04/11/2020 18:10  
Sau đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Ninh đang hồi phục một cách ngoạn mục từng ngày nhờ hai chương trình kích cầu quy mô bài bản và hàng loạt các giải pháp quyết liệt đã được triển khai.

 Kích cầu để hồi sinh

Sau hai làn sóng Covid 19, có thể nói ngành du lịch Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng rơi vào cuộc khủng hoảng chưa từng có. Từ vùng di sản với hàng loạt điểm đến gây thương nhớ, đông vui, nhộn nhịp… bỗng trở nên đìu hiu, vắng vẻ, lượng khách du lịch theo đó cũng sụt giảm nghiêm trọng.

Theo thống kê của Sở Du lịch Quảng Ninh, trong 9 tháng đầu năm 2020, tổng lượng khách đến Quảng Ninh đạt 5,88 triệu lượt; chỉ bằng 52% so với cùng kỳ 2019. Trong đó khách quốc tế đạt 516.000 lượt, bằng 13% so với cùng kỳ, tổng thu từ du lịch đạt 12.343 tỷ, giảm 44% so với cùng kỳ.

Làm thế nào để đưa ngành công nghiệp không khói bước qua khủng khoảng? Lời giải cho bài toán này không chỉ là sự lo lắng của các doanh nghiệp trực tiếp đối mặt với khủng khoảng mà còn là sự trăn trở của các sở, ngành, địa phương và trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà lãnh đạo tỉnh.

Chính vì thế, ngay khi lệnh cách ly xã hội lần thứ nhất được gỡ bỏ vào đầu tháng 5 năm 2020, chính quyền Quảng Ninh đã quyết định “tung chiêu” giải cứu, hàng loạt các biện pháp mang tính chiến lược được triển khai.

Trong đó phải kể đến gói kích cầu du lịch “khủng” với tổng giá trị lên tới 200 tỉ đồng, miễn giảm từ 50%- 100% phí tham quan các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, hỗ trợ vé xe bus từ sân bay Vân Đồn đến Dốc Đỏ Uông Bí, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn sớm hoạt động trở lại.

Song song với chiến dịch kích cầu, Quảng Ninh cũng kêu gọi hơn 100 doanh nghiệp thành lập liên minh du lịch đồng hành, sát cánh nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới độc đáo, ấn tượng, tạo sức hút mới với du khách.

Sản phẩm phải kể đến đầu tiên là khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng cao cấp, tiêu chuẩn Nhật Bản đầu tiên tại Việt Nam Yoko Onsen Quang Hanh xây dựng tại Cẩm Phả.

Một hình thức di chuyển rất mới đang được du khách thích thú, lựa chọn khi đến với huyện đảo Cô Tô là tàu cao tốc Tuần Châu - Cô Tô. Đây là loại tàu hiện đại, công suất lớn, được thiết kế với khả năng chịu sức gió lên tới cấp 7. Di chuyển bằng con tàu này, du khách không chỉ rút ngắn thời gian đến Cô Tô chỉ còn 2h đồng hồ mà còn có thể dễ dàng khám phá Cô Tô vào bất cứ thời điểm nào trong năm mà không còn lệ thuộc nhiều vào thời tiết.

Theo một lãnh đạo ngành du lịch Quảng Ninh, kết quả của đợt kích cầu du lịch lần thứ nhất đã không phụ lòng mong đợi. Không chỉ lan tỏa mạnh mẽ  mà còn giúp ngành công nghiệp không khói khởi sắc, tạo ấn tượng trong lòng du khách.

Chỉ sau hơn 1 tháng triển khai chiến dịch, lượng khách đến Quảng Ninh đã tăng trưởng đột biến, có thời điểm đạt mức kỷ lục, cao nhất từ trước tới nay là 100.000 khách/ ngày.

Chuyển biến mới, tạo ấn tượng

Với đà sẵn có, trung tuần tháng 9 vừa qua, Quảng Ninh một lần nữa quyết tâm vực dậy ngành du lịch khi quyết định chi thêm 100 tỷ đồng cho việc kích cầu du lịch. Động thái này cũng là kỳ vọng sẽ khiến du lịch Quảng Ninh xoay chiều, hoàn thành mục tiêu đón 3 triệu khách trong quý IV của tỉnh.

Để sớm cán đích, chính quyền cũng quyết liệt đẩy mạnh hàng loạt giải pháp đột phá tạo sức hấp dẫn cho điểm đến. Các chương trình ưu đãi đặc biệt được triển khai đồng loạt tại các điểm đến tham quan, khu vui chơi giải trí, khách sạn… Giá vé tham quan các địa điểm, danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long, Bảo tàng Quảng Ninh, Yên Tử từ nay cho đến cuối năm được giảm tới 50%.

Bên cạnh đó, thông điệp là điểm đến bình yên với nhiều trải nghiệm thú vị hấp dẫn như Bình yên miền biển (Hạ Long ảo diệu mùa đông); “Bình yên miền núi” (Thơ mộng Bình Liêu) hay “Yên Tử, Ngọa Vân- Chốn tâm linh bình yên.” cũng được lan tỏa.

Chưa kể đến tới đây, nhiều lễ hội truyền thống mang đến cho du khách cơ hội được khám phá nhịp sống muôn sắc màu của người dân vùng Đông Bắc như:  tuần lễ ẩm thực hải sản Quảng Ninh; chuỗi hoạt động du lịch tâm linh “Thu đoàn viên, tìm an yên”; kỷ niệm ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn; lễ hội mùa vàng Bình Liêu, lễ hội Hoa Sở, lễ hội Cơm mới… sẽ được tổ chức tại thành phố di sản.

Một cuộc vận động kêu gọi người dân Quảng Ninh tham gia kích cầu du lịch với kỳ vọng sẽ góp phần tạo động lực tăng trưởng cho ngành cũng vừa được chính quyền tỉnh phát động.

Có thể nới, với những chiến dịch kích cầu nối tiếp không ngừng, du lịch Quảng Ninh đã tạo được sức hút mạnh mẽ đối với du khách trong nước. Theo khảo sát mới nhất của TAB, Quảng Ninh đứng ở vị trí thứ 2 trong 10 điểm đến được ưa thích nhất tại Việt Nam, cao hơn cả nhiều địa danh nổi tiếng như Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa…

Hay nói như một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh mới đây, với những thành công ban đầu từ chương trình kích cầu du lịch cho thấy, quyết sách của tỉnh là đúng đắn và như vậy kỳ vọng đón 3 triệu khách du lịch trong quý IV năm 2020 sẽ không phải là con số ngoài tầm với.

 An Nhiên

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid 19   Covid-19   Hà Nội   Nhật Bản   Việt Nam   Yên Tử   chiến lược   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   khủng hoảng   sân bay   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...