09/10/2020 8:40  
Các bác sĩ cho rằng, dù chế độ Keto có thể giúp giảm cân nhanh trong thời gian đầu, nhưng người muốn theo chế độ này nên tìm hiểu thật kỹ và hỏi ý kiến bác sĩ, đặc biệt là người mắc các bệnh mãn tính.

  

Vừa qua, India Times đưa tin, nữ diễn viên trẻ Mishti Mukherjee (27 tuổi, người Ấn Độ) trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện ở Bengaluru, Ấn Độ. Nguyên nhân được đưa ra là nữ diễn viên bị suy thận nặng. "Nghi phạm" số 1 hiện tại là chế độ ăn kiêng Keto nhằm giảm cân nhanh.

Theo các chuyên gia, ăn kiêng để giữ dáng, giảm cân là chuyện rất bình thường, đối với các sao thì càng phổ biến. Tuy nhiên, nếu theo một chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo, không chính xác, thì hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng.

Được biết, Keto là chế độ ăn ít chất béo, protein và giảm tinh bột. Theo quy tắc, mỗi ngày, các bữa ăn Keto lý tưởng sẽ gồm 75% chất béo, 20% protein và chỉ 5% tinh bột. Nguyên tắc của chế độ ăn kiêng này là loại bỏ nguồn tinh bột mà cơ thể sử dụng cho các hoạt động hàng ngày. Thay vào đó, cơ thể sẽ dùng chất béo tích trữ để tạo ra nguồn năng lượng.

Theo một nghiên cứu gần đây từ Đại học Harvard, Mỹ đã chỉ ra ảnh hưởng của Keto tới thận. Thận giúp chuyển hóa protein. Keto khiến cơ quan này quá tải. Nếu theo chế độ trong thời gian dài, nó gây áp lực tới các chức năng của thận.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo những người mắc bệnh mạn tính hoặc bệnh thận cần đặc biệt cẩn trọng. Nếu vẫn chọn cách giảm cân bằng chế độ Keto thì cần tìm hiểu thật kỹ, hỏi ý kiến bác sĩ và có chuyên gia dinh dưỡng và cần theo dõi trong quá trình ăn kiêng.

Đặc biệt, cần lưu ý mỗi đợt ăn kiêng Keto cũng không nên kéo dài quá 45 ngày vì cơ thể sẽ dễ bị mất cân bằng dinh dưỡng.

4 sai lầm phổ biến khi áp dụng chế độ ăn Keto khiến nhiều người thất bại:

Nạp vào quá nhiều protein

Đây là sai lầm phổ biến thường gặp trong ăn Keto do nhiều người quan niệm ăn nhiều protein sẽ giúp tăng cường tiêu thụ chất béo. Sự thực điều này không sai, tuy nhiên nếu lạm dụng ăn đến mức dư thừa protein thì chính protein sẽ khiến cho cơ thể không thể giảm cân được. Bởi một số axit amin trong protein khi đó sẽ được chuyển thành glucose thông qua một quá trình gọi là gluconeogenesis, dẫn đến ngăn chặn cơ thể bước vào Keto toàn diện.

Ăn quá nhiều hoặc quá ít chất béo

Ăn quá nhiều chất béo tất nhiên sẽ dẫn đến rối loạn chuyển hóa, nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường. Tuy nhiên ăn quá ít cũng sẽ gây ra rất nhiều phiền toái. Dù chất béo không phải thủ phạm chính gây ra mỡ thừa cho cơ thể nhưng một số người vẫn không khỏi "ác cảm" với chúng. Một số người còn cho rằng nếu kết hợp cả chế độ low carb như Keto và low fat cùng một lúc thì sẽ cho hiệu quả giảm cân tốt hơn. Đây thực sự là một quan niệm sai lầm có thể khiến cơ thể bạn bị thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng, dẫn đến đói lả, mệt mỏi và bỏ dở giữa chừng chế độ Keto.

Ăn ít rau xanh

Các loại rau củ nói chung đều chứa khá nhiều carb nên nhiều người có xu hướng bỏ qua hoặc ăn quá ít dẫn đến thiếu hụt chất điện giải nói chung và đặc biệt là Kali nói riêng dùng để tổng hợp protein, hỗ trợ chuyển hóa tinh bột và chất béo. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi ngày, mỗi người cần nạp từ 3.510mg Kali để đảm bảo trao đổi chất bình thường. Trên thực tế, phần lớn nguồn Kali đều đến từ các loại rau xanh lá. Trường hợp thiếu hụt rau xanh quá sẽ dẫn đến các triệu chứng chóng mặt, mệt mỏi, đau đầu và thậm chí táo bón.

Không chú ý đến sức khỏe đường ruột

Nhiều thực đơn keto có ít chất xơ và các chất dinh dưỡng hỗ trợ đường ruột khác. Theo thời gian, những thiếu hụt này ảnh hưởng xấu đến hệ vi sinh vật đường ruột, làm tăng tình trạng viêm và tạo ra sự mất cân bằng đường ruột. Táo bón dẫn đến quá tải độc tố, làm tăng tình trạng viêm cơ thể và cản trở nỗ lực giảm cân của bạn.

Bạn nên tăng cường các thực phẩm thân thiện với ruột như các loại thực phẩm giàu chất xơ như trái cây ít đường, các loại hạt, rau xanh, rau họ cải…

Nguồn tin: www.24h.com.vn


bệnh tim mạch   chuyên gia   sai lầm phổ biến   thực phẩm   tiểu đường  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...