26/01/2021 10:05  
Mong Đảng, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ bà con người dân tộc thiểu số
Chị Hoàng Phương Thuý, 24 tuổi, dân tộc Tày, ở H.Na Hang, Tuyên Quang: "Tôi được biết Đại hội Đảng lần thứ XIII trên các phương tiện thông tin đại chúng và trên báo chí. Tôi mong đại hội sẽ diễn ra thành công tốt đẹp, sẽ lựa chọn được cán bộ có đủ phẩm chất, chính trị và trình độ chuyên môn để làm thật tốt trong bộ máy nhà nước.
Tôi kỳ vọng Đảng ta sau Đại hội lần này sẽ khắc phục những khó khăn trong thời gian vừa qua và đề ra chủ trương chính sách gần với người dân, chăm lo đời sống cho người dân, kiên quyết loại bỏ những vấn đề tiêu cực. Là người dân tộc thiểu số, tôi cũng mong Đảng và Nhà nước sẽ có nhiều chính sách hỗ trợ giúp cho bà con người dân tộc thiểu số có cuộc sống ngày một no ấm hơn".
 
Khu vực cổng chính Trung tâm Hội nghị quốc gia được bảo vệ nghiêm ngặt ngày khai mạc Đại hội XIII.
Đại hội nghỉ giải lao 30 phút. Sau đó, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng sẽ đọc Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành T.Ư khoá XII.
3 đột phá chiến lược
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết, trong giai đoạn tới, cần tập trung đầu tư nguồn lực, tạo sự chuyển biến về chất trong 3 đột phá chiến lược do đại hội XI, XII, đề ra được Đại hội lần này cụ thể hóa, bổ sung:
Một là, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính; thực hiện phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng những biện pháp hữu hiệu.
Thứ 2, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ 3, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.
"Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã nhất trí càng nhất trí hơn nữa.
Với khát vọng vươn lên mãnh liệt và ý chí cao, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục tạo nên những kỳ tích mới; vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện nguyện vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và ý chí của toàn dân tộc", Tổng bí thư kết thúc bài phát biểu.
“Không thế lực nào có thể ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới”
Thứ tư, nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ tổ quốc, là tiếp tục tăng cường xây dựng và chỉnh đốn đảng; nâng cao năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của đảng; xây dựng đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, toàn diện; xây dựng nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, phải đủ phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ. Với một đảng cách mạng chân chính trong sạch, vững mạnh, có đủ uy tín, bản lĩnh, năng lực lãnh đạo và kinh nghiệm như Đảng ta, được nhân dân hết lòng tin yêu, ủng hộ, chúng ta sẽ có sức mạnh to lớn, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; không thế lực nào có thể ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
 
“Không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”
Tổng bí thư nhấn mạnh, toàn đảng, toàn dân, toàn quân ta phải quán triệt trong cả lý luận và hành động thực tiễn 5 quan điểm chỉ đạo cơ bản như sau:
Một, tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên định đường lối đổi mới của Đảng. Kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế: bình đẳng, hợp tác và cùng có lợi để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
“Đây là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”, Tổng bí thư đặc biệt lưu ý.
Thứ hai, chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững, bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng đảng là then chốt, phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng - an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Ba là, động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường và khát vọng phát triển. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và văn hoá con người Việt Nam. Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là thành tựu của cách mạng 4.0; kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại…; tận dụng tối đa nguồn lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người, là quan trọng nhất.
 
Tăng trưởng chưa tương xứng tiềm năng
Theo Tổng bí thư, dù đạt được nhiều thành tựu, nhưng nước ta còn nhiều thách thức và hạn chế.
Tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Tính tự chủ và khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao. Kinh tế tập thể, hợp tác xã quy mô nhỏ, năng lực yếu. DNNN hiệu quả còn thấp…
Môi trường còn gây bức xúc xã hội. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá. Năng lực tổ chức thực hiện còn hạn chế. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của nhiều tổ chức đảng, đảng viên chưa ngang tầm nhiệm vụ. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao.
Những hạn chế đó đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt hơn nữa để khắc phục cho bằng được, tuyệt đối không được chủ quan, tự mãn, mất cảnh giác.
5 bài học kinh nghiệm
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, có 5 bài học có thể rút ra: Thứ nhất là chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của then chốt", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, nhất là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương.
Thứ 2, trong mọi vấn đề phải quán triệt quan điểm "dân là gốc", kiên trì thực hiện phương châm "dân biết, dân làm, dân kiểm tra", nhân dân là chủ thể là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân; lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, thắt chặt quan hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa.
Ba là, trong tổ chức thực hiện phải có nỗ lực cao, quyết tâm lớn, sáng tạo, phát huy vai trò người đứng đầu…
 Bài học thứ tư là tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hoà giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo quy luật thị trường và đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước.
Năm là, chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc đi đôi với giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng, đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ; phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp sức mạnh của thời đại; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
"5 bài học kinh nghiệm nêu trên là cơ sở quan trọng để tiêp tục vận dụng, phát huy và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thách thức mới và nhiệm vụ nặng nề khi bước vào nhiệm kỳ khóa XIII", Tổng bí thư nói và đề nghị Đại hội thảo luận về 5 bài học này.
 
Đoàn kết chung sức đồng lòng
Theo Tổng bí thư: Đạt được những kết quả nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là ý chí, quyết tâm cao, nỗ lực đoàn kết chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn đảng, toàn quân, toàn dân ta…
Qua 35 năm tiến hành đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội, lý luận về con đường đi lên CNXH của chúng ta ngày càng hoàn thiện và được hiện thực hoá.
“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế như hiện nay. Câu này tôi đã nói nhiều lần, khi nói ra nhiều ý kiến cũng nói rằng có khiêm tốn không, nhưng thực tế đã chứng minh, chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Ưu việt của xã hội chủ nghĩa
Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tác động mạnh, gây nhiều thiệt hại kinh tế xã hội, nhưng với sự nỗ lực cố gắng vượt bậc, đất nước ta đạt được thành tích đặc biệt hơn so với các năm trước. Trong khi kinh tế thế giới suy thoái tăng trưởng gần 4% thì kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng 2,9%, là một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất thế giới.
Phát huy đại đoàn kết dân tộc, ưu việt của xã hội chủ nghĩa, điều hành quyết liệt của Chính phủ , đồng tình hưởng ứng của nhân dân, chúng ta kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong cộng đồng, hạn chế tối đa thiệt hại, tổn thất, từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh, hoàn thành mức cao nhất mục tiêu 2020. Việt Nam được thế giới ghi nhận, coi là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu kép: vừa ngăn chặn đại dịch vừa khôi phục kinh tế, đảm bảo an toàn, đời sống cho người dân.
Thế và lực của đất nước được đánh giá cao trên trường quốc tế
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, 5 năm qua, nắm bắt thời cơ, thuận lợi; vượt qua thách thức, khó khăn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Kinh tế duy trì tăng trưởng 5,9%. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với thực hiện 3 đột phá chiến lược đạt những kết quả quan trọng. Các lĩnh vực khoa học, giáo dục, bảo vệ môi trường, phát triển văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực và có mặt khá nổi bật.
Công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng đặc biệt chú trọng. Công tác phòng, chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, toàn diện, đi vào chiều sâu, với quyết tâm chính trị rất cao, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn.
Theo Tổng bí thư, trước tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến nhanh chóng và phức tạp, chúng ta đã chủ động củng cố tiềm lực quốc phòng và an ninh, chủ động xử lý các tình huống, không để bị động, bất ngờ. An ninh, trật tự được giữ vững. Hoạt động đối ngoại đi vào chiều sâu, giữ vững được độc lập, tự chủ, môi trường hoà bình, ổn định để phát triển; thế và lực của đất nước ngày càng được đánh giá cao trên trường quốc tế.
 
 
Công tác chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII
Tổng bí thư cho biết về quá trình chuẩn bị các văn kiện.
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của Đại hội XIII, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành T.Ư đã chuẩn bị cho Đại hội từ rất sớm. Từ 2018, các Tiểu ban đã được thành lập để chuẩn bị cho Đại hội, trong đó Tiểu ban Văn kiện do Tổng bí thư làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do Trưởng ban Tổ chức T.Ư làm Trưởng tiểu ban.
Gần 60 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm đã được tổ chức; 50 cuộc đi thực tế, tham vấn ý kiến của các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các chuyên gia, tổ chức quốc tế.
Các cơ quan nghiên cứu lý luận, khoa học đã gửi 80 báo cáo tư vấn, báo cáo kiến nghị cho các tiểu ban.
Nhiều vị lãnh đạo lão thành, các nhà khoa học tâm huyết đã gửi góp ý. Các báo cáo đã được chắt lọc xác đáng để đưa vào dự thảo văn kiện.
Các báo cáo đã được sửa nhiều lần, riêng báo cáo Chính trị được sửa 30 lần, được công bố công khai toàn văn để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân. Đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp cho văn kiện và được tổng hợp để gửi về T.Ư.
“Trong quá trình soạn thảo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo sát sao, chặt chẽ, đảm bảo tiến độ, cập nhật thay đổi tình hình, nhất là đại dịch Covid-19; đặc biệt, đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã có có 3 bài viết, và một số bài phát biểu - như anh em thường đánh giá, là rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc soạn các văn kiện trình Đại hội XIII”, Tổng bí thư cho biết.
 
 
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư khoá XII
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc báo cáo của Ban Chấp hành T.Ư khoá XII về các văn kiện Đại hội XIII.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho biết, Đại hội là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, dân tộc, đất nước, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước. Cán bộ, đảng viên, đang náo nức chờ mong, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đại hội.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đại hội XIII có chủ đề: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
"Đây là dấu mốc quan trọng của dân tộc, Đảng ta, đất nước ta", ông nói.
 
 
Vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh
Diễn văn có đoạn viết: Đại hội diễn ra trong bối cảnh có nhiều thời cơ và thách thức đan xen, những biến động khó lường của bối cảnh thế giới, những thách thức toàn cầu về biến đổi khí hậu, của cách mạng khoa học công nghệ.
Trong bối cảnh đó, cán bộ, đảng viên, nhân dân đang có những kỳ vọng mới về tương lai.
Thủ tướng khẳng định, với tinh thần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khắc phục những hạn chế, hiện thực hóa khát vọng Việt Nam hùng cương vào năm 2045.
Đại hội có trách nhiệm to lớn đối với đồng bào không chỉ trong giai đoạn 5 năm mà trong những thập niên tới.
Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, chung sức đồng lòng, kiên định niềm tin vào con đường Đảng, Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Đại hội XIII sẽ đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 12 của Đảng, cùng với Đánh giá Cương lĩnh 30 năm đổi mới, đề ra phương hướng phát triển 2020-2025, đề ra phương hướng, tầm nhìn tới năm 2045.
Đồng thời, Đại hội cũng sẽ kiểm điểm sâu sắc T.Ư Đảng khóa XII, phương hướng xây dựng Đảng, đặc biệt là bầu T.Ư Đảng khóa XIII gồm những đồng chí tiêu biểu năng lực lãnh đạo, đáp ứng, lãnh đạo, chỉ đạo những nhiệm vụ to lớn, nặng nề mà nhân dân giao phó.
Đại hội thể hiện ý chí kiên cường, quyết tâm đi tới của cả dân tộc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Thủ tướng cũng khẳng định, Việt Nam nhất định sẽ vươn lên thành công, sánh vai với các cường quốc 5 châu, thực hiện ước nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và toàn thể nhân dân Việt Nam.
 
 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đọc diễn văn khai mạc
Mở đầu diễn văn khai mạc, Thủ tướng đã đề nghị Đại hội tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, các vị cách mạng tiền bối, đồng chí, đồng bào đã hi sinh cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội cũng biểu dương ý chí, khát vọng vươn lên của đồng chí, đồng bào, các tầng lớp nhân dân, đã đạt nhiều thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội và góp phần hoàn thành các mục tiêu 5 năm, đóng góp quan trọng và trực tiếp và thành công của Đại hội.
 
Tới dự đại hội có nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng… và các vị nguyên là uỷ viên Bộ Chính trị, bí thư T.Ư Đảng, uỷ viên T.Ư từ khoá III đến khóa VII; và nguyên các uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra T.Ư khoá XII; các bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu…
Các vị đại sứ, đại biện các nước và đại diện các tổ chức quốc tế tại Hà Nội cũng đã được mời đến dự đại hội.
 
Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng tuyên bố khai mạc Đại hội
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vương tuyên bố khai mạc Đại hội, Đại hội sẽ kiểm điểm việc thực hiện Đại hội XII của Đảng gắn với đánh giá 35 năm đổi mới, quyết định nhiệm vụ 5 năm, 10 năm tới…; kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành T.Ư khoá XII và bầu Ban Chấp hành T.Ư khoá XIII.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên họp.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu đọc diễn văn khai mạc Đại hội
 
Đúng 8 giờ, Đại hội tiến hành nghi lễ chào cờ
Đúng 8 giờ sáng, Đại hội tiến hành nghi lễ chào cờ, chính thức khai mạc Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Trước giờ khai mạc Đại hội, Đại hội được nghe thông báo danh sách Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm 16 Ủy viên Bộ Chính trị và Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn thư ký của Đại hội gồm 5 người.
 
Không khí trước phiên khai mạc khá sôi động. Một số đoàn đại biểu tranh thủ chụp ảnh kỷ niệm.
Các vị nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước: nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, nguyên Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng… vừa bước vào hội trường với vai trò khách mời.
 

Trần Cường


Người dân gửi kỳ vọng đến Đại hội
Trước thềm khai mạc Đại hội XIII, nhiều người dân bày tỏ kỳ vọng đại hội lần này sẽ đưa ra được quyết sách đúng đắn, phù hợp với bối cảnh mới của đất nước; tiếp tục quyết tâm chống tham nhũng.
Ông Nguyễn Đăng Hoa (72 tuổi, cán bộ về hưu, P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội)
Nhiệm kỳ 12 đã đạt được những thành tích, công lao, kết quả tốt là căn bản, nhưng vẫn còn những hạn chế làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng. Chúng ta nên nhìn thẳng vào những hạn chế đó để kỳ vọng vào nhiệm kỳ 13 này có những phương châm, biện pháp cụ thể để đấu tranh giải quyết những tệ nạn của xã hội và những tồn tại đang có trong Đảng.
Nhiệm kỳ Đại hội lần thứ 13 này đã được Đảng ta chuẩn bị rất kỹ và nhân dân theo dõi rất sát sao. Chuẩn bị bước sang một mùa xuân mới, tôi hy vọng một mùa xuân tốt đẹp hơn, không còn dịch bệnh Covid-19 để trở lại cuộc sống ổn định, bình thường, đón chào Đại hội đảng thành công tốt đẹp, biểu hiện ở chỗ vạch ra được đường lối chính sách, những chủ trương đúng những biện pháp mạnh mẽ để đạt được cương lĩnh của Đảng đã đề ra.
Các đoàn đại biểu bắt đầu vào hội trường

Bảo Cầm

Trước đó, để chuẩn bị cho phiên khai mạc chính thức và nội dung làm việc của đại hội, sáng 25.1, đại hội đã họp phiên trù bị, thông qua Quy chế làm việc của Đại hội; bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua Chương trình làm việc Đại hội, Quy chế bầu cử tại Đại hội XIII, Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu…
Phiên khai mạc Đại hội XIII sáng nay sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4, VTV5 của Đài Truyền hình Việt Nam
 
Theo chương trình đã được thông qua tại phiên trù bị, Đại hội XIII diễn ra trong 9 ngày, từ 25.1 - 2.2, với rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung bầu nhân sự Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII; bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư khóa mới.
Những ngày đầu làm việc, đại hội sẽ nghe các nội dung dự thảo Báo cáo văn kiện; Báo cáo kiểm điểm kiểm điểm công tác lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhiệm kỳ XII; và thảo luận về các nội dung văn kiện...

Sau đó, đại hội sẽ tiến hành các nội dung liên quan đến công tác nhân sự, như thảo luận và biểu quyết số lượng Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII; thảo luận tại đoàn về tiêu chuẩn, cơ cấu Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII;… nghe báo cáo của Đoàn Chủ tịch về tổng hợp danh sách ứng cử, đề cử (bổ sung) Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII.

Bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư.

Sau khi bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII và nghe công bố kết quả bầu cử, danh sách trúng cử Ban Chấp hành T.Ư khóa XIII, đại hội sẽ có 1 ngày nghỉ làm việc để Ban Chấp hành T.Ư khóa mới họp hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư.
Theo chương trình, Đại hội sẽ bế mạc vào sáng 2.2, sau khi thông qua Nghị quyết đại hội; nghe báo cáo kết quả bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư;... 
Liên quan đến nhân sự nhân sự T.Ư khóa XIII, tại họp báo về đại hội diễn ra chiều 22.1, Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư Mai Văn Chính cho biết, công tác nhân sự đã được T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XII chuẩn bị ngay từ đầu nhiệm kỳ. Điểm mới trong quy trình công tác nhân sự lần này là tiến hành theo 5 bước, khác nhiệm kỳ trước tiến hành 3 bước, nên dân chủ, chặt chẽ hơn, thông qua cấp ủy, thảo luận trên nguyên tắc tập trung, dân chủ.
Phó trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng cho hay, trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các hội nghị T.Ư lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành T.Ư khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xem xét, bầu cử theo quy định.

Về số lượng, theo ông Chính, phương hướng công tác nhân sự T.Ư khóa XIII đã xác định: T.Ư khóa XIII có 200 người, trong đó có 180 ủy viên chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Việc chuẩn bị nhân sự để trình ra đại hội bầu có số dư là 15%; số dư đại biểu được giới thiệu thêm tại đại hội là không quá 30%.
Ông Chính cũng cho hay, T.Ư khóa XIII cơ cấu 3 độ tuổi, dưới 50, từ 50 - 60 và từ 61 tuổi trở lên. Theo đó, phấn đấu dưới 50 tuổi từ 15 - 20%; 50 - 60 tuổi là 70%; 61 tuổi trở lên khoảng 10%.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bài học   Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Kinh tế   Việt Nam   Xã hội   chiến lược   chuyên gia   chính sách   hợp tác   kiến nghị   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...