bang và quận Columbia được đếm. Tuy nhiên, phiên họp năm nay bị cho là có thể nảy sinh những diễn biến căng thẳng mang tính quyết định đến kết quả khi nhiều nghị sĩ đảng Cộng hòa tuyên bố sẽ phản đối kết quả tại một số bang với cáo buộc bất thường trong bầu cử.
Đương kim Tổng thống Donald Trump đang muốn “lật kèo” dù khả năng đảo ngược kết quả bầu cử được giới quan sát cho rằng sẽ rất khó. Theo kết quả bỏ phiếu đại cử tri tại các bang, ứng viên Dân chủ Joe Biden chiến thắng trước Tổng thống Donald Trump với số phiếu 306/232.
Hôm 2.1, Tổng thống Trump đã kêu gọi người ủng hộ biểu tình vào ngày 6.1 để ngăn chặn việc xác nhận kết quả cuộc bầu cử bị coi là gian lận và cáo buộc đối thủ đã “cướp đi chiến thắng” của ông.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   Donald Trump   Hiệp hội   Joe Biden   Lãnh đạo   New York Times   Nhà Trắng   Reuters   Trump   Tổng thống   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   căng thẳng   doanh nghiệp   hành vi   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...