13/01/2021 6:05  
Liên quan vụ án sản xuất, mua bán xăng giả lớn nhất cả nước, ngày 12.1, TAND tỉnh Đắk Nông đưa Trịnh Sướng (54 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ Hưng, Sóc Trăng) cùng 38 bị cáo ra xét xử sơ thẩm về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Tuy nhiên, phiên tòa sau đó bị hoãn.

Hoãn phiên tòa do có bị cáo “động kinh”

Dự kiến phiên xét xử sẽ diễn ra trong 18 ngày (từ 12 - 29.1). Tuy nhiên, phiên tòa phải hoãn, dời lịch xét xử sang thời điểm sau Tết Nguyên đán 2021 do vắng mặt 3 bị cáo và nhiều luật sư, người làm chứng. Trong đó, bị cáo Lê Ngọc Lý (mới sinh con, có đơn xin xét xử vắng mặt); bị cáo Nguyễn Lê Minh Hưng (vắng mặt không lý do); bị cáo Lê Châu Phước Hưng (có giấy chứng nhận bị động kinh, có đơn xin hoãn xử).
Theo cáo trạng, từ đầu năm 2019, Công an tỉnh Đắk Nông đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an tiến hành triệt phá nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả tại Đắk Nông, Sóc Trăng, Cần Thơ, TP.HCM… Tổng cộng, có 39 bị cáo ở 18 tỉnh, thành bị cơ quan tố tụng tại Đắk Nông truy tố về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Các bị cáo trong vụ án trên đã pha chế, bán ra thị trường 167 triệu lít xăng giả, thu lợi bất chính hơn 136 tỉ đồng. Riêng Trịnh Sướng được xác định tổ chức sản xuất hơn 137 triệu lít xăng giả các loại, thu lợi bất chính hơn 102 tỉ đồng. Theo cơ quan điều tra, nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị can là do hám lợi. Tuy nhiên, một phần cũng do sự quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan hành chính nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, hóa chất.

Xăng giả gây ảnh hưởng đến an toàn của động cơ xe

Theo cơ quan điều tra, từ năm 2017, Trịnh Sướng biết cách pha chế dung môi (Naphtha, Solmix, Orgasol, BMSol White, BMSol Petro) với xăng nền, hóa chất tăng RON (Toluene, MTBE, Xylene, Ethanol) và hỗn hợp màu Azo để tạo thành xăng A95, E5, RON 92 nên đã tiến hành pha chế xăng giả bán ra thị trường để trục lợi. Cụ thể, nhóm Trịnh Sướng pha chế xăng A95 giả theo công thức: “Xăng A95 thật 30%, dung môi, Toluene, MTBE 70%, cộng với bột màu vàng Azo”. Xăng A92 giả được pha chế theo công thức: “Xăng A95 thật 25%, dung môi, Toluene, MTBE 75%, cộng với bột màu vàng Azo”. Xăng E5 Ron 92 được pha chế bằng công thức: “Xăng A95 thật 20%, dung môi, MTBE, Toluene 75%, Etanol 5% với dung dịch Azo màu xanh”.
Trong quá trình điều tra, Công an tỉnh Đắk Nông đã gửi hơn 100 mẫu vật chứng đến Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, Phân viện Khoa học hình sự thành phố Đà Nẵng thuộc Viện Khoa học hình sự để giám định. Kết quả giám định cho thấy nhiều mẫu xăng giả có thành phần là hydrocarbon (nguồn gốc từ dầu mỏ và phụ gia), có chất lượng không phù hợp quy định đối với xăng E5 RON 92. Bên cạnh đó, kết quả giám định còn xác định nhiều mẫu vật chứng là hợp chất màu Azo (hóa chất công nghiệp), thường được sử dụng trong ngành công nghiệp nhuộm. Ngoài ra, còn có hàng chục ngàn lít dung dịch trong vụ án được xác định là hỗn hợp của sản phẩm dầu mỏ phân đoạn dầu nhẹ pha với dung môi MTBE (Metyl Tert - Butyl Ether), không phải là xăng nên không thể sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu cho động cơ.
Theo một lãnh đạo Viện KSND tỉnh Đắk Nông, xăng giả sẽ gây ảnh hưởng đến năng suất, an toàn của động cơ các loại xe cơ giới. Tuy nhiên, quá trình điều tra chưa có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc xăng giả trong vụ án của Trịnh Sướng và đồng phạm gây ra cháy nổ ở động cơ các loại xe cơ giới.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Công an   HCM   hành vi   sản xuất   Đà Nẵng   Đắk Nông  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...