13/01/2021 18:10  
Năm nay, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ bổ sung thêm các môn tự chọn (trắc nghiệm) Lý-Hóa/Hóa-Sinh và có thể cả Tiếng Anh. Lãnh đạo nhà trường dự báo, mức điểm chuẩn trúng tuyển sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ.

Tuyển sinh năm 2021, trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn đưa ra 3 phương thức tuyển sinh kèm nhiều điều kiện xét tuyển. Phóng viên Dân trí đã trao đổi với PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng nhà trường về công tác tuyển sinh năm nay. 

Phóng viên: Ông cho biết phương án tuyển sinh năm 2021 của trường ĐH Bách khoa Hà Nội như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Năm 2021, phương án tuyển sinh đại học chính quy của Trường giữ ổn định như năm trước với 3 phương thức: Xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT theo các tổ hợp môn truyền thống; Xét tuyển tài năng, bao gồm xét tuyển thẳng và xét hồ sơ học tập kết hợp với phỏng vấn (đối với học sinh các trường chuyên); Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ kiểm tra tư duy do Trường tổ chức (thời điểm sau kỳ thi tốt nghiệp THPT).

Tổng chỉ tiêu đăng ký là 7000, tỷ lệ phân bổ chỉ tiêu cho 3 phương thức trên sẽ được công bố chính thức trong Đề án tuyển sinh 2021 của Trường.

Phóng viên: Với phương án tuyển sinh này, thí sinh cần đặc biệt lưu ý gì thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Thí sinh cần lưu ý là việc tham dự kỳ kiểm tra tư duy do Trường tổ chức sẽ làm tăng thêm cơ hội chọn lựa và khả năng trúng tuyển của các em.

Sau những thành công bước đầu trong năm 2020, Nhà trường dự kiến tiếp tục tổ chức thi tại 3 điểm trên khu vực Miền Bắc với số lượng dự kiến khoảng 8 ngàn-10 ngàn thí sinh dự thi nếu tình hình cho phép (thí dụ dịch Covid-19 vẫn được khống chế hiệu quả).

Bên cạnh môn Toán và Đọc hiểu (trắc nghiệm và tự luận), năm nay sẽ bổ sung thêm các môn tự chọn (trắc nghiệm) Lý-Hóa/Hóa-Sinh và có thể cả Tiếng Anh.

Kỳ kiểm tra này sẽ được tổ chức gọn nhẹ về thời gian, không tạo ra tâm lý căng thẳng và áp lực phải học thêm cho thí sinh nhưng vẫn đảm bảo chọn lựa được các sinh viên có năng lực học tập tốt, đáp ứng được yêu cầu của chương trình đào tạo.

Phóng viên: Được biết điểm chuẩn nhiều ngành năm ngoái của trường cao ngất ngưởng tới 29,4 điểm, vì sao vậy thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Điểm chuẩn vào một vài ngành của Trường năm 2020 ở mức cao do nhu cầu học, chất lượng đào tạo và danh tiếng của Nhà trường đối với thị trường lao động trình độ cao, số lượng thí sinh giỏi đăng ký rất cao tạo ra sự cạnh tranh lớn, đặc biệt trong nhóm ngành đào tạo liên quan trực tiếp đến "cách mạng công nghiệp 4.0" về Công nghệ thông tin và Tự động hóa, Cơ điện tử.

Phóng viên: Với phương án tuyển sinh mới năm 2021, liệu năm nay mức điểm chuẩn các ngành này có thay đổi không thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Theo tôi dự báo, mức điểm chuẩn trúng tuyển sẽ giữ ổn định hoặc giảm nhẹ tùy theo ngành đào tạo. Thí sinh có thể tham khảo mức điểm chuẩn năm 2020 để cân nhắc điều chỉnh nguyện vọng hợp lý (sau khi Bộ GDĐT công bố kết quả thi).

Phóng viên: Với các ngành học của trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ông có lời khuyên và chia sẻ gì cho các thí sinh yêu Bách khoa muốn được vào trường học?

PGS.TS Nguyễn Phong Điền: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã xây dựng, đổi mới và hiện đại hóa để triển khai một loạt các chương trình đào tạo trong lĩnh vực kỹ thuật-công nghệ mũi nhọn trong thời kỳ đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo công nghệ.

Tuy nhiên, vẫn có một nhu cầu lớn trong tương lai về nhân lực trong những ngành truyền thống như Kỹ thuật Cơ khí, Công nghệ Dệt-May, Kỹ thuật Nhiệt hay Kỹ thuật Vật liệu để phục vụ cho phát triển Kinh tế - Xã hội của đất nước. Các em thí sinh nên cân nhắc chọn lựa đăng ký ngành đào tạo phù hợp giữa nguyện vọng và năng lực học tập (kết quả thi) để có một cơ hội trúng tuyển cao, hiện thực hóa ước mơ tốt nghiệp ĐH Bách khoa Hà Nội của các em./.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!

Hồng Hạnh (thực hiện)

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Công nghệ   Hà Nội   Kinh tế   Lãnh đạo   Xã hội   căng thẳng   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...