12/01/2021 15:10  
Mục tiêu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7.500 USD (172,5 triệu đồng). Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên năm 2021 với chủ đề "Định hình Chiến lược đầu tư và kinh doanh trong bối cảnh mới", các diễn giả nhận định, dù dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tăng trưởng tốt trong tương lai.

Ông Trần Hồng Quang, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KHĐT) cho biết, quan điểm phát triển của Bộ KHĐT với nền kinh tế là phát triển nhanh, bền vững dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

"Chúng ta cần cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật một cách hiệu quả. Đây là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước", ông Quang nói.

Theo ông Quang, mục tiêu chiến lược về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 là khoảng 7%/năm.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam trong năm 2020 là 3.521 USD (gần 90 triệu đồng). Mục tiêu đến năm 2030, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt khoảng 7.500 USD (172,5 triệu đồng). Và đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Ông Quang cho rằng, để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược kể trên thì ngoài đột phá về thể chế thì cần có đột phá về nguồn nhân lực, phát huy giá trị con người của Việt Nam.

Song song với đó là đột phá về hạ tầng, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, năng lượng, công nghệ thông tin và hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế cấp cao - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng, khát vọng tăng trưởng 7%/năm của Việt Nam trong bối cảnh đất nước phải ứng phó với những bất ổn toàn cầu cũng là một áp lực khá lớn. Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được mục tiêu này nhờ sự ổn định vĩ mô.

"Chính phủ đã làm rất tốt việc ổn định vĩ mô, kỳ vọng trong năm 2021 việc ổn định vĩ mô sẽ tiếp tục được phát huy. Trong 4 năm qua, đầu tư tư nhân đã tăng nhanh chóng, trong khi đầu tư công được siết chặt do tác động của nhiều yếu tố. Dự báo, năm 2021 là năm Việt Nam có sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhờ việc phục hồi đầu tư của doanh nghiệp tư nhân, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng".

"Chúng ta có điều kiện để giảm lãi suất vay trong năm nay. Duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ là động lực thúc đẩy đầu tư doanh nghiệp tư nhân năm 2021 và những năm sau", tiến sĩ Thành nói.

Theo ông Thành, nhờ có dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn đổ vào Việt Nam mạnh mẽ và sức mua trong nước được phục hồi nhờ chuyển đổi số nên năm 2021 sẽ là một năm "sáng sủa" của kinh tế Việt Nam.

Cũng theo ông Thành, động lực tăng trưởng tiếp theo của Việt Nam trong năm 2021 chính là xuất khẩu. Việt Nam là nền kinh tế mở có thị trường xuất khẩu đa dạng. Việc xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc đã bù đắp suy giảm các thị trường khác. Qua năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu mạnh sang Liên minh Châu Âu (EU) và Asean.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, yếu tố quan trọng nhất giúp năm 2020 của Việt Nam vẫn tăng trưởng dương đó là nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp.

Qua khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2020 về tác động của Covid-19 cho thấy các doanh nghiệp đã rất nỗ lực chia sẻ khó khăn để hợp tác vươn lên. Ngoài ra, đầu tư công của Chính phủ cũng chính là giải pháp giúp cho kinh tế tăng trưởng.

"Vào tháng 2/2020, Chính phủ đã đưa ra các giải pháp về tăng trưởng trong Nghị quyết 01. Tuy nhiên, nghị quyết này rất khó hiệu quả vào thời điểm đó. Tổng Cục Thống kê đã đề nghị Chính phủ tăng cường đầu tư công, vì 1 đồng đầu tư công lan tỏa tới thu hút đầu tư tư nhân tới 4,2 đồng", ông Lâm nói.

Theo ông Lâm, năm 2020, giải ngân đầu tư công của Việt Nam đã được thực hiện rất tốt. Nếu cứ tăng giải ngân 1% đầu tư công thì GDP tăng 0,06%. Nếu giải ngân đầu tư công hết năm 2020 thì GDP tăng 0,42%. Ông đánh giá rất cao về nỗ lực của doanh nghiệp và đầu tư công trong năm qua.

Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, thành công của Việt Nam năm 2020 có sự góp sức rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam đã có ý chí bền bỉ trong năm khó khăn vừa qua.

"Qua theo dõi hệ thống ngân hàng, chúng tôi đã từng lo lắng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế từ tháng 4 - 7/2020. Bởi, tính đến tháng 7, tăng trưởng tín dụng chỉ mới đạt hơn 4%, dù Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần hạ lãi suất đến tháng 9/2020. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng đã bắt đầu tăng trở lại từ tháng 8, tăng nhanh trong tháng 11 và tháng 12. Kết thúc năm 2020 với tăng trưởng tín dụng đạt 12,13% nhờ vào việc doanh nghiệp hấp thụ vốn mạnh mẽ", ông Hà chia sẻ.

Theo ông Hà, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã kiên định trong kiểm soát lạm phát nhưng vẫn cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, doanh nghiệp. Với thanh khoản dồi dào của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ ổn định mặt bằng lãi suất và cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế tăng trưởng.

Đại Việt

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Kinh tế   Mục tiêu   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Trung Quốc   Tổng cục   Việt Nam   chiến lược   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   doanh nghiệp   hành vi   hợp tác   sáng tạo   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...