23/01/2021 11:45  

Tờ Korea Times (Hàn Quốc), ngày 22-1, đã dẫn một nguồn tin nắm rõ vấn đề cho biết Tập đoàn Vingroup có ý định mua lại tất cả nhà máy sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) của hãng điện tử LG ở Việt Nam, Trung Quốc và Brazil.

Lời chào mua hấp dẫn 

“Vingroup đang tìm cách mở rộng các ngành công nghiệp kỹ thuật cao để tạo thêm việc làm trong nước...Họ chỉ muốn tìm mua những cơ sở sản xuất, trong khi đó, LG dự định giữ lại mảng nghiên cứu và phát triển (R&D) di động với số lượng nhân sự giảm bớt và làm việc ở đây, ngay tại trụ sở của LG ở Hàn Quốc. Vingroup đang đưa ra lời chào mua hấp dẫn trong số những khách mua tiềm năng”, một quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc, nói với tờ Korea Times.

Korea Times nhận định khi cả hai bên đạt được thỏa thuận, LG có thể chọn hướng đi giống như Apple, trong đó, LG sẽ chịu trách nhiệm thiết kế và hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), còn Vingroup sẽ đảm trách hoạt động lắp ráp sản phẩm như là nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM).

Hiện tại, LG đang vận hành một nhà máy sản xuất smartphone cao cấp ở Hải Phòng, Việt Nam. Tờ Korea Times nhận định Vingroup muốn tận dụng nhà máy này để gia tăng sức cạnh tranh ở mảng smartphone của Vingroup trên toàn cầu đồng thời giúp tạo ra thêm việc làm cho người dân địa phương. Trong khi đó, các nhà máy sản xuất smartphone của LG ở Brazil và Trung Quốc sẽ được sử dụng để tiếp cận các thị trường khu vực dễ dàng hơn.

Trong thư gửi cho nhân viên hôm 20-1, Giám đốc điều hành hãng điện tử LG, Kwon Bong-seok, ẩn ý rằng LG có thể bán mảng sản xuất điện thoại di động. Ông viết: “LG tin rằng chúng ta đã đi đến thời điểm phải đưa ra quyết định tốt nhất về mảng kinh doanh điện thoại di động dựa trên việc cân nhắc tính cạnh tranh hiện tại và trong tương lai của mảng này. Chúng ta sẽ xem xét hướng đi của mảng di động và để ngỏ mọi phương án”. Một lãnh đạo khác của LG nói rõ thêm rằng LG sẽ cân nhắc mọi khả năng bao gồm bán đứt, giảm quy mô hoặc tiếp tục tục duy trì mảng smartphone.

LG liên tục bị các đối thủ bỏ xa

LG đã nỗ lực củng cố mảng smartphone bằng cách mở rộng danh mục sản phẩm và tái phân bổ các các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, nỗ lực này không giúp LG thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nhà sản xuất smartphone hàng đầu như Samsung và Apple. Mảng kinh doanh di động của LG liên tục thua lỗ kể từ quí 2-2015 và cho đến năm ngoái, mức lỗ lũy kế của mảng này đã lên đến 5.000 tỉ won (4,5 tỉ đô la Mỹ).

Vào đầu và giữa thập niên 2000, LG là nhà sản xuất điện thoại di động lớn thứ ba thế giới, chỉ đứng sau Nokia và Samsung. Nhưng LG đã không kịp thời nắm bắt xu hướng đang thay đổi vào lúc đó. Công ty này vẫn sản xuất điện thoại cơ bản vào cuối thập niên 2000, ngay cả sau khi Apple ra mắt iPhone vào năm 2007, mở ra kỷ nguyên của điện thoại thông minh.

Mảng di động của LG bật dậy trở lại vào năm 2013 và 2014 nhờ ra mắt loạt smartphone G2 và G3 nhưng sau đó, gặp khó khăn một lần nữa khi dòng smartphone G4 vấp phải vấn đề quá nóng khi hoạt động. LG đã cố gắng lấy lại hình ảnh bằng cách ra mắt các mẫu smartphone màn hình gập và hai màn hình nhưng cuối cùng dừng sản xuất chúng vì không đủ sức gánh tiếp mức thua lỗ quá lớn.

Các hạn chế hiện nay của LG bao gồm không có bộ phận sản xuất chip riêng giống như Samsung. Điều này buộc LG phải chật vật cạnh tranh với các đối thủ smartphone của Trung Quốc để giành sự hỗ trợ kỹ thuật và nguồn cung chip từ các nhà sản xuất chip di động như Qualcomm.

Facebook, Google cũng muốn mua mảng smartphone của LG

Đài truyền thanh và truyền hình quốc gia Hàn Quốc (KBS) dẫn các nguồn tin xác nhận các ứng cử viên cho thương vụ thâu tóm mảng smartphone của LG gồm Google, Facebook, hãng xe Volkswagen và Vingroup. Facebook đang quan tâm đến việc thâu tóm các bản quyền sáng chế liên quan đến di động và các tài sản sở hữu trí tuệ khác của LG, không bao gồm công nghệ phần cứng.

Dù kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực công nghệ và thiết bị di động của LG có thể là yếu tố hấp dẫn với các bên mua tiềm năng, việc thâu tóm toàn bộ mảng smartphone của LG có thể không khả thi vì công ty này chỉ chiếm 1-2% thị phần smartphone toàn cầu.
Chi phí cho thương vụ thâu tóm sẽ là một gánh nặng khác đối với các bên mua vì mảng truyền thông di động của LG đang sử dụng 3.000 nhân sự và tạo ra doanh thu 4.000 tỉ won (3,6 tỉ đô la) vào năm ngoái.
Một số nhà phân tích cho rằng hiện tại, LG có thể giảm quy mô và tái cấu trúc mảng kinh doanh này trước khi tiến đến thanh lý trong trung hạn hoặc dài hạn.

Theo Korea Times, KBS, Nikkei Asian Review

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Apple   Trung Quốc   Việt Nam   iPhone   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...