01/11/2020 8:25  
Hai từ "thể chế" được đề cập xuyên suốt trong toàn bộ các dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng với "tần suất xuất hiện dày đặc".

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, nói như trên trong cuộc trả lời phỏng vấn của VnExpress về những điểm mới đáng chú ý trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

- Vì sao nội dung liên quan đến "hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển" được đề cập đến nhiều trong các dự thảo Văn kiện, thưa ông?

- Đảng không rút ra từ khóa của mỗi Đại hội. Nhưng theo cảm nhận của tôi, mỗi kỳ Đại hội đều có những từ khóa nổi bật, đơn cử Đại hội VI có từ khóa là "Đổi mới"; Đại hội VII là "Cương lĩnh 1991"; Đại hội VIII năm 1996 là "Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"... Đến Đại hội XIII lần này, tôi nghĩ rằng từ khóa là "Thể chế - Sáng tạo - Khát vọng".

Dự thảo các Văn kiện đều nhấn mạnh đến thể chế, từ quan điểm chỉ đạo đến định hướng phát triển, giải pháp ở tất cả các lĩnh vực và các đột phá chiến lược. Dự thảo báo cáo Chính trị nêu ba đột phá chiến lược thì đột phá đầu tiên là "hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN".

Trong định hướng phát triển 10 năm tới, định hướng đầu tiên cũng là tiếp tục phát triển mạnh mẽ tư duy, hoàn thiện thể chế. Có thể nói "thể chế" được đề cập xuyên suốt trong toàn bộ các dự thảo văn kiện với tần suất xuất hiện dày đặc.

Từ khóa thứ hai là "sáng tạo". Chúng ta nhiều lần nhận định rằng mình đã lỡ con tàu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2, thứ 3. Giờ cả nhân loại bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nếu không có những chủ trương, giải pháp đúng đắn, chúng ta lại lỡ tàu một lần nữa.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là phải đổi mới, sáng tạo, thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; đáp ứng yêu cầu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, hội nhập quốc tế. Cụm từ "đổi mới sáng tạo" cũng là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt trong các dự thảo Văn kiện.

Từ khóa thứ ba là "khát vọng", vì lần này dự thảo Văn kiện nhấn mạnh đến "khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc".

Các Văn kiện Đại hội trước đây chưa đề cập đúng mức đến vấn đề khát vọng phát triển. Trong khi đó, thực tế cuộc sống cho thấy khát vọng là động lực to lớn đưa các tổ chức, cá nhân đi đến thành công. Đội U23 của Việt Nam đá bóng ở Thường Châu (Trung Quốc) năm 2018, thực lực thua kém đội bóng một số nước, nhưng đã làm nên kỳ tích nhờ "khát vọng". Những năm qua, nhiều tỉnh thành cũng nuôi khát vọng trở thành tỉnh phát triển khá, tỉnh công nghiệp, tỉnh giàu, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân. Thanh Hóa trước đây là tỉnh khó khăn, luôn phải xin ngân sách Trung ương, nhưng đến nay đã có quy mô kinh tế thứ 8 của cả nước. Hà Nam trước đây là "đất ông Cò", đến bây giờ cũng tự cân đối được ngân sách.

Hơn lúc nào hết, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII nhấn mạnh khát vọng phát triển đất nước, thể hiện ngay trong chủ đề của Đại hội và các mục tiêu. Theo đó, đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, vượt qua thu nhập trung bình thấp; đến 2030 là nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến 2045 là nước phát triển, thu nhập cao.

- Vì sao ba đột phá chiến lược gồm thể chế, nguồn nhân lực, hạ tầng đã được nêu trong Văn kiện Đại hội XI và XII, lại tiếp tục được đề cập trong dự thảo Văn kiện lần này?

- Đột phá chiến lược được hiểu là những khâu, những nhiệm vụ chủ yếu có tính chất chi phối toàn cục, bao trùm trong quá trình thực hiện chiến lược, được quy định bởi mục tiêu phát triển chủ yếu trong thời gian dài. Các nhiệm vụ đột phá phải đóng vai trò chủ đạo, mở đường, liên kết, tạo động lực thực hiện thành công chiến lược phát triển. Nếu đột phá chiến lược chỉ thực hiện trong 5 năm thì không thể gọi là "chiến lược" được mà chỉ là "sách lược".

Lần này, đột phá chiến lược vẫn là thể chế, là nguồn nhân lực, hạ tầng, nhưng nội hàm được phát triển so với nội dung trong văn kiện các Đại hội trước. Ví dụ như đột phá thứ nhất, trước đây nói là thể chế kinh tế thị trường, lần này chúng ta nói thể chế chung cho tất cả các lĩnh vực. Trước đây cũng nói nguồn nhân lực, nhưng bây giờ ưu tiên nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý và các lĩnh vực then chốt.

Về hạ tầng thì dự thảo Văn kiện lần này nêu rõ ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số.

- Ngoài ba từ khóa "thể chế, sáng tạo và khát vọng", đâu là điểm mới trong dự thảo Văn kiện Đại hội XIII mà ông tâm đắc nhất?

- Điều tôi tâm đắc nhất là dự thảo Văn kiện đại hội XIII đã đặt đúng tầm công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, có báo cáo chuyên đề về nội dung này. Đảng xác định 5 mặt của công tác xây dựng Đảng, nhấn mạnh nội dung "cán bộ", đó là "xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức và cán bộ".

Ở nhiệm kỳ Đại hội XII, chúng ta xác định xây dựng Đảng là then chốt thì công tác cán bộ là then chốt của then chốt. Ban chấp hành Trung ương đã ra một nghị quyết chuyên đề về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Cũng về xây dựng Đảng, dự thảo Văn kiện Đại hội XIII có một điểm mới rất hay nữa là "Đảng gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng". So với Đại hội XII, dự thảo Văn kiện lần này bổ sung thêm hai khía cạnh là "dân giám sát, dân thụ hưởng".

5 năm trước, khi xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội XII, cũng có ý kiến đề nghị đưa nội dung "dân giám sát, dân thụ hưởng" vào, nhưng lúc bấy giờ lý do chưa đủ sức thuyết phục. Lần này đưa vào được dự thảo Văn kiện vì thực tế 5 năm qua điều này đã được chứng minh trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đây là chương trình do người dân trực tiếp làm, có sự hỗ trợ của nhà nước và nhân dân thụ hưởng trực tiếp. Kết quả thực hiện chương trình nông thôn mới đến nay đã vượt mục tiêu đề ra về số xã đạt tiêu chuẩn, đây chính là kết quả của một chủ trương "dân làm, dân thụ hưởng".

- Như ông nói là dự thảo Văn kiện nhấn mạnh đến "xây dựng Đảng về cán bộ". Điều này được thể hiện như thế nào?

- Nội dung này được đề cập cả trong đánh giá tình hình, bài học kinh nghiệm và trong phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp những năm tới.

Dự thảo Văn kiện trước đây đã đề cập đến ba khâu đột phá, trong đó có phát triển nguồn nhân lực; tuy nhiên, chưa nói rõ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực nào. Dự thảo mới nhất, công bố lấy ý kiến nhân dân ngày 20/10 đã viết rõ hơn, xác định ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt. Theo tôi, đây là chủ trương rất đúng đắn và đang được triển khai đạt nhiều kết quả trong thực tế.

Tôi lấy ví dụ về tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Kết quả Đại hội đảng bộ trực thuộc Trung ương cho thấy tỷ lệ cán bộ trẻ, nữ tăng hơn nhiệm kỳ trước. Cán bộ chủ chốt cấp tỉnh thế hệ 7X rất nhiều. Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Tháp Lê Quốc Phong sinh năm 1978. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, Hà Giang sinh năm 1976. Nữ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi sinh năm 1974. Riêng Thanh Hóa cả Bí thư Tỉnh uỷ và ba Phó Bí thư đều thế hệ 7X. Lần đầu tiên sau khi 63 tỉnh, thành tổ chức Đại hội xong, chúng ta có 9 nữ Bí thư Tỉnh uỷ.

Xét về trình độ, bằng cấp cũng được nâng lên. Tính đến 20/10, trong số các cấp uỷ viên được bầu tại Đại hội của 50 Đảng bộ trực thuộc Trung ương, có 1.372 thạc sỹ (55,59%), 211 tiến sỹ (8,54%), 14 phó giáo sư (0,56%), 3 giáo sư (0,12%).

Cha ông ta tổng kết "một người lo bằng một kho người làm", "vua sáng thì tôi hiền", "thượng bất chính hạ tắc loạn". Do vậy, khi nhấn mạnh đến nguồn nhân lực làm công tác lãnh đạo, quản lý, nghĩa là nhấn mạnh đến xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu các cấp.

Bốn dự thảo văn kiện trình Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được công bố, lấy ý kiến nhân dân từ 20/10 đến 10/11. Người dân có thể tham gia góp ý trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị xã hội, các hội thảo, tọa đàm khoa học; hoặc gửi thư góp ý kiến tới cấp ủy đảng các cấp và các cơ quan báo chí...

Hoàng Thùy

Nguồn tin: vnexpress.net


Khát vọng   Trung Quốc   Việt Nam   chiến lược   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...