10/01/2021 16:35  
 

Trong những năm 2016, Việt Nam và Nga đã ký kết hợp đồng mua bán 64 chiếc xe tăng T-90S/SK hiện đại đủ để trang bị cho 2 tiểu đoàn tăng - thiết giáp. Đây là sự đầu tư nâng cấp lực lượng đáng kể của lục quân Việt Nam sau hợp đồng mua xe tăng T-62 với Liên Xô từ lâu với một nỗ lực hiện đại hóa quân đội. Ảnh: Xe tăng T-90S/SK Việt Nam trong biên chế Xe tăng T-90S/SK là xe tăng thế hệ thứ 3+ và là mẫu xe tăng đầu tiên do Nga sản xuất kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Nó sở hữu một sức mạnh vô cùng vượt trội như pháo nòng trơn 2A46M 125mm có thể bắn tên lửa chống tăng qua nòng, hệ thống giáp phản ứng nổ Kontakt-5, hệ thống phòng thủ chủ động Shtora-1M, các hệ thống quan sát tinh vi và hệ thống điều khiển hỏa lực hiện đại. T-90S/SK có thể được xem là mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực mạnh bậc nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay. Tuy vậy, hiện nay số lượng xe tăng T-90S/SK của quân đội Việt Nam mới chỉ có 64 chiếc, đây là một con số quá khiêm tốn, nhất là khi xét đến quy mô của lực lượng tăng thiết giáp Việt Nam, cũng như vị trí địa chính trị cực kỳ quan trọng của nước ta. Trong khi đó, chi phí mua mới xe tăng T-90S hiện đại là không hề rẻ. Được sở hữu những công nghệ tiên tiến hàng đầu hiện nay của ngành công nghiệp xe tăng Nga, giá thành của một chiếc T-90S có thể lên tới 5 - 6 triệu USD cho một chiếc. Ảnh: Xe tăng T-90A của quân đội Nga - phiên bản nội địa của T-90S Vậy nên, chúng ta hoàn toàn có thể học theo cách phát triển lực lượng tăng thiết giáp của Trung Quốc và Nga, để đảm bảo vừa có một lực lượng tăng thiết giáp hiện đại trong tương lai, vừa đảm bảo được tính kinh tế và hậu cần. Nhìn vào biên chế lực lượng xe tăng hiện nay của quân đội Nga ta có thể nhận ra một điều, đó là họ không biên chế quá nhiều xe tăng T-90. Trên thực tế, họ chỉ duy trì số lượng vừa phải xe tăng T-90A ở các đơn vị chủ lực và quan trọng, còn lại hầu hết vẫn sử dụng các loại xe tăng T-72B, T-72B3, T-80U và T-80BV. Đây vốn là các xe tăng từ thời Liên Xô và được họ nâng cấp lên chuẩn mới tiệm cận những chiếc T-90A tiên tiến hơn. Với những chiếc T-72B được sản xuất từ thời Liên Xô, đến nay được Nga nâng cấp lại lên chuẩn T-72B3 và hiện đại nhất là T-72B3M Model 2016 có thể nói là tiệm cận thậm chí là ngang ngửa những chiếc T-90A sản xuất mới. Đây là một phương án tiết kiệm chi phí rất lớn mà không hề làm giảm đi sức mạnh của những chiếc xe tăng. Những chiếc T-72, T-80 cũ đều dùng pháo nòng trơn 2A46 có thể dùng chung các loại đạn với xe tăng T-90A do đó đồng bộ rất lớn về hậu cần đạn dược. Các phiên bản nâng cấp cũng sử dụng nhiều ưu điểm của T-90A như giáp phản ứng nổ Kontakt-5, hệ thống kính ngắm đa kênh hay thành phần kiểm soát hỏa lực, do đó rất dễ dàng cho công tác huấn luyện chung.
Ảnh: Phiên bản hiện đại nhất của T-80 do Nga thực hiện - T-80 BVM Lục quân Trung Quốc cũng sử dụng mô hình xây dựng tương tự khi họ chỉ biên chế số lượng vừa phải xe tăng Type-99 và Type-99A hiện đại nhất. Còn lại lực lượng xương sống vẫn là vài nghìn chiếc Type-96 và Type-96A có năng lực tương đương như T-72 và T-72B3 của người Nga. Những chiếc Type-96 và Type-96A đều dùng pháo 125mm nòng trơn giống như Type-99/99A do đó cũng có thể sử dụng chung đạn. Biến thể Type-96A và Type-96B thậm chí còn được đánh giá là nhỉnh hơn T-72B3 của Nga bởi tính cơ động và sức mạnh.
Ảnh: Xe tăng Type-96A của Trung Quốc tại “Tank Biathlon 2015” Những chiếc Type-96 là sự bổ sung vô cùng hợp lý và thay thế dần những xe tăng Type-59, Type-79 và Type-88 cũ hơn trong biên chế lục quân Trung Quốc trong khi chi phí sản xuất rẻ hơn đáng kể và sức chiến đấu tiệm cận với Type-99/99A. Ảnh: Đội hình Type-96A tham gia diễn tập Vì vậy, một hướng đi tiết kiệm mà lại đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa lực lượng xe tăng của lục quân Việt Nam có thể là mua số lượng lớn các xe tăng T-72B nâng cấp từ Nga. T-72B nâng cấp có cấu trúc kíp lái và nhiều thành phần chiến đấu tương đồng với T-90S, cùng dùng chung pháo và chung đạn, dễ dàng trong công tác bảo trì bảo dưỡng và hậu cần đạn dược. Trong khi đó, giá cả của những chiếc T-72B nâng cấp chắc chắn rẻ hơn nhiều so với T-90S hiện đại sản xuất mới. Ảnh: Xe tăng T-72B1MS của lục quân Lào. Những chiếc T-72B nâng cấp này có thể được lấy trực tiếp từ kho xe tăng dự trữ của quân đội Nga vốn có tới hàng ngàn chiếc T-72B được sản xuất từ thời Liên Xô nhưng được bảo quản với tình trạng kỹ thuật cực kỳ lý tưởng. Do đó, thời gian bàn giao xe cũng sẽ nhanh hơn rất nhiều so với xe T-90S sản xuất mới từ đầu. Những chiếc T-72B nâng cấp không chỉ rẻ hơn, thời gian giao hàng nhanh hơn mà sức mạnh cũng không hề kém cạnh T-90S là bao, ít nhất là chúng có thể ngang bằng nhau ở pháo chính, sức sát thương chủ yếu của xe tăng. Ngoài ra, ở bản T-72B3 thì được trang bị giáp phản ứng nổ Kontakt-5 nên khả năng bảo vệ thụ động có thể coi là tương đương với T-90S. Thậm chí ở bản T-72B3M Model 2016 thì khả năng bảo vệ thụ động còn vượt trội cả T-90S. Như vậy, mua sắm số lượng lớn xe tăng T-72B nâng cấp nhằm bổ sung cho lực lượng xe tăng trong thời gian tới là một lựa chọn khá hợp lý. Có thể vừa tiết kiệm chi phí, đồng bộ hậu cần kỹ thuật và gia tăng sức mạnh tăng thiết giáp lên đáng kể. Nhất là hiện nay ta đã có đội ngũ chiến sĩ được tiếp xúc trực tiếp và dày dạn kinh nghiệm điều khiển xe tăng T-72B3 qua các kỳ hội thao quân sự quốc tế ARMY Games. Xe tăng chủ lực T-90S/SK của Việt Nam phô diễn khả năng phòng thủ chủ động. Nguồn: QPVN.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Trung Quốc   Việt Nam   công nghệ tiên tiến   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...