14/01/2021 21:45  

Xâm nhập mặn đến sớm, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam vừa có bản tin dự báo đột xuất về tình hình nguồn nước trên sông Mê Kông và những ảnh hưởng của xâm nhập mặn dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trần Bá Hoằng, Viện trưởng Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trích dẫn trong bản tin rằng, Trung Quốc đã giảm xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu từ ngày 5-1 đến ngày 24-1 để bảo trì lưới điện. Do đó, lưu lượng nước xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu sẽ giảm xuống còn khoảng 1000 m3/giây, tức giảm 904m3/giây so với trước đó. Đây được xem là yếu tố bất lợi cho sản xuất ở vùng đồng bằng khi mà lượng nước trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie (đầu châu thổ Mê Kông) đang giảm nhanh.

Dự báo, việc Trung Quốc giảm lượng nước xả ra từ thủy điện Cảnh Hồng sẽ ít ảnh hưởng đến lưu lượng nước trên sông Mê Kông về đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 1 nhưng sẽ ảnh hưởng mạnh đến dòng chảy của sông Mê Kông trong tháng 2 (khoảng thời gian Tết Nguyên đán Tân Sửu).

Cũng theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, thời kỳ ảnh hưởng bởi giảm lưu lượng nước xả nêu trên mạnh nhất đúng vào những ngày tết cổ truyền, từ 25 tháng Chạp năm Canh Tý đến mùng 5 tháng Giêng năm Tân Sửu. Thời điểm này, nước mặn 4g/l (độ mặn 4‰) có thể xâm nhập vào sâu trên dòng chính, các cửa sông Cửu Long từ 50-70km và 85-95km trên sông Vàm Cỏ.

“Thời gian này, có rất nhiều loại cây trồng cần được cung cấp nước, không chỉ lúa, cây ăn trái vùng ven biển mà trên toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, do đó, bà con nông dân phải hết sức lưu ý việc đưa nước vào ruộng, vườn, mương, ao tích trữ nước trước thời gian này, vì theo dự báo dòng chảy sông Tiền, sông Hậu sẽ ít nước hơn hàng năm ở thời gian nêu trên”, bản tin của Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cảnh báo.

Theo vị lãnh đạo viện này, những năm gần đây, tình hình xâm ngập mặn ngày càng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất nông nghiệp của bà con các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Nguyễn Văn Bảy, một thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Giồng Trôm (xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), cho biết, trong khoảng 2-3 năm gần đây, tình hình hạn hán, thiếu nước tưới và xâm nhập mặn diễn biến thất thường và ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến việc trồng bưởi của gia đình ông.

Vào năm trước, tình trạng xâm nhập mặn đã khiến một lượng lớn cây trong vườn bưởi của ông Bảy bị chết, một số cây khác cho trái có chất lượng giảm đi so với thời điểm trước đó. Cụ thể, trong điều kiện thuận lợi, trái bưởi trong vườn ông Bảy đạt độ ngọt (độ Brix) khoảng 10% nhưng hiện nay, ông kiểm tra thấy độ ngọt chỉ còn khoảng 6%, trái bưởi ăn có vị chua nhiều hơn trước. Kèm theo đó là trái bưởi bị xấu mã, nhỏ trái…

Nỗi lo lắng không có bưởi xuất đi thị trường Mỹ

Vì chất lượng trái bưởi bị sụt giảm nên hiện tại, giá bưởi da xanh ở Bến Tre được thương lái thu mua với giá khá thấp, chỉ 25.000 đồng/kg cho trái loại 1, loại trái đạt trọng lượng từ 1,2kg trở lên, có mẫu mã đẹp, da láng, cuống thẳng.... Còn loại 2, loại 3 là loại trái có trọng lượng nhỏ hơn hoặc bị các lỗi nào đó như da không đẹp, bị sâu chích… chỉ có giá khoảng 20.000 đồng/kg.

Trong khi trước đây, dịp cận Tết Nguyên đán, giá bưởi da xanh đạt khoảng 80.000-90.000 đồng/kg. Còn các tháng khác trong năm, giá bán trung bình cũng đạt khoảng 50.000 đồng/kg đối với trái bưởi da xanh loại 1, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

“Đó là giá do thương lái vào vườn cắt. Còn nếu nhà vườn tự mang ra vựa bán thì có thể được giá 30.000 đồng/kg nhưng tỷ lệ trái đạt yêu cầu rất thấp, chỉ 40-50% so với cách hái của thương lái. Nghĩa là trong 10 trái loại 1 thương lái vào vườn cắt thì đem ra vựa cũng chỉ còn được có 4-5 trái, phần còn lại, loại 2, loại 3 vựa họ không mua”, ông Bảy cho biết thêm.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group, cũng cho biết, bưởi da xanh hiện là một trong những loại trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Dự kiến trong quí 1 này, Mỹ sẽ hoàn tất thủ tục cho phép Việt Nam xuất khẩu bưởi da xanh vào thị trường này.

Tuy nhiên, Vina T&T đang lo tình trạng xâm nhập mặn sẽ ảnh hưởng mạnh đến chất lượng trái bưởi. Từ đó, không đủ sản lượng bưởi đạt tiêu chuẩn cho các đơn hàng xuất khẩu.

“Hiện tại, chất lượng trái bưởi da xanh đang không tốt, nếu xuất khẩu sẽ ảnh hưởng đến uy tín của hình ảnh trái bưởi Việt Nam khi lần đầu chinh phục người tiêu dùng Mỹ”, ông Tùng thông tin.

 

Bà Phan Thị Kim Loan, đại diện cơ sở Hương miền Tây, một doanh nghiệp xuất khẩu bưởi da xanh lớn ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cũng thông tin, thông thường, chỉ có khoảng 30% sản lượng bưởi da xanh thu hoạch hằng năm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Phần còn lại dùng tiêu thụ tại thị trường nội địa.

Từ tháng 2 đến tháng 4 (tức từ sau thời điểm Tết Nguyên đán), nước mặn xâm nhập vào đồng ruộng khiến vườn cho sản lượng trái ít hơn, trái cũng nhỏ hơn, mẫu mã không đẹp… Ngoài ra, những năm gần đây, xâm nhập mặn đã khiến nhiều vườn bưởi bị chết cây, chết cành đã làm giảm sản lượng trái nhiều hơn. Do đó, sản lượng bưởi đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cũng giảm mạnh.

Hiện tại, ngoài vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì cây bưởi được trồng thêm nhiều ở vùng miền Đông Nam bộ giúp bổ sung sản lượng bưởi cung cấp ra thị trường và xuất khẩu. Tuy nhiên, chỉ một số vùng cây bưởi cho chất lượng trái tốt, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Còn lại, một số vùng núi cao, kỹ thuật trồng cây có múi của nông dân chưa tốt nên chất lượng trái chưa đạt so với tỉnh Bến Tre, là địa phương chuyên canh bưởi từ nhiều năm nay.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Bến Tre   Trung Quốc   Việt Nam   chinh phục   doanh nghiệp   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...