28/12/2020 18:10  
Để tìm hiểu vì sao nước mắt có vị mặn, chúng ta hãy bắt đầu bằng câu chuyện về những con rùa biển.

Khi những con rùa mẹ bò lên bãi biển vào ban đêm để đẻ trứng, nếu quan sát thật kỹ, bạn có thể thấy chúng nhỏ ra một vài giọt nước mắt. Truyền thuyết kể rằng những con rùa mẹ này đang khóc vì chúng sẽ không bao giờ gặp được những đứa con của mình.

Nhưng các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng thực ra những con rùa biển này không hề khóc. Chúng chỉ đang làm một việc để thải bớt muối khỏi cơ thể qua những giọt nước mắt rất mặn đó.

Vì sống trong nước biển mặn và thức ăn ưa thích là sứa, mà những con sứa thì cơ thể chủ yếu là nước biển, cho nên rùa biển tích tụ rất nhiều muối trong cơ thể đến mức có thể gây độc. Vì thế chúng cần phải "khóc" để loại bớt lượng muối này khỏi cơ thể để có thể sống khỏe mạnh. 

Nếu chúng ta ăn quá nhiều muối hoặc vì lý do nào đó cơ thể chúng ta tích tụ nhiều muối thì thận sẽ giúp chúng ta đào thải bớt muối khi chúng ta đi tiểu. Nhưng thận của rùa biển không hoạt động được tốt như của người nên chúng không thể đào thải muối qua nước tiểu được. Vì thế, rùa biển có tuyến tiết muối đặc biệt trong mắt, tuyến này lớn gấp hai lần kích thước bộ não của chúng, để tiết bớt muối vào nước mắt. 

Vậy còn con người thì sao?

Nếu bạn nếm một giọt nước mắt chảy xuống má, bạn sẽ thấy nó hơi mặt một chút. Nhưng vì sao lại như vậy khi mà thận của chúng ta làm việc tốt hơn của rùa và chúng ta cũng không thường xuyên ăn sứa?

Điều này được giải thích như sau: các chất dịch trong cơ thể chúng ta đều mang một chút muối. Lượng muối này được biến thành điện giải để giúp cơ bắp và bộ não hoạt động. Lượng muối trong các chất dịch cơ thể (như là nước mắt, mồ hôi, nước bọt) cũng bằng với lượng muối có trong máu, tức là chưa đến 1% hoặc chỉ khoảng 2 thìa cà phê muối trong mỗi lít.

Vì thế nước mắt của chúng ta nhạt hơn nước mắt của rùa biển nhiều, mặc dù nếm thì vẫn có thể thấy vị mặn.

3 loại nước mắt

Độ mặn của nước mắt có thể thay đổi tùy vào loại nước mắt của bạn. Tuyến lệ trong mắt tạo ra ba loại nước mắt khác nhau, đó là nước mắt nền, nước mắt phản xạ và nước mắt cảm xúc. Nước mắt nền giữ cho mắt ẩm và ngăn chặn vi khuẩn có hại xâm nhập vào mắt. Nước mắt phản xạ sinh ra khi mắt bạn cần được rửa sạch khỏi những thứ độc hại cho mắt như là bụi, khói, hạt cát. Nước mắt cảm xúc là nước mắt khi bạn khóc vì vui mừng hoặc đau khổ.

Nước mắt nền và nước mắt phản xạ có nhiều muối hơn nước mắt cảm xúc, vì chúng có tác dụng giữ cho mắt khỏe mạnh. Nước mắt cảm xúc mang nhiều thứ khác hơn, ví dụ như hóc môn có tác dụng như thuốc giảm đau tự nhiên. Đó chính là lý do vì sao đôi khi chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn sau khi khóc vì buồn.

Nếu lần tới bạn rơi nước mắt có vị mặn một chút thì hãy dành một phút thử nghĩ xem chúng ta may mắn thế nào khi có thận làm việc tốt để kiểm soát được lượng muối trong cơ thể, nhờ đó chúng ta không phải khóc những giọt nước mắt quá mặn để có thể sống được, như là những con rùa biển.

Phạm Hường 

Theo The Coversation 

Nguồn tin: dantri.com.vn


thuốc giảm đau  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...